THƯ NGỎ

WELCOME TO TV6269

Các bạn thân mến,

Năm 1962 chúng mình bước vào Trưng Vương bằng những bước chân ngập ngừng của những cô bé lớp Đệ Thất ngây thơ. Rồi 7 năm học trôi qua những kỷ niệm với bạn bè, với Thầy Cô, với lớp học, với ngôi trường yêu dấu đã để lại trong ký ức của chúng mình tình bạn thân thiết và những kỷ niệm êm đềm, mơ mộng của một thời áo trắng TV.

Ngày nay tuy ở khắp mọi nơi, chúng mình đã tìm gặp lại nhau. Xin chào mừng tất cả các bạn và ước mong qua trang Blog Trưng vương 62-69 này sẽ là nơi gặp gỡ thân ái để TV6269 cùng ra chơi, vui đùa như ngày xưa trong sân trường yêu dấu.

TV6269







Thursday, December 31, 2015

NGÀY CUỐI CÙNG CỦA NĂM 2015

Ngày cuối cùng của năm 2015.

Tonight at bedtime...
Breathe in PEACE, GRATITUDE, and LOVE.
Breathe out tension and fear.
Recount your BLESSINGS and REST.


Một năm nhìn lại, bao nhiêu vui buồn, bao nhiêu hạnh phúc , bao nhiêu nghĩ suy về tình đời, tình bạn. Được hay mất ..Vốn là lẽ đời. Cuộc đời vốn thế. Có vui tất có buồn. Có hợp phải có tan . Chia ly và hội ngộ dường như cũng được sắp sẵn. Cứ an nhiên mà đón nhận . Cứ thong dong mà sống., bằng lòng với những gì mình được. Hạnh phúc đôi khi thật giản dị ...
Cái được là tâm an bình . Và đó là hạnh phúc.


Một năm nhìn lại , được nhiều quá . Được bao nhiêu lần hội ngộ . Được bao nhiêu niềm vui và hạnh phúc. Được trò chuyện với bao tình thân . Được gặp nhiều người , cùng ăn chung một bữa tiệc . Cùng cười, cùng nói, cùng tâm tình. Chung vui có. Xẻ buồn cũng có. Đó chính là duyên . Hạnh duyên .

Một năm nhìn lại , được bao nhiêu là tình thân từ khắp nơi , xa , gần , thân , sơ...

Một năm nhìn lại, cám ơn gia đình , cám ơn các chị , các em , các cháu cùng chung một niềm vui , niềm âu lo và hạnh phúc gia đình. Ước mong một ngày trở về mái nhà xưa.

Một năm nhìn lại, cám ơn những thân ái của tình bằng hữu, thời Tiểu học , thời Trung học và thời Đại học. Nhưng thương yêu , hạnh phúc và niềm vui sẽ khó có thể quên những giờ phút bên nhau đáng quý đó. Mong ước lại có nhiều hội ngộ nữa.

Một năm nhìn lại, những ưu ái, những yêu thương của học trò xa gần mãi mãi là những kỷ niệm đẹp . Những cô cậu học trò khắp nơi. Những tâm tình, những xẻ chia , những hội ngộ mãi là những kỷ niệm đẹp của người đưa đò.
Tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới, xin được gửi đến những người thương yêu của tôi lời chúc an lành, sức khỏe và may mắn trong năm 2016.
COUNT YOUR BLESSINGS BY SMILES , NOT TEARS.
COUNT YOUR AGE BY FRIENDS, NOT YEARS.

Và tôi biết, tôi hạnh phúc.

PHƯƠNG LAN hb
11:30 AM Dec 31, 2015

Saturday, December 26, 2015

ẤM ÁP ĐÊM GIÁNG SINH.

ẤM ÁP ĐÊM GIÁNG SINH. 

Chiều 23 tan sở về nhà với quà Noel và một tấm chi phiếu của nơi làm việc. Một niềm vui trong ngày. Thấy khó chịu, ho khù khụ, khoác chiếc áo ấm đi bộ ra đầu đường mua một chai thuốc ho ở CVS Pharmacy. Nhận được thiệp Giáng sinh của cô giáo trường Trưng Vương, thiệp Noel của một cô bạn TV dễ mến . Nhận được lời chúc của cô bạn thân từ nước Đức xa xôi . Thêm một niềm vui. Một bát cháo trắng với đậu kho sao mà ngon lạ. 

Sáng 24 , trời se se lạnh, đi một vòng ngắm thiên hạ mua sắm.Nơi nào cũng đông, không thể tìm được một chỗ đậu xe. Vào chợ 99 cents, thấy hoa hồng tươi thắm , rinh một chậu be bé về đặt bên bờ vai yêu thương. Ấm áp!

 Lên net, bao nhiêu yêu thương của bạn bè, học trò khắp nơi. Hạnh phúc ngày Noel. Hồi đáp những yêu thương bằng niềm vui. Cuộc đời thật đẹp.
Nhận được tin nhắn của cô bạn thân từ miền Bắc Cali

-" Thương chúc Lan một ngày lễ vui vẻ, năm mới tràn đầy sức khỏe , an lành"
Kể lể với bạn đang bị ho, đang nấu gà với nấm cho tối Noel. Bạn nhắn nhủ:
-"Ho uống nước chanh với mật ong, nước gừng là mau hết. Mong bạn già mau hết bệnh nhé. Thương mày.
Bỗng dưng muốn khóc. Tìm trong tủ lạnh, không còn miếng gừng nào, chợt nhớ gói kẹo gừng , quà tặng của cô bạn thời ĐHSP gửi từ quê nhà. Ngâm vài miếng thấy êm êm. Miệng thấy nhạt, ăn vài miếng ô mai của cô bạn Trưng Vương tặng. Cám ơn tình bằng hữu. Bà chị từ miền Bắc thăm hỏi.
 
Một bát gà nấu nấm, một mẩu bánh mì, một chút rượu trái cây trong ấm áp của tinh thân đã là một bữa ăn tối đêm Noel ngon và nhiều ý nghĩa.

Hồi âm cho cô bạn nơi quê nhà, khoe vài tấm hình mới chụp...Vào giường chùm chăn xem TV. Điện thoại reng... Bạn tôi gọi từ nửa vòng trái đất. Có phải thần giao cách cảm hay không mà khi chúng tôi nghĩ đến nhau và được trò chuyện cùng nhau. Chuyện xưa, chuyện nay, chuyện đời , ôn lại kỷ niệm ngày nào. Cứ thế hết chuyện này đến chuyện khác , hai đứa tôi say sưa nói, mê mải nói quên mất cả ho. Ấm áp đêm Noel.
 Ngoài kia tiếng pháo bông reo vui, trăng tròn quá. Cuộc đời đẹp biết bao!. Tình bạn dễ thương làm sao. Và tôi biết tôi hạnh phúc. Cám ơn đời...
PHƯƠNG LAN hb
Dec 25, 2015






Friday, December 25, 2015

ĐÊM RẤT THÁNH, ĐÊM KHÔNG CÙNG

ĐÊM RẤT THÁNH, ĐÊM KHÔNG CÙNG

Hát là cầu nguyện đến hai lần.
(St. Augustine)
Một anh bạn tôi, có cô vợ theo đạo công giáo, nói rằng anh ta chỉ theo vợ đến nhà thờ hai lần trong một năm, vào ngày lễ Phục Sinh và lễ Giáng Sinh. “Vậy là anh lấy hết hai ngày lễ lớn nhất của người công giáo rồi còn gì,” tôi nói đùa. “Riêng lễ Giáng Sinh,” anh ta nói, “không chỉ đi lễ nửa đêm, tôi còn hát theo được bài thánh ca.” “Bài gì?” tôi hỏi. Anh trả lời, “Đêm thánh vô cùng.”
Từ “Silent night” đến “Đêm thánh vô cùng”
Bài thánh ca giáng sinh mà anh bạn tôi yêu thích và hát theo được không phải là bài thánh ca của người Việt mà là bài nhạc ngoại quốc được viết lời Việt. Ít ai biết được rằng bài hát ấy là bài thơ được phổ nhạc, có điều không phải phổ thành nhạc mà là phổ vào nhạc.
Chuyện được kể lại như thế này: bài hát được “chào đời” và cất tiếng lần đầu tiên vào ngày 24/12/1818 tại một làng quê hẻo lánh ở Oberndorf, một tỉnh lẻ của nước Áo. Trong làng ấy có ngôi nhà thờ nhỏ St. Nicholas. Trong nhà thờ ấy có một linh mục trẻ yêu thơ, yêu nhạc tên Joseph Mohr (có tài liệu nói ông là thầy phó tế chứ chưa phải linh mục). Lời của bài hát vốn là bài thơ bằng tiếng Đức được cha Mohr sáng tác từ hai năm trước, tên là “Stille Nacht, heilige Nacht” (“Đêm thinh lặng, đêm thánh thiện”).
Vào hôm trước lễ Giáng Sinh cha Mohr tìm đến người bạn mình, một anh thầy giáo làng tên Franz Xaver Gruber, là người chơi đàn organ cho nhà thờ, nhờ gấp rút soạn nhạc và phối âm cho bài thơ ấy để kịp trình diễn với đàn guitar trong thánh lễ nửa đêm (vì lẽ cây đàn organ bị hỏng sao đó). Công việc cũng chẳng khó khăn gì lắm, chỉ mất vài tiếng đồng hồ, vì Gruber đã có sẵn trong tay một bài nhạc thánh ca mà anh từng viết ra trước đó, nay anh chỉ việc bỏ đi lời cũ và thay bằng lời thơ hay ý thơ của bạn mình là xong ngay. Thế rồi trong thánh lễ giáng sinh lúc nửa đêm, hai chàng nghệ sĩ có ngay màn trình diễn một sáng tác mới toanh cho cả nhà thờ thưởng thức trong tiếng đàn đệm guitar, hòa cùng giọng ca đoàn hát chung hai câu cuối của mỗi đoạn thơ. Bài hát kết thúc trong sự tán thưởng nồng nhiệt của đông đảo giáo dân trong làng.
Như vậy, bài hát có hai “đồng tác giả” người Áo là linh mục “nhà thơ” Joseph Mohr và nhạc sĩ “nhà giáo” Franz Gruber mà trước đó chẳng được ai biết đến tên tuổi. Cả hai đồng tác giả này thật khó mà ngờ được rằng bài hát soạn ra vội vã ấy một ngày kia sẽ bay ra khỏi ngôi giáo đường ở làng quê nhỏ bé đó, vượt qua biên giới nước Áo, vượt qua nhiều biên giới của nhiều quốc gia khác và bay đi khắp muôn phương để cứ mỗi mùa giáng sinh là mọi nhà thờ lớn nhỏ trên mặt đất này đều nghe cất lên bài thánh ca ấy trong tiếng chuông ngân rộn rã.
Do bản gốc của bài nhạc bị thất lạc, mãi đến năm 1995 khi một bản thảo chép tay bài “Stille Nacht, heilige Nacht” với thủ bút của linh mục Joseph Mohr được tìm thấy người ta mới biết được tác giả của bài hát là ai. Trước đó bài hát vẫn được xem là truyền khẩu hoặc gán cho tác giả là tên của những nhạc sĩ thiên tài.
Có những version khác nhau cho bài “Stille Nacht, heilige Nacht” nhưng cho đến nay bản viết năm 1818 với nhịp 6/8, cung Ré trưởng, gồm sáu lời nhạc vẫn được xem là bản gốc. Bài hát vượt cả không gian lẫn thời gian, trở thành bất hủ, cứ mỗi mùa giáng sinh lại rộn ràng cất lên trên khắp hành tinh này với giai điệu dìu dặt, ngọt ngào và êm dịu, phảng phất âm hưởng nhạc dân ca truyền thống của miền quê nước Áo. Người dân Áo hoàn toàn có thể hãnh diện khi bài thánh ca của quê hương mình được “nâng cấp”, không còn là riêng của nước Áo nữa mà đã được “quốc tế hóa” để trở thành bài thánh ca giáng sinh của cả nhân loại.
“Stille Nacht, heilige Nacht” được chuyển ngữ sang hầu hết mọi thứ tiếng trên thế giới, và đến nay người ta khó mà biết được chính xác đã có bao nhiêu bản dịch bài thánh ca này (có tài liệu nói bài hát được chuyển dịch đến hơn ba trăm thứ tiếng). Riêng đối với người Việt thì hai ngôn ngữ được yêu chuộng nhất của bài hát là tiếng Anh và… tiếng Việt. “Silent night”, tên bài hát với bản dịch tiếng Anh năm 1859 của giám mục John Freeman Young thuộc giáo phận Florida, Hoa Kỳ, được xem là bản phổ biến rộng rãi nhất, được nhiều người nghe và hát nhất hiện nay.
Đúng như tên gọi “Silent night”, bài hát khe khẽ, chầm chậm cất lên với câu nhạc khởi đầu bằng những nốt nhạc mềm mại tựa những bước chân rón rén, nhè nhẹ trong tâm trạng nao nức, thấp thỏm như đợi chờ điều gì đó thật kỳ diệu sắp sửa xảy ra. Nhạc điệu trầm lắng, dào dạt, khi vút lên cao khi chìm xuống thấp như tiếng gió rì rào lượn quanh những đồi thông.
Nếu nhiều người tỏ lòng biết ơn giám mục John F. Young về bản dịch tiếng Anh ấy thì người Việt mình cũng cần nói lời cám ơn nhạc sĩ Hùng Lân, người đã viết lời Việt cho bản thánh ca bất hủ này từ hơn nửa thế kỷ trước, và đặt tên cho bài hát là “Đêm thánh vô cùng”. Nói “viết lời Việt” vì ông không hề làm công việc dịch lời nhạc từ bản tiếng Đức hay tiếng Anh sang tiếng Việt mà ngoài cái tựa bài và một hai ý trong bài hầu như ông đã tự viết ra lời khác cho bài nhạc. Có thể nói được rằng, bài thánh ca giáng sinh ấy được ông “Việt hóa”, khiến người hát và người nghe cứ tưởng như bài thánh ca của người Việt chứ không phải của nước ngoài.
Nhạc sĩ Hùng Lân
Nguồn ảnh: http://giaosunhacsihunglan.blogspot.com/

Người ta cám ơn nhạc sĩ Hùng Lân không hẳn vì ông là người đầu tiên đặt lời Việt cho bài “Silent night” mà vì những lời thật ý nghĩa ông viết ra cho bài nhạc ấy. Điểm khác biệt giữa nhạc thánh ca giáng sinh và những thánh ca khác, nói như linh mục nhạc sĩ Kim Long (tác giả bài thánh ca “Kinh hòa bình”), là ở lời ca. “Lời phải đi vào mầu nhiệm của giáng sinh,” linh mục nói, “phải diễn tả được mầu nhiệm của con người gặp gỡ Thiên Chúa, của đất với trời gặp gỡ nhau để có được sự giao hòa, nhập thể của con Thiên Chúa trong đêm đầy hồng phúc.”
Bài thánh ca ra đời trong đêm giáng sinh năm 1818 ấy, tính đến nay đã gần tròn hai trăm tuổi, cất lên mỗi mùa giáng sinh về, và cứ được nghe đi nghe lại mãi, tưởng như không bao giờ cũ, không bao giờ nhàm chán.
“Đất với trời xe chữ đồng”
Nhiều người biết nhạc sĩ Hùng Lân là tác giả của “Hè về” (“Trời hồng hồng, sáng trong trong, ngàn phượng rung nắng ngoài song…”), một ca khúc vui tươi, sôi động trong số rất ít những bài hát phổ biến về mùa hè, nhưng ít ai biết ông là một nhạc sĩ đi tiên phong trong nhiều lãnh vực: là một trong những nhạc sĩ hàng đầu về nhạc hùng của tân nhạc Việt (tác giả những bài quen thuộc như “Rạng đông”, “Khỏe vì nước”, “Tiếng gọi lên đường”, “Mùa hợp tấu”, “Cô gái Việt”, “Việt Nam minh châu trời đông”…); là nhạc sĩ khởi xướng phong trào viết nhạc thánh ca bằng tiếng Việt; là soạn giả đầu tiên cho những sách giáo khoa về âm nhạc trong các trường học phổ thông; là một trong những người thầy sáng lập trường Quốc Gia Âm Nhạc Và Kịch Nghệ, Saigon và cũng là giáo sư âm nhạc tại trường này, tại Viện Đại Học Đà Lạt và nhiều trường học trong Nam ngoài Bắc (trong số ấy có trường Chu Văn An, Hà Nội); là “cha đẻ” của chương trình gọi là “Đố Vui Để Học” được Trung Tâm Học Liệu Saigon phát hình lần đầu tiên năm 1969, và cũng là người đầu tiên mang bài thánh ca nổi tiếng “Silent night” ấy đến với giáo dân và người Việt yêu nhạc.
Nhạc sĩ Hùng Lân không phải là người duy nhất viết lời Việt cho bài “Silent night”, sau ông nhiều nhạc sĩ đã thử viết lại những lời Việt khác với những tựa khác (“Đêm huy hoàng”, “Đêm vui mừng”, “Đêm âm thầm”, “Đêm thanh bình”, “Đêm yên bình”…) nhưng đều là những cố gắng không thành công, hiểu theo nghĩa người Việt yêu nhạc vẫn ở lại với “Đêm thánh vô cùng”. Vì sao vậy? Đâu là chỗ khác nhau giữa các “bản dịch” ấy?
Đầu tiên phải là cái tựa bài. Đêm ở đây là đêm thanh khiết, đêm sâu lắng, đêm im lặng mênh mông đến vô cùng. “Đêm thánh vô cùng” nối liền được cả hai ý: “silent night” và “holy night”. Đêm Chúa giáng sinh không chỉ thuần là đêm tối thinh lặng mà còn là đêm huyền diệu. “Đêm thánh vô cùng”, chỉ có tên gọi ấy mới nói hết được ý nghĩa của bài thơ, bài nhạc. Đêm rất thánh, đêm không cùng.
Nếu câu hát chủ điểm trong bài “Silent night” là “All is calm, all is bright” thì trong “Đêm thánh vô cùng”, câu hát ấy chính là “Đất với trời xe chữ đồng”. Cả bài thánh ca tiếng Việt ấy toát lên một ý chính, gói trọn trong câu sáu chữ này.
Người nhạc sĩ không nói “trời đất giao hòa” mà nói “đất với trời xe chữ đồng”. Có khá nhiều “đồng” ở trong “chữ đồng” ấy: đồng lòng, đồng tình, đồng tâm, đồng cảm, đồng thuận… “Đất” là con người, là tạo vật trên thế gian này; “Trời” là con Thiên Chúa, là đấng tối cao, đấng tạo dựng loài người.
“Đất với trời xe chữ đồng” là thời khắc mà khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người như được kéo gần lại, thời khắc mà tình yêu giữa đấng tối cao và con người, giữa con người và con người như được hợp nhất, hòa quyện vào nhau, khiến con người như gần với Thiên Chúa và gần với nhau hơn bao giờ.
“Đất với trời xe chữ đồng” là thời khắc mà Thiên Chúa mở lòng ra với mọi người và ban phát tình yêu thương bao la, thời khắc mà con người đón nhận tình yêu thương ấy như đón nhận “ơn châu báu không bờ bến”. Con người đồng thời cũng mở lòng ra với đồng loại để cho nhau tình yêu thương giữa người và người.
“Đêm thánh vô cùng” trong ý nghĩa đó là đêm hạnh ngộ, đêm tràn đầy hồng ân và chan chứa những thương yêu.
Ôi Chúa thiên đàng, cam nếm cơ hàn
Nhắp chén phiền, vương phong trần
Từ lâu tôi vẫn thích câu hát này, nghe có chút gì… phong trần, và cảm thấy Thiên Chúa thật gần gũi với con người vì Người cũng bôn ba, cũng lao đao lận đận, cũng…“bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”, nào có khác chi người phàm.
Ai đang sống trong lạc thú
Nhớ rằng Chúa đang đền bù…
Bao giờ tôi cũng chờ để nghe giọng ngân ấy vút lên, “trong lạc th… u… ú…”, nghe như tiếng chuông cảnh tỉnh những ai còn đang mải mê ngụp lặn, miệt mài tìm kiếm những hoan lạc của cuộc sống trần tục.
Tôi không chắc có bao nhiêu người thuộc hết được lời bài “Đêm thánh vô cùng”, phần lớn chỉ nhớ được đến lời thứ hai của bài, còn lại là hát theo ca đoàn hoặc hát theo nhau cho đến câu hát cuối, “Bốn bề tuyết sương mịt mù”, trong lúc câu cuối bài “Silent night” được John F. Young viết lời là “Jesus, Lord, at Thy birth”. Điều lý thú là chẳng ai nêu thắc mắc với nhạc sĩ Hùng Lân, vì sao ông không chịu dịch cho sát nghĩa lời của bản gốc mà lại viết ra lời khác; hơn thế nữa, mọi người còn tỏ ra yêu thích lời Việt “cải biên” ấy. Liệu có phải là những lời ấy phù hợp với “tâm tình mùa giáng sinh” của tín hữu người Việt hơn? Cho đến ngày nhạc sĩ Hùng Lân lìa đời ở trong nước (năm 1986) người ta không nghe được nơi ông một lời giải thích nào cả.
Có điều là đến nay hầu như không ai còn có ý định chuyển dịch hoặc đặt lời Việt nào khác cho bài thánh ca giáng sinh ấy. Trong một nghĩa nào đó, kể từ ngày câu hát “Đêm thánh vô cùng! Giây phút tưng bừng!” được cất lên, bài “Silent night” như có một đời sống khác sau khi được “Việt hoá”. Người Việt cùng hát với nhau bài hát ấy trong niềm cảm xúc dạt dào khi mùa giáng sinh về, mà không cảm thấy đấy là bài thánh ca của nước ngoài.
Với ý nghĩa của bài hát, của “đất với trời xe chữ đồng”, “Đêm thánh vô cùng” hầu như thích hợp với hợp ca, đồng ca hơn là đơn ca. Bài hát càng thêm ý nghĩa khi được nhiều người cùng hát với nhau. Trước giờ tôi chưa nghe có giọng hát nào gọi là gắn liền với bài hát này, hoặc bài hát này làm nên tên tuổi của ca sĩ nào. Đến nay, sau nhiều lần nghe đi nghe lại bài thánh ca ấy, những lần gieo vào lòng tôi nhiều cảm xúc nhất vẫn là đến từ những màn hợp xướng của các ca đoàn hơn là từ ca sĩ chuyên nghiệp.
Hát “Đêm thánh vô cùng” là đi tìm sự bình an trong tâm hồn, là đi tìm vẻ đẹp trong sáng, hướng thượng để thanh lọc tâm hồn và để lòng lắng xuống trong giây phút lâng lâng tiếng nhạc.
“Silent night” không chỉ là bài thánh ca giáng sinh mà còn mang ý nghĩa của một thông điệp hòa bình cho nhân loại, một thông điệp mang đến tình yêu thương, lòng bao dung và thứ tha trong một thế giới an hòa. Nhân loại đến nay vẫn chưa thực sự có an bình, vẫn còn những con người đi gieo rắc thù ghét và bạo lực thay vì gieo rắc tình thương yêu đến cho đồng loại. Trong lúc thế giới đang có những biến động từng ngày từng giờ và cảm giác bất trắc, bất an phủ trùm lên đời sống con người hơn bao giờ thì bài thánh ca ấy vang lên trong mùa giáng sinh này như đáp ứng nỗi mong đợi, khát khao của những người “thiện tâm”.
Vào đúng lúc nửa đêm, vào đúng thời khắc Chúa giáng sinh, bài thánh ca có từ hai trăm năm trước ấy được triệu triệu tín hữu trên khắp hành tinh này cùng lúc trỗi giọng cất lên. Bài hát mang đến cho con người chút cảm giác yên bình hiếm hoi và cũng mang đến niềm tin vững vàng về những giá trị của chân, thiện, mỹ. Hát lên bài thánh ca ấy như thắp lên ngọn lửa tin yêu, cho bóng tối bị đẩy lùi, cho cái xấu, cái ác bị xóa sạch và những điều tốt, điều lành trên thế gian này sẽ không bao giờ mất đi.
Khi người ta cùng yêu thích, cùng chia sẻ những cảm xúc về một bài hát; hơn thế nữa, cùng hát chung với nhau một bài hát là có chung với nhau sự đồng cảm, đồng thuận.
“Singing together is praying together”, tôi tin là như vậy. Khi mà người người đồng lòng, “đồng thanh tương ứng” cất cao tiếng hát, khi mà người người đồng tâm hiệp ý nguyện dâng lời khẩn cầu lên đấng tối cao thì đức tin con người cũng mạnh mẽ hơn lên, tin vào mầu nhiệm của Đấng Cứu Thế giáng sinh, mầu nhiệm của con người gặp gỡ Thiên Chúa, mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa đổ tràn xuống con người, và cả tình yêu giữa người và người trong đêm tràn đầy hồng ân.
Đất với trời… xe chữ đồng…
Lê Hữu


Phương Lan post lúc 6:43 PM
ngày 25 tháng 12 năm 2015
 

Sunday, December 13, 2015

PHÓNG SỰ NIỀM VUI MÙA GIÁNG SINH

PHÓNG SỰ NIỀM VUI MÙA GIÁNG SINH

Chúng tôi gặp lại tuổi hoa mộng thời học trò ở đây, trong căn phòng be bé xinh xinh của tôi ở thành phố biển. Lần nào cũng như lần nào, cứ gặp nhau là bao nhiêu chuyện để nói, bao nhiêu chuyện để cười, bao nhiêu đề tài để trao đổi, cứ làm như là lâu lắm rồi chưa gặp nhau. Tình bạn hữu thật đáng yêu. Mày tao chi tớ cứ loạn xà ngầu..ai cũng muốn nói, ai cũng thích nói nhưng cũng phải chờ dứt một câu chuyện mới tới phiên mình. Rõ khổ!

Bác phán Mỹ, đúng là nhà thông thái của nhóm TV quận Cam chúng tôi.
-" Tao nói cho chúng mày biết nhé , cá và thịt ở chợ người Việt là ngon nhất đấy". Bác à, sao bây giờ bác mới nói khi chợ Người Việt đã đóng cửa? Thế là một tràng cười bất tận. Vui ơi là vui.
Cửu lão bà bà và một lão ông ( anh Sơn , ông xã của Hương) , vị chi là 10 người , xúm xít ngồi chen vai thích cánh mới ấm áp và nhiều thân tình
biết bao!

Một cái bàn nhỏ mà bao nhiêu là món ăn ngon, pale chaud Au coeur de Canada , gà xào chua ngọt, gỏi sứa, gỏi xoài tôm thịt, mì xào, nem nướng , bánh nếp, bún bung, xôi dừa vừng ... lại còn có một chai rượu trái cây và một chai Apple cider cũng đủ làm chúng tôi ngây ngất . Cứ làm như là bợm nhậu thứ thiệt, cũng la , cũng hét " Dzô... dzô... chúc sức khỏe". Tuổi già vẫn còn ở đàng sau chúng tôi, các bạn ạ. Hạnh phúc ở đây , ngay lúc này, thật giản dị.

Số là cây thông Noel 99 cent của tôi đã được 1 tuổi và mượn cớ để khoe khoang với bạn bè . Không khí Giáng sinh tràn ngập trong căn phòng của tôi, thật ấm áp. Chúng tôi có một mùa Giáng sinh sớm . Có được bạn bè bên nhau lúc này thật là hạnh phúc.
May mà có bác Sơn làm phó nhòm ,cho chúng tôi bao nhiêu là hình đẹp, nếu không lại phải loay hoay , canh chụp tự động rồi chạy vội , chạy vàng vào. Cám ơn bác phó nhòm nhiều lắm.


Cửu lão bà bà vẫn còn xí xọn lắm ... mày đứng chỗ này này...trời ạ, che mất tao rồi...chỉ khổ cho bác phó nhòm .Thế mà cuối cùng cũng có nhiều kỷ niệm . Các lão bà bà cũng điệu đàng lắm , nhưng mà vui. Gặp nhau , trao cho nhau yêu thương và tiếng cười. Và chúng tôi đã có nhiều tiếng cười và nhiều thương yêu . Không hẹn mà chúng tôi có quà trao cho nhau. Rồi cùng ôm quà, khoe khoang trong những tấm hình. Vui kể gì!

Sinh nhật bạn chúng tôi, Hồng Phúc, đã qua, nhưng có họp mặt là có bánh sinh nhật . Bạn chúng tôi cảm động , xém chút nữa là lã chã dòng châu...Mang đến cho nhau niềm vui là điều mình nên làm , phải không các bạn thân yêu của tôi.?Bánh sinh nhật moka ăn chung với kem Cold Stone thì hết ý. Cao máu, cao mỡ, cholesterol bỏ qua một bên. Tận hưởng cuộc sống của mình trước đã, các bạn nhỉ?

Thế mà đã 3 giờ chiều rồi...Thời gian qua thật nhanh...Chia tay nhau trong bịn rịn , lưu luyến...hẹn gặp lại nhau...
Cám ơn các bạn , Dần, Hạnh, Hương và anh Sơn, Mỹ, Nội, Oanh, Hồng Phúc , và cô em Kim Chi thật dễ thương . Lần nào cũng vậy , em làm sạch sẽ góc bếp cho tôi. Cám ơn cô em thân yêu của chị.
Cám ơn những tình thân Trưng Vương.
Cám ơn đời đã cho chúng ta bên nhau.

PHƯƠNG LAN hb
7:28 PM 12/13/2015
https://picasaweb.google.com/113792485230824623019/PhongSuNiemVuiMuaGiangSinh12132015?authuser=0&feat=directlink

Saturday, December 5, 2015

THÁNG MƯỜI HAI, NHỚ SINH NHẬT BẠN

THÁNG MƯỜI HAI, NHỚ SINH NHẬT BẠN

Tháng mười hai đang ở với chúng ta.
Tháng mười hai đến như nói với ta một năm đã gần hết.
Tháng mười hai đọng lại trong chúng ta những vui, buồn, hạnh phúc, khổ đau, kỷ niệm của những ngày đã qua.
Tháng mười hai, nhớ sinh nhật bạn. Những cô bạn từ thuở be bé nơi mái trường Trưng Vương yêu dấu, một thời hoa mộng với bao nhiêu là kỷ niệm.

Tháng mười hai , mừng sinh nhật bạn ở khắp nơi .

Thương yêu chúc các bạn tôi nhiều sức khỏe, nhiều an vui , nhiều tiếng cười và nhiều nhiều hạnh phúc. Lời chúc mừng đến hơi chậm đến với  các bạn ở xa thật là xa, nhưng lại thật gần trong tâm tưởng. Một lời tạ lỗi đến với bạn tôi.
Tháng mười hai , mừng sinh nhật các bạn tôi: 

 PHẠM THỊ HÒA
THANH TỊNH
NGUYỄN THỊ PHÚC A
ĐỖ LỆ NGA
HỒNG PHÚC
KIM ANH
ANH ĐÀO
CHÍNH DƯ
KIM THINH

Thân ái gửi đến các bạn nhiều nụ cười trong ngày sinh nhật





Hoa thủy tiên là loài hoa của tháng mười hai.


Hoa thủy tiên có tên khoa học là Narcissi, tên tiếng anh là Daffodil thuộc họ hành tỏi.
 
Thủy Tiên là tên một loài hoa thanh nhã, cánh hoa trắng muốt, tinh khiết, mùi hương ngọt ngào, đường kính hoa cỡ 3cm, mọc từng chùm, nhụy hoa màu vàng hình chuông, lá xanh hình lưỡi liềm dài độ hơn một gang tay, mọc trên một củ tựa như củ hành tây. Hoa thủy tiên tượng trưng cho sự may mắn và trường thọ. Ngày tết, hương thủy tiên quyện với mùi hương trầm từ ban thờ trong cái lạnh đặc trưng của ngày xuân tạo nên một vẻ linh thiêng huyền bí và ấm áp.
 
 
Chúng ta cùng cắt bánh mừng tuổi mới của bạn mình nhé. 
Cùng cất tiếng hát " Happy birthday to you" nào các bạn ơi.
Happy birthday to you
Happy birthday to you...
Enjoy your day, my dear friends.
Love you all.
TRƯNG VƯƠNG 62-69