THƯ NGỎ

WELCOME TO TV6269

Các bạn thân mến,

Năm 1962 chúng mình bước vào Trưng Vương bằng những bước chân ngập ngừng của những cô bé lớp Đệ Thất ngây thơ. Rồi 7 năm học trôi qua những kỷ niệm với bạn bè, với Thầy Cô, với lớp học, với ngôi trường yêu dấu đã để lại trong ký ức của chúng mình tình bạn thân thiết và những kỷ niệm êm đềm, mơ mộng của một thời áo trắng TV.

Ngày nay tuy ở khắp mọi nơi, chúng mình đã tìm gặp lại nhau. Xin chào mừng tất cả các bạn và ước mong qua trang Blog Trưng vương 62-69 này sẽ là nơi gặp gỡ thân ái để TV6269 cùng ra chơi, vui đùa như ngày xưa trong sân trường yêu dấu.

TV6269







Friday, November 27, 2015

TẠ ƠN THẦY CÔ

TẠ ƠN THẦY CÔ

Tôi vẫn nhớ con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm thơ mộng với hai hàng me xanh mướt. Tôi vẫn nhớ Trưng Vương , ngôi trường đã gắn liền với tuổi học sinh nhiều mộng mơ. Tôi vẫn nhớ sân trường vào lúc chào cờ sáng thứ hai, được nghe cô Tổng Giám thị Nguyệt Minh ban huấn thị.Tôi vẫn nhớ hành lang dài , nơi chúng tôi thường dựa vào lan can trò chuyện . Tôi vẫn nhớ Hoàng tử chột, tên gọi nghịch ngợm dành cho bác`gác cổng.Kỷ niệm này nối tiếp kỷ niệm kia như một cuốn phim quay chậm. Hình ảnh Thầy Cô trên bục giảng vẫn là một nỗi nhớ khôn nguôi. Chúng tôi yêu thương , kính trọng và vâng lời Thầy Cô . Không Thầy đố mày làm nên , ông bà đã dạy chúng ta như thế. Và hôm nay , các thế hệ Trưng Vương, dù nhỏ, dù lớn đều đã nên người bên nhau để tạ ơn Cô Thầy. Công lao khó nhọc này là của Thầy Cô , những người đưa đò âm thầm , lặng lẽ đưa khách sang sông.

Những bình hoa lan tươi thắm và gói quà nhỏ là để vinh danh Thầy Cô, tri ân Cô Thầy được các cựu nữ sinh Trưng Vương dâng lên các giáo sư là một hình ảnh thật cảm động và nhiều ý nghĩa trong mùa tạ ơn này. Tôi thấy trong ánh mắt , trong lời nói của cô giáo chúng tôi là một niềm vui và hạnh phúc. Cám ơn Cô Thầy đã dạy dỗ chúng con nên người. Hơn 60 cựu nữ sinh Trưng Vương các thế hệ đã vây quanh các Cô để thăm hỏi và để được ghi lại thời khắc đáng quý này. Chúng tôi được gặp lại các thầy cô dạo nào. Cô Nại, cô Bội Hoàn, cô Uyên, cô Liên Dung, cô Đức, cô Thúy Nga . Thật vui khi biết các Cô vẫn khỏe mạnh.

Quanh tôi toàn là các sư tỷ Trưng Vương , các chị dù đã ở độ thu vàng mà vẫn trẻ trung , xinh đẹp . Các chị vẫn hồn nhiên gọi nhau mày tao và cùng dẫn nhau về với những tháng ngày cũ...Ngày ấy các chị đã ra trường thì tôi mới lò dò vào cổng trường với bước chân ngập ngừng , e ấp. Nhiều ngày chưa gặp lại nhau , bao nhiêu điều muốn nói, các chị cũng như bầy ong vỡ tổ...âm thanh náo nhiệt , tiếng cười , tiếng nói tràn ngập căn phòng . Được ngồi cùng các chị, ăn uống, trò chuyện và bên các chị trong những tấm hình mới vui làm sao.

Những tấm hình của từng bàn bên thầy cô qua tâm tình của chị Hiếu- "mỗi khi nhìn ngắm 6 hình này, Hiếu nghĩ đây là SIX TRƯNG VƯƠNG FOREVER STAMPS." Đúng vậy chị Hiếu à, khó mà có thể có những hình ảnh đẹp như vậy, phải không chị? Tôi thích nhất hình " final" của bác Nguyễn Kỳ, nhiếp ảnh gia của Trưng Vương . Một tấm hình không cần lời bình. Thầy trò bên nhau , ấm áp những yêu thương , thân ái tình bằng hữu . Xin được gửi đến bác Nguyễn Kỳ nhiều nhiều lời cám ơn của Trưng Vương. Không một nữ sinh Trưng Vương hồi đó mà không có ít nhất vài tấm hình đen trắng của bác.
Xin cảm tạ công ơn dạy dỗ của Thầy Cô.
Xin được cám ơn tất cả các sư tỷ, những bậc đàn chị mà hồi đó chỉ thấy từ xa xa , bây giờ đã được nhìn tận mặt, tay trong tay . Thật là vui. Cám ơn các chị trong ban tổ chức đã tốn nhiều công sức cho buổi " đại hội quần thoa " này.
Tạ ơn đời, tạ ơn Thầy Cô, tạ ơn người đã cho Trưng Vương chúng ta nhiều hạnh phúc.
Mùa Tạ ơn 2015
TV Phương Lan
11:25 11/26/2015
Mời Thầy Cô và các chị cùng xem slideshow.

Saturday, November 14, 2015

TÔI ĐI XEM PHIM VIETNAMERICA

Tôi đi xem phim VIETNAMERICA 

Những ngày đầu tháng năm, 2015 tôi được nghe trên TV, radio quảng cáo rất nhiều về phim VIETNAMERICA, về hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hoá. Là một nhà giáo về hưu, tôi tò mò muốn đi xem. Tôi nhờ một người bạn kiếm cho một vé vào xem phim. nhưng thú thực trong lòng tôi không có một mong đợi gì nhiều về cuốn phim tài liệu được sản xuất bởi những tên tuổi hầu như xa lạ trong ngành phim ảnh Việt Nam cũng như Hoa Kỳ. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã tốn biết bao giấy mực cho những cuộc tranh cãi quyết liệt từ Đông sang Tây đã hơn nửa thế kỷ qua, và cho đến hôm nay vẫn chưa dứt. Lý luận của bên chống cũng như bên ủng hộ ngang ngửa nhau khiến cho nhiều người, nhất là giới Tây phương, những người chỉ biết qua sách vờ và chưa từng sống dưới chế độ Cộng sản phải lung lạc hoặc hầu hết rơi vào tình trạng “không biết đâu mà mò”. Trong bối cảnh này, một cuốn phim tài liệu, liệu có thể làm được gì để thay đổi?
Sau những nghi lễ của Ban Tổ chức, cuốn phim được trình chiếu. Phim bắt đầu với những gương mặt phảng phất buồn như chứa đựng một quá khứ không vui của những cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hoà và cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiện tại Việt Nam. Họ đi sát bên nhau và kéo theo hai đại kỳ Hoa Kỳ và cờ Vàng 3 sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hoà trong cuộc diễn hành mừng ngày Cựu Chiến Binh (Veteran Day) năm 2014 trên lòng đường, hai bên là những toà cao ốc của thủ phủ Austin của tiểu bang Texas. Họ mặc những bộ quân phục từ các binh chủng khác nhau. Cùng đi với họ là những vị cao niên mặc quần áo dân sự, có cả một số người trẻ và phụ nữ Việt Nam với áo dài trang trọng và đẹp mắt. Đó là phần giới thiệu về chủ đề của cuốn phim VIETNAMERICA tức là người Mỹ Gốc Việt.
Đạo diễn Scott Edwards cũng là người dẫn chuyện (Narrator) kể lại: là một người trẻ (vừa ngoài 30), anh không biết một chút gì về chiến tranh Việt Nam. Đối với anh, cái tên Hồ Chí Minh không khác gì tên của một món Sushi mà anh thường ăn. Cho đến khi nhà sản xuất Nancy Bùi đến gặp anh và đề nghị anh hợp tác để hoàn thành cuốn phim về người Mỹ gốc Việt mà bà và hội Bảo Tồn Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt đã theo đuổi từ nhiều năm qua với trên 700 cuôc phỏng vấn những người trong cuộc. Từ đó, Scott đã được học về chiến tranh Việt Nam, hiểu và cảm thông được những gì người Mỹ gốc Việt đã trải qua và anh đã truyền đạt sự hiểu biết và cảm xúc của của anh vào phim VIETNAMERICA.
Không màu mè, quẩn quanh, rắm rối, cuốn phim đã trình bày về lý do có cuộc chiến tranh Việt Nam thật rõ ràng, giản dị qua lời giải thích của hai vị giáo sư, sử gia Mỹ, Robert F. Turner, và Lewis Sorley. Cả hai từng tham chiến tại Việt Nam và từng dạy sử và vấn đề an ninh quốc gia tại các Đại học. Cả hai đã viết nhiều sách về chiến tranh Việt Nam. Theo hai ông, sau thế chiến thứ hai, thế giới chia làm hai khối. Cộng Sản và Tự do. Trong bối cảnh xung đột này Việt Nam trở thành bãi chiến trường. Miền Bắc dưới sự điều khiển của Hồ Chí Minh muốn đưa Việt Nam vào quỹ đạo Cộng sản mặc dù ông ta luôn tự xưng là người quốc gia. Trong khi miền Nam muốn sống trong chế độ tự do, dân chủ nên phải đứng lên để đánh trả sự xâm lăng của Cộng sản Bắc Việt.
Hai vị giáo sư, sử gia đưa ra một phân tích mà tôi cho là rõ ràng và thuyết phục nhất; đó là cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam đều không có khả năng để theo đuổi cuộc chiến nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Cả hai chỉ có nhân lực. Súng ống, đạn dược và những thiết bị chiến tranh của miền Bắc được sự cam kết và hỗ trợ ồ ạt của Nga Sô và Trung Cộng trong khi miền Nam được Hoa Kỳ yểm trợ. Hội Nghị Genève đã đem lại thắng lợi cho phe Cộng sản Hố Chí Minh. Kết quả đưa nửa nước Việt Nam đi vào quỹ đạo Cộng Sản. Và ông Hồ Chí Minh đã không dừng tay một khi chưa chiếm được một nửa Việt Nam còn lại. Và thế là bước chân xâm lăng của Cộng sản từ miền Bắc đổ xuống miền Nam. Cuộc chiến tranh máu lửa hơn 20 năm bắt đầu.
Bằng những thước phim cồ và những đoạn phim hoạt hình sống động hoà với nhạc đệm dồn dập, khung cảnh chiến tranh Việt Nam của những ngày đầu thật sống đông, dữ dội và lôi cuốn. Tôi nghĩ rằng những người làm phim VIETNAMERICA đã thành công trong việc xử dụng tài liệu rất khác nhau nhưng họ đã gạn lọc những gì cốt lõi nhất để lột tả một sự thật mà từ trước tới nay, vì lý do này hay lý do khác đã bị bóp méo hoặc che đậy. Và từ đó, phim VIETNAMERICA lôi cuốn tôi vào những cảnh thật, người thật, nhưng sống động, hồi hộp không thua gì những phim được dàn dựng có tài tử, minh tinh đóng của những phim truyện.
Phần nói về diễn tiến khốc liệt và sự phức tạp của cuộc chiến tranh Việt Nam trong phim cũng được dành cho một thời lượng đáng kể. Từ thời Tổng Thống Kennedy, người Mỹ sớm hiểu rằng đây là một cuộc chiến tranh cân não thật phức tạp. Cộng sản biết là họ phải nắm được ngưòi dân mới có cơ hội chiến thắng, nên họ đã ra sức tuyên truyền. Họ rỉ tai người dân và đổ lỗi cho những khó khăn của cuộc sống của người dân là do tội lỗi của chính phủ miền Nam. Họ còn tuyền truyền rằng nếu người Cộng sản nắm được chính quyền thì những khó khăn này không còn nữa. Cộng sản sẽ đem lại công bình, no ấm và hạnh phúc cho mọi người. Từ đó, đã không ít những người dân miền Nam nghe theo những lời tuyên truyền nên phe Cộng sản mới có chỗ dựa tại miền Nam và kéo dài cuộc chiến tranh. Mặc dầu đã có những cam kết quyết liệt từ thời TT. Kennedy:” Từ Sài gòn đến Berlin, Hoa Kỳ sẽ vượt qua tất cả những mệt nhọc, tốn kém, mọi khó khăn, cản trở để bảo vệ tự do cho Việt Nam…”. Rồi tới TT. Lyndon Johnson: ”Không thể khiến những người đã đặt tin tưởng vào chúng ta phải thất vọng, chúng ta phải làm tất cả những gì để chiến thắng và để bảo vệ tự do cho Nam Việt Nam…”
Nhưng rồi cuộc chiến kéo dài khiến người dân Hoa Kỳ mỏi mệt. Thêm vào những hoạt động quyết liệt của phe phản chiến, những người ôm lá cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và cờ CSVN xuống đường kêu gào chấm dứt chiến tranh. Họ vào các Đại học lôi kéo sinh viên và những người trẻ xuống đường đòi chấm dứt chiền tranh để ngừng chém giết và đem lại “công bình”, “công lý” cho người dân Việt Nam. Tổng Thống Johnson vì áp lực mà không tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Tổng Thống Nixon được bầu lên thay thế với một mục đích rất rõ ràng là: Chấm dứt chiến tranh bằng mọi giá để Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam. Từ đó, tất cả những gì người Mỹ thiết lập tại Việt Nam bắt đầu được gỡ bỏ. Quân đội được rút về từ từ. Cuối cùng Hiệp định Paris được ký kết năm đầu 1973 để đưa đến việc chấm dứt sự tham chiến của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam. Trong khi miền Bắc tiếp tục nhận được sự viện trợ gấp đôi, gấp ba so với những năm trước. Hơn thế nữa, miền Nam nhận được “phát súng ân huệ” của Quốc hội Hoa Kỳ ký sắc luật cấm tất cả những tài trợ cho cuộc chiến Đông Dương và đó cũng là bản án tử hình cho Miền Nam Việt Nam. Kết quả không thể tránh được là miền Nam Việt Nam chiến đấu trong thiếu thốn tột cùng trong hơn 2 năm. Cuối cùng họ phải đầu hàng vì họ không còn đạn để bắn, xe tăng, máy bay không còn xăng để chạy. Nhiều người đã tự vẫn vào giớ phút cuối kể cả 5 vị Tướng Việt Nam Cộng Hoà.
Tôi nghĩ rằng phim VIETNAMERIVCA đã nới lên sự thật và cũng là quan điểm về chiến tranh Việt Nam của người Việt tự do, những người trong cuộc, những nạn nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp và chịu mất mát nhiều nhất trong cuộc chiến dài hơn 20 năm với số tử vong lên tới hàng nhiều triệu ngưòi cho cả hai miền Nam Bắc.
Đoạn phim khiến tôi thich thú nhiều nhất là cảnh một người đàn ông Hungary phản ứng mạnh mẽ trước những sinh viên Mỹ cầm cờ CSVN và cờ Giải Phóng Miền Nam la hét đòi ngưng chiến tranh Việt Nam. Người Hungary này đã chỉ thẳng vào những người biểu tình và nói dùm người Nam Việt Nam chúng ta:
-“ Các anh là những người ngu xuẩn! Các anh biểu tình vì các anh nghe theo lời tuyên truyền!”
- “Tại sao các anh không đi làm hoặc vào nhà thương để giúp người bệnh ?”
- “Miền Nam Việt Nam họ chiến đấu để giữ tự do, hoà bình cho họ và con cái họ!”
- “Mỗi chiến sĩ chống cộng tại Miền Nam Việt Nam là một anh hùng! Họ đáng để lãnh nhận huân chương vì lòng can đảm của họ!”
- “Các anh muốn biết CS là gì thì hãy đến Tiệp khắc, Ba Lan thì các anh hiểu ngay!”
- “Các anh thật ngu xuẩn, dốt nát!” ….
Và còn nhiều nữa… Tôi nghĩ rằng những người làm phim VIETNAMERICA đã thật khéo léo trước một vấn đề nhậy cảm khi chọn một người ngoại quốc chứ không chọn một người Mỹ hay một người Nam Việt nam để nói lên những lời công đạo trước nhóm phản chiến đã ôm cờ của kẻ thù để yêu sách, chống đối cuộc chiến tranh tự vệ, trong khi bao nhiêu người lính Hoa Kỳ và quân đội Nam Việt Nam đang hy sinh xương máu ngoài mặt trận.
Phần đầu của cuốn phim cung cấp những sử liệu, những sự kiện lịch sử đã xảy ra khiến cho người biết rất ít, hay không biết gì cả xem và hiểu được sự thật về chiến tranh VN. Nhưng phần thứ hai của phim mới là phần gây xúc động mạnh mẽ khi phim nói về những khốn khổ, nhục nhắn của người dân Việt Nam sau khi CS chiếm toàn lãnh thổ Việt Nam.
Dù chiến tranh đã chấm dứt, hoà bình đã vãn hồi nhưng với chính sách trả thù, cảnh chém giết vẫn còn đó và còn khốc liệt hơn cả thời chiến. Chỉ có một điều khác. đó là những người chết phần lớn chỉ còn là người miền Nam Việt Nam.
Những người còn sống cũng sống vất vưỏng trên chính quê hương của mình. Hàng trăm ngàn sĩ quan và viên chức trong quân đội và chính quyền cũ, những nhà lãnh đạo tôn giáo, văn nghệ sĩ đều bị lùa vào các trại tập trung như trường hợp của ông Trần Tử Thanh, con trai của nhà cách mạng Luật sư Trần văn Tuyên. Gia đình ông có 6 người trong nhà tù, hai người anh họ bị chém đầu vì chống đối chính quyền CS. Đời sống đói khổ, nhục nhằn trong tù cũng đưọc ông Thanh kể lại rõ ràng. Nhưng những người sống bên ngoài nhà tù trong chế độ cộng sản cũng khốn khổ, nhục nhằn không kém. Nhà văn Dương Thu Hương đã nói: “Chúng tôi bị đối xử như những con vật. Chúng tôi bị kiểm soát từng miếng ăn,…”
Câu nói bất hủ của nhạc sĩ Trần Văn Trạch:” Nếu cột đèn Sài gòn có chân, thì nó cũng kiếm đường mà đi” đã được khoa học gia Dương Ngọc Ánh nhắc lại để diễn tả người Việt Nam ghê sợ chủ nghĩa CS và bỏ nước mà đi khi CS đến bằng mọi cách như nhạc sĩ Trúc Hồ vượt biên bằng đường bộ cũng như trên 100 ngàn người, quá nửa số người này đã bỏ thây trên đường.
Thế hệ một rưỡi với Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt, Khoa học gia Dưong Nguyệt Ánh và những người lính Mỹ gốc Việt của Hải Lục Không Quân Hoa Kỳ đã góp mặt để nói lên những chứng kiến cuộc chiến vào những giờ cuối cùng qua những ánh mắt non trẻ và những người trẻ này đã phải bỡ ngỡ với cuộc sống mới tại Hoa Kỳ ra sao? Nhưng họ đã vượt lên tất cả để nay trở thành những công dân tích cực của quê hương thứ hai và là niềm hãnh diện của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và trên toàn thế gìới.
Phần cuốn phim lấy được nhiều nước mắt của người xem nhất là cảnh vượt biên bằng đường biển của các thuyền nhân. Đặc biệt là võ sư Vovinam Nguyễn Tiến Hoá với chiếc ghe 75 người phát xuát từ Rạch giá và ông là người duy nhất còn sống sót để làm nhân chứng, nói lên tiếng nói cho những người đã chết dưới bàn tay tàn ác của bọn hải tặc đã hiếp vợ ông và những người thân của ông trước mặt ông và những người thân của họ. Cảnh võ sư Hoá đi tìm mộ vợ con hơn 30 năm sau khi ông đã 70 tuổi, cũng đau thương không kém. Hình ảnh của hàng trăm nghĩa trang với hàng trăm ngàn ngôi mộ nằm dọc theo các ngôi làng ven biển của các nước Đông Nam Á hoặc trên những hoang đảo xa xôi ít có bước chân con người lui tới. Từ những ngôi mộ hoang không có cả một tấm bia hoặc những ngôi mộ tập thể hành trăm người được vùi xuống một lỗ. Lần đầu tiên được đưa lên màn ảnh đại vĩ tuyến để cho thế giới biết thảm cảnh cuả thuyền nhân Việt Nam trong các thận niên 70-90 ra sao.
Tất cả đề là sự thật, ngay trước mắt người xem. Không còn gì phải nghi ngờ, hay đặt câu hởi.
Phim VIETNAMERICA cũng còn cung cấp cho khán giả những cảnh sống chen chúc trong những trại tị nạn rách nát trong những ngày chờ đợi mỏi mòn của thuyền nhân. Bằng những chi tiết phong phú và xác thực, Phim VIETNAMERICA đã nói lên được cái vĩ đại trong lịch sử nhân loại của cuộc chốn chạy của hàng triệu người không thể sống dưới một nhà cầm quyền tàn ác. Không hề có một thậm từ nào được nói lên trong phim, chỉ có hình ảnh, những lời dẫn chuyện hay lời kể chuyện ôn tồn, những nét mặt đau thương, kinh hoàng, sợ hãi, tuyệt vọng của người dân khi phải đối đầu với sóng gió, chết chóc, ngược đãi. Những đau thương, khốn khổ tột cùng đó của con người đã thu phục được trái tim của người xem.
Nếu bạn từng là một thuyền nhân, tôi chắc chắn rằng bạn đã tìm được một phần đời của mình trong nước mắt. Nếu bạn là con hoặc cháu của thuyền nhân, chắc chắn rằng bạn cũng sẽ không cầm được nước mắt và cảm thấy thương yêu, kính phục và mang ơn cha mẹ, ông bà, chú bác mình hơn trước khi xem phim rất nhiều.
Theo tôi, đó là thành công lớn nhất của phim VIETNAMERICA, cuốn phim tài liệu mà lấy được nhiều nước mắt của khán già chưa từng thấy. Phim chấm dứt với cảnh cuối của buổi diễn hành mừng ngày Cựu chiến binh tại Austin; hai lá đại kỳ Mỹ Việt đang được kéo qua cây cầu lớn của thành phố. Với ông kính quay từ trên cao cho khán giả xem cảnh từ mắt chim (bird view), nước hai bên cầu lóng lánh tuyệt đẹp trong khi hai bài hợp ca “Việt Nam, Việt Nam” và “American The Beautiful” trỗi lên nhịp nhàng, hùng tráng nhưng cũng thật êm dịu và bình an. Đèn bật sáng, cũng như bao nhiêu khán giả có mặt tại buổi chiếu phim hôm ấy, dù mắt tôi còn cay cay nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc, vui mừng và an tâm rằng, thế hệ trẻ của chúng ta sẽ nhờ VIETNAMERICA mà biết về nguồn gốc của mình. Các em có thể hãnh diện và mang ơn thế hệ cha anh. Ở một quốc gia gồm những nguời đến từ mọi góc biển chân trời, với nhiều lý do khác nhau như tại Hoa Kỳ, con cháu chúng ta, các em từ đây có đủ tài liệu để chứng minh, để ngửng đầu lên và hãnh diện rằng, cha ông của các em đã thà chết chứ không sống thiếu tự do và dù sống ỏ nơi dâu, họ đã luôn là những công dân với những đóng góp tích cực.
Tôi tin rằng VIETNAMERICA sẽ thành công và có chỗ đứng xứng đáng trong ngành phim tài liệu tại Hoa Kỳ và trong lòng mỗi người Mỹ gốc Việt chúng ta.
Thu Tâm
09/06/2015
 

CÂU CHUYỆN CẬU BÉ ĐI TÌM MẸ KHIẾN CẢ NƯỚC ĐỨC CẢM ĐỘNG

Câu chuyện cậu bé đi tìm mẹ khiến cả nước Đức cảm động
Bé trai Derby hơn 9 tuổi là một cậu bé bị bỏ rơi và lớn lên ở cô nhi viện. Cậu bé mong muốn được tìm thấy mẹ. Tình yêu của Derby đối với người mẹ trong mơ của mình và con đường tìm mẹ đặc biệt của em đã làm cảm động người dân nước Đức.


'Mẹ ơi, con đã tìm mẹ từ rất lâu lắm rồi! Con xin mẹ đừng bỏ con nữa, được không mẹ?”. (Ảnh: Internet)' 
 Con đường tìm mẹ đặc biệt của Derby
Tháng 2/1994, ở phía Bắc nước Đức tuyết trắng phủ dầy đặc, trại trẻ mồ côi Yite Luo nằm bên ven sông Rhine, tĩnh lặng trong gió tuyết. Sáng sớm hôm ấy, nữ tu sĩ Terri, 50 tuổi ra ngoài làm việc. Lúc vừa ra đến cổng, bà láng máng nghe thấy có tiếng trẻ con khóc. Bà liền tìm theo tiếng khóc thì phát hiện một bé trai tóc vàng được đặt trong một bụi cây ở cạnh cổng trại. Nữ tu sĩ này đã đưa cậu bé về trại trẻ nuôi dưỡng và đặt tên cho cậu là Derby.
Bảy năm ở cô nhi viện, cậu bé Derby lớn lên khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Cậu bé có tấm lòng lương thiện, nhưng tính cách lại có chút u buồn. Một ngày thời tiết nắng ráo, các nữ tu sĩ đã dẫn bọn trẻ đi qua một rừng cây để đến một đồng cỏ xanh ở ven bờ sông dạo chơi. Những người ở trong thị trấn gần rừng cây đều chỉ vào những đứa trẻ này và nói: “Những đứa trẻ này đều là bị cha mẹ bỏ rơi, nếu con mà không nghe lời, mẹ cũng sẽ đem bỏ con vào cô nhi viện đấy!”
Nghe thấy những lời nói này, Derby cảm thấy vô cùng đau lòng. Cậu bé không nhịn được liền hỏi nữ tu sĩ:“Mẹ ơi! Tại sao cha mẹ con lại không cần con? Có phải là họ ghét con không?” Giọng nói của cậu bé tràn đầy bi thương không hề giống với lời nói của những đứa trẻ khác cùng độ tuổi.
Nữ tu sĩ nghe xong giật mình hỏi Derby: “Tại sao con lại nghĩ như vậy?”
Derby trả lời: “Tại vì con nghe thấy mọi người đều nói như vậy, chúng con đều là những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi!”
Nữ tu sĩ an ủi cậu bé: “Mặc dù mẹ chưa từng gặp mặt mẹ của con, nhưng mẹ tin rằng nhất định mẹ của con rất yêu thương con. Trên đời này không có người mẹ nào là không yêu thương con của mình cả. Năm đó mẹ của con để con lại, chắc chắn là vì một lý do bất đắc dĩ nào đó thôi”.
Derby nghe xong lặng im không nói lời nào, nhưng từ đó trở đi cậu bé thay đổi rất nhiều. Cậu thường xuyên đứng bên cửa sổ của cô nhi viện nhìn ra dòng sông Rhine. Cậu hy vọng những dòng nước đang chảy trên sông Rhine có thể đem tình cảm của cậu đến với mẹ.
tìm mẹ, nước Đức, derby, cậu bé mồ côi, cảm động, 10 việc tốt,
Derby thường xuyên đứng bên cửa sổ của cô nhi viện nhìn ra dòng sông Rhine. Ánh mắt của em không khỏi mong mỏi, khát khao tìm thấy mẹ. (Ảnh: Internet)
Vào “ngày của mẹ” năm 2003, không khí ấm áp của ngày lễ lại một lần nữa dấy lên khát vọng mãnh liệt được gặp mẹ của Derby. Ngày hôm đó, các kênh truyền hình đều đưa tin về các hoạt động ăn mừng, đăng tải những hình ảnh về tình mẹ con. Có một cậu bé 6 tuổi, mồ hôi chảy đầm đìa trên người đang giúp mẹ cắt cỏ. Mẹ của cậu bé nhìn cậu bé mà cảm động rơi nước mắt. Derby khi xem tới hình ảnh này đã nói với nữ tu sĩ: “Con cũng muốn được làm việc giúp mẹ! Mẹ ơi! Mẹ có biết cha mẹ của con đang ở đâu không ạ?”
Nữ tu sĩ trầm tư, không nói được lời nào, bởi vì suốt mấy năm qua bà không hề nhận được tin tức gì của cha mẹ cậu bé cả. Đột nhiên, Derby chạy ra ngoài đường, cậu cứ chạy, trên đường có rất nhiều người mẹ nhưng lại không có ai là mẹ của cậu bé cả. Derby đau khổ và gào khóc.
Mấy tháng sau, khi Derby được 9 tuổi, cậu bé rời khỏi cô nhi viện để đến học tập ở một ngôi trường gần đó. Một lần lên lớp, thầy giáo kể cho học sinh nghe một câu chuyện: “Thời xưa, có một vị hoàng đế rất yêu thích chơi cờ vây, vì vậy ông liền quyết định ban thưởng cho người phát minh ra trò chơi này. Kết quả, người phát minh này lại mong muốn ban thưởng cho anh ta mấy hạt gạo. Tại ô thứ nhất trên bàn cờ đặt một hạt gạo, ô thứ hai đặt hai hạt gạo, tại ô thứ 3 số hạt gạo gấp lên 4 lần…Theo đó suy ra, đến khi bỏ đầy bàn cờ thì số hạt gạo đã là 18 triệu tỷ hạt”.
Cậu chuyện này làm cho hai con mắt của Derby lập tức sáng lên. Cậu nghĩ nếu như cậu giúp một người, sau đó yêu cầu người đó giúp 10 người khác…Với cách này, Derby hy vọng một ngày nào đó biết đâu người được yêu cầu trợ giúp lại là mẹ cậu. Ý nghĩ này đã khiến Derby vui mừng khôn tả. Từ đó về sau, mỗi lần cậu làm một việc tốt giúp một người nào đó, lúc người đó cảm ơn cậu, cậu đều nói: “Xin cô (chú…) hãy giúp đỡ 10 người khác ạ! Đó là cách cảm ơn lớn nhất đối với cháu!”. Những người này sau khi nghe xong, đều vô cùng cảm kích trước tấm lòng lương thiện của cậu bé. Tất cả họ đều thực hiện lời hứa của mình, mỗi khi họ giúp ai đó họ lại đề nghị người kia giúp đỡ 10 người khác. Cứ như vậy, toàn bộ người dân ở thành phố đó đều âm thầm thực hiện lời hứa của mình.
Sức mạnh của “10 việc tốt”
Derby không thể ngờ mình lại có thể giúp đỡ ông Rick, một người dẫn chương trình nổi tiếng của Đức.
Rick là một người dẫn chương trình nổi tiếng của Đức. Mặc dù ông đã 50 tuổi nhưng với ngôn ngữ hài hước hóm hỉnh của mình, ông vẫn thu hút sự yêu mến của khán giả. Các chương trình của ông gần như đều vạch trần hết những bí mật của những người nổi tiếng. Tuy nhiên, có lẽ là do áp lực từ hãng truyền hình và sự cạnh tranh trong công việc, hơn nữa phải chứng kiến quá nhiều mảng tối của xã hội nên vào năm 2003, ông mắc bệnh trầm cảm và không thể tiếp tục được công việc.
Tháng 10/2003, ông đã xin đài truyền hình cho ông được nghỉ dưỡng một năm. Ông hy vọng trong thời gian nghỉ ngơi, ông có thể thả long để sức khỏe được tốt hơn lên. Một thời gian ngắn sau, ông Rick đã tới thành phố mà Derby đang sinh sống để tham quan. Ông đã bị vẻ đẹp của dòng sông Rhine thu hút. Một lần khi trời chạng vạng tối, đang đi trên bờ sông dạo chơi thì bệnh tim của ông đột nhiên tái phát. Ông chưa kịp lấy thuốc từ trong túi ra uống thì đã ngã ngất xỉu trên mặt đất. Cậu bé Derby lúc ấy đang câu cá trên bờ sông phát hiện ra ông bị ngất xỉu nên đã gọi điện cho xe bệnh viện đến đưa ông đi cấp cứu.
Nhờ được cấp cứu kịp thời, ông Rick đã qua khỏi, ông nắm lấy đôi tay của Derby và nói: “Cháu bé, ông phải làm sao để cảm ơn cháu đây? Nếu như cháu cần tiền, ông có thể cho cháu rất nhiều tiền!”.
Derby nghe xong liền lắc đầu nói: “Nếu như ông có thể giúp đỡ 10 người khác khi họ cần sự giúp đỡ, như vậy chính là ông đã cảm ơn cháu rồi ạ!”.
Ông Rick cảm thấy khó hiểu liền hỏi cậu bé: “Cháu cái gì cũng đều không cần sao?”. Derby cười và lắc đầu.
Ông Rick liền bị cậu bé kỳ lạ này thu hút. Ông đã để lại cách liên lạc cho Derby và đưa cậu bé trở về trường. Trước khi ông Rick rời đi, Derby lại dặn dò ông một lần nữa: “Cháu xin ông nhất định hãy làm đủ “10 việc tốt” ạ!” Ông Rick nhìn qua đôi mắt đang rực sáng của cậu bé, trong lòng ông cảm thấy ấm áp thế là ông nghiêm túc gật đầu.
Từ đó về sau, ông Rick cảm thấy sống vui vẻ hơn và chăm chú giúp đỡ 10 người khác. Mỗi lần giúp đỡ được một người, trong lòng ông lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Nhất là những lúc họ nói lời “cảm ơn” với ông, ông cảm thấy bản thân mình có giá trị hơn rất nhiều.
Chưa đến nửa kỳ nghỉ phép, ông Rick đã trở lại đài truyền hình làm việc. Khi ông quay lại làm việc, tất cả mọi người đều ngạc nhiên vì sự thay đổi chóng mặt của ông. Ông trở nên vui tươi, lạc quan và hòa đồng với mọi người hơn.
Ngày 01/12/2003, ông Rick lần đầu tiên lên sóng truyền hình sau kỳ nghỉ dài. Tại đây ông đã nói với khán giả: “Trước đây, tôi đã nói rất nhiều những câu chuyện của người khác, hôm nay tôi sẽ kể câu chuyện của chính mình”. Ông xúc động kể về sức mạnh của “10 việc tốt” trong vòng một tiếng đồng hồ. Cuối cùng, ông nói: “Có lẽ, không ai tin đây là chuyện thật, nhưng chuyện này đã tiếp thêm rất nhiều động lực sống cho tôi. Xin các bạn cũng hãy giúp đỡ 10 người khác khi họ cần giúp, tôi tin rằng bạn cũng sẽ cảm nhận được loại cảm giác kỳ diệu này!”
Thông qua truyền hình, chương trình của ông Rick được phát sóng trên khắp nước Đức. Mọi người đều rất xúc động về câu chuyện này. Đã có rất nhiều người gọi điện cho ông Rick nói rằng họ sẵn lòng làm “10 việc tốt” này. Thậm chí còn rất nhiều khán giả yêu cầu được nghe Derby nói chuyện trên truyền hình bởi vì họ muốn gặp cậu bé lương thiện này.
Tháng 1/2004, Derby đã đến đài truyền hình chia sẻ về câu chuyện của mình. Tại hiện trường, có người đã hỏi cậu: “Tại sao cậu lại có suy nghĩ như vậy?”. Derby cảm thấy do dự, cậu cắn môi đứng lặng một lúc, rồi mới cất tiếng kể rõ chuyện đời mình. Rất nhiều người đã vô cùng xúc động và bật khóc trước tình yêu vô bờ bến của cậu bé dành cho mẹ mình.
Ông Rick đã ôm chặt lấy thân thể gầy yếu của Derby và nói: “Mẹ của cháu nhất định yêu cháu vô cùng, cháu nhất định sẽ tìm được mẹ!”


'Mẹ ơi, con đã tìm mẹ từ rất lâu lắm rồi! Con xin mẹ đừng bỏ con nữa, được không mẹ?”. (Ảnh: Internet)' Tình yêu của hàng ngàn người mẹ
Sau sự tình ấy, toàn bộ người dân biết chuyện này đã đề ra chiến dịch “10 việc tốt”. Trước đây, mọi người đều lạnh lùng thì giờ đây lại đối xử với nhau rất có tình. Mọi người đều mong rằng người mà mình đang giúp chính là mẹ của cậu bé Derby kia.
Derby đã trở nên rất nổi tiếng và đài truyền hình cũng giúp cậu tìm mẹ, nhưng mẹ của Derby mãi vẫn không thấy xuất hiện…
Tháng 2/2004, một sự việc bất hạnh và đau lòng đã xảy ra với Derby. Nơi Derby sinh sống là một khu phố nghèo. Sau khi Derby nổi tiếng, các tay xã hội đen nghĩ rằng cậu bé có nhiều tiền. Đêm ngày 16/02/2004, trên đường trở về trường học, Derby đã bị một nhóm lưu manh vây quanh, nhưng bọn họ không tìm thấy tiền trên người cậu bé, nên đã đâm trọng thương cậu bé.
Cậu bé Derby bị đâm thủng bụng và gan, cậu nằm trên vũng máu mãi đến hai tiếng đồng hồ sau mới được cảnh sát tuần tra phát hiện. Họ đưa cậu bé vào bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, trong lúc hôn mê, Derby một mực gọi “Mẹ! Mẹ! Mẹ!…” mãi không thôi.
Đài truyền hình tiếp sóng trực tiếp tình trạng của Derby. Tất cả mọi người đều cầu nguyện cho cậu. Mấy chục sinh viên đến quảng trường Alexanderplatz, nắm tay nhau thành một vòng tròn và kêu gọi: “Mẹ! Mẹ!…” Những tiếng gọi này làm cảm động những người qua đường, họ liền gia nhập vào nhóm đứng xếp thành hình trái tim. Số người tham gia càng lúc càng đông lên, trái tim cũng càng lúc càng lớn hơn.
Điều cảm động hơn nữa là có hàng trăm người mẹ đã gọi điện đến đài truyền hình xin được giả làm mẹ của Derby. Cô Rita, một giáo sư tại trường đại học Munich đã khóc nức nở và nói: “Derby là một đứa trẻ tốt như vậy, được giả làm mẹ của cậu bé, tôi cảm thấy vô cùng tự hào”. Một phụ nữ khác 35 tuổi gọi điện đến nói: “Tôi từ nhỏ đã không có mẹ. Tôi cũng vô cùng khát khao được gặp mẹ. Tôi có thể hiểu được tâm tình của Derby”.
Có hàng trăm người mẹ đã gọi điện đến để xin được làm mẹ của Derby, nhưng mẹ của Derby thì chỉ có một. Cho nên, đài truyền hình đã thảo luận và chọn cô Judy làm mẹ của Derby. Bởi vì cô ấy sống cùng thành phố với cậu bé, hơn nữa giọng nói của cô ấy cũng giống với giọng của cậu bé, như vậy sẽ càng có cảm giác thân thiết hơn.
Sáng sớm ngày 17/02/2004, sau một thời gian dài bị hôn mê, cậu bé Derby đã mở mắt. Cô Judy đã ôm một bó hoa loa kèn đẹp xuất hiện ở đầu giường của Derby. Cô nắm lấy bàn tay nhỏ bé của Derby và nói: “Con trai Derby yêu quý! Mẹ chính là mẹ của con đây!”. Derby dường như nhìn thấy ánh mặt trời, đôi mắt cậu đột nhiên sáng rực lên, cậu đã rất ngạc nhiên và hỏi:“Mẹ thực sự là mẹ của con sao?”. Cô Judy dùng hết sức ngậm lấy nước mắt và gật gật đầu. Tất cả mọi người có mặt ở đây cũng mỉm cười nhìn Derby và gật đầu. Hai dòng nước mắt nóng chảy ra từ đôi mắt của Derby: “Mẹ ơi, con đã tìm mẹ từ rất lâu lắm rồi! Con xin mẹ đừng bỏ con nữa, được không mẹ?”


Cô Judy gật đầu và nghẹn ngào nói: “Con trai yêu quý của mẹ, con hãy yên tâm đi, mẹ sẽ không bao giờ rời xa con nữa…!”. Trên khuôn mặt tái nhợt của Derby nở một nụ cười. Cậu còn muốn nói nhiều hơn nữa nhưng đã không còn sức lực nữa rồi…
Đây là ngày cuối cùng của Derby ở trên cõi đời này, cậu bé luôn nắm thật chặt bàn tay của mẹ mà không buông ra, cậu cũng không muốn nhắm mắt lại vì muốn được nhìn thấy mẹ nhiều hơn… Tất cả mọi người đều òa khóc, cảm thấy như trái tim mình đang vỡ tan ra.
Hai giờ sáng ngày 18/02/2004, Derby đã nhắm mắt lại, vĩnh viên rời xa thế gian nhưng đôi bàn tay của cậu bé vẫn còn nắm chặt bàn tay của mẹ.
Theo Daikynguyenvn / NTDTV

QUÊ HƯƠNG TÔI, HAI CHỮ SÀI GÒN

Quê hương tôi : hai chữ Sài Gòn

Nghỉn trùng xa, Sài gòn dấu yêu vẫn về trong giấc mộng.
Con đường xưa nơi chốn cũ, mãi mãi trăm nhớ ngàn thương.
Đêm Givral cô đơn bên ấm trà Lipton chanh đường.
Nhà hát lớn bước vào giấc ngủ, phu quét đường dừng tay.
Khách sạn Air France lên đèn, xập xình dạ vũ thâu đêm.
Đường Tụ Do hoa lệ thanh lịch nổi tiếng miền viễn đông.
Xuôi giòng tới bờ sông, ngược giòng lên Vương Cung Đức Mẹ..
Ngôi giáo đường mái ngói đỏ ngạo nghễ giữa rừng cây xanh.
Bưu điện thành phố: một kiến trúc đường nét cổ Hy Lạp.

 
 Xe khô mực sạp bán báo hàng bò bía ngay mặt tiền,
Ngô viết Thụ kiến trúc sư: người thiết kế dinh Độc Lập.
Bao lần bể dâu bất chấp, vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.
Đại Lộ Thống Nhất dồn dập bước quân hành các binh chủng
Lề Quốc Khánh vinh danh anh hùng hào kiệt giữ non sông.
Tháng sáu chiều mưa, ngồi quán Brodard người yêu không đến.
Được hung tin người bạn hiền bỏ mình trong trận Charlie.

 
Mới ngày nào cùng luận bàn thế sự, mỗi người mỗi ý.
Anh bảo rằng trong trận chiến này chúng ta bị bội phản.
Những tên phù thủy các cường quốc thò bàn tay lông lá.
Vận mệnh nước nhược tiểu đã ngả giá trên bàn hội nghị.
Binh hùng tướng giỏi toàn dân một lòng cũng chỉ thế thôi.
Nói cho cùng: chúng ta một lũ đã sinh lầm Thế Kỷ.
Cả một đời dọc,ngang rồi một ngày bỗng chốc hư không
Trời Sài Gòn chợt nắng chợt mưa, gió lúc lộng lúc yên.
Mưa rơi rũ sạch bụi trần, gió đưa Anh đến Niết Bàn.
Xin thắp nén nhang chào một lần cuối chàng trai đất Việt.
Văn võ song toàn, sống trách nhiệm, trả xong nợ núi song
Cám ơn Anh dân miền Nam hưởng thanh bình sống phồn vinh.
Bỗng một ngày Đồng Minh tháo chạy, non sông vào tay Cộng.
Đồng bào Anh bạn bè Anh phải sống lưu vong từ đó.
.

 
 Bùng binh Con Rùa một sáng mùa Đông hẹn hò quán nhỏ.
Nhìn lá vàng bay theo cơn gió lộng, không thốt một lời.
Để tình yêu chắp cánh bay đi, để hối tiếc một đời.
Đường Duy Tân với Đại học Luật, những dấu chân kỷ niệm.
Văng vẳng đâu đây giọng chàng Elvis: Em hiền như Ma soeur.
Tuổi trẻ nào chẳng thẩm hát nhạc phổ thơ Nguyễn tất Nhiên.
Chàng thi sĩ của những bài thơ tình phiền trách người yêu.
Bội tình hay thủy chung, nghĩ cho nhiều cho sâu một nghĩa.
Như đồng tiền hai mặt mặt người mặt lúa: chỉ là một.
Khi tung lên lúc rớt xuống, chắp tay cầu nguyện: hên sui.
Sống một đời phiêu bồng, thác bên hông chùa Quan Thế Âm.
Không bà con không bè bạn chỉ một thời kinh đưa tiễn.
Anh đã khuất, những vần thơ hiện bất tử với thời gian
.
Trường Gia Long kín cổng cao tường, mé Bà Huyện Thanh Quan.
Quán đậu đỏ xe bò bía hàng nước mía gánh cóc dầm.
Nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò, dù cấm dù ngăn.
Hộc bàn chỗ dấu, chờ Thầy quay mặt ăn cho bằng hết.
Chẳng quen chẳng biết cũng chờ cũng đợi bày đặt đón đưa.
Này chú lừa non, lại đây chị bảo: khôn hồn thì biến.
Trong lớp thì hiền vừa ra khỏi cổng: bà nanh trăn quấn.
Trường Trưng Vương đường Nguyễn bỉnh Khiêm khá gần vườn bách thảo.

Chẳng ai trồng không người gieo cớ sao đủ loại cây si.
Sinh viên các ngành nhân danh kẻ sĩ thách nhau bắt đào .
Một ánh mắt trao một nụ cười mỉm đưa vào giấc mộng.
Người tình học trò nhặt bông phượng đỏ ép giữa trang sách,
Thế rồi chuyện tình đổi cảnh, đau thay ngay ngày nhập ngũ.

Nại cớ Mẹ bảo một ngày không xa thành góa phụ non.
Chiều thứ bẩy đường Bonard bừng sống đúng giờ bát phố.
Tay trong tay cuốc bộ, ngược xuôi khắp đại lộ trung tâm.
Những bước chân sáo như chim sổ lồng, như én đưa tin.
Gần mùa Giáng Sinh khi trời trở lạnh thêm nét Paris.
Dân Marie Curie, dân Saint Paul; Jean jacques Rousseau
Khoác áo manteau quấn khăn foulard mang boots cao gót
Mini jupe váy ngắn chân dài tóc kiểu Sylvie Vartan.
Vọng từ cà phê Christophe: non non Je ne t’aime plus.

Mặt mày ngơ ngác các chàng mồ côi trụ trì Mai Hương .
Bên kia đường thương xá Tax: hàng mỹ phẩm bày các lọai.
Quán Pole Nord bán bánh bán kem dành lứa tuổi Ô mai.
Nước mía Viễn Đông, phá lấu Chùa Chà, vừa nhai vừa đứng .
Đường Hoa Nguyễn Huệ, nhộn nhịp tưng bừng, chào đón nàng Xuân.
Có trang trí, có cây kiểng, có múa Lân, có pháo nổ.
Dập dìu ngắm hoa giả bộ, bất chợt ngắt trái bẻ cành.
Chủ vựa cây kiểng mồm năm miệng mười cũng cười chào thua.
 
Những khứa luống tuổi, như con thiêu thân, yêu cuồng sống vội.
Sáng Thanh Bạch tối Kim Sơn ngóng trông vũ trường mở cửa.
Shotguns Queenbees La Cave Cabaret Au Chalet.
Quán Cái Chùa, quán Thanh Thế, giới nhà báo, đám giang hồ.
Thả vịt chạy dông, hội thảo tuyên bố toàn chuyện bú dù.
Tạ Thu Thâu con đường vải lụa, thuộc Chà Và Án Độ .
Phố phường rộn rã giọng nói tiếng cười mỗi độ xuân sang
Các mợ các cô đỏng đảnh tìm hàng may quần may áo.
 
Trong chợ Bến Thành, hàng quán mời chào, toàn các món ngon.
Chả giò nem nướng gỏi cuốn chạo tôm bánh ướt bánh bèo.
Bún bò giò heo, cơm tấm bì chả, chẳng tha thứ nào.
Đường Lê Thánh Tôn, nào tiệm thời trang lại lắm tiệm vàng,
Các đấng mày râu, như trâu xỏ mũi. miễn cưỡng theo chân.
Vào ra mỗi lần, nguyên cả tháng lương đi chơi chỗ khác.
Vòng ngoài ngôi chợ, các quầy hoa kiểng, các loại trái cây.
Cám ơn Đà Lạt, cám ơn Lái Thiêu, cám ơn Bình Dương
Ngã tư quốc tế, quần hùng các sao cải lương kịch trường .
Thanh Nga nữ hoàng không vương miện, Thành Được vua không ngai.
Trần Hưng Đạo đại lộ rất dài, nối liền hai thành phố.
Sài Gòn quản trị quản lý, Chợ Lớn lái buôn thương hồ,
Trên bến dưới sông, các sạp các bồ, người Hoa người Việt.
Lập các bang hội người Tiều người Quảng, các trùm các vua.
Vua lúa gạo, vua vải vóc, trùm Dollar, trùm đồ giả.
Danh trấn giang hồ nhất dạ đế vương, chắc Soái Kình Lâm.
Mặc áo Long Bào, nốc Mai Quế Lộ, yêu Dương Quí Phi.
Vũ nữ Ngân Đình tuyển từ Quế Lâm đẹp tựa Ngu Cơ
Ăn Cơm Tầu không đâu bằng đại tửu lầu khu Chợ Lớn.
Mì tôm hùm Á Đông, Đổng Khánh sò diệp nấm đông cô.
Bát Đạt heo bao tử, Diamond bồ câu quay da dzàng;
Bánh Trung Thu nhân vây nhân yến cửa hàng Đông Hưng Viên.
Ăn cơm Tây về Đinh tiên hoàng phải ghé Chez Albert.
Langoustine Thermidor. Beefsteak Chateaubriand.
Phở gà gia truyền Hiền Vương đối diện với viện Pasteur.
Áo dài Thiết Lập may đo phải chờ cho qua mùa cưới.
Đầu năm đi lễ xin xâm nên tới Lăng Ông Bà Chiểu.
Lắc ống lấy thẻ cầu tài cầu lộc cầu phúc cầu duyên.
Thầy bói cô đồng lê la sân đền bàn quẻ tào lao.
Trường dua Phú Thọ Lê đại Hành một thiên đường đỏ đen.
Giới cá kèo bọn giầu có vung tiền mua cỏ nuôi ngựa.
Đời vô thường, danh vọng tựa phù vân, xá gì được thua.
Sống vô tư chơi xả láng vốn bản sắc dân Nam Bộ.
Lần nọ trở về, Sài Gòn đổi tên: tên một con người.
Con đường xưa, nơi chốn cũ và con người đều đổi thay.
Trồng cây mười năm trồng người trăm năm: nay gặt kết quả
Sống vô liêm sỉ, sống vô trách nhiệm chẳng qua loài vật.
Sài Gòn ơi ! thôi đã mất, đã mất người trong cuộc đời.
Hoàng Huyên

TƯỢNG ĐÀI CHIẾN SĨ VỆT MỸ Ở TEXAS

Thêm một đài chiến sĩ Việt Mỹ
“Anh! Anh Không Chết Đâu Anh!”
Chủ Nhật này, thêm một Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ được khánh thành tại Texas.
*Nét khắc Người Lính VNCH thật hào hùng sống động
Lễ khánh thành Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ sẽ diễn ra vào trưa Chủ Nhật tại công Veterans Park ở Arlington, Texas. Hơn cả ngàn người được dự đoán sẽ đến dự lễ. Điêu khắc gia là một cựu quân nhân Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam. Ông nói rằng tượng đài là điều đẹp nhất mà người ta có thể làm để vinh danh những người lính Việt Nam Cộng Hòa từng chiến đấu cùng người Mỹ chống quân cộng sản. (Hình: WFAA)
ARLINGTON, Texas – Sau ba năm vận động ráo riết và chờ đợi trong niềm hy vọng, một đài vinh danh chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa cùng với chiến sĩ Mỹ sắp được khánh thành tại thành phố Arlington ở bắc Texas.
Vào ngày thứ Tư vừa qua, một chiếc xe tải đã chở hai bức tượng riêng biệt được đúc bằng đồng cao 8 feet (2.4 mét) đến công viên cựu chiến binh Veterans Park. Một tượng cầm súng là biểu tượng một chiến sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tượng thứ nhì là một chiến sĩ Hoa Kỳ. Sau khi được đặt trên bệ, hai tượng được đứng sát bên nhau trong một tác phẩm điêu khắc của một người lính từng chiến đấu tại Việt Nam. Lễ khánh thành Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ sẽ được tổ chức vào trưa Chủ Nhật cuối tuần này.
Trong cuộc chiến chống Cộng Sản tại Việt Nam hơn 40 năm trước đây, khoảng 58,000 quân nhân Hoa Kỳ và hơn 300,000 người lính Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh mạng sống. Đó là chưa kể các quân nhân thuộc lực lượng đồng minh từ Úc và Nam Hàn đã tử trận trên đất nước Việt Nam. Sau khi chiếm miền Nam, người cộng sản đã phá hủy hết thảy các biểu tượng mang hình ảnh của người lính miền Nam.
Trên toàn nước Mỹ, tuy có cả trăm đài tưởng niệm sự hy sinh của lính Mỹ ở các thành phố lớn cũng như thị xã nhỏ, chỉ có vài nơi có đài tưởng niệm vinh danh sự chiến đấu chung của người Việt cùng với người Mỹ, mà được biết đến nhiều nhất là đài tưởng niệm chiến sĩ Việt Mỹ tại Westminster, Nam California.
Nay tượng đài tại Arlington, một nơi nằm giữa Dallas và Forth Worth sẽ là một biểu tượng ghi ơn những người lính từng chiến đấu chung với nhau, và tử trận cho lý tưởng tự do trên một mặt trận ngăn chặn làn sóng đỏ của cộng sản quốc tế với mưu đồ thôn tính toàn thế giới hơn nửa thế kỷ trước.
                            
Điêu khắc gia Mark Austin Byrd và vợ của ông đã được chọn để tạo tác phẩm hai người lính cầm súng chống giặc Việt Cộng để bảo vệ người dân miền Nam. Ông nói với đài CBS DFW như sau về tượng đài vinh danh các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, “Tôi nghĩ đây là một trong những điều đẹp nhất [mà chúng ta có thể làm] dành cho những người lính mà chúng ta không hề biết đã hy sinh ở một quốc gia mà chúng ta chưa hề tới.”
Sự việc dựng được tượng đài Việt Mỹ này một phần lớn là do nỗ lực của Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài (tên tiếng Anh trên giấy tờ hành chánh là The Heroes of South Vietnam Memorial Foundation, Viện Tưởng Niệm Những Anh Hùng Miền Nam Việt Nam). Ủy Ban đã vận động được nửa triệu Mỹ kim cho dự án xây đài tưởng niệm trong ba năm qua.
Một số người Việt, mà trong đó có các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa lớn tuổi, đã đến xem hai bước tượng được xe chở đến và dựng lên hôm thứ Tư, 21 tháng 10, 2015. Trong những người này có Bác Sĩ Đàng Thiện Hưng, chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài, và ông Bùi Quang Thống, một thành viên trong Ủy Ban.

                      
Điêu khắc gia Byrd cho biết các cựu quân nhân đã cùng ông bàn luận rất kỹ về tượng đài hai người lính Mỹ và Việt, kể cả việc chọn súng, hướng của súng và tư thế của hai quân nhân. Ông Byrd từng là một phi công lái trực thăng tác chiến cho Thủy Quân Lục Chiến trong cuộc chiến Việt Nam. Vì vậy tượng đài này mang nhiều ý nghĩa đối với cá nhân ông.
Trên tượng người lính Mỹ (đứng bên phải đối diện người xem) có một thẻ bài ghi tên tuổi của quân nhân. Ông Byrd nói với đài WFAA tại Dallas rằng thẻ bài này là gợi nhắc một đồng đội của ông đã không bao giờ trở lại. Khuôn mặt của người lính Mỹ được ông tạo dựa theo một hình ảnh mà ông từng thấy, ghi lại nét mặt gan dạ của một phi công vừa thoát hiểm sau bị bắn rơi.
Ông Byrd tâm sự với đài WFAA về thời gian chiến đấu tại miền Nam Việt Nam, “Tôi đã từng mất niềm tin về ý nghĩa của cuộc chiến. Thế rồi một ngày kia, một chuyện đã xảy ra khiến cho tôi biết rằng mình đang trong một sứ mạng có chính nghĩa.” Ông kể rằng sau một cơn mưa lớn, nước cuốn trôi đất, ông thấy tận mắt một mồ chôn tập thể của dân làng bị sát hại bởi lực lượng Việt Cộng.
Vợ chồng Byrd cùng nhiều cựu quân nhân Mỹ cũng như cựu quân nhân VNCH sẽ có mặt tại lễ khánh thành Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ. Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài sẽ tổ chức lễ khánh thành vào lúc 2 giờ trưa Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015, tại Arlington Veterans Park, số 3600 W. Arkansas Lane, Arlington, TX 76016.

                           
Vì dự đoán số người đến sự sẽ rất đông, lên tới hơn một ngàn người, Ủy Ban sẽ có xe bus đưa rước. Ủy Ban kêu gọi mọi người hãy vui lòng đậu xe tại Fielder Road Baptist Church tại ngã tư đường Pioneer và Fielder Road. Ở đó sẽ có xe đưa đến Arlington Veterans Park từ 12:30 giờ trưa đến 5 giờ chiều. Ủy Ban cũng tổ chức một buổi tiệc chung vui cho lễ khánh thành lúc 6:30 PM chiều cùng ngày tại Nhà Hàng Thanh Thanh, 2515 East Arkansas Lane, Arlington, TX 76010. Tiệc này có giá vé ủng hộ là $100, $75, $45. Số điện thoại của ủy ban là 817-468-5252.

LỄ HỘI HALLOWEEN 2014 , LOS GATOS CA.










LỄ HỘI HALLOWEEN 2014 , LOS GATOS CA.

Ngày cuối của tháng 10 mỗi năm là lễ hội Halloween. Trong ngày lễ hội này, người ta thường mặc các trang phục kỳ quái,bộ xương người, mang tóc giả, đeo mặt nạ để che dấu dung mạo của mình. Có những ngôi nhà ma được thiết kế với những hình ảnh gây sợ hãi cho người đến thăm, máu me, xác người...Người xem giật mình, sợ hãi có khi mất mạng. Trẻ con cũng mặc những trang phúc khác ngày thường , phải có ánh sáng để được an toàn khi đi vào ban đêm, cha mẹ cần dẫn con cái đi , không để các cháu đi một mình. Các cháu cầm cái giỏ có hình quả bí đến các nhà , gõ cửa và nói " Treat or Trick? Chủ nhà mở cửa và cho kẹo các em. Nhà nào không muốn cho kẹo thì tắt đèn.

                    
Từ ngày ở đây đến nay, chỉ thấy lễ hội này trên sách báo , qua hình ảnh trên TV. Cuối tháng 10 năm ngoái, tôi có mặt ở San Jose và có dịp được tham dự lễ hội này. Buổi trưa có mặt ở phi trường, buổi tối đã có mặt ở Los Gatos. Các em MC 85 chào đón với những thức ăn ngon...chuyện trò, vui cười. Đến mục chọn và mặc trang phúc mới ồn ào...tôi cũng được bạn của chủ nhà Mai Trâm cho một cái nón và đeo cho tôi một cái mặt nạ. Không được soi gương nên cũng chẳng biết đẹp xấu thế nào. Một cô giáo, nhiều học trò và các con của học trò lên đường.
                         
 Phải cuốc bộ một đoạn đường dài mới đến được những căn nhà trang trí ma quái với nhiều đèn lấp lánh.Trên đường đi , không thấy các em bé, chỉ thấy người lớn và các cặp trai gái trong trang phục của lễ hội cùng hướng về một phía. Gặp nhau , cùng cười , cùng nói - Happy Halloween- mới vui làm sao. Đi một đoạn dưới những hạt mưa li ti cũng vui và thích thú lắm, thầy trò ngồi xẹp bên đường nghỉ, thở. Ui chao , như là một lâu đài, ngôi nhà này được trang trí với nhiều đèn, nhiều hình trang trí, vừa ma quái , vừa làm mê lòng người.  

                       
Các nhà khác cũng trang trí đẹp , nhưng lâu đài này là đẹp nhất.Thầy trò xí xọn thi nhau chụp hình, ánh đèn chớp lia lịa thật hào hứng. Lúc đi hào hứng bao nhiêu thì lúc về từng bước thầm. Nhóm trước đã bỏ nhóm sau một đoạn đường dài. Chẳng là Hạnh bị đau chân cho nên đi một đoạn , phải ngồi nghỉ, nhờ vậy mà nhóm tôi được bé Trâm lấy xe đón về. Thiệt hạnh phúc. Về nhà ăn một bát cháo gà nóng hổi mới thú vị làm sao.
Một buổi tối vui quá là vui. Cám ơn các em MC 85. Cám ơn Tuấn đã đón đưa Cô. Cám ơn phó nhòm Tuấn đã ghi lại nhiều tấm hình thật đẹp .Chúc các em lại có một ngày lễ hội Halloween 2015 đầy lý thú

                       
  PHƯƠNG LAN hb  
10/25/2015 9:31 PM
                   

THỜI TỴ NẠN TUỔI LƯU VONG - TRẦN MỘNG TÚ

THỜI TỴ NẠN TUỔI LƯU VONG
Trần Mộng Tú 9.10.2015.


                                      

Con cá đá Xiêm mua từ tháng hai, chết một tuần nay rồi. Như vậy là từ khi về nhà tôi, nó sống được 7 tháng và nó đã được giữ vai chính trong truyện “Mùa Phấn Hoa Anh Túc” của tôi.
Người bán cá bảo nó có thể sống lâu hơn nữa cơ. Nhưng một tuần đi xa nhà, trước khi đi tôi quên thay nước, khi về thấy nó bơi uể oải trong bình nước đục tôi biết ngay là nó bị bệnh trong nước bẩn rồi. Tôi vội thay nước và nhớ thay thường xuyên. Nó sống, nhưng cái giải đuôi như lụa của nó không uốn lượn phất phơ nữa. Nó bơi lừ đừ, cái đuôi thỉnh thoảng mới đưa nhè nhẹ, như một ông lão đi chậm chạp, cầm cái quạt giấy, thỉnh thoảng mới phất phơ. Tôi biết là nó sắp sửa phải vào Hospice rồi. Cuối cùng, một buổi sáng nó nằm im dưới đáy bình, trên mấy cái lá rong xanh như một người bình thản đặt đầu trên gối lụa.
Tôi đem nó ra ngoài vườn, bới sơ dưới gốc cây Mộc Lan một hố nhỏ bằng cái chén ăn cơm, cho nó nằm vào, lấp đất lên. Cái thân bé nhỏ mong manh của nó chỉ cần mấy hôm sẽ tan vào đất.
Cái bếp của tôi tự nhiên vắng ngắt, im lặng mặc dù Biga (tên hai đứa bé đặt cho cá) trước đây chẳng bao giờ cất tiếng hát. Tôi đang nghĩ không biết sẽ trả lời hai đứa cháu ngoại thế nào khi chúng sang chơi, hỏi “Biga đâu?”
Một tuần không có Biga tôi không có bạn trong bếp, cái bình thủy tinh trong suốt nơi tôi cho vào đó một cụm thủy trúc nhỏ có Biga bơi bơi nay chỉ còn nhìn thấy đám rễ vàng hoe. Nhà của Biga hay được để giữa cái bàn ăn nhỏ trong bếp này, tôi thường vừa nấu ăn vừa thỉnh thoảng ngắm nghía. Nhất là buổi sáng, một mình trong cái bếp yên tĩnh, vừa ngồi nhâm nhi cà phê vừa hỏi chuyện Biga vài ba câu, vừa nghe chim hót trên cây mộc lan ngoài vườn, đôi khi tôi nhớ đến câu thơ hay.
Xuân gần tàn/ Hoa tràn lệ/ Con mắt cá rưng rưng. Đó là một vần thơ Hài Cú của Basho. Tôi đã đọc cho Biga và tôi cùng nghe.
Đối với tôi những con vật be bé hiền lành hay những loài hoa cỏ nho nhỏ, nhất là những loại nhắc đến quê nhà, rất cần thiết, tôi không thiếu chúng nó lâu được.
Sáng nay tôi ra Pet Shop dán mũi vào mấy cái chậu cá vàng, nhìn mãi, biết là mình không mua được vì nhà không có hồ cá (lý do không biết đặt máy lọc nước và thay nước) lại dán mắt vào mấy cái hộp nhựa nhỏ đựng riêng rẽ từng con cá đá. Loại này không thể hai con sống chung một bồn với nhau được, khi cả hai cùng phái. Chúng nó sẽ đá nhau tới chết, Fighting Fish mà. Đó là lý do tại sao Biga phải sống cô đơn.
Tôi thấy con cá với cái đuôi màu đỏ có nhãn là Rose petal khá đẹp nhưng giá tới hai mươi đồng. Hôm trước tôi mua Biga có bẩy đồng. Đắt quá! Tự nhiên tôi không muốn nuôi cá nữa, có lẽ tôi vẫn còn quyến luyến với Biga, nên lấy cớ đắt rẻ, vì chưa muốn con cá khác thay thế nó. Tôi lang thang ra chỗ Ếch Phi Châu. A, mấy con ếch này từ Phi Châu sang mà sao nó không đen, da nó có màu kem. Tôi hỏi mua hai con. Anh chàng bán hàng hỏi:
– Bà có hồ nước ấm không? Chúng cần ở trong nước bẩy mươi độ.
– Tôi không có.
– Như thế thì đừng mua.
– Tôi không có hồ ấm, nhưng tôi sẽ cho nước ấm mỗi ngày và tôi sẽ để nó ở trong bếp nơi tôi nấu ăn. Nếu cần, tôi sẽ đặt đèn cho nó cả ngày.
Anh ta nhìn tôi với cặp mắt không mấy thiện cảm, tôi lờ đi, nói:
– Anh lấy cho tôi hai con.
Anh ta miễn cưỡng mang cái bao ni-lon lại vớt hai con ếch to bằng hai con dế dũi cho vào, đưa cho tôi với câu nói:
– Đáng nhẽ bà không có hồ ấm tôi không bán, vì giống này ở Phi Châu chỉ quen nóng thôi.
Tôi thấy anh ta khó chịu nên trả lời nhẹ nhàng.
– Anh đừng lo tôi ở xứ nóng sang đây, tôi cũng phải tập quen với cái lạnh. Hai con ếch này sẽ có ngày chúng bắt tôi cho thêm đá vào nước đấy.
Anh ta hừ nhẹ một tiếng trong họng, đưa bịch cá cho tôi không nói thêm một câu. Tôi lờ đi như không biết, vẫn cám ơn ngọt ngào.
Tôi mang ngay hai anh chàng Phi Châu về. Cái nhà của Biga bây giờ chỉ còn cây thủy trúc nhỏ. Dọn hai chàng này vào không được. Ếch cần có cái sàn rộng hơn. Tôi lại chạy đi mua một cái bình hình chữ nhật, ra vườn tìm ba hòn đá, cần một hòn mỏng, để làm nóc, tôi biết ếch thích leo trèo và thích có hang. Tôi kiếm được một miếng gạch vỡ, rửa sạch tất cả, xếp thành hình cái hang nhỏ trong đáy bình. Đổ nước âm ấm, thả hai con ếch vào, đứng ngắm:
Ao cũ / Con ếchnhẩy vào / Vang tiếng nước xao.
Hai con ếch dọn vào nhà mới không phải ao cũ, nhưng được nghe ngay thơ Basho, chúng thật là may mắn.
Chúng may mắn hay tôi may mắn. Tôi nhớ mùa hè năm ngoái, tôi mua được một cụm bèo Nhật ở một nhà bán cây kiểng Mỹ. Khi nó nở một bông hoa tím tôi hạnh phúc đến bàng hoàng như mang được cả quê hương đến nơi này. Bao nhiêu câu hát về hoa Lục Bình theo nhau chạy về trong trí nhớ. Thế mới biết cái hồn viễn xứ mạnh thật. Khi sống xa quê những vật nhỏ bé, tầm thường nào mang hình ảnh quê nhà đều có tác dụng rất mạnh với mình.
Hai con ếch Phi Châu này không hiểu tại sao da không đen, chắc chúng đã mấy đời lai giống. Tôi nhớ mấy năm về trước tôi mua được một con da đen bóng nó sống với tôi được sáu bẩy tháng mới mất, nó mất cũng chỉ vì tôi vắng nhà mười ngày, không ai săn sóc nó, nếu không chắc nó còn sống lâu hơn. Tôi thích mấy con ếch vì nó làm tôi nhớ đến mấy con ếch nhỏ màu xanh biếc như cánh bèo ở ao quê nhà vào thời thơ ấu. Con ếch đó to và đẹp hơn loại ếch kiểng Phi Châu này nhiều.
Đôi khi tôi tự hỏi, mấy con cá mang nhãn hiệu của nơi xuất xứ thật ra đã bao nhiêu đời được gây giống bên ngoài quê hương gốc của nó. Hai con ếch Phi Châu này chắc chắn từ đời ông sơ, ông cố nó sinh ra ở Phi Châu không phải đời nó, nên nước da mới trắng nhợt thế này.
Tôi nghĩ đến thân phận di dân. Con người cũng vậy thôi, chỉ đời cha, đời ông mới được người cùng quốc gia ở quê nhà gọi là “kiều bào” nhưng đời cháu, đời chắt, họ đánh rơi ngay hai chữ đó trên mỗi bước họ đi. Họ nhận (hay họ chính là) người của quốc gia họ sinh ra và trưởng thành.
Điều đó tự nhiên đến nỗi chẳng ai còn nhớ ra để mà buồn, vì các ông bà cố và cha mẹ, họ hàng xa xưa của họ đã qua đời hết rồi. Đôi khi họ có lúc tìm lại, như tìm một sự kiện để làm một bản văn hay một luận án ra trường. Xong việc đó, mọi việc lại cất vào ngăn lưu trữ, họ lại sống cái đời đang sống. Tôi nhớ hồi mới sang Mỹ, gặp một phụ nữ Á đông ở chỗ làm. Hỏi chị người nước nào, chị thản nhiên nói “người Mỹ”. Chị sinh ra ở Mỹ, trưởng thành ở Mỹ, ông nội và bố chị cũng sinh ra ở Mỹ. Như vậy ông cố chị là người đầu tiên tới đây, đến chị là đời thứ bốn, cho nên chị không nói được tiếng Hoa. Chị nói, cả gia đình tôi, sống theo tập quán của người Mỹ, chúng tôi thưởng thức những ngày lễ hội của Trung Hoa như tất cả những người Mỹ khác mà thôi, không ai quan tâm đến mình phải là người Hoa nữa.
Hồi đó mới sang, còn trẻ, tôi nghe ngạc nhiên lắm, nghĩ thầm trong đầu “Đúng là mất gốc”.
Bây giờ lớn tuổi, cách suy nghĩ cũng khác đi, miền tin vào năm tháng thấy mong manh quá. Thử tưởng tượng năm 2100, tám mươi lăm năm nữa, đứa bé Syrian được sinh ra ở Ý, ở Đức, ở Mỹ, vào năm 2015 lúc đó là một người già 85 tuổi, chắc sẽ nói về Syria như kể truyện cổ tích cho con cháu nghe mà thôi. Và sẽ bắt đầu bằng: Ngày xa xưa gần một thế kỷ, ông cố của ta đã tới đây….
Phải chăng, chúng ta sống trong thời đại của tỵ nạn và tuổi của lưu vong.(**)
Tôi nhìn hai con ếch mang nhãn Phi Châu với màu da vàng nhợt nhạt, nhớ đến con cá Xiêm, bất giác nghĩ đến phận mình, phận của bao nhiêu con người nữa, khác chi như cá, như ếch, như bông hoa lục bình trôi từ sông nước quê nhà tạt vào một xứ sở xa xăm.

Trần Mộng Tú
Tháng 9/16/2015

CÓ PHẢI EM, MÙA THU?

Có phải em , mùa thu?

Mấy ngày rồi, thức dậy từ sớm, trời vẫn còn tối, trời âm u, xam xám, mặt trời dường như còn ẩn núp nơi nào. Mây trắng xám giăng giăng, huyền ảo, nên thơ. Không còn bắt đầu con số 9 , mà dễ thương làm sao khi có số 7 đứng đầu. Vài cơn gió mát mơn man trên cành lá, tóc nhè nhẹ bay . Thật thoải mái. Dường như có chút thu muộn ở đâu đây. Gần hết tháng 10 rồi mà nàng thu vẫn còn muốn chơi trò trốn tìm. Ta nhớ em, mùa thu. Ta cần em, mùa thu.
chút thu ở quận Cam...
Tôi đi tìm lại một mùa thu
Trong ánh mắt thân thương
của một bờ vai yêu dấu...
 Dẫu rằng tìm mùa thu vàng ở quận Cam này không phải là dễ. Thế nhưng đi đó, đi dây , cũng thấy được chút lá vàng vương trên lối đi ,những chiếc lá vàng khô ở một sân cỏ nào đó, để rồi thích bước vào , để như những con nai vàng...đạp trên lá vàng khô ...Cảm giác thật thú vị, thật tuyệt..Lòng bâng khuâng xao xuyến.

                                           
 

Sáng nay, trời chủ nhật không còn ánh nắng chan hòa của ngày hôm qua, mà ông mặt trời vẫn e ấp ẩn hiện sau những đám mây xám . Ghi lại vài hình ảnh của em , mặt trời thu. Không được đẹp lắm nhưng vẫn muốn khoe ông mặt trời sáng chủ nhật 25 tháng 10 của tôi.

                               


            

      PHƯƠNG LAN hb
10/25/2015 9:48 AM                       

Sunday, November 1, 2015

NHẠC THẬP NIÊN 60 , MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

NHẠC THẬP NIÊN 60, MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

Francois Hardy , Tous les garcons et les filles


Christophe , Aline Capri, c'est fini Adamo , Tombe la neige Dalida & Alain Delon Paroles, paroles France Gall ,Poupee de cir, poupee de son Sylvie Vartan ,Comme un Garcon Sylvie Vartan La plus belle pour aller danser Jacques Brel Ne Me quitte pas



MÙA THU, MỪNG SINH NHẬT BẠN

MÙA THU, MỪNG SINH NHẬT BẠN

Nàng thu đã đến rồi các bạn ơi, bỗng nhớ lại một bài thơ hồi còn nhỏ, không  nhớ tác giả là ai, một bài thơ thật nhẹ nhàng, dễ thương làm sao!
                             Cứ mỗi độ thu sang  
                             Hoa cúc lại nở vàng                         
                            Ngoài vườn hoa thơm ngát                        
                           Ong bướm bay rộn ràng
              
                    Em cắp sách đến trường
                    Nắng tươi trải trên đường
                    Trời cao xanh gió mát
                    Đẹp thay lúc thu sang


Thu sang, đất trời thật thơ mộng , lãng mạn với rừng phong thay lá , một màu vàng, một màu đỏ đẹp như tranh vẽ.
Thu sang, khí trời lành lạnh, tâm hồn chúng ta bỗng thấy bâng khuâng , một nỗi buồn man mác, một nỗi buồn không tên, " tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn"
 Thu sang, Trưng Vương 62-69  gửi những lời chúc mừng sinh nhật dễ thương nhất, thân ái nhất đến các bạn:
PHẠM THỊ HƯƠNG
HUỲNH THU LOAN
TRẦN THỊ THANH MAI
 Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên gặp bạn Hương, nhiều năm rồi mới gặp lại nhau nhưng sao tình thân vẫn như ngày nào. Bạn trầm tính , ít nói nhưng rất tốt. Cáng ngày tình thân càng đậm đà.

Về thăm quê nhà, tôi gặp lại bạn Loan, nhớ mãi ngày Tết bạn và Nga đến thăm tôi. Hai đứa nhắc lại chuyện xưa , gặp nhau ở chợ Bến thành.


Nhớ mãi giọng nói miền Nam dễ mến của Thanh Mai , hai chúng tôi thường hỏi thăm nhau , trò chuyện qua điện thoại và cùng với TV 62-69 quận Cam, chúng tôi cùng dạo chợ hoa Bolsa vào lúc xuân về. 
                                

 Thu sang , có " đây mùa thu tới, mùa thu tới , với áo mơ phai dệt lá vàng."
Thu sang,  có " ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu".
Yêu lắm những đóa cúc vàng làm say lòng người.

 Chúng ta cùng hát bài " Happy birthday " để chúc mừng sinh nhật của Hương, Loan. Mai , các bạn nhé.
Mời ba bạn cùng cắt bánh sinh nhật.




PHƯƠNG LAN hb
6:55 PM 11/01/2015