THƯ NGỎ

WELCOME TO TV6269

Các bạn thân mến,

Năm 1962 chúng mình bước vào Trưng Vương bằng những bước chân ngập ngừng của những cô bé lớp Đệ Thất ngây thơ. Rồi 7 năm học trôi qua những kỷ niệm với bạn bè, với Thầy Cô, với lớp học, với ngôi trường yêu dấu đã để lại trong ký ức của chúng mình tình bạn thân thiết và những kỷ niệm êm đềm, mơ mộng của một thời áo trắng TV.

Ngày nay tuy ở khắp mọi nơi, chúng mình đã tìm gặp lại nhau. Xin chào mừng tất cả các bạn và ước mong qua trang Blog Trưng vương 62-69 này sẽ là nơi gặp gỡ thân ái để TV6269 cùng ra chơi, vui đùa như ngày xưa trong sân trường yêu dấu.

TV6269







Sunday, September 23, 2012

TRỐNG ĐỒNG NGỌC LŨ

TRỐNG ĐỒNG NGỌC LŨ
TRỐNG ĐÔNG SƠN VÀ ÂM NHẠC THỜI HÙNG VƯƠNG

Mọi người đều biết, giữa những năm 39-43 sdl, cuộc chiến tranh Việt - Hoa đầu tiên đã xảy ra, dẫn cuối cùng đến việc Hai bà Trưng hy sinh cùng những tướng lãnh như Chu Bá, Đô Dương v.v… và hậu quả là một chiến thắng đáng kể đầu tiên của quân đội viễn chinh xâm lược Trung Quốc trên đất nước ta. Sau khi mô tả diễn tiến cuộc hành quân của Mã Viện và những chiến lợi phẩm do Viện thu nhặt đem về Trung Quốc, trong đó ta thấy nói đến “ý dĩ”, một dược phẩm Việt Nam đầu tiên được biết và “minh châu”, “văn tê” mà người Trung Quốc đương thời gọi là “những thứ trân quý của đất miền Nam”, Hậu Hán thư 54 tờ 8b9-9b3 đã viết thêm thế này:

“Viện ưa cưỡi ngựa, khéo biết danh mã, nên ở Giao Chỉ được trống đồng Lạc Việt, bèn đúc làm ngựa phép, trở về, dâng lên vua, nhân thế trình biểu nói rằng: ‘Rằng đi trên trời thì không gì hơn rồng, đi dưới đất thì không gì hơn ngựa. Ngựa là cơ sở của giáp binh, là ích lớn của nhà nước. Khi yên ổn thì dùng để phân biệt trật tự trên dưới, khi biến loạn thì dùng để cứu viện hoạn nạn gần xa. Xưa có thứ ngựa ký kỳ, một ngày chạy một ngàn dặm. Bá Nhạc thấy thì rõ ngay không chút sai lầm. Gần đây có Tử Dư đất Tây Hà cũng giỏi về việc xem tướng ngựa. Tử Dư truyền phép ấy cho Nghi Trường Nhụ đất Tây Hà. Trường Nhụ truyền Đinh Quân Đô đất Mậu Lăng. Quân Đô truyền cho Dương Tử A đất Thành Kỷ. Bản thân Viện thường theo học Tử A, nhận được cách xem tướng cốt ngựa; đem nó ra mà khảo với sự thật thì liền đúng ngay. Thần ngu này cho rằng, nghe lấy lời dạy thì không bằng như chính mình xem lấy; ngó bóng thì không bằng trông hình. Cho nên nay thần muốn đúc ra hình như con ngựa sống, mà cốt pháp (như mọi người đều biết) thì khó đầy đủ, lại không thể truyền đến đời sau. Vào thời Hiếu Vũ hoàng đế, người giỏi xem tướng ngựa là Đông Môn Kinh đã đúc làm một con ngựa đồng phép, rồi dâng lên. Vua có chiếu cho đặt ngựa ở ngoài cửa Lỗ Ban rồi đổi tên cửa Lỗ Ban thành cửa Ngựa Vàng. Thần cẩn thận dựa vào những mô tả về da lông của họ Nghi, về răng miệng của họ Bạch, về môi lưỡi của họ Tạ, về thân thể của họ Đinh, sử dụng cốt tướng của vài nhà này để làm phép thức. Ngựa cao 3 thước 5 tấc, chu vi 4 thước 5 tấc. Vua có chiếu cho đặt dưới điện Tuyên Đức và lấy tên là ngựa phép".

Đấy là báo cáo về chuyện Mã Viện tịch thu trống đồng của người nước ta, để đúc ngựa phép, do Phạm Việp (398-445) ghi lại trong Hậu Hán thư. Ở đây, dĩ nhiên chúng ta không cần phải bận tâm về việc đúc ngựa và xem tướng ngựa. Điểm bận tâm nằm ở chỗï nói đến trống đồng.


TỔNG QUÁT VỀ TRỐNG ĐỒNG

Trước hết, đây là một báo cáo thành văn đầu tiên về sự có mặt của trống đồng trên đất nước ta. Điều đáng tiếc là, với một tính cổ sơ đáng muốn như thế, nó đã không cho biết rõ ràng gì cả về những chi tiết khác như Mã Viện đã tịch thu trống đồng ở đâu, từ những địa điểm nào, trong những hoàn cảnh ra sao v.v… Sự khiếm khuyết này gây ra khá nhiều khó khăn cho việc xác định diện phân bố cũng như chức năng của thứ nhạc khí bằng đồng đó. Căn cứ vào những khai quật và sưu tầm khảo cổ học ngày nay, diện địa phân bố của trống đồng đã tỏ ra khá rộng rãi, bao trùm hầu như toàn bộ những tỉnh quận tại miền Bắc và Bắc Trung bộ nước ta. Người ta đã tìm thấy nó từ Nghệ An cho đến Bắc Ninh, Phúc Yên, Sơn Tây, Hà Nam v.v…, mà tập trung chủ yếu ở hai tỉnh Thanh Hóa (35 chiếc) và Hà Sơn Bình (19 chiếc). Cố nhiên, diện địa phân bố này không bảo đảm một tí nào về tính phổ quát của trống đồng tại nước ta vào nửa đầu thế kỷ thứ nhất sdl. Dù một phân bố phổ quát như thế là rất có thể.

Tình trạng không bảo đảm này xảy ra, bởi vì sau Việp viết Hậu Hán thư không lâu, Lệ Đạo Nguyên viết Thủy kinh chú đã kể đến một tác phẩm nhan đề Lâm ấp ký ra đời khoảng cùng thời với Việp, trong ấy một thành phố tên Đồng Cổ đã được liệt ra. Thủy kinh chú 36 tờ 21a3-6, khi dẫn Lâm ấp ký về con lạch Đô Quan Tắc “chảy qua Đồng Cổ, Ngoại Việt, An Định, Hoàng Cương, Tâm Khẩu, và Cái Tịch Độ”, đã thêm: “Đồng Cổ tức là Lạc Việt vậy, vì có trống đồng nên được tên ấy; Mã Viện đã lấy trống đồng của nó để đúc ngựa đồng”. (Lâm Ấp ký viết: “Phố thông Đồng Cổ, Ngoại Việt, An Định, Hoàng Cương, Tâm Khẩu, Cái Tịch Độ. Đồng Cổ tức Lạc Việt giã, hữu đồng cổ nhân đắc kỳ danh, Mã Viện thủ kỳ cỗ, dĩ chú đồng mã).

Bằng vào báo cáo này của Lâm Ấp ký và Lệ Đạo Nguyên, Lạc Việt không gì hơn là tên một địa điểm mà người ta cũng gọi là Đồng Cổ, vì nó là nơi sản xuất ra trống đồng. Như vậy, khi Phạm Việp viết: “Ư Giao Chỉ đắc Lạc Việt đồng cổ”, ta có thể cắt nghĩa như: “Ở Giao Chỉ, Viện đã được trống đồng từ thành phố Lạc Việt” và thành phố Lạc Việt này cũng gọi là thành phố Đồng Cổ. Nói cách khác, mặc dầu Hậu Hán thư không nói rõ Viện đã tịch thu trống đồng ở đâu, căn cứ vào cách cắt nghĩa vừa trình bày, chúng ta có thể kết luận là, Viện đã tịch thu chúng từ thành phố Đồng Cổ, cũng gọi là thành phố Lạc Việt. Việc thành Đồng Cổ cũng được gọi là Lạc Việt này giải thích một cách khá hấp dẫn, tại sao thành phố nối theo chân Đồng Cổ trên con lạch Đô Quan Tắc lại có tên là Ngoại Việt, mà ta có thể cắt nghĩa như thành phố Ngoài Việt, tức ngoài thành Lạc Việt. Thế thì, thành phố Lạc Việt hay Đồng Cổ nầy nằm ở đâu trên đất nước ta hiện nay?

Căn cứ vào chính mô tả của Lệ Đạo Nguyên, nó chắc chắn phải về phía Bắc rặng Thanh Hóa, bởi vì sau khi nói về lạch Đô Quan Tắc với năm thành phố của nó nằm ở phía Nam quận Giao Chỉ, Nguyên mới bắt đầu nói tới chuyện Mã Viện đến Tạc Khẩu và đục đường đá để thông với Cửu Chân. Tạc Khẩu và con đường đá ngày nay chúng ta phải định vị chúng vào khoảng núi Thần Đầu và cửa bể Thần Đầu nổi tiếng:

"Ai qua cửa bể Thần Phù.
Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm”.

Tiếp đến, căn cứ vào những nghiên cứu của chúng tôi, thì thành phố An Định và huyện An Định phải nằm rơi vào khoảng phía Bắc tỉnh Hưng Yên và phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc. Vì thành Đồng Cổ cũng như thành Ngoại Việt nằm trên huyện An Định, nó tất nhiên phải đặt vào tỉnh Hưng Yên trở lên.

Ngoài ra, Thủy Kinh chú quyển 37 tờ 8b2-6 cho biết nguồn gốc con lạch Đô Quan Tắc: "Sông Trung tại hướng đông chảy qua phía Nam huyện Liên Lâu". Giao Châu ngoại vức ký nói: “Huyện vốn là trụ sở của quận Giao Chỉ”. Lâm Ấp ký nói: “Tự Giao Chỉ đi về Nam, con lạch Đô Quan Tắc xuất phát từ nó. Nước có tự phía Đông của huyện chảy qua huyện An Định, phía Bắc nối với sông Trường. Trong sông Trường có chỗ đúc thuyền đồng của vua người Lạc Việt. Khi nước triều rút người ta có thể thấy nó. Nước sông lại hướng Đông chảy, cách sông có thành Nê Lê được bảo là do vua A Dục dựng”.

Căn cứ ghi chú này, chỗ đúc thuyền đồng của người nước ta nằm vào khoảng phía Bắc hay Đông Bắc huyện An Định. Lưu Chiếu, một đồng đại trẻ tuổi của Nguyên và làm việc tại Nam triều, nói thẳng ra là, sách vở vào trước thời ông đã coi cơ sở chế tạo thuyền đồng nằm tại huyện An Định. Trong Hậu Hán thư 33 tờ 13b1-2 lúc chú thích về huyện An Định, Chiếu viết: “Giao Châu ký nói: Người Việt đúc đồng làm thuyền ở trong sông, lúc nước triều rút xuống thì có thể thấy” (Giao Châu ký viết, Việt nhân chú đồng vi thuyền tại giang, triều thối thời kiến). Giao Châu ký đây rất có thể là Giao Châu ký của Lưu Hân Kỳ và do đó phải viết vào khoảng những năm 380-420.

Về mặt khác, Nguyên Hòa quận huyện đồ chí 38 tờ 13a5-8 do Lý Cát Phủ trình cho vua Đường Hiến Tông vào năm 813-815 lại viết: “Huyện Chu Diên, đông nam cách thành phủ 50 dặm, vốn là huyện cũ của thời Hán vậy, thuộc quận Giao Chỉ. Đến thời Tùy không cải. Vũ Đức năm thứ tư (621) ở đấy đặt Diên Châu; Trinh quán năm thứ chín (635) bỏ Diên Châu và đặt huyện thuộc Giao Châu. Sông Chu Diên cách huyện một dặm ở phía Bắc. Mã Viện thời Hậu Hán nam chinh, đúc thuyền đồng ở đấy. Lửa đốt bốc lên nám cả đầu thuyền, khiến nó thành đỏ, làm cho khét cả những con sóng vọt lên và giết chết những thứ cá vảy lớn vượt biển”.

Huyện Chu Diên, như đã chứng tỏ ở trên, rơi vào khoảng địa phận tỉnh Hưng Yên ngày nay. Sông Chu Diên như vậy là một trong những phụ lưu của sông Hồng chảy về phía Bắc của tỉnh. Nó rất có thể là sông Đuống. Huyện Chu Diên và huyện An Định cùng với những thành phố Đồng Cổ, Ngoại Việt và An Định của nó từ đó nằm trong khoảng những tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc và một phần Hà Đông đã tạo nên một vùng kỹ nghệ đồ đồng và sản xuất những sản phẩm đồ đồng từ nhạc khí như trống đồng cho đến dụng cụ như thuyền đồng.

Kỹ nghệ đồ đồng của nước ta cho đến năm 43 sdl vì vậy đã đạt đến một trình độ rất cao. Cao đến nỗi sau khi tiến công một cách chiến thắng Hai Bà Trưng, Mã Viện đã sử dụng những vùng kỹ nghệ của quân đội ta như điểm đúc thuyền đồng trên sông Chu Diên cho việc chế tạo thêm những chiến hạm, mà Viện sau đó đã dùng để tiến đánh những quân đội còn lại dưới sự chỉ huy của Chu Bá và Đô Dương ở Cửu Chân. Kiểm soát vùng kỹ nghệ đồ đồng vừa thấùy tối thiểu có thể biện minh một cách khả chứng cho sự phân bố khá phổ quát của trống đồng, như những khai quật và sưu tầm khảo cổ học ngày nay bày tỏ.

Đương nhiên, vấn đề đồng nhất căn cước những quận huyện kể trên chưa hẳn đã được giải quyết một cách hoàn toàn. Tại tỉnh Thanh Hóa ngày nay chúng ta hiện đang có một ngọn núi thường gọi là núi Đồng Cổ và một huyện tên huyện An Định. Những tên này có một liên lạc gì với những tên Đồng Cổ, Ngoại Việt, An Định v.v... vạch trước? Chúng tôi tất không thể trả lời câu hỏi đây vào lúc này được bởi vì không gian bản nghiên cứu không cho phép [3]. Chỉ xin nêu nó lên, để những người nghiên cứu cùng suy nghĩ và tìm cách trả lời. Dẫu thế, dù không hoàn toàn, những giải quyết trên giúp một phần nào vào việc soi sáng nguồn gốc những trống đồng Lạc Việt, mà Mã Viện đã tịch thu. Ngoài ra, tuy thời gian xa cách, việc tìm thấy cái trống đồng Ngọc Lũ tại Hà Nam tỏ ra thật là thú vị trên khía cạnh căn cước địa lý vừa bàn. Xin nhắc lại, chúng tôi không chối sự cách xa thời gian liêu viễn cũng như những chuyển di có thể của hai ngàn năm.

Điểm lôi cuốn nằm ở chỗ, chính quanh vùng kỹ nghệ đồ đồng Đồng Cổ, Ngoại Việt, An Định, mà ngày nay đã tìm thấy trống đồng Ngọc Lũ. Căn cứ vào dạng hình thì nó phải thuộc vào loại trống đồng thứ nhất như Heger [4] đã nhận thấy trong cách xếp loại của ông. Về thời gian, Karlgren [5] đã phê bình một cách chính xác những thứ kết luận kiểu của Heine-Geldern [6]. Karlgren đồng thời cũng đề nghị một niên đại phải chăng cho nền văn minh Đông Sơn giữa khoảng thế kỷ thứ IV tdl và thứ I sdl, mà trống đồng Ngọc Lũ là một thành tố và thuộc vào giai đoạn đầu của thời gian ấy, tức khoảng thế kỷ thứ IV-III tdl.

Lịch sử có mặt của trống đồng như một nhạc khí tại nước ta, do vậy có một cuộc sống khá lâu dài, trước khi bị Mã Viện tịch thu và chấm dứt địa vị độc tôn của nó trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Đó là lúc lịch sử Việt Nam cáo chung giai đoạn độc lập nguyên thủy và mở đầu một giai đoạn mới, mà ta có thể gọi là giai đoạn dân chủ tự trị trải dài từ năm 43 sdl cho tới năm 939. Về địa điểm phát nguyên và diện địa phân bố, một lần nữa những lý luận viễn đông theo kiểu Heine-Geldern đã bị Karlgren bác bỏ một cách hoàn toàn. Những kết nối văn minh Đông Sơn với bộ lạc Nam Dương như Lăng Thuần Thanh [7] đề xướng, chúng ta không cần nhọc công bàn cãi dài dòng ở đây, bởi vì chúng là những sống sót hậu kỳ của thứ nhân chủng học xâm lược, và vì chúng dựa trên một cơ sở lý luận hết sức mong manh. Về một mặt, chúng không biết cái được so sánh có một lịch sử như thế nào và bao hàm những ý nghĩa gì. Về mặt khác, cái phải so sánh, mà trong trường hợp này thường gồm cả những di vật từ Đông Âu cho đến Nam Mỹ, từ những dân tộc thiểu số Trung Quốc cho đến những bộ lạc tại Nam Dương quần đảo (Inđônêxia), đã không bao giờ được chứng minh là có những liên lạc thực sự gì giữa chúng qua lịch sử, ngoại trừ những giả thiết chủ quan, như Lăng Thuần Thanh đã đề xuất.

Dựa vào những phân tích của Karlgren cùng của Bezacier [8] gần đây, chúng ta phải coi trống đồng là một sản phẩm của nền kỹ nghệ đồ đồng của dân tộc ta, phát xuất từ Đông Sơn cũng như vùng kỹ nghệ Đồng Cổ Ngoại Việt, An Định nói trên. Các trống đồng tìm được ở Nam Dương cũng như Cao Miên (Campuchia) đã xuất hiện gần một ngàn năm sau ngày ra đời của trống đồng Ngọc Lũ. Trống Ai Lao và Vân Nam cũng vậy, trừ số mới phát hiện trong gần 15 năm trở lại đây tại Vân Nam, dẫu rằng những hoa văn của chúng chứng tỏ chúng phải thuộc một hệ thống văn hóa và văn minh khác với văn hóa và văn minh của Đông Sơn. Trống đồng Lạc Việt do thế phải là một sản phẩm của nền khoa học kỹ thuật đồ đồng Việt Nam và phát xuất từ Việt Nam. Từ Việt Nam, nó phân bố ra mọi phía cho tới miền Nam Trung Quốc cũng như miền Bắc Nam Dương quần đảo.



VỀ TRỐNG ĐỒNG VIỆT NAM

Sự phát hiện những sản phẩm cũng như nghệ phẩm Việt Nam và ảnh hưởng của chúng tại Trung Quốc trong quá khứ tất không có gì đáng ngạc nhiên. Thể tài đồ gốm Việt Nam thế kỷ XVII ở Đàng Trong đã trở thành thể tài chính yếu của một trường phái đồ gốm Nhật Bản thế kỷ XVIII và được biết là thể tài Giao Chỉ. Đồ gốm cùng thế kỷ đã xuất cảng tới Nam Dương. Nhưng thí dụ lôi cuốn nhất là một báo cáo trong lời đề yếu cho Đại Việt sử lược [9] trong Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu 66 tờ 7b16-18, theo đây, một cái chuông do người nước ta đúc vào năm 1387 dưới thời Trần Phế Đế lại được người Trung Quốc tìm thấy ở vùng Hải Tân gần ba trăm năm sau đó dưới thời vua Khang Hy nhà Thanh. Nó viết: “Khảo Liêm châu phủ chí thì nó ghi rằng, vào năm Khang Hy thứ 13 (1674) Hải Tân được một cái chuông đề Hoàng Việt Xương Phù năm thứ chín ất sửu (1387), người báo cáo nghi nó thuộc dưới thời Lý Càn Đức đời Tống tiếm hiệu trở về sau...”

Chính vì trống đồng là nhập cảng ngoại quốc từ Việt Nam, mà nhiều truyền thuyết sai lầm đã xảy ra tại miền Nam Trung Quốc về nguồn gốc của nó, như Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi hay Quế hải ngu hoạnh chí của Phạm Thành Đại và nhiều người khác đã ghi lại. Họ cho rằng, trống đồng hoặc là một sáng phẩm của Mã Viện hay của Gia Cát Lượng, mặc dù dân miền đó đã biết sử dụng nó tương đối khá sớm. Thực hóa của Tấn thư 26 tờ 10b10-12ø chép lời chiếu năm 381 của Tấn Hiếu Vũ đế thế này: “Tiền là trọng bảo của nhà nước, bọn tiểu nhân tham lợi, đem nó ra nung chảy không dứt, những ty thanh tra vì thế để ý. Người mọi rợ ở Quảng Châu quý trọng trống đồng, mà châu cảnh thì hoàn toàn không sản xuất ra đồng. Ta nghe những kẻ buôn bán công tư ở đấy tham đồng hơn cả tiền, nên cân lượng nặng nhẹ khác nhau, để lấy số thừa đem vào Quảng Châu mà đổi lấy đồ vật với người mọi, để cho người mọi nấu chảy ra đúc làm trống. Việc này nghiêm trọng, phải cấm chế. Ai phạm, bị bắt thì trị tội”. Vậy, ngay từ thế kỷ thứ IV trở đi “người mọi” tại Quảng Châu đã “tham đồng hơn cả tiền” và đã dùng tiền để đúc trống.

Đến thế kỷ thứ VII, khi Trường Tôn Vô Kỵ viết Tùy thư, cùng dùng mẩu tin ấy và lập lại với một vài thay đổi nhỏ, như loại bỏ việc giới hạn chuỵện “quý trọng trống đồng” chỉ cho “người mọi” của Tấn thư. Địa lý chí của Tùy thư 31 tờ 8b13-9a9 viết: “Từ Ngũ Lĩnh trở về Nam hơn hai mươi quận, thổ địa hầu hết thấp thỏi, ẩm ướt, có nhiều chướng lệ, nên người ta hay chết yểu. Nam Hải Giao Chỉ mỗi nơi là một đô hội vậy. Chỗ ở chúng gần biển, có nhiều tê voi, đồi mồi, châu ngọc trân dị kỳ lạ. Cho nên, người đến buôn bán phần nhiều trở thành giàu có. Tính khí dân chúng đều hay khinh hãn, dễ gây chuyện làm loạn; bối tóc ngồi chàng hảng, ấy là phong tục xưa của họ. Người Lý thì chất trực chuôïng tín. Các bọn mọi thì dũng cảm tự lập, đều ưa của khinh chết, chỉ lấy sự giàu làm hùng; ở tổ bên sườn núi, hết sức làm việc cấy cày, khắc gỗ làm phù khế. Lời đã thề thì đến chết không đổi. Cha con làm nghề khác nhau, cha nghèo thì sống nhờ những người con. Các bọn Lào cũng thế. Chúng đều đúc đồng làm trống lớn. Khi mới đúc xong thì treo ở trong sân, đặt rượu cho mời đồng loại tới. Trong số người tới có con gái nhà giàu lấy vàng bạc làm một thoa lớn, giao cho người con gái cầm lấy đánh vào trống, đánh xong, để lại cho chủ nhân, đặt tên là cái thoa trống đồng. Tục ưa giết nhau, gây nhiều oán thù. Muốn đánh nhau thì cho đánh trống ấy lên, người tới như mây. Kẻ có trống được đặt hiệu là đô lão, cả hết mọi người đồng tình suy phục. Ấy là bắt nguồn từ việc xưa, khi Úy Đà đối với nhà Hán tự xưng là Man di đại tù trưởng lão phu thần. Cho nên, người Lý đang còn gọi những kẻ đáng tôn trọng của chúng là đào lão, mà đã bị đọc bậy ra nên gọi thành đô lão”.

Đọc đoạn văn đó, người ta có thể hiểu hoặc chỉ người mọi đúc đồng làm trống hoặc “từ Ngũ Lĩnh trở về Nam hơn hai mươi quận” đã đúc đồng làm trống. Căn cứ trên xuất xứ thì đây là một sự thực, bởi vì chuyện đúc trống và làm thoa quả đã được Bùi Uyên nói tới trong cuốn sách Quảng Châu ký, mà Hiền đã dẫn ra cho lời chú “trống đồng Lạc Việt” ở Hậu Hán thư 54 tờ 8b10-12: “Quảng Châu ký của họ Bùi nói rằng: Lý Lào đúc đồng làm trống, trống thì chỉ lấy sự cao lớn làm quý, bề mặt rộng hơn một trượng. Khi mới đúc xong thì treo ở trong sân, tảng sáng đặt rượu, cho mời đồng loại đến đầy cửa. Ngừơi đến có con gái nhà hào phú lấy vàng bạc làm một cái thoa lớn cầm lấy mà gõ vào trống, gõ xong để thoa lại cho chủ nhân vậy”. (Bùi Thị Quảng Châu ký viết Lý Liêu chú đồng vi cổ, cổ duy cao đại vi quý, diện khoát trượng dư, sơ thành, huyền ư đình, khắc thần, trí tửu triệu đồng loại, lai giả doanh môn, hào phú tử nữ dĩ kim ngân vi đại thoa, chấp dĩ khấu cổ, khấu cánh lưu di chủ nhân giã).

Lệ Đạo Nguyên mất năm 529 đã dẫn Quảng Châu ký của Bùi Uyên trong Thủy kinh chú 37 tờ 25b9-26a3, 27b2-4 v.v… Uyên do thế phải sống và viết Quảng Châu ký vào thế kỷ thứ V. Tuy nhiên, căn cứ trên văn mạch, ta phải cắt nghĩa “Từ Ngũ Lĩnh trở về Nam hơn hai mươi quận” đã đúc đồng làm trống, như học giả Trung Quốc ngày nay đã hiểu.

Dù với trường hợp nào đi nữa, rõ ràng là từ ngày Tấn Hiếu Vũ đế ra lịnh cấm chuyện lấy tiền đúc trống, trống đồng đã thành một khí cụ đặc biệt của người miền Nam Trung Quốc cũng như người miền Bắc nước ta. Và như thời gian càng đi xuống chừng nào, việc sử dụng trống đồng càng trở nên phổ biến chừng ấy. Nếu Tùy thư không nói rõ “Lý liêu” hay “hơn hai mươi quận” đúc trống làm gì thì Ôn Đình Quân (818-872) vào giữa thế kỷ thứ IX đã đương nhiên coi trống đồng là một thành tố của đời sống tôn giáo của người miền Nam Trung Quốc. Trong bài Hà độc thần, Ôn Đình Quân viết:

Đồng cổ tãi thần lai
Mãn đình phan cái bồi hồi
Thủy thôn giang phố quá lôi
Sở sơn như họa yên khơi

Ly biệt lỗ thanh không tiêu sách
Ngọc dung chù trường trang bạc.
Thanh mạch yến phi lạc lạc
Quyện diềm sầu đối châu các.

Trống đồng tế thần ra
Đầy sân phướn lọng phất phơ
Xóm sông bến lạch sét qua
Như tranh núi Sở mù pha

Biệt ly tiếng chèo tiêu luống trôi
Mặt đẹp buồn bã son vơi
Lúa xanh én bay tả tơi
Vén diềm gác ngọc buồn thôi

Đến Tôn Quang Hiến, một người mất vào năm 967, trống đồng không còn là một đặc phẩm của “người mọi” nữa. Nó trở thành một khí cụ của “người miền Nam”, không phân biệt mọi hay không mọi. Trong bài từ Bồ tát man ở Toàn Đường thi [10] 897 tập 12 tờ 10137, Hiến đã viết:

Mộc miên hoa ánh tùng ty tiểu
Việt cầm thanh lý xuân quang hiểu
Đồng cổ dự man ca
Nam nhân kỳ tải đa

Khách phiếm phong chính cấp
Thiền trụ ỷ tường lập
Cực phố kỷ hồi đầu
Yên ba vô hạn sầu

Bông cây gạo giọi am rừng nhỏ
Chim Việt tiếng đầy ánh xuân tỏ
Trống đồng cùng hát mọi
Người Nam cúng tế mãi

Đàn khách nhịp càng thúc
Áo đỏ đứng dựa vách
Bến xa mấy quay đầu
Khói sông vô hạn sầu

Với Hiến, như vậy không còn sự phân biệt nào hết giữa người mọi với không mọi trong việc dùng trống đồng. Ai dùng nó, đều được Hiến gọi là: “Người miền Nam”, là “Nam nhân”. Một tiến triển trong cái nhìn về địa vị của trống đồng đã xảy ra. Từ trống đồng Lạc Việt, ta có trống đồng của “di nhân”, rồi của “Lí Lào”, rồi của “hơn hai mươi quận từ Ngũ Lĩnh trở về Nam” rồi “Nam nhân” một cách đơn giản và phổ quát. Một tiến triển từ thế kỷ thứ I tới thế kỷ thứ X đã hiện thực. Sự thực báo cáo của Tôn Quang Hiến có thể được kiểm soát bằng một mẩu tin khác do một tác giả cùng thời viết.

Lý Phưởng vào năm 981 viết Thái bình ngự lãm [11] 582 tờ 6b2-3 cũng ghi nhận: “Đại Chu chính nhạc nói rằng: ‘Trống đồng đúc bằng đồng, trống một mặt để trống, một mặt bịt mà đánh lên. Những thứ của An Nam, Phù Nam, Thiên Trúc đều như vậy cả. Những nhà hào phú miền Lĩnh Nam đều có nó. Cái lớn mặt rộng tới hơn một thước’” (Đại Chu chính nhạc viết: Đồng cổ, chú đồng vi chi, hư kỳ nhất diện phú nhi kích kỳ thượng, An Nam, Phù Nam, Thiên Trúc loại giai như thử; Lĩnh Nam hào gia tắc hữu chi, đại giả quảng xích dư).

Đại Chu, tức nhà Hậu Chu, bắt đầu năm 951 và chấm dứt vào năm 960, khi Triệu Khuông Dẫn lật đổ và lập nên nhà Tống. Đại Chu chính nhạc do thế phải viết khoảng giữa chín năm từ 951 đến 960, bảy năm trước lúc Hiến chết. Việc Hiến nói: “Đồng Cổ dự man ca, nam nhân kỳ tãi đa”, như vậy hoàn toàn phù hợp với câu “Lĩnh Nam hào gia tác hữu chi” của Đại Chu chính nhạc. Điểm lôi cuốn hơn nữa là, sau ngày Phạm Việp viết Hậu Hán thư cho tới Đại Chu chính nhạc ra đời trong khoảng thời gian 500 đấy không có một ghi chú nào khác cho biết về số phận của trống đồng tại đất nước ta. Lịch sử của nó, căn cứ trên tư liệu thành văn, từ đó vỏn vẹn chỉ gồm hai ghi chú, một từ Hậu Hán thư và một từ Đại Chu chính nhạc, bao gồm toàn cả giai đoạn từ thế kỷ thứ I cho tới thế kỷ thứ X.

Dẫu khan hiếm như thế, tối thiểu chúng vạch ra một cách không chối cãi là, trống đồng đến giữa thời Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Trung Quốc vẫn còn tiếp tục được người nước ta sản xuất và sử dụng. Như một nhạc cụ của nền âm nhạc Hùng Vương, nó đã có một lịch sử hơn một ngàn năm trăm năm trên đất Việt Nam. Từ thế kỷ thứ XI trở đi, ta biết nó vẫn tiếp tục được sử dụng. Chứng tích là một câu thơ do Trần Phu làm sau khi đi sứ ở nước ta về vào năm 1293:[12]

Kim qua ảnh lý đan tâm khổ
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh

Giáo sắt sáng ngời lòng thắm khổ
Trống đồng vang dội bạc đầu phơ

Trần Phu nghe tiếng trống đồng thời vua Trần Nhân Tông vì lo sợ mà đầu tóc muốn bạc. Vậy trống đồng cho đến cuộc kháng chiến Nguyên Mông thế kỷ thứ XIII vẫn còn sử dụng một cách phổ biến trong các dàn quân nhạc Việt Nam. Do thế, điều chắc chắn là, đến giữa năm 1293 nó vẫn đang còn có mặt giữa những sản phẩm của nền kỹ nghệ nước ta, để cho Trần Phu nói tới. Ghi chú của Hậu Hán thư và Đại Chu chính nhạc cũng như Trần Phu từ đó chứng tỏ hấp dẫn từ một khía cạnh khác, đấy là khía cạnh phân bố trống đồng và quá trình phổ quát hóa của nó.

Ở trên chúng tôi vạch ra nguồn gốc Việt Nam của nó và coi Việt Nam như một trung tâm phân phối. Mặc dù Ấn Độ có những ghi chú thành văn về trống đồng, cho đến nay, không một trống đồng nào đã khai quật được. Trống đồng Cao Miên và Nam Dương quần đảo, như ta nói, là thuộc giai đoạn hậu kỳ và chắc hẳn cũng nhập cảng từ Việt Nam. Còn lại là trống đồng ở Trung Quốc, mà số lượng tìm thấy cho đến nay đã lên tới con số kỷ lục là 149 chiếc [13], khi so với số lượng tìm thấy ở nước ta chỉ có 118 chiếc. Tuy nhiên, những phân tích trên đã nêu lên một cách minh bạch là, nó phải nhập cảng từ Việt Nam. Phải là nhập cảng, bởi vì nó không những đã có những truyền thuyết sai lầm điểm chỉ sự xa lạ về nguồn gốc, mà còn vì nó đã chịu một quá trình địa phương hóa hay Trung Quốc hóa, để từ số phận của những trống đồng của “bọn mọi”, nó đã trở thành trống đồng của “người miền Nam” hay “những nhà giàu có Lĩnh Nam”.

Xác định nguồn gốc Việt Nam của trống đồng, chúng tôi không nhằm một mục đích nào hơn là thiết định lại địa vị của nó trong lịch sử âm nhạc Việt Nam cũng như những mẩu tin, mà nó cung hiến qua các hoa văn trên mặt trống. Địa vị của trống đồng, người ta có thể thấy rõ ràng trong những mô tả dẫn trên của Bùi Uyên và Tùy thư địa lý chí. Về một mặt, Uyên cho thấy nó có ý nghĩa đặc biệt đối với những người sở hữu qua việc tổ chức đặt rượu và lấy vàng bạc làm dùi đánh trong buổi lễ khánh thành. Ở đây, chúng tôi không cần phải dài dòng về vai trò người phụ nữ tại buổi lễ ấy. Nó để lộ một phần nào địa vị đặc biệt, mà những người phụ nữ Việt Nam có tiếng khác như Trưng Trắc, Triệu Ẩu đã điểm chỉ. Về mặt khác, Tùy thư nhấn mạnh là, nó là một thứ nhạc khí của quân nhạc - và xin nhớ, “duy phú vi hùng”, chỉ giàu mới là lãnh đạo - mới sở hữu nó, nên nó còn tượng trưng một thứ quyền uy. Mất nó, kẻ sở hữu trở thành một người không quyền uy.

Có lẽ, chính vì ý nghĩa chính trị và quân sự này của trống đồng trong xã hội Lạc Việt của Hai Bà Trưng, mà Mã Viện sau khi đánh bại quân đội của Hai Bà, đã tịch thu hết trống đồng Lạc Việt để đúc thành một thứ ngựa phép, tượng trưng cho quyền uy của quân đội viễn chinh Trung Quốc: “Mã giả, giáp binh chi bản, quốc chi đại dụng, an ninh tắc dĩ biệt tôn ty chi tự, hữu biến tắc dĩ tế viễn cận chi nạn”. Tịch thu trống đồng của những nhà lãnh đạo Lạc Việt, thế cũng có nghĩa, người Lạc Việt từ đấy sẽ không có những người lãnh đạo của riêng họ và phải phụ thuộc vào quyền hành nhà nước của vua chúa Mã Viện. Đến khi trống đồng Việt Nam xuất hiện trong sách vở Trung Quốc một lần thứ hai, thì cũng chính là lúc một triều đại Hùng Vương khác đã thành hình qua chiến thắng vang dội của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng.

Hai ghi chú về trống đồng Việt Nam của sách vở Trung Quốc từ đó tỏ ra rất lôi cuốn, ngay cả khi ta không có một niềm tin dị đoan. Ghi chú thứ nhất nói về việc tịch thu nó: nhà nước Việt Nam tiêu vong. Ghi chú thứ hai so sánh nó với trống đồng Trung Quốc: Một nhà nước Việt Nam mới hình thành, mở đầu một kỷ nguyên mới. Trống đồng Lạc Việt như vậy có một lịch sử khá ly kỳ trong lịch sử nước ta cũng như một địa vị đáng chú ý trong lịch sử lễ nhạc và quân nhạc Việt Nam nguyên thủy.

Có lẽ chính vì cái địa vị đặc biệt ấy, mà ngoài những mô tả hấp dẫn của Quảng Châu ký và Tùy thư về buổi lễ khánh thành chiếc trống đồng mới đúc đã dẫn, ta ngày nay đã tìm thấy trên mặt những trống đồng hiện còn những hoa văn lôi cuốn và khá chi ly. Vấn đề cắt nghĩa những hoa văn ấy có nghĩa gì, đang đưa đến những khó khăn hết sức phức tạp mà chúng tôi sẽ không bàn cãi ở đây. Điểm chúng tôi bàn cãi về phần lớn liên quan tới việc xác định những nhạc khí cùng cách dùng chúng, khi chúng xuất hiện trên những hoa văn.

Giữa những hoa văn của các trống đồng hiện tìm được tại nước ta, hoa văn của trống đồng Ngọc Lũ, cứ theo những niên định và phân tích hiện tại, đã tỏ ra là đại biểu tương đối đầy đủ nhất cho những thứ trống đồng khác cả về tính cổ sơ, mà như đã nói, là thuộc vào những thế kỷ thứ IV và thứ III tdl lẫn tính phong phú về thể tài và dáng điệu. Vậy thì, dựa vào hoa văn ấy, chúng ta có thể rút ra những kết luận nào về tình trạng âm nhạc Lạc Việt thời Hùng Vương từ khoảng thế kỷ thứ IV tdl cho đến tới nữa đầu thế kỷ thứ I sdl khi nó bắt đầu thâu nhận những yếu tố mới từ âm nhạc Trung Quốc và Ấn Độ?

Tài liệu từ Facebook

No comments:

Post a Comment