THƯ NGỎ

WELCOME TO TV6269

Các bạn thân mến,

Năm 1962 chúng mình bước vào Trưng Vương bằng những bước chân ngập ngừng của những cô bé lớp Đệ Thất ngây thơ. Rồi 7 năm học trôi qua những kỷ niệm với bạn bè, với Thầy Cô, với lớp học, với ngôi trường yêu dấu đã để lại trong ký ức của chúng mình tình bạn thân thiết và những kỷ niệm êm đềm, mơ mộng của một thời áo trắng TV.

Ngày nay tuy ở khắp mọi nơi, chúng mình đã tìm gặp lại nhau. Xin chào mừng tất cả các bạn và ước mong qua trang Blog Trưng vương 62-69 này sẽ là nơi gặp gỡ thân ái để TV6269 cùng ra chơi, vui đùa như ngày xưa trong sân trường yêu dấu.

TV6269







Sunday, July 28, 2013

JE T'AIME VIRGULE.

JE T'AIME VIRGULE ANH YÊU EM PHẨY
Et maintenant, un point à la ligne. Merci bien mon cher ami...

 EM YÊU ANH – PHẨY

 Cần phải tin vào quyền lực của những chữ cái a, b, c,…
 Vâng, chỉ cần một chữ cái cũng có thể thay đổi cả một số phận. Bằng chứng ư? Chính là câu chuyện sau đây:

 Khi ông bà Point (trong tiếng Pháp có nghĩa là dấu chấm) có một cậu con trai và họ quyết định đặt cho cậu một cái tên vĩ đại. Sau khi lưỡng lự giữa Rambo, Charlemagne, Ramses và Catona, cuối cùng họ lại chọn Virgile bởi đó là tên một trong những nhà thơ cổ đại lớn nhất. Chỉ có điều là ông Point đã quá xúc động khi ghi tên con vào sổ đăng kí, ông đánh vần nhầm ra “V-I-R-G-U-L-E” và thế là Virgile trở thành Virgule (nghĩa là dấu phẩy).
 Khi biết điều này, vợ ông vẫn nhìn cậu con trai rồi cười: - Nhìn con thật xinh xắn lại nhỏ bé. Virgule! Thế cũng tốt. Và cái tên được giữ lại. Cũng như cái tên của mình, Virgule trông khẳng khiu và buồn cười.

 Ở trường, mỗi khi điểm danh, thầy giáo gọi: - Point Virgule ! Và Virgule đứng bật dậy, như một dấu chấm phẩy và đáp: - Dạ, có mặt! 
 Virgule lớn lên và đem lòng yêu cô bạn hàng xóm, Séraphine nhưng không dám thổ lộ. Và bất hạnh hơn nữa khi mỗi lần Séraphine xuất hiện là Virgule trở nên xanh lét, mồ hôi đầm đìa, bước trượt cầu thang. Anh co rúm người lại đến nỗi trông anh như một dấu chấm, một dấu chấm nhỏ xíu… khi đó có thể gọi anh là Point Point.
 Và Séraphine chẳng bao giờ nhìn thấy anh. Ấy vậy mà… chính chữ ”u” đã làm mọi thứ thay đổi. Các bạn có biết như thế nào không? Séraphine đem lòng yêu một chàng trai không yêu cô. Cô luôn cười nói, cố gắng bắt chuyện với anh ta, gọi điện cho anh ta, viết thư cho anh ta…. nhưng chẳng được gì cả. Thật đáng thương cho Séraphine.

 Một ngày nọ, cô quyết định gửi bức điện thứ mười cho tình yêu của cô. Và chính hôm đó, Séraphine gặp Virgule ở bưu điện vì Virgule là nhân viên ở đó. Khi Virgule thấy Séraphine đến gần, anh cảm thấy mình sắp ngất đi. Cô thì không nhìn anh: - Tôi muốn gửi một bức điện; cô nói với giọng buồn bã. - Xin cô vui lòng đọc nội dung...Virgule cầm bút và lắp bắp nói. Cô đọc với giọng run: - Je t’aime – virgule – Je t’adore – virgule- Je voudrais tant que tu me dises que tu m’aimes aussi – point. (Em yêu anh – ”phẩy” – em thương anh – ”phẩy” – em rất muốn anh cũng nói với em rằng anh cũng yêu em - “chấm”). Tuyệt vời làm sao khi nghe một câu như vậy và Virgule yêu cầu Séraphine nhắc lại. Cô đọc: - Je t’aime – Je t’adore…. - Không, không! Virgule nói – Hãy đọc lại đầy đủ cơ! Séraphine làm theo: - Je t’aime – virgule – Je t’adore – virgule… - Lần nữa nhé cô… – Virgule rụt rè. Mỗi lần nghe câu đó, đôi mắt anh lại sáng lên. Và đột nhiên, Séraphine nhận ra Virgule là một chàng trai thật đáng yêu với đôi mắt ấy và hàng mi dài… nụ cười của anh thì dịu dàng như mật ngọt. Như có một phép lạ, anh thì thầm với cô: - Anh cũng yêu em, Séraphine.

 Chỉ một chữ đôi khi thay đổi cả câu, và một câu có thể thay đổi cả một số phận. Nếu Virgule tên là Virgile, một nhà thơ cổ đại lớn nhất, thì có lẽ bây giờ anh vẫn cô đơn. Bây giờ Virgule và Séraphine đang rất hạnh phúc bên nhau và họ đã có ba dấu chấm nhỏ…(Point Point Point)

Sưu tầm trên net .

TÔI VẪN YÊU HOA MÀU TÍM

TÔI VẪN YÊU MÀU TÍM
Màu tím nhẹ nhàng gợi lại những lắng đọng tận đáy lòng....... Đồi tím hoa sim Mạnh Quỳnh, Phi Nhung Jackeline Nguyễn ( Paris)thực hiện. Tà áo tím -Hoàng Nguyên - Hà Thanh Chân trời tím Thơ Sương Lam Nhạc Trần Thiện Thanh Minh Ngọc piano Chân trời tím Minh Ngọc Piano- Autumn is here Hoa trắng thôi cài trên áo tím - Huỳnh Anh - Hoàng Oanh Căn nhà màu tím Quang Lê- Mai Thiên Vân Chiều tím - Đan Thọ- Hà Thanh Những đồi hoa sim -Hương Lan- Duy Quang-Bài thơ hoa sim- Nguyễn Minh Châu Chuyện hoa sim- Anh Bằng- Như Quỳnh

Saturday, July 27, 2013

TỪ " VIỄN ĐÔNG" ĐẾN " MACARONI GRILL"

TỪ " VIỄN ĐÔNG" ĐẾN " MACARONI GRILL"

   Sáng nay , dậy sớm đi làm, xe ướt vì tối qua mưa. Cơn mưa mùa hạ mang theo những bụi bậm, làm đất sạch hơn , trời trong xanh hơn. Lại nhớ đến những cơn mưa rào ở Sài Gòn. Nhớ lắm những ngày lái xe Honda , trùm áo mưa poncho đi dưới cơn mưa đến trường. Có chút ướt át , nhưng cũng thú vị  lắm! Làm sao quên được tiếng mưa rơi lộp độp trên mái tôn.
Ôi nhớ làm sao những cơn mưa của quê hương tôi!

   Lan man về những cơn mưa , mình đang viết gì đây nhỉ?...À ..Từ *" Viễn Đông" đến " Macaroni Grill", con đường của tình bạn chúng tôi, những người bạn thân mến của một thời Trưng Vương yêu dấu.
  
   Đã từ một tháng trước, thư từ hỏi thăm nhau, hò hẹn gặp gỡ nhau của chúng tôi trên trang web của TV 62-69.
   " Kim Anh sẽ có mặt ở OC vào thứ năm, thứ sáu bọn mình họp mặt bỏ túi được không?"
   " Oanh sẽ đến OC vào tháng 7, khoảng 21 tháng 7, hẹn gặp lại nhau nhé"
  
    Và rồi, nhà chị Nguyên, chị của Kim Anh, là nơi chúng tôi  hẹn hò để cùng đến nhà hàng. Ngọc Anh và chị Ngọc ở tận mãi Torrance lại đến sớm nhất . Sau đó Nội và Hồng Phúc cũng đến. Chỉ còn mình PLan tôi là chậm chạp nhất bởi vì còn bận rộn với học trò Marie Curie 86 từ xa đến cho một cuộc hội ngộ .
  
   Nhà hàng Viễn Đông là nơi chúng tôi  gặp nhau. Gặp nhau, trò chuyện , ăn uống và chụp hình là một tiết mục không thể thiếu trong những lần hội ngộ. Chúng tôi bên nhau ghi lại những hình ảnh để sau này , nhìn lại, nói với nhau, sao hồi đó bọn mình cũng còn trẻ ghê nhỉ ?
Ấm áp tình bạn Trưng Vương
      Những bát bún riêu, bún bò Huế, bún măng và bún chả ngào ngạt hương thơm thật hấp dẫn của nhà hàng đã làm chúng tôi ngây ngất và thưởng thức đến nơi , đến chốn.
   Một lúc sau thì bạn Mỹ đến,bạn bước vào, trông thật bệ vệ, thế là Kim Anh bèn phong cho bạn một tên mới " bác Phán Mỹ". Chúng ta cùng xem bạn  ăn bánh tôm Cổ Ngư  nhé. Nhìn bạn ăn mà thấy thèm quá, các bạn nhỉ ?


Bác phán Mỹ ăn bánh tôm Cổ ngư

    Một buổi chiều thật đẹp, trong khu Bella Terra , tại nhà hàng Ý " Macaroni Grill" , có 7 nàng Trưng Vương thuở nào bây giờ đã trở thành bà " Nội", bà ngoại và bà trẻ, cùng ngồi bên nhau , phía sau là quầy rượu , cười nói tiếng Việt , xung quanh toàn là người bản xứ, cùng ăn những đĩa pasta to ơi là to.

                                                                                                                 
                                                                                                        


Bà "Nội", 4 bà ngoại (K.Anh, Dần, M.Hạnh,H.Phúc)và 2 bà trẻ.

   Từ câu chuyện này tiếp nối câu chuyện khác, tiếng nói , tiếng cười của chúng tôi vang lên một góc của nhà hàng. Vui nhất là sự có mặt của hai bạn Dần và Hạnh. Dần dù phải chăm sóc cho cháu ngoại, tình trạng sức khỏe của cậu con rể đã khả quan hơn,  vẫn còn nhiều lo lắng , thế nhưng bạn vẫn tham dự cuộc gặp gỡ với các bạn từ phương xa đến. Minh Hạnh khỏe hơn trước nhiều, có thể ngồi được 2 tiếng , tuy cũng hơi mệt. Cầu mong hai bạn thêm nhiều sức khỏe để có thể "trên từng cây số "với TV 69 OC.
   Cũng dịp này, chúng tôi chúc mừng sinh nhật hai bạn Dần và Oanh .


   Chúc hai bạn thêm tuổi, thêm sức khỏe, thêm an vui.

   Kim Anh đúng là một bà nội trợ giỏi giang, làm bánh, làm ô mai ...Và  từng gói ô mai đã được chia đều cho chúng tôi...cho nên không có một sự kiện cáo nào...hi..hihi...
    Các đĩa thức ăn to và nhiều quá so với bao tử của những cô học trò TV ...Ăn mãi, ăn hoài mà vẫn còn...cho nên đứa nào cũng to go về nhà ăn tiếp , trừ H.Phúc nhất quyết không chịu mang về. Hoan hô H. Phúc.

   Tiệc gần tàn, chúng tôi chuẩn bị chia tay thì Xuân Dung xuất hiện. Một gói ô mai vẫn còn để dành cho bạn. Lại xúm xít hỏi thăm...Lại râm ran tiếng chuyện trò...và lại chụp hình...Chúng tôi lại bên nhau , cùng nói" cheese" để có những tấm hình tươi tắn với nụ cười của các lão bà 60 , không còn trẻ...


Lại thêm một bà trẻ Xuân Dung thành 8 bà ,
" tám" đủ thứ chuyện trên trời , dưới đất...
   "Chia tay lại muốn gặp nữa rồi" là những cảm xúc của chúng tôi trong những lần gặp gỡ. Chia tay trong lưu luyến để hẹn lại gặp nhau trong những lần sau nếu đủ duyên , phải không các bạn ?

PHƯƠNG LAN July 27,2013.

Wednesday, July 24, 2013

LỊCH SỬ CHIẾC ÁO DÀI VIỆT NAM

ÁO DÀI

Trịnh Bách





Ngày 6 tháng 7 vừa qua, các cựu nữ sinh Trưng Vương ở Nam Cali đã có một buổi trình diển áo dài tân thời Le Mur nằm trong chương trình kỷ niệm 80 năm  Tự Lực Văn Đoàn và báo Phong Hóa  Ngày Nay.  Phương Lan được vé mời đi xem buổi trình diễn này.Trong tinh thần đó xin giới thiệu đến các bạn và độc giả một bài biên khảo của tác giả Trịnh Bách về Lịch sử biến đổi của chiếc Áo Dài Việt Nam.
 Kèm theo là một video trình bày về  thời kỳ chiếc áo dài được cải cách tân thời do nhà họa sĩ Cát Tường Le Mur thực hiện trong khoảng năm 1930 - 1940. Video được diển giảng bởi Ông Nguyễn Trọng Hiền ( con trai thứ của họa sĩ  Le Mur) về sự nghiệp của thân phụ ông trong lãnh vực thời trang và cải cách y phục phụ nữ một cách thật dí dỏm , xin trân trọng giới thiệu.

ÁO DÀI
Trịnh Bách


Người Việt xưa nay thường có tính kín đáo. Cristoforo Borri, một giáo sỹ người Ý sống ở vùng Thuận Hóa và Quảng Nam của xứ Đàng Trong từ năm 1618 đến năm 1623, đã nhận xét rằng tuy Việt Nam có thời tiết rất nóng, nhưng người Việt ăn mặc kín đáo nhất so với các dân tộc khác trong vùng. Các cụ ngày xưa chắc đã phải mất nhiều thì giờ nghiên cứu, để tìm cách phối hợp những nguyên tắc thẩm mỹ với quy luật kín đáo cố hữu của dân tộc vào việc may mặc. Thí dụ như khi cảm thấy cổ của người Việt thường không được cao lắm, người xưa đã biết may cổ áo thấp xuống và ôm sát cổ, trong khi tóc được vấn cao lên lộ gáy để dù cổ phải che, tóc phải dấu, cổ của một phụ nữ Việt Nam trung bình vẫn trở nên thanh tú và cao, sang hơn.
Kín đáo đấy, nhưng áo dài của người Việt vẫn có tiếng là gợi cảm. Người Trung Quốc gọi loại áo này là "bì bào", có nghĩa là áo mặc sát vào da. Trong khi đó người Việt xưa gọi ghép áo dài vào loại Tập phục, nghĩa là loại áo mặc có nhiều lớp, mà trong đó, lớp áo dài được người xưa gọi là áo lót. Vì thật ra nó chỉ là lớp lót trong cùng, với lớp xiêm độn ở giữa, và áo bào phủ ra ngoài cùng.

Cho nên khi đọc các sách cổ như Tây Hành Nhật Ký của Phạm Phú Thứ, thấy các cụ sứ thần nước ta nói mặc áo lót ra tiếp khách, người không hiểu lại thấy xấu hổ rằng người mình ngày xưa khiếm nhã.
Chưa ai có thể khẳng định được áo dài Việt Nam xuất hiện từ bao giờ và như thế nào. Thản hoặc mới thấy một vài chi tiết liên quan đến áo dài, hoặc yếu tố Việt trong trang phục, ở các sách sử. Thí dụ như một đạo dụ năm Hưng Long thứ tám (1301) thời Trần Anh Tông cấm dân chúng không được mặc áo rộng tay. Hay năm 1374 Vua Trần Duệ Tông cấm dân dùng y phục theo Bắc Quốc. Tuy nhiên chuyện được biết đến nhiều hơn cả là việc Chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong, khi xưng Vương năm 1744, đã bắt quan dân Thuận Quảng phải mặc lễ phục lấy mẫu từ sách Tam Tài Đồ Hội của nhà Minh, Trung Quốc. Rồi năm 1776, sau khi quân đội của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài chiếm được kinh đô Phú Xuân của xứ Đàng Trong, quan Hiệp Trấn Thủ Lê Quý Đôn của nhà Trịnh ra lệnh cho dân ở đây phải cải lại lề lối ăn mặc theo tục lệ cũ, nghĩa là giống như cách trang phục của Đàng Ngoài lúc bấy giờ, cũng như ở Đàng Trong trước biến đổi thời 1744. Theo lệnh này, về thường phục thì "Từ nay trở đi, đàn ông và đàn bà chỉ được mặc loại áo ngắn tay với cổ đứng…” Ngắn tay tức là tay áo chỉ dài đến cổ tay, thay vì dài gấp đôi chiều dài tay như trong áo lễ.
 Mặc dù phải chấp nhận việc triều cống nhà Thanh, nhưng người Việt lúc nào cũng coi người Mãn Châu là giống di địch, không phải chính thống Hán tộc. Vì thế triều phục và lễ phục của các triều Lê, Nguyễn Việt Nam vẫn dựa theo các nguyên tắc và tiêu chuẩn lấy từ sách Tam tài Đồ hội của Minh triều, Trung Quốc.
Nhưng áo dài không phải là lễ phục. Áo dài chỉ là một loại thường phục trang trọng có thể mặc để tiếp khách, hoặc đi ra đường. Những khi lễ lạc, người xưa phải khoác ra ngoài áo dài một cái áo rộng tay, thí dụ như áo tấc, áo dấu, áo tràng ngoài dân gian; hoặc áo bào, áo mệnh phụ trong triều. Chỉ có các lễ phục này mới mang ảnh hưởng của phương Bắc. Trong khi đó, từ đầu đến cuối quyển sách Trung Quốc Phục Trang Sử nổi tiếng, viết và minh họa về y phục Trung Hoa từ đời Xuân Thu cho đến những năm đầu Dân Quốc (477 trước Công Nguyên đến thập kỷ 1920 sau Công Nguyên), không thấy đả động gì đến bì bào. Loại bì bào độc nhất ở Trung Quốc, thường gọi là trường xàm, mà người mình hay gọi theo âm Quảng Đông là sường xám, có nghĩa là áo dài, chỉ xuất hiện từ Trùng Khánh và Thượng Hải trong thập niên 1920. Sường xám trở thành nổi tiếng nhờ bà Tống Mỹ Linh, vợ Thống Chế Tưởng Giới Thạch. Cũng nên để ý rằng phụ nữ của một số bộ tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nởam cũng mặc loại áo giống áo dài dưới đồng bằng. Trong khi người cùng những bộ tộc ấy các nước chung quanh lại không thấy mặc loại áo này.

Có một sự hiểu lầm khá phổ biến gần đây, là áo dài cài bên bây giờ có gốc từ áo tứ thân xẻ giữa. Đây là những sự hiểu lầm rất đáng tiếc. Thật ra hai giòng áo dài tứ thân và năm thân được truyền xuống từ ngàn xưa, vẫn luôn giữ nguyên vẹn hình dạng và tính chất của chúng.
Y phục Trung Hoa, mà người Việt xưa vẫn xem là mẫu mực, được phân loại cụ thể từ đời Minh (1368 – 1644), với ba dạng chính: Dạng thứ nhất là Bàn Lĩnh có cổ tròn và vạt áo cài sang bên sườn. Dạng thứ hai là Trực Lĩnh với hai vạt gặp nhau ở giữa cổ và vạt áo xẻ giữa. Dạng thứ ba là đối lĩnh (giao lĩnh) với hai vạt chéo nhau, cài bên.

       Các mẫu cổ áo từ Tam tài Đồ hội
Áo tứ thân thuộc dạng trực lĩnh, có gốc là áo Trường tụ Tỷ giáp được phổ biến bên Trung Quốc từ thời Đường (618 - 907). Trong thôn quê miền Bắc nước ta áo này còn được mặc cho đến gần đây dưới dạng áo dài tứ thân. Dạng lễ phục của áo trực lĩnh là áo mệnh phụ, áo tràng, hay áo nhật bình. Trong khi đó áo dài thuộc giòng bàn lĩnh năm thân, nay là áo dài ba thân. Lễ phục của bàn lĩnh là các áo bào, áo tấc. Vì nguyên tắc che cổ dấu tóc của người Việt, nên các áo này được gắn thêm cái cổ xây ở nước ta.

Trong quyển sách Relation de la Nouvelle Mission des Peres de la Compagnie de Jesus au Royaume de la Cochinchine, xuất bản tại Lille năm 1631, Giáo sỹ Borri đã tả rõ về cách ăn mặc của người Việt ở đầu thế kỷ 17: Đàn ông mặc áo frac (áo dài) mầu đen như kiểu áo của các giáo sỹ going Benoit… “Người ta mặc năm sáu cái áo dài, áo nọ phủ lên áo kia, mỗi cái một màu. Cái thứ nhất dài đến mắt cá chân một cách trang trọng. Rồi những áo khác ở ngoài ngắn dần." Chắc vị giáo sỹ này muốn nói đến cách mặc áo mớ ba, mớ bẩy của phụ nữ Việt hiện còn thấy ở các làng Quan Họ ở Bắc Ninh, Bắc Giang, hay lác đác ở Huế. “Đàn ông cũng mặc năm, sáu lớp áo dài lụa… Phần dưới thắt lưng của mấy lớp áo ngoài được cắt thành những giải dài. Khi đi lại các giải này quyện vào nhau trông đẹp mắt. Mỗi khi có làn gió thổi thì các giải đó lại bay tung lên như cánh chim công thật ngoạn mục… Đàn ông cũng để tóc dài và vấn khăn như đàn bà."

Có lẽ Giáo sỹ Borri và nhiều người khácđã hiểu lầm về số lớp áo được người Việt cổ xưa mặc mỗi khi ra ngoài. Vẫn chưa có chứng tích hay tài liệu nào về việc thường dân mặc đến bẩy lớp áo dài xưa nay, ngoại trừ những trường hợp đại liệm trong tang lễ. Có lẽ mớ ba mớ bẩy chỉ là cách nói nôm na của ba và bẩy vẫn thường thấy trong ca dao Việt Nam. Thí dụ như câu "yêu nhau bẩy bỏ làm ba, ghét nhau ba bẩy bổ ra làm mười", hay trong cụm từ "tam sao thất bản"... Thật ra mấy lớp áo bên ngoài bị cắt thành các giải dài bên dưới thắt lưng mà Giáo sỹ Borri nhắc đến chỉ là cái xiêm cánh sen, hay xiêm nghê thường, mà người xưa mặc trước ngực hay dưới thắt lưng bên ngoài áo dài. Xiêm này có ba hoặc bốn lớp giải lụa may chồng lên nhau. Lớp giải trong cùng dài nhất, rồi các lớp bên ngoài ngấn dần. Các giải này ngày nay được đơn giản hóa bằng cách may thưa, nhỏ hơn, và dính liền ba bốn lớp với nhau như thỉnh thoảng vẫn còn thấy trong trang phục rước đình ở thôn quê miền Bắc, Trung Việt, và trong phục trang múa cung đình ở Huế.


Bức tượng Ngọc Nữ tạc từ thế kỷ 17 ở chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh, là minh chứng rõ nhất cho cả áo dài, các giải cánh sen, lẫn cách vấn khăn mà giáo sỹ Borri đã mục diện từ bốn thế kỷ trước đây. Cái áo dài cũng như cách vấn khăn ấy chẳng khác gì bây giờ. Và bức tượng này cho thấy áo dài phải xuất hiện trễ nhất là từ thế kỷ 17.


Năm 1819, khi thuyền trưởng Mỹ John White đến thăm Sài Gòn, cách ăn mặc ở đây vẫn giống như giáo sỹ Borri đã thấy ở Thuận Quảng từ hơn hai thế kỷ trước đó. Ông White có nhắc đến một thiếu nữ 16 tuổi mặc quần lụa đen và cái áo may sat nguoi đến mắt cá chân. Ông cũng cho biết rằng đàn ông, đàn bà Sài Gòn khi ấy ăn mặc giống nhau, với nhiều lớp áo dài khác mầu. Chiếc áo trong cùng dài đến mắt cá chân (chắc là cái quần), rồi các áo ngoài ngắn dần…Tuy nhiên, giống như bây giờ, lối ăn mặc đỏm đáng kể trên chỉ dành cho tầng lớp phong lưu, thời thượng. Còn phục trang của đại đa số dân chúng thì nghiêm cẩn hơn. Giáo sỹ Borri cho biết phần lớn đàn ông Việt hồi đầu thế kỷ 17, nhất là giới sỹ tử, đều mặc một cái áo dài lụa hay lương mầu đen phủ ra ngoài các áo khác.
Cho đến đầu thế kỷ 20, phần đông áo dài phụ nữ thành thị đều may theo thể năm thân, hay năm tà. Mỗi thân áo trước và sau đều có hai tà, khâu lại với nhau dọc theo sống áo. Thêm vào đó là tà thứ năm ở bên phải, trong thân trước. Tay áo may nối phía dưới khuỷu tay. Sở dĩ áo phải nối thân và tay như thế là vì các loại vải tốt như lụa, sa, gấm, đoạn, ngày xưa chỉ dệ t được rộng nhất là 40 cm. Cổ, tay và thân trên áo thường ôm sát người, rồi tà áo may rộng ra từ sườn đến gấu và không chít eo. Gấu áo may võng, vạt rất rộng, trung bình là 80 cm ởgấu. Cổ áo phụ nữ chỉ cao khoảng 2 đến 2,5 cm. Riêng ở miền Bắc từ thập kỷ 1910-1920, phụ nữ thích may thêm một cái khuyết phụ độ 3 cm bên phải cổ áo, và cài khuy cổ lệch ra đấy. Cổ áo như thế sẽ hở ra cho quyến rũ hơn, và cũng để khoe chuỗi hột trang sức quấn nhiều vòng quanh cổ, gọi là chuỗi hạt gáo. Nhưng khi đi lễ chùa hay gặp các bậc trưởng thượng, cổ áo lại được cài kín lại bằng khuy giữa cổ.

Từ trái: áo năm tà (năm thân)của Thừa sai Công giáo thời Tự Đức, áo dài năm thân may kép của Hoàng thái hậu cuối thế kỷ 19, áo dài ba thân thời đầu 1950 


Thủa ấy các vải áo mầu đậm được dùng nhiều nhất. Mùa Thu, Đông dùng các loại gấm đoạn, và Xuân, Hạ dùng sa, vân. Vì mầu nhuộm của các loại vải ngày trước dễ phai, cho nên người xưa không giặt các áo dài may bằng vải đắt tiền, thường dùng làm áo ngoài. Các áo này chỉ được phơi nắng một năm mấy lần, rồi ướp thơm bằng trầm hay hương bài trong tráp gỗ. Phần nhiều áo dài ngày xưa đều may kép, tức là may có lót. Trong áo kép lại có một áo dài lót. Cái áo lót trong này hay thấm mồ hôi, vì thế được may đơn bằng vải mầu trắng để không sợ bị thôi mầu, dễ giặt. Một áo kép mặc kèm với một áo lót đơn ở trong đã thành một bộ áo mớ ba. Quần may rộng vừa phải, với đũng thấp. Thủa đó phần đông phụ nữ từ Nam ra Bắc đều mặc quần đen với áo dài, trong khi phụ nữ Huế lại chuộng quần trắng. Đặc biệt là giới thượng lưu ở Huế, cả nam lẫn nữ, hay mặc loại quần chít ba, nghĩa là dọc hai bên mép ngoài quần được may với ba lần gấp, để khi đi lại quần sẽ xòe rộng thêm. 

Trong các thập niên 1930 và 1940, cách may áo dài vẫn không thay đổi nhiều, nhưng phụ nữ thành thị bắt đầu dùng các loại vải mầu tươi, sáng hơn, được nhập về từ Âu Châu. Cho đến lúc này gấu áo dài thường được may trên mắt cá khoảng 20 Cm. Từ đây, và tiếp tục cho đến gần cuối thế kỷ 20, thiếu nữ khắp nơi mặc quần trắng với áo dài. Quần đen để dành cho phụ nữ đã lập gia đình. Tuy nhiên phần lớn phái nữ thuộc mọi lứa tuổi ở Huế vẫn chỉ mặc quần trắng.
Hoàng thái tử Bảo Long trong áo dài năm thân và quần chít ba (dự lễ đăng quang Nữ Hoàng Anh năm 1952)

Một vài nhà tạo mẫu áo dài bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn này, nhưng gần như họ chỉ bỏ được phần nối giữa sống áo, vì vải phương Tây dệt được khổ rộng hơn. Và áo dài từ đây trở thành áo ba tà. Tay áo vẫn may nối. Nổi nhất lúc ấy là họa sỹ Cát Tường ở Hà Nội.






Năm 1939 nhà tạo mẫu/ họa sỹ này tung ra một kiểu áo dài được ông Âu hóa, cả về mẫu dáng lẫn tên gọi, Le Mur, do ông tự dịch tên của mình ra tiếng Pháp. Áo Le Mur vẫn giữ nguyên phần áo dài may không nối sống bên dưới. Nhưng cổ áo khoét hình trái tim với mũi nhọn đằng trước ngực hay sau lưng, và một cái nơ đính vào chỗ khoét nhọn đó. Có khi áo được gắn thêm cổ bẻ. Vai áo may bồng, tay nối ở vai. Khuy áo may dọc trên vai và sườn bên phải. Có thế thôi mà áo dài Le Mur bị xem là táo bạo, và chỉ có giới nghệ sỹ hay thời thượng mới dám mặc. Nhưng chỉ đến khoảng năm 1943 thì loại áo  này đã bị thất sủng.

Một vài mẫu áo dài Lemur (Cát Tường)
Đến thập kỷ 1950 sườn áo dài bắt đầu được may có eo, không còn cái áo dài lót bên trong. Các thợ may lúc đó đã khôn khéo cắt áo lượn theo thân người. Thân áo sau rộng hơn thân áo trước, nhất là ở phần mông, để áo ôm theo thân dáng mà không cần chít eo. Vạt áo cắt hẹp hơn. Thân áo trong được cắt ngắn dần từ giai đoạn này để chỉ còn một miếng vả ngắn gọi là vạt hò. Cổ áo bắt đầu cao lên, trong khi gấu được hạ thấp xuống. 
Áo dài được thay đổi nhiều nhất trong thập kỷ 1960. Vì nịt ngực ngày càng phổ biến hơn, nên áo dài bắt đầu được may chít eo, nhiều khi rất chật, để tôn ngực. Eo áo cắt cao lên hở cạp quần. Gấu áo lúc này cắt gần thẳng ngang, và may dài gần đến mắt cá chân. Năm 1960, vì muốn thấy cổ phụ nữ dài thêm, bà Trần Lệ Xuân đặt ra loại áo dài cổ thuyền, được gọi là áo bà Nhu. Nhiều người sau đó còn may áo dài với cổ khoét tròn.
Rồi đến gần cuối thập kỷ 1960, để theo đúng thời trang váy ngắn quần loe của phong trào Hippy, áo dài mini trở thành thời thượng. Vạt áo bây giờ may hẹp và ngắn, có khi đến đầu gối. Áo may rộng hơn, không chít eo nữa, nhưng vẫn hơi giữ đường lượn theo thân thể. Cổ áo thấp xuống còn trên dưới 3 cm. Tay áo cũng được may rộng ra. Đặc biệt là cũng trong khoảng gần cuối thập niên 1960 này, vai áo dài bắt đầu được cắt lối nối xéo gọi là raglan để ngực và tay áo ôm hơn, nhăn ít, mà lại đỡ tốn vải. Tay áo dài từ đây được nối với thân từ chéo vai. Quần khi ấy may rất dài với gấu rộng đến 60cm, và nhiều khi được lót hai ba lớp. Cho đến lúc này phụ nữ Việt Nam khi ngồi xuống vẫn còn ý nhị vén vạt áo sau đặt lên đùi trước cho kín đáo, và để vạt áo khỏi nhăn.

Từ thập kỷ 1970 đến 1990 áo dài không thay đổi nhiều lắm. Thỉnh thoảng cách mặc có đổi mới, thí dụ như quần với áo đồng mầu, nhưng không tạo ra được phong trào sâu đậm. Các nhà tạo mẫu áo dài bây giờ vẫn luôn nghiên cứu, tìm tòi để đưa ra mẫu mới. Nhưng các mẫu mã ngày nay phần nhiều chỉ thay đổi chung quanh chất vải hay hoa văn. Còn về kiểu dáng thì hoặc là lại quay về giống như áo dài của một trong những thập kỷ trước, nghĩa là không khác gì với cái áo dài của pho tượng Ngọc Nữ thế kỷ thứ 17, hoặc không còn là áo dài nữa. Áo dài trông đơn giản thế, nhưng muốn biến đổi nó thêm về hình thức sẽ rất khó. Vì nó đã được hoàn thiện từ lâu lắm rồi.

TRỊNH BÁCH.

Một vài hình ảnh trong buổi trình diễn áo dài tân thời Le Mur do nhóm cựu nữ sinh Trưng Vương tại Nam California thực hiện.


                                      Người mẫu áo dài Le Mur thập niên 1940





                            
                                    Những người mẫu TV trong những kiểu áo dài Le Mur
















Hình Phương Lan chụp sau show trình diễn


Saturday, July 20, 2013

THƯ GỬI BẠN PHƯƠNG XA - Phạm Kim Dung

Thư Gửi Bạn Phương Xa



tôi như chết lặng trên chiếc võng nhìn người thiếu phụ hết khóc lại cười rồi kể lể...
tôi không nghe, không cảm nhận được điều gì đang xảy ra chung quanh,
bỗng dưng chị dơ tay áo quẹt thật nhanh để lau vội khuôn mặt đầy nước mắt...
"ráng chút nghe nhỏ, vào giờ này thì nóng hết biết, mùi bùn khó chịu lắm nhưng ngửi riết bây giờ thành ghiền luôn nhỏ ah "
nhìn chị loay hoay tìm gì đó trong góc phòng, tôi cứ chóng cả mặt, chị Phiên đó sao ???
Thái Phiên của một ĐàLạt sương mù ngày nào bây giờ như vậy sao ???
chị quay lại nhìn tôi đôi mắt thật long lanh và cây đàn guitare trên tay,
ngắm chị đằm thắm dịu dàng so giây nhấn phím tôi như lạc vào một thế giới nào lạ hoắc lạ hươ cho đến khi mặt trời xuống dần trên tàn cây trứng cá sau hè...
ai ngờ được môt phần đời đã qua đi,
thế sao tôi vẫn chơi vơi khi nghe chị Phiên ôm đàn ngồi hát...
một cô giáo với nhan sắc thật khiêm nhường nơi thành phố quanh năm nhiều sương hơn nắng,
và bao nhiêu người đàn ông đã tới để nghe chị hát để nhìn chị ôm đàn...
nhưng khi chợt nhận ra người con gái ấy không có gì ngoài giọng hát mượt mà và tay đàn mềm như những lọn tơ thì họ lại vội vàng giã từ với muôn ngàn lý do...
ngày ấy,
tôi mê chị Phiên dễ sợ,
và như thế tôi cứ mơ mộng là mình sẽ trở thành một cô giáo tỉnh lẻ để được lũ học trò vây quanh như chị Phiên,
tôi tập đàn, tập hát những khi nhà vắng không có ai,
nhưng tội quá là tội,
tay tôi như một que củi mục, giọng tôi khi cần trầm thì lại trong veo, khi muốn thanh thì lại chát ngầm n trái chuối hột còn non, 
và đến một ngày tìm mãi không thấy tên mình trên chiếc bảng gỗ cũ kỹ của trường Đại Học Sư Phạm thì hy vọng được gõ đầu đám con nít khờ đã bị dập tắt như chiếc que diêm ẩm chỉ loé lên rồi tắt ngấm... 
thế là tàn một giấc mơ,
nhưng M thì lại mừng thầm vì từ lâu Mẹ vẫn "lén lút" lo tôi sẽ là cô giáo nghèo như chị Phiên, 
nhưng rồi một ngày nắng trong veo, trong cái rã rời khi chợt nhận ra một điều là chẳng phải giấc mơ nào cũng là sự thật (!!!),
tôi đi lạc tới khu chợ Bà Chiểu và đã dừng chân ghi danh thi tuyển vào một Đại Học tư đầu tiên của SaiGon..
kể như tàn đời,
không mơ mơ mộng mộng được nữa rồi, 
Kinh Tế Đại Tượng, Kinh Tế Vi Tiểu với những danh từ lạ lẫm, cứ bơi lội với những GNP là đủ hụt hơi còn đâu mà nghĩ đến giấc mơ ôm đàn hát hò lăng nhăng (lời Mẹ tôi) 
Quản Trị Kinh Doanh, Luật Thương Mại, rồi Thống Kê, rồi Marketting...
cứ lung tung lang tang thế nên tôi đành lòng quên tuốt chị Phiên,
...những trưa hè muốn trốn nắng trong giấc ng trưa nhưng lại giật mình vì mới hôm bị Thày Tổng Thư Ký mắng tơi tả " sao hôm qua Cô bỏ giờ sinh ngữ, lớp Cô đang có giờ nghe máy tại sao còn ở đây ???"
...rồi có một lần đang hung hăng vung tay múa quyền kể lại chuyện film mới xem hôm qua chợt lạnh gáy quay lại...
ui chao, Thày Khoa Trưởng đứng sau lưng mặt lạnh lùng...chưa tới giờ vào lớp sao...
hihi...quê lắm nhưng đành làm mặt tỉnh như ruồi...thưa Thày em vào ngay ah...
....trời ơi, thuyết trình về Kinh tế mà Bà nói cái giọng rè rè như vậy tui nghi nhóm mình bị điểm âm quá, tức nghẹn lời nhưng vẩn còn đủ tỉnh táo nghĩ thầm...ê chú nhỏ, giọng ta mà ngọt ngào như chị Phiên thì liệu chú có đủ tỉnh táo mà chê bai ta không nhỉ...
.....................................................................................................................................................
những ngày mưa tháng nắng rồi cũng qua,
cuối cùng thì cũng áo mão nghênh ngang vào đời,
cứ ngỡ đâu phen này sẽ cho "họ hàng làng nước " biết đâu phải học Dược học Nha mới ngon lành... 
chao ơi, ai ngờ được trong chớp mắt mộng lại bay vèo như chiếc lá thu vội vã lìa cành,
......................................................................................................................................................
trời mưa tầm tã,
tay vuốt nước trên mắt trên môi,
lưng gò xuống để đạp xe ngược chiều gió,
đèn đỏ rồi đèn xanh,
nhủ thầm về cho rồi,
mệt muốn đứt hơi vì hồi chiều phải chia thịt tiêu chuẩn cho cả phòng,
nhưng ráng chút nữa đi, gần tới rồi,
mình sẽ được gặp lại những khuôn mặt thân quen mà thoắt đó đã bao năm không gặp ngỡ đâu như là từ kiếp trước,
"bà dzô lẹ lên, đưa áo mưa tui cất dùm"
trời ơi, cái tên cao lêu nghêu ngày xưa từng bảo giọng mình rè rè đang cười nói đó sao,
mình đâu có khóc mà mắt lại nhoè vì lệ đang trào tuôn...
suỵt, đừng nói lớn, tụi mình tụ họp không xin phép phường khóm đó nha..
nhưng rồi ai ngăn được nỗi mừng vui của những con chim mới lìa tổ đang ngẩn ngơ nhìn nhau mà cứ ngỡ là đang mơ,
.......................................................................................................................................................
Chi nè, bây giờ mình là bà con ra sao,
chị học Trưng Vương với chị lớn của em, còn ông xã em lại học chung với chị..
..chàng nào thế cô bé....
...tui đây,
thì ra người bạn cùng chung giảng đường hai năm rồi chia tay với "ly chanh đường với môi em ngọt" để đi vào nơi gió cát...
bây giờ gặp lại chả biết xưng hô thế nào...
thôi thì...bà bà tui tui...khỏe re..
.......................................................................................................................................................
người phụ nữ ngồi trên xích lô chạy song song với mình bỗng quay lại,
trời ơi, bạn mình đó sao,
chiếc xe xa dần nhưng còn cố quay lại gửi gấm,
có gặp lại Thày và các bạn cũ cho mình gửi lời thăm hết nha,
.......................................................................................................................................................
tay run run cầm ly rượu hạnh ngộ,
...bà có gặp người trong mộng của tui không ?? cho tui thăm nghe...
chu cha, rượu nói hay là lời thực mà bao năm tháng vẫn còn ấp ủ trong lòng đây !!!
bạn ta ơi, nơi phương xa đó biết tin này chắc lại ôm cháu ngoại ngẩn ngơ nhớ lại ngày xưa cho mà xem...
.......................................................................................................................................................
T. tặng chị CD này,
những tình khúc T viết và trình bày,
bạn ta đó,
tóc đã muối tiêu nhưng vẫn ôm đàn đến giữa đời " khuyến khích" bạn bè
" cứ yêu người, yêu đời cho đến khi tàn cuộc chơi,"

trong chiều dần im hơi,
người ngồi thương nhớ bao ngày qua,
nhạc lòng năm cũ, dù thời gian qua,
mà lòng thương nhớ vẫn chưa phai mờ...
Nhìn mái tóc rụng đã nhiều,
một vài sợi trắng như cước nhẹ đong đưa theo tiếng đàn của chị Phiên,
lòng tôi bỗng như tan thành khói sương,

như một chút quà giữa Xuân 2013  gửi đến các TV ngày xưa


Phạm Kim Dung

70 NĂM TÌNH CA VIỆT NAM

70 NĂM TÌNH CA VIỆT NAM

Mời cùng nghe những bản nhạc hay của các nhạc sĩ tài ba làm xúc động bao nhiêu trái tim của mọi người. Một công trình do Hoài Nam ở Úc châu thực hiện.


http://www.ngaydochungminh.com/70NamTinhCa/70NamTinhCa.html
http://music.hatnang.com/audio/by/album

Download: http://www.baolocquetoi.com/showthread.php?2137-T%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p-link-download-c%C3%A1c-album-nh%E1%BA%A1c/page7

Thursday, July 18, 2013

CÓ CHĂNG MÙI HƯƠNG TRONG TIẾNG VĨ CẦM ĐAN THỌ - Du Tử Lê.

 

CÓ CHĂNG MÙI HƯƠNG 
                                       TRONG TIẾNG VĨ CẦM   ĐAN THỌ



Trang thơ nhạc cuối tuần thân mời các bạn đọc bài  trích đoạn về Nhạc Sĩ Đan Thọ và nhạc phẩm bất hủ "Chiều Tím" qua bài viết của nhà văn Du Tử Lê.

CÓ CHĂNG MÙI HƯƠNG TRONG TIẾNG VĨ CẦM ĐAN THỌ
Nhìn lại sinh hoạt 20 năm VHNT miền Nam, một số nhà nghiên cứu cho rằng, cuộc di cư khổng lồ của hơn một triệu người miền Bắc vào Nam, đã thổi ngọn lửa đổi mới, rực rỡ lớn cho sinh hoạt VHNT cho vùng đất trù phú, êm ả này.
Một số người khác, lại ví von rằng, sự thay da đổi thịt của sinh hoạt văn nghệ miền Nam, tựa như một cuộc cách mạng quyết liệt, lay động, đổi thay tận gốc rễ nếp sinh hoạt văn nghệ của miền Nam.
Nhạc sĩ Đan Thọ

Ở lãnh vực tân nhạc, người ta ghi nhận sự xuất hiện của hàng hàng, lớp lớp những tác giả trẻ mà, Trịnh Công Sơn, được coi là một hiện tượng đặc biệt. Bên cạnh đó, những tên tuổi khác như Nguyễn Ðức Quang, Anh Việt Thu, Vũ Thành An, Trầm Tử Thiêng, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên... đã đóng góp phần của họ, để làm thành cái được gọi là “đợt sóng mới.” Ðó là thế hệ nhạc sĩ khởi nghiệp ở điểm mốc cuối hoặc sau thập niên (19)60.
Tuy nhiên, thực tế, những “đợt sóng mới” này vẫn không thể làm lu mờ, hay đẩy lùi sự chói lòa những tên tuổi lớn thuộc thế hệ tiền chiến hoặc, khởi nghiệp từ những năm đầu thập niên (19)50 như Dương Thiệu Tước, Phạm Duy, Phạm Ðình Chương, Văn Phụng, Nguyễn Hiền, Tuấn Khanh, Y Vân, Hoàng Thi Thơ, Anh Bằng, Lê Dinh, Minh Kỳ, Nguyễn Văn Ðông, Nhật Bằng, v.v... Phải chăng đó là một trong những điểm đặc thù của dòng tân nhạc miền Nam 20 năm?
Giống như lãnh vực thi ca, khi một nhạc sĩ thuộc thế hệ trước 1954 đã định hình thì, vị trí của họ là vị trí bất biến. Kể cả những nhạc sĩ có số lượng tác phẩm không nhiều lắm. Nhưng, nếu ca khúc của họ, đã được quần chúng đón nhận thì chúng là những viên ngọc bất hoại. Ðó là những tác phẩm đã vượt qua được vạch phấn thời gian. Sống còn sau thử thách với những ngọn lửa vùi dập, lãng quên mau...

Nằm trong trường hợp vừa kể, ở lãnh vực thi ca, người ta thấy có nhiều thi sĩ chỉ cần để lại cho đời một bài thôi, cũng đã đủ thành bất tử. Tỷ như Vũ Ðình Liên với bài thơ “Ông Ðồ Già”; Hữu Loan với “Mầu Tím Hoa Sim”... Về phía tân nhạc, chúng ta có một Nguyễn Văn Tý với “Dư Âm.” Một Nguyễn Văn Khánh với “Nỗi Lòng.” Một Lê Hoàng Long với “Gợi Giấc Mơ Xưa.” Một Vũ Thành với “Giấc Mơ Hồi Hương” hoặc, một Hoàng Dương với “Hướng Về Hà Nội”...

Hiện tượng này, cũng ứng hợp với nhạc sĩ Ðan Thọ - Tác giả của hai ca khúc đã sớm trở thành những viên ngọc quý của kho tàng tân nhạc miền Nam. Ðó là ca khúc “Tình Quê Hương” phổ từ thơ Phan Lạc Tuyên và, “Chiều Tím” phổ từ thơ Ðinh Hùng. Ðặc biệt, ca khúc “Chiều Tím” còn có thêm cho riêng nó một định mệnh khác thường...




Theo lời kể của nhạc sĩ Ðan Thọ thì, ngoài phần thơ (sẵn có từ trước), thi sĩ Ðinh Hùng còn hợp tác với ông, để hoàn tất phần ca từ thứ hai.

Ở lời hai này, thi sĩ Ðinh Hùng đã đem được hình ảnh tiêu biểu của nhạc sĩ Ðan Thọ vào “Chiều Tím” qua phần ca từ mở đầu phần thứ hai:

“Từ đấy đàn nhớ thanh âm chùng dây vĩ cầm...” trước khi dòng nhạc đi tiếp với những lời thật đẹp, như thơ, nồng nàn hương tình yêu mà tiếng đàn vĩ cầm của Ðan Thọ giữ được và gửi vào tâm hồn người thưởng ngoạn:

Người xa vắng rồi chiều sang em ơi!
Thương ai hoa rơi lá rơi...
Người ấy lòng hướng trăng sao, hồn say chiến bào
Tìm trong tiếng đàn...
mùi hương chưa phai
Ý giao hoan người nhớ chăng?

Mây gió...
bốn phương giăng hàng
Mùa thu thêu áo nét hoa mơ vàng
Và em với chàng kề vai áo...
vấn vương

Chiều hỡi!
Ðàn nhớ mong nhau, tình thương bắc cầu
Người đi hướng nào?
Tìm trong chiêm bao
Tóc bay dài, gió viễn khơi...
 




 

  Căn cứ theo tiểu sử do website Ðất Việt.com ghi lại thì nhạc sĩ Ðan Thọ sinh năm 1924 tại Nam Ðịnh. Ông sở trường Violon và Saxophone Tenor. Từ năm 1936 tới 1942, ông học chữ và nhạc tại trường Thày Dòng Saint Thomas d' Aquin (Nam Ðịnh). Thầy dạy violon là Frère Maurice. Sau đấy, từ năm 1942 tới 1945, ông học hòa âm, và sáng tác với Giáo Sư Tạ Phước cùng Vũ Ðình Dự. Ngay trong năm 1945, ông đã được mời chơi đàn violin tại phòng trà Thiên Thai của nhạc sĩ Hoàng Trọng (Nam Ðịnh). Từ năm 1948 tới năm 1954 ông gia nhập Ban Quân Nhạc Ðệ Tam Quân Khu Hà Nội cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Túc, Nhật Bằng, Văn Phụng, Nguyễn Khắc Cung, Nguyễn Cầu, Nguyễn Hiền...

Hai nhạc phẩm đầu tay của ông (sáng tác chung với cố nhạc sĩ Nhật Bằng), nhan đề “Bóng Quê Xưa” và “Vọng Cố Ðô” sáng tác năm 1952. Năm 1956, ở Saigon, ông trở lại học thêm về kèn Saxophone với Quân-Nhạc-trưởng Schmetzler và nhạc sĩ Phi Luật Tân Mano Umali. Năm 1954 tới 1956, khi ban quân nhạc di cư vào Nha Trang, ông sáng tác ca khúc bất tử “Tình Quê Hương” - Phổ từ một bài thơ của nhà thơ Phan Lạc Tuyên.
Vẫn theo website Ðất Việt.com thì những ca khúc như “Chiều Tím” (thơ Ðinh Hùng), rồi “Xa Quê Hương” (viết chung với Xuân Tiên), “Mimosa Thôi Nở” (thơ Nhất Tuấn), “Dương Cầm” (ý thơ Mùi Quý Bồng) được ông viết trong thời làm việc ở Saigon.

Năm 1956 và 1961, với tư cách Trưởng Ban Nhạc Nhẹ của Ðài Phát Thanh Tiếng Nói Quân Ðội ông được cử vào phái đoàn nghệ sĩ của miền Nam, đi trình diễn tại Bangkok và Manila.

Như một số nhạc sĩ cùng thời với mình, hằng đêm, nhạc sĩ Ðan Thọ trình diễn ở nhiều phòng trà, vũ trường... Ông cũng thu thanh tiếng đàn vĩ cầm của ông cho các đài phát thanh và, vô tuyến truyền hình quốc gia.
Trong một bài phát thanh trên đài VOA vào trung tuần tháng 3 năm 2003, nhà báo Trường Kỳ đã ghi nhận khá đầy đủ về phần đời trôi nổi của nhạc sĩ Ðan Thọ. Qua trích đoạn dưới đây, những người yêu mến dòng nhạc trữ tình của Ðan Thọ, mới được biết thêm rằng, tác giả “Chiều Tím” không chỉ nổi tiếng như một vĩ cầm thủ mà, ông còn nổi tiếng với tiếng kèn saxo và nhạc Jazz nữa:

“Trong lãnh vực vũ trường, Ðan Thọ là một trong những nhạc sĩ kỳ cựu nhất. Trước ngày đất nước chia đôi, ông đã từng với nhạc sĩ Nguyễn Túc trình diễn tại nhiều phòng trà ở Hà Nội. Vừa vào đến Sài Gòn, ông đã được mời cộng tác ngay với vũ trường 'Grand Monde' tức 'Ðại Thế Giới'. Năm 57 ông qua vũ trường Ðại Nam cộng tác với ban nhạc gồm nhiều nhạc sĩ nổi tiếng.

“Ðến năm 62, vì lệnh cấm khiêu vũ nên ban nhạc này đổi qua trình diễn nhạc Jazz với một thành phần gồm các nhạc sĩ nổi danh như: Văn Hạnh, Lê Văn Thiện và Huỳnh Anh. Ðối với khán giả Việt Nam thời đó, trình diễn nhạc Jazz là một điều mới mẻ. Do đó ban nhạc của vũ trường Ðại Nam đã lôi cuốn được rất nhiều người đến thưởng thức.
“Một thời gian sau ông về vũ trường 'Croix Du Sud', sau đó đổi tên là 'Tự Do'. Tại đây ông cộng tác với các nhạc sĩ Hoài Trung, Hoài Bắc cùng với Lê Văn Thiện, Huỳnh Anh, Nguyễn Văn Thanh, Văn Ba, v.v... Sau đó ông được giải ngũ vào năm 1969 để sang cộng tác với vũ trường Mỹ Phụng cho đến năm 72 và sau đó là phòng trà Bồng Lai.
“Tại miền Nam trước biến cố tháng 4 năm 75, trong rất nhiều năm, bóng dáng Ðan Thọ với cây vĩ cầm hoặc với cây kèn saxo đã là một hình ảnh quen thuộc với những người lui tới các phòng trà và vũ trường về đêm (...).
Tôi trộm nghĩ, có dễ trong số những người yêu mến dòng nhạc trữ tình của nhạc sĩ Ðan Thọ, cũng ít ai biết ngoài vĩ cầm, đã trở thành một thứ ID, thẻ nhận dạng tài hoa Ðan Thọ, ông còn là một hảo thủ nhạc Jazz, một lãnh vực âm nhạc, tương đối xa lạ với người Việt thời trước tháng 4, 1975.


Ðược con bảo lãnh qua Hoa Kỳ, tháng 3 năm 1985, ông có nhiều năm định cư tại miền Nam California. Trước khi di chuyển về lại thành phố New Orleans và hiện nay là Houston, Texas. Ðể khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Ðan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer. Bên cạnh đó, ông còn có thêm một thú vui êm đềm khác là nuôi chim hoàng anh.
Bản chất vốn chí tình, cởi mở với bằng hữu, tác giả “Chiều Tím” đã không ngần ngại truyền thụ nghệ thuật nuôi chim hoàng anh tại nhà, cho bất cứ ai có ý muốn bước vào thú nuôi chim tại nhà, nhẹ nhàng này. Hơn thế nữa, để khuyến khích, ông cũng sẵn sàng tặng cho bằng hữu, những cặp chim hoàng anh tốt nhất, ra đời từ “trại hoàng anh tại gia” của ông. 
Tôi không biết tác giả “Tình Quê Hương” có tìm thấy mối tương quan nào chăng giữa tiếng hót của chim hoàng anh và, tiếng vĩ cầm sớm đi vào ca khúc của ông? Nhưng, tôi trộm nghĩ, cách gì thì nơi thẳm sâu tâm hồn người nhạc sĩ tài hoa, nặng lòng với quê hương này, vẫn mãi là:
... Chiều hỡi!
Ðàn nhớ mong nhau, tình thương bắc cầu
Người đi hướng nào?
Tìm trong chiêm bao
Tóc bay dài, gió viễn khơi...
Du Tử Lê