THƯ NGỎ

WELCOME TO TV6269

Các bạn thân mến,

Năm 1962 chúng mình bước vào Trưng Vương bằng những bước chân ngập ngừng của những cô bé lớp Đệ Thất ngây thơ. Rồi 7 năm học trôi qua những kỷ niệm với bạn bè, với Thầy Cô, với lớp học, với ngôi trường yêu dấu đã để lại trong ký ức của chúng mình tình bạn thân thiết và những kỷ niệm êm đềm, mơ mộng của một thời áo trắng TV.

Ngày nay tuy ở khắp mọi nơi, chúng mình đã tìm gặp lại nhau. Xin chào mừng tất cả các bạn và ước mong qua trang Blog Trưng vương 62-69 này sẽ là nơi gặp gỡ thân ái để TV6269 cùng ra chơi, vui đùa như ngày xưa trong sân trường yêu dấu.

TV6269







Monday, May 26, 2014

TÒ HE

TÒ HE
 



Tò he là một loại đồ chơi dân gian của trẻ em Việt Nam, có thể ăn được. Ngày nay, nặn tò he là một nét văn hóa dân gian ở các vùng quê Việt Nam, đặc biệt là Bắc Bộ. Nặn tò he xuất hiện tại miền Nam Việt Nam không rõ từ lúc nào nhưng có lẽ là do các nghệ nhân miền Bắc di cư vào Nam, tuy nhiên, mức độ phổ biến không bằng tại miền Bắc.


Một nghệ nhân đang làm tò he
Ban đầu, tò he là sản phẩm làm bằng bột dùng để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật như công, , trâu, , lợn, ... vì vậy, người ta gọi sản phầm này là "đồ chơi chim cò". Một số vùng tại miền Bắc, người ta còn gọi là "con bánh" vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... tạo thành mâm cỗ để đi chùa dâng cúng. Sản phẩm này có màu sắc tương đối giống đồ thực và có pha thêm chút đường nên có thể ăn được. Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh "tò te" thế nên có lẽ người ta gọi là "tò te", sau này nói trại thành "tò he".
 Hà nội , 2013
Nơi có truyền thống về tò he là làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Theo cách của làng này thì nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo có trộn ít nếp theo tỉ lệ 10 phần gạo, 1 phần nếp (sẽ cần phải cho thêm nhiều nếp để giữ được độ dẻo của sản phẩm nếu thời tiết nóng, hanh khô), trộn đều, ngâm nước rồi đem xay nhuyễn, luộc chín và nhào nhanh tay. Sau đó, người ta nắm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu riêng từng vắt. Bốn màu cơ bản là vàng, đỏ, đen, xanh. Trước đây, người ta sử dụng màu có nguồn gốc từ thực vật và đun sôi với một ít bột: màu vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc hoặc dành dành, màu đen thì đốt rơm rạ hoặc dùng cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá chàm hoặc lá riềng. Các màu sắc trung gian khác đều được tạo từ bốn màu này. Bây giờ, người ta chuyển sang sử dụng màu thực phẩm công nghiệp vì tiện ích của nó.

 

Ngày nay, các nghệ nhân không chỉ nặn tò he với hình thù đơn giản về các con vật, các loại trái cây… nhưng còn nặn nhiều hình thù phong phú khác: 12 con giáp, nhiều nhất là các nhân vật mà trẻ con yêu thích như Aladin, Đôrêmon, Pokémon, Tề Thiên, Trư Bát Giới, Na Tra
Các nghệ nhân thường di chuyển xa nhà, rong ruổi trong các phiên chợ quê, các làng xóm, phố phường để nặn tò he bán, nhất là khi nơi nào có đình đám, hội hè. Hành trang đồ nghề của họ khá đơn giản: một con dao nhỏ, vài que tre, chút sáp ong, một cái lược và một thùng xốp để cắm tò he lên trưng bày.

Saturday, May 24, 2014

MỘT NGÀY VỚI BẠN CŨ

MỘT NGÀY VỚI BẠN CŨ

Giữa cũ và mới, thông thường chúng ta đều thích những cái mới . Nhưng có một thứ mà cũ lại có giá trị hơn mới. Đó chính là những người bạn cũ. Những người bạn cũ mà hơn nửa thế kỷ cùng chung một mái trường, cùng chung một lớp học , cùng chia sẻ với nhau biết bao là kỷ niệm. Tôi vẫn rất thích câu thơ của một anh bạn thời còn là sinh viên của trường Đại học Sư Phạm tên là Cao Nguyên.

Bạn cũ quý hồ như rượu cũ
Càng ủ lâu ngày lại càng ngon.

Thật vậy, tình bạn của chúng tôi, những cô nữ sinh của trường Trung Học Trưng Vương ngày nào , ngày càng thắm thiết và đậm đà theo thời gian.
Cô bạn cũ đó là bạn Thanh Bình ở Stockton xuống Cali . Và chúng tôi nhóm TV vùng quận Cam đã có một ngày vui bên bạn.

Từ tuần trước, bạn tôi đã gọi điện thoại báo là sẽ xuống Cali sẽ họp mặt với chúng tôi. Thư rủ rê họp mặt đã được gửi đi . Ngọc Anh và Minh Hạnh đã mau mắn hồi âm.

Sáng hôm nay, trời Cali thật đẹp, bầu trời nhiều mây , ánh nắng vàng vọt, khí trời man mát . Đi được nửa đường mới biết quên máy chụp hình, lại quay về nhà. Trên đường đi, điện thoại reng , biết là của chủ xị Thanh Bình, nhưng không dám trả lời . Đến nơi hẹn, thấy bóng bác phán Mỹ thấp thoáng. " Chả thấy ma nào , mày ạ". Hai đứa gọi cho Bình, nàng đang trên đường đến. Hai đứa tôi vào nhà hàng, gặp Minh Hạnh, rồi Xuân Dung và Ngọc Anh cũng xuất hiện . Năm nàng chễm chệ ngồi vào bàn nghiên cứu thực đơn và không quên ghi lại kỷ niệm.

Và rồi chủ xị cuối cùng cũng đến. Tay bắt , mặt mừng, kể lể chuyện trò . Thôi thì bao nhiêu chuyện trong nhà, ngoài phố được chia sẻ cùng nhau. Sáu đứa chúng tôi, thêm 4 chị là vợ của các ông Chu văn An , tiếng nói, tiếng cười lại thêm rộn ràng. Lại bên nhau, lại chụp hình.
 T->P, ngồi: Minh Hạnh, Mỹ, PLan, N.Anh
           đứng: Xuân Dung, Thanh Bình

Chiếc vòng đeo tay , đôi bông tai và sợi dây chuyền bằng đá tím  thật dễ thương là quà sinh nhật Thanh Bình tặng tôi khi bạn  đến New Zealand . Vốn nhà quê, không xỏ lỗ tai , cho nên tôi bèn tặng lại cho Ngọc Anh. Tháng sau là sinh nhật Ngọc Anh và Minh Hạnh, bông hoa sen trắng là quà của N.Anh và sợi dây chuyền có thánh giá màu xanh lục là quà của Minh Hạnh. Cám ơn cô bạn cũ Thanh Bình nhé.


Minh Hạnh và tôi hình như có giác quan thứ sáu hay sao ấy. Linh cảm sẽ có quà, cho nên tôi mặc áo tím và Hạnh mặc áo xanh lục. Thế cơ chứ!

Chúc mừng Thanh Bình sắp có thêm cháu ngoại. Thêm cháu, thêm niềm vui, thêm bận rộn...
Chúc mừng M.Hạnh có nhà mới ở Huntington Beach . Thế là chúng tôi, nhóm TV quận Cam , Hồng Phúc, Xuân Dung, Mỹ, Phúc B , Minh Hạnh và tôi ở cùng một thành phố. Thật là ngẫu nhiên và thích thú !
Chúc mừng Ngọc Anh  dù ở tận Torrance, nhưng vẫn là anh hùng xa lộ có mặt trên từng cây số. Cứ như vậy, Ngọc  Anh nhé.
Chúc mừng Mỹ vẫn có nhiều sức khỏe để chăm sóc cho đàn con ( chó) 8 đứa!!! Hi hi hi
Chúng mình cùng câu nguyện cho bạn Xuân Dung được nhiều bình an cho cuộc giải phẫu sắp đến . Chúng mình luôn ở bên bạn.

Đây là niềm vui và hạnh phúc của các bạn tôi.

  Cứ thế, chúng tôi nói, chúng tôi nghe bao nhiêu chuyện mà chúng tôi cần chia sẻ. Rồi cũng phải chia tay khi đồng hồ chỉ 3:00PM . Mỹ đưa Thanh Bình đi làm đẹp rồi đưa bạn về nhà bà sui. Dặn dò N.Anh lái xe cẩn thận , M.Hạnh và tôi cũng lưu luyến chia tay. X. Dung về trước vì còn một cuộc hẹn khác.

Một ngày với bạn cũ : được ăn ngon, được nói nhiều, được nghe nhiều, được học thêm nhiều. Vui và hạnh phúc. Cám ơn Thanh Bình.

Phương Lan HB
11:45PM 05/24/2014

Sunday, May 18, 2014

TÂM TÌNH VỚI CÁC BẠN GIÀ

TÂM TÌNH VỚI CÁC BẠN GIÀ
Các bạn già ơi,
Cái trang web của TV6269 dạo này cũng ít thông tin quá. Mà PLan ta vẫn thích 888 với cái nhóm nhỏ của mình.
 Các bạn già vẫn khỏe mạnh , vui và hạnh phúc với những gì mình có chứ? PLan ta đã nhận được lời nhắn của Hưng sáng hôm qua. Cám ơn Hưng nhé. Sorry chưa gọi lại cho mày vì bận rộn với việc hút bụi, giặt đồ, sau đó lại xuống hội trường dự sinh nhật của 1 bà VN lên 94 tuổi. Con cháu bà tổ chức , đông , vui và thật là cảm động. Buổi tối, Nội gọi, hai đứa 8888 mãi đến 11:30 PM . Vui thật vui.
Gặp nhau ở Văn Thánh , mùa xuân 2013
Hòa ơi, mày vẫn vui với công việc tổ chức đi đó đây cho các bạn già trong xóm. Nhớ giữ sức khỏe để hưởng thụ cuộc sống nhé.


Việt Hải ơi, được nói chuyện với mày, PLan ta vui quá xá cỡ. Những tiếng cười làm tao thêm yêu đời và hạnh phúc. Chịu khó để ý đến việc ăn uống nhé. Hiểu và thông cảm với việc thích ăn ngon của mày. PLan ta cũng ham ăn ngon lắm cơ.

Gặp nhau ở nhà PLan , giỗ đầu người bạn đời
Thanh Tịnh ơi, đang đếm ngược thời gian đây . Dù có gặp mày ở SD hay OC, tao cũng nhất định lên SJ, ba đứa mình sẽ chụp nhiều hình để làm kỷ niệm . Dễ gì mà có dịp may hiếm có này.  Bà chị tao cũng ở trên đó . Nhất cử, hai ba tiện...

Hưng ơi, cám ơn những ân cần của mày với tao . Tao vui và cảm động vô cùng. Mày cũng phải giữ sức khỏe nhé. tao thấy mày cũng bôn ba và vất vả với gia đình nhiều lắm đó . Chút nữa, tao sẽ đến nhà vợ chồng bạn thân nhất của ông xã tao. Hai ông là bạn của nhau thời tiểu học cho đến Đại học. Tao may mắn có nhiều tình thân của gia đình, của bạn bè, của học trò , bởi vì ông xã tao đang ở một nơi an lạc và luôn phù hộ cho tao.

Gặp nhau ở San Jose , năm 2010
Mùa phượng tím báo hiệu hè đến. Hai hàng phượng tím thơ mộng và lãng mạn lắm. Bỗng nhớ mình cũng có tấm hình với phượng tím, bèn khoe khoang với các bạn già.
Chúc cả nhà mình vui , khỏe. Mong lắm một ngày bọn mình bên nhau.
PLan. 
P.S: Hưng ơi, tao lạc mất mấy tấm hình của 4 đứa mày ở VN rồi ( Hòa, Dung, Tịnh, Hưng). Mày gửi lại cho tao nhe. Cám ơn mày . Sorry bé Tịnh nhé.



Saturday, May 17, 2014

BẢN DI CHÚC CỦA VUA TRẦN NHÂN TÔNG

Bản di chúc của vua: Trần Nhân Tông
 
Ông đã để lại bản di chúc dặn dò con cháu, cũng là lời dặn dò cho muôn đời hậu thế nước Việt, gần ngàn năm qua vẫn còn nguyên chân giá trị!
 
“Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm
những điều bậy bạ, trái đạo”
Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo.
Cho nên cái hoạ lâu đời của ta là hoạ nước Tàu.
Chớ coi thường chuyện vụn vặt nảy ra trên biên ải.
Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn.
Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước.
Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp.
Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta.
Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san
của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích.
Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn:
“Một tấc đất của Tiền nhân để lại, cũng không
được để lọt vào tay kẻ khác “.
Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc
cho muôn đời con cháu”.
 
Vua Trần Nhân Tông (陳仁 ; 1258 – 1308), tên thật là Trần
Khâm ( ) là vị vua thứ ba của nhà Trần (sau vua cha Trần
Thánh Tông và trước Trần Anh Tông) trong lịch sử Việt Nam.
Ông ở ngôi 15 năm (1278 – 1293) và làm Thái Thượng hoàng 15 năm. Ông là người đã thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy pháp hiệu là Đầu đà Hoàng giác Điếu ngự. Ông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam. Sau khi nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, ông xuất gia tu hành tại cung Vũ Lâm, Ninh Bình, sau đó rời đến Yên Tử (Quảng Ninh) tu hành và thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà).
Ông là tổ thứ nhất của dòng Thiền Việt Nam này. Về sau ông được gọi cung kính là “Phật Hoàng” nhờ những việc này.
Ông qua đời ngày 3 tháng 11 âm lịch năm 1308, được an táng ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, xá lỵ cất ở bảo tháp am Ngọa Vân; miếu hiệu là Nhân Tông, tên thụy là Pháp Thiên Sùng Đạo Ứng Thế Hóa Dân Long Từ Hiển Hiệu Thánh Văn Thần Võ Nguyên Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế.
 
Sưu tầm trên net.

Sunday, May 11, 2014

NHỮNG MÓN QUÀ VÔ GIÁ

NHỮNG MÓN QUÀ VÔ GIÁ!
 
 
Có những món quà bạn không cần phải mua nhưng lại vô cùng ý nghĩa và có giá trị lớn lao khi bạn trao tặng cho bạn bè, người thân và cho cả chính bạn...
 
Món quà của SỰ LẮNG NGHE.
Hãy thật sự lắng nghe, chia sẻ những nỗi đau, tâm sự vui buồn cùng người khác. Hãy lắng nghe không chỉ bằng đôi tai mà bằng tất cả tấm lòng.
 
Món quà của SỰ QUAN TÂM.
Hãy dành thời gian để quan tâm đến người thân, bạn bè đồng nghiệp, xem những vấn đề của họ như là của chính bạn. Hãy để mọi người cảm nhận tình cảm của bạn qua những hành động bạn thể hiện hàng ngày.
 
Món quà từ SỰ TRÌU MẾN:
Hãy thể hiện sự trìu mến với những người thân yêu bằng những lời nói ân cần và cử chỉ trìu mến, bạn sẽ thấy điều kỳ diệu.
 
Món quà từ NHỮNG NỤ CƯỜI.
Nụ cười là một ngôn ngữ không lời nhưng có khả năng lan tỏa sức mạnh đến người khác nhanh nhất. Một nụ cười làm niềm vui nhân đôi, làm nỗi buồn trở nên nhẹ bỗng. Hãy trao tặng nụ cười cho tất cả những người xung quanh.
 
Món quà từ SỰ GIÚP ĐỠ:
Mỗi ngày hãy chủ động làm một vài điều tử tế, bạn sẽ thấy cuộc sống thật vui vẻ và nhẹ nhàng.

Món quà của NHỮNG LỜI KHEN TẶNG.
Những câu nói giản đơn nhưng chân thành như “Hôm nay trông bạn thật rạng rỡ!”, “ Bạn làm việc đó thật tốt”, hay “Bữa ăn hôm nay thật tuyệt vời!”… sẽ tạo thêm niềm vui và phấn chấn cho người khác.
 
Món quà của SỰ SÁNG TẠO.
Mỗi ngày hãy thực hiện một điều bất ngờ nho nhỏ cho bạn bè và gia đình. Chắc chắn bạn cũng sẽ nhận được những điều bất ngờ thú vị từ họ.
 
Món quà của SỰ TĨNH LẶNG.
Là những khoảnh khắc bạn thực sự chỉ muốn yên lặng một mình. Hãy trân trọng thời khắc quý báu này và trao món quà của sự tĩnh lặng cho người khác đúng lúc.
 
Món quà của SỰ TRI ÂN.
Những lời đơn giản nhất để bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm, chia sẻ của người khác chính là “Chào bạn!” và “Cảm ơn” cùng nụ cười chân thành…
 
Món quà từ NHỮNG MẨU GIẤY VIẾT TAY:
Hãy viết ra từ những lời chân thật, dù rất ngắn, nó có sức mạnh phi thường đấy, dù nó là dòng chữ “cảm ơn bạn đã giúp đỡ tôi” hay “xin lỗi vì mình đã quá nóng với bạn”. Hay thậm chí một bài thơ hay một lời khuyên đẹp. Chính những điều nho nhỏ đó, có thể đi suốt cuộc đời ta.
Khi bạn trao tặng những món quà này cho bất kỳ ai cùng với một ánh mắt khích lệ chính là tấm chân tình của bạn, chắc chắn chúng sẽ trở thành những món quà vô giá, cho người nhận và cả cho người trao tặng!
 
PHẠM NGỌC LIỄU ( France)  sưu tầm
05/11/2014




Saturday, May 10, 2014

MỪNG SINH NHẬT NHAU

MỪNG SINH NHẬT NHAU

" Bạn cũ quý hồ như rượu cũ
Càng ủ lâu ngày lại càng ngon
Chén mừng nâng biết bao cho đủ
Chuyện xưa kể mãi cũng vẫn còn"
Cao Nguyên

 Cứ mỗi lần có dịp gặp lại bạn cũ trên xứ người, tôi lại nhớ đến những câu thơ của một người bạn thân cùng học chung lớp ở Đại học Sư Phạm. Hình như  những câu thơ này hợp với tâm trạng của  chúng tôi trong những lần họp mặt.

Đã hẹn hò nhau , chiều thứ bảy , sẽ họp mặt tại nhà Xuyến để tâm tình, trò chuyện và mừng sinh nhật tháng 5.Tối thứ sáu, gọi Xuyến , Xuyến bảo đang trên đường đi Las Vegas . Bạn tôi cười hì hì. Thế cơ chứ!
 Sáng thứ bảy, nhận được thư của bạn báo rằng , bạn vẫn còn ở Las Vegas , dặn tôi đi lấy bành sinh nhật bạn đã đặt và nói họp mặt nhà Lan cho tiện.. Gọi Minh Hải, bạn tôi đang lo cho Mẹ và còn bận bịu với gia đình, cho nên sẽ không tham dự được. Buồn....
Gọi cho các bạn Oanh , Tuy, Châu Hà thông báo đã đổi nơi họp mặt. Ở độ tuổi như chúng tôi, còn gặp được nhau thì cứ vui .

Vợ chồng Châu Hà đến sớm nhất, Rồi Oanh và vợ chồng Tuy cũng có mặt. Căn phòng nhỏ của tôi bỗng ấm áp làm sao!


 Bốn đứa chúng tôi, Tuy , Oanh , Châu Hà, PLan bên nhau, với nụ cười tươi trẻ. Mỗi một tấm hình sẽ là một kỷ niệm đẹp trong đời.


 Chúng tôi cùng hát Happy Birthday  mừng sinh nhật nhau để bắt đầu buổi tiệc . Chỉ có 6 người thôi mà thực đơn thật phong phú . Này nhé, bánh bột lọc, bánh nậm ( Châu Hà), bánh ướt thịt nướng( PLan) , chè đậu trắng( Oanh), đặc biệt nhất là món gỏi xu hào tôm , thịt thơm mùi lá chanh ,cây nhà lá vườn của Tuy , vô cùng hấp dẫn, lần đầu tiên được thưởng thức . Bánh sinh nhật của Xuyến thật ngon và thật đẹp. Cám ơn bạn vàng Xuyến nhé.



Vừa ăn, vừa nói chuyện , từ chuyện này sang chuyện khác . Câu chuyện lan man đến thi sĩ Tản Đà với quan niệm của ông  " tthức ăn ngon, chỗ ngồi ngon, người cùng ăn ngon thì mới ngon". Và 4 đứa chúng tôi cùng đồng thanh " ngon, ngon, ngon và ngon" . Niềm vui và hạnh phúc khi được cùng trò chuyện, cùng ăn không phải ai cũng may mắn có được.Chúng tôi cùng nhau mừng tuổi mới . Thêm tuổi, thêm sức khỏe, thêm an lạc.


Ba đứa chúng tôi cùng học chung dưới mái trường Đại học Sư Phạm, khác lớp, chỉ biết nhau , cười khi gặp nhau, Thế nhưng  ở quê người, chúng tôi bỗng trở nên gần gủi, thân thiết . Và hôm nay , chúng tôi bên nhau mừng tuổi mới , vui biết là bao!


 Ba bàn tay , ba nụ cười, một niềm vui và hạnh phúc cho ngày sinh nhật tháng 5. Ba đứa tôi cũng có những tấm hình chụp một mình bên cùng một chiếc bánh để khoe khoang với bạn của mình. Hi..hi..hi...

Tuy, cô em nhỏ tuổi nhất
Được ăn, được nói lại được gói mang về vẫn là một thông lệ trong những lần họp mặt. Anh Biên và Tuy về trước . Còn lại anh Thiên, Châu Hà, Oanh và tôi tâm tình cởi mở đủ mọi chuyện trên đời , chia sẻ với nhau về cuộc sống , về những đau nhức cánh tay của cô em út Châu Hà . Đồng bệnh tương lân, Oanh cố vấn nên đi châm cứu. Cứ lan man từ chuyện này sang chuyên khác, mãi đến 9:20PM mới thật sự tạm biệt nhau .

Cám ơn các bạn đã để lại những ấm áp trong lòng tôi . Giá mà có Xuyến và Hải nữa thì vui biết chừng nào. Nhưng mà trời cho bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu. Và đó là hạnh phúc.

PHƯƠNG LAN hb
11:50PM
05/10/2014



CHÀO BUỔI SÁNG TINH MƠ

CHÀO BUỔI SÁNG TINH MƠ 
Michael Carroll 
Chuyển ngữ: Diệu Liên Lý Thu Linh,
Diệu Ngộ Mỹ Thanh & Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam

Nhân loại khắp nơi trên thế giới mỗi sáng thức dậy, lặng lẽ chuẩn bị công việc làm. Người nông dân suy nghĩ về thời gian gặt hái trên con đường quen thuộc ông đi mỗi sáng; người mẹ lặng lẽ soạn quần áo cho các con chuẩn bị đến trường chỉ ít phút trước khi chúng thức dậy; bác tài xế xe tải vừa uống tách cà phê vừa thử bánh xe và các dây chằng; anh nhân viên ngân hàng hít sâu vào ngực hơi sương trên sông khi chạy bộ lúc rạng đông. Buổi sáng mang đến cho hầu hết chúng ta những giây phút tĩnh lặng trước khi bắt đầu một ngày, thời gian mà thiên nhiên dành cho ta để cảm nhận mạch sống của cuộc đời và quán tưởng đến một ngày làm việc trước mắt.
Trong cái tĩnh lặng của buổi sáng sớm, tự nhiên chúng ta cảm thấy thật thư thái. Chỉ trong khoảng khắc đó, chúng ta mới có thể để cho cuộc sống của mình được thông thoáng. Tắm táp, thay áo quần, nhấp tách trà, thả bộ đến trạm xe buýt, tất cả là những thói quen đơn giản, lặng lẽ, đằm thắm và sảng khoái. Chúng ta một mình trong những khoảnh khắc đó, dầu ngắn ngủi đến đâu; chỉ có ta, với cuộc sống thêm lần nửa khai mở. Một ngày trước mắt có thể giao cho ta bao trách nhiệm nặng nề, như là điều hành cơ quan chính phủ hay một lớp học; chúng ta có thể có một số công việc nhất định phải hoàn thành, như là chữa trị một trái tim đau hay một cây cầu hư hoại. Nhưng trước khi ta lại bắt đầu tất cả những công việc ấy, chúng ta chỉ ‘mình ta với ta’, vì thế hãy tử tế với bản thân bằng một cung cách đơn giản nào đó.
Trong nhịp độ vội vã của mình, chúng ta có thể lướt qua những khoảng khắc bình thường, lặng lẽ như thế. Có thể là vì gia đình chín người của ta chỉ có một phòng vệsinh, nên cả buổi sáng chúng ta phải hối thúc nhau vội vã. Có thể vì ta thích ngủ muộn, nên chỉ còn đủ thì giờ để phóng như điên đến trạm xe buýt hay xe đi chung với bạn. Phải đưa con đến trường, phải kiểm thư điện tử, và di động reo vang ngay cả trước khi chúng ta bước được ra khỏi nhà. Các nhu cầu cấp bách này có thể chiếm lĩnh khoảng thời gian yên tĩnh trong buổi sáng của ta, cướp đi khoảnh khắc riêng tư của thói quen, thải ta vào một ngày làm việc đầy vội vã, và lo âu. Nhưng ngay đến như thế, ngay cả khi sự hỗn loạn dường như quá lớn, xâm lấn, đe dọa, thì những buổi sáng tinh mơ cũng vẫn đeo đẳng ta, thúc giục ta hãy chậm bước, hãy buông thư dầu chỉ trong giây lát.
Biết đón nhận sự riêng tư của những thói quen ban sáng khích lệ ta chấp nhận lời mời gọi của buổi sáng để kéo dài khoảnh khắc yên tĩnh và để cho không gian dịu êm được ghé vào cuộc đời ta. Chúng ta có thể coi các thói quen buổi sáng như là sự thực tập hằng ngày, một khoảng thời gian cốt yếu dành cho sự quán chiếu tâm linh và thiền định. Hành thiền buổi sáng là cách dành thời gian tôn kính Phật để bày tỏ sự tôn trọng bản thân và cuộc sống. Mỗi sáng, trong những gia đình hay cộng đồng Phật tử trên khắp thế giới, một ngày bắt đầu với một thời thiền. Đèn nhang trên bàn thờ được thắp sáng. Trà được dâng. Có người tụng Tâm Kinh, người khác thì chỉ ngồi thiền. Khắp Tây Tạng, trước khi bắt tay vào những công việc lao động hằng ngày trong đời, đàn ông, đàn bà, trẻ con đều trở dậy lúc rạng đông để đi nhiễu quanh các bảo tháp hay chùa trong vùng, nhẹ nhàng đọc các câu chú và quán chiếu về ý nghĩa cuộc đời. Các công viên ở những khu phố Tàu trên khắp nước Mỹ là những thánh đường vào buổi sáng cho hàng ngàn người đến tập tai chi. Các vị thiền sư Nhật Bản bắt đầu một ngày của họ lúc 4 giờ sáng để hành thiền và dùng điểm tâm lặng lẽ bên những cái chén (oryoki)(1) của họ. Dầu chúng ta chọn ngồi thiền mỗi buổi sáng, hoặc uống ly cà phê một cách chánh niệm, hay bắt đầu một ngày bằng những hoạt động nhẹ nhàng, với chủ tâm hàm ân cuộc sống thì đó là những hành động thiện thật hoàn hảo.
Biết hân hoan đón chào sự riêng tư của các thói quen buổi sáng, chúng ta bắt đầu một ngày với sự tự tin cơ bản: Rằng chúng ta hoàn toàn thoải mái với việc là chính mình, như mình đang là. Buổi sáng với các thói quen lặng lẽ, có thể làm chúng ta cảm thấy cô đơn mà chân chất, đơn giản, âm thầm mà tỉnh giác và tươi mát. Đó là sự riêng tư mà chúng ta trân quý: Chúng ta tự bằng lòng với chính con người mình trong khoảng khắc ngắn ngủi, hoàn toàn tự tin ở chính mình. Chúng ta không cần phải vội vả lướt qua những giây phút đó, không cần phải nuốt vội bữa điểm tâm hay khiến tâm lo ra với những thông tin cập nhật trên đài phát thanh.
Chúng ta có thể dừng lại và hoàn toàn hàm ân rằng mình đang sống ngay giây phút này, ngay nơi chốn đó. Biết hàm ân sự riêng tư của các thói quen buổi sáng có nghĩa là sự trải nghiệm về việc ta là ai trong cái tĩnh lặng của buổi bình minh
– trước khi ta gấp rút, trước khi ta bắt đầu một ngày bận rộn - cho phép ta được thoáng nhận ra bản chất xác thực cơ bản của mình, một khoảng khắc riêng tư của chỉ việc được hiện hữu. Chúng ta có thể là người điều hành Liên Hiệp Quốc hay chỉ là người bán nước rong; chúng ta có thể là một nghệ sĩ nổi tiếng hay chỉ là người thâu tiền tại các trạm thuế lưu hành, nhưng rút lại tất cả chúng ta trước tiên phải hoàn toàn là con người. Và ngay chính đây, trong buổi sáng, mà chúng ta lại bắt đầu mọi thứ một lần nữa.
1. Tên gọi này có nghĩa là ‘vừa đủ’, để nói đển kích thước của những cái tô chỉ vừa đủ cho một bữa ăn. Một bộ Oryoki gồm ba tô nhỏ, đũa, muỗng và khăn lau.

CHUYỆN NỒI CƠM CỦA KHỔNG TỬ

CHUYỆN NỒI CƠM CỦA KHỔNG TỬ

Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử
Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ … Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.
May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo … Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.

Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi – một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất – phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.
Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.
Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống … thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ … Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh … rồi từ từ đưa cơm lên miệng …
Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài … ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”
Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về … Nhan Hồi lại luộc rau … Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ …
Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.
Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước …
Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa com đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy … cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?
Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”
Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”
Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”
Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”
Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em …
Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!
Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”