THƯ NGỎ

WELCOME TO TV6269

Các bạn thân mến,

Năm 1962 chúng mình bước vào Trưng Vương bằng những bước chân ngập ngừng của những cô bé lớp Đệ Thất ngây thơ. Rồi 7 năm học trôi qua những kỷ niệm với bạn bè, với Thầy Cô, với lớp học, với ngôi trường yêu dấu đã để lại trong ký ức của chúng mình tình bạn thân thiết và những kỷ niệm êm đềm, mơ mộng của một thời áo trắng TV.

Ngày nay tuy ở khắp mọi nơi, chúng mình đã tìm gặp lại nhau. Xin chào mừng tất cả các bạn và ước mong qua trang Blog Trưng vương 62-69 này sẽ là nơi gặp gỡ thân ái để TV6269 cùng ra chơi, vui đùa như ngày xưa trong sân trường yêu dấu.

TV6269







Sunday, November 24, 2013

TUỔI THU PHAI

TUỔI THU PHAI

Mời các bạn cùng đọc một bài dự thi về đề tài " Tuổi thu phai" rất hay, cuộc thi do báo Người Việt tổ chức do Hồng Hạnh gửi cho chúng ta.

Giật mình, ôi chiếc lá thu phai” ( TCS)

Ngày xưa bước qua tuổi sáu mươi, người ta đã ăn mừng “lục tuần thượng thọ,” mọi người kính cẩn gọi là Cụ để được “kính lão đắc thọ.” Nhưng ngày nay, nhất là ở Mỹ, lứa tuổi 60 vẫn chưa thể gọi là già. Tôi không thích dùng từ “tuổi già,” vì nghe nó có vẻ đượm mùi bi quan, tôi thích dùng từ “tuổi thu phai” lấy từ câu hát của Trịnh Công Sơn: “Giật mình, ôi chiếc lá thu phai” nghĩa là thời gian trôi nhanh quá, chợt nhìn lại thấy mình đã là chiếc lá thu phai!

Quá trình thời gian biến đổi của đời người đã được TCS. diễn đạt một cách ngắn gọn, vừa nhẹ nhàng, vừa có chất thơ! Lá mùa nào cũng có nét đẹp riêng của nó, nhưng lá mùa thu vẫn đẹp nhất, vì nó cho đời nhiều sắc màu phong phú, tuyệt đẹp! vì thế vẫn thường có những tour đi ngắm lá thu đổi màu ở vùng Bắc Mỹ. Theo tôi “Tuổi thu phai” là lứa tuổi đẹp nhất đời người, giống như mùa Thu là mùa đẹp nhất trong bốn mùa: Mùa Xuân tuy hoa nở tươi thắm, nhưng hình như thiếu sự êm ả, đằm thắm, mùa Hè tuy rộn ràng nhưng thật nóng nực, oi bức; mùa Ðông thì lạnh giá, ủ ê, chỉ có mùa Thu là đủ độ chín tới làm nên vẻ đẹp của đất trời khi giao mùa, thời tiết cũng dễ chịu, êm đềm... Ngoài ra, trăng là biểu tượng cho vẻ đẹp nên thơ của thiên nhiên, và trăng đẹp nhất bao giờ cũng là trăng Thu, cũng như những bài thơ, bài nhạc hay nhất đều nói về mùa Thu.




Hình minh họa: Hoạ sĩ Nguyễn Thanh Vân/Người Việt

Các bạn ở vào độ “tuổi thu phai” vẫn thấy đời còn nhiều nét đáng yêu. Trước hết có thể bắt đầu nghĩ tới chữ Nhàn, vì không còn phải bon chen xoay theo vòng quay danh lợi, bởi sắp về hưu hay đã về hưu. Nếu đã về hưu rồi thì thời gian lại càng thong thả cho phép ta an nhàn hưởng thụ những gì ta thích mà trước kia cuộc sống vội vã không cho phép. Nếu thích đi du lịch, đi thăm người thân hay con cháu ta có thể đi bất cứ ngày nào, mùa nào, và đi bao lâu tùy thích vì ta là người rất “giàu có về thời gian.” Ngắm bọn trẻ lúc nào cũng hối hả tất bật mà thương, nhớ lại thời tuổi trẻ gian khổ của mình mà mừng vì nay: “Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo.”


Sau một thời gian dài hội nhập xứ Mỹ với biết bao gian khổ buồn vui, giờ đây là lúc chúng ta có thể tạm buông tay để tự cho mình một cuộc sống an nhàn, có thể tự cho phép mình ngồi không mà thư giãn tâm hồn, rồi thưởng thức những thú vui tinh thần tao nhã. Ưu điểm lớn nhất của khu “Little Saigon” (Nam CA) là chúng ta thường được “chiêu đãi” những bữa ăn tinh thần một cách như không! Ðó là những buổi triển lãm tranh ảnh đẹp quê hương, những buổi nói chuyện về các đề tài văn hóa Việt Nam, những đêm nhạc Du ca, những đêm nhạc chủ đề... Ðó là nơi gặp gỡ của những tâm hồn tuy đã lìa xa quê, nhưng lòng vẫn hoài hương vì “Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng.” Ðó là những buổi gặp gỡ mà những người tham dự (đa số là cao niên) cảm thấy ấm áp vì tình yêu quê hương được nhóm dậy trong lòng! Ðó là những buổi tối êm đềm được ngồi cùng với bạn bè thân quen nghe lại những ca khúc xa xưa một thời yêu thích... Ðó không phải là niềm hạnh phúc của cuộc sống đáng yêu nơi xứ người sao?


Một trong những nơi chốn thân quen vẫn thường cung cấp cho chúng tôi những bữa tiệc tinh thần đáng quý đó, chính là phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt. Ngoài ra Viện Việt Học hằng tháng vẫn tổ chức những đêm nhạc thính phòng với các chủ đề khác nhau mang đến cho người nghe những đêm cảm thụ âm nhạc thật khó quên! Chúng tôi trân trọng ghi nhận và biết ơn sự đóng góp đáng trân quý đó của quý vị, vì đã đồng hành và mang đến cho chúng tôi những niềm vui tinh thần trong cuộc sống vui buồn nơi xứ người.

Người Mỹ thường có câu “use it or lose it” câu này thật có ý nghĩa đối với “trí óc” của giới cao niên. Nếu không dùng tới nó, nó sẽ bị hao mòn, thoái hóa dần. Có lẽ ý thức tầm quan trọng này nên viện bảo tàng Bowers đã tổ chức những lớp học nghệ thuật (Art) dành cho giới cao niên trong O.C.và phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt đã hỗ trợ bằng cách cho mượn địa điểm để mở những lớp Art dành cho giới cao niên Việt Nam.

Nhờ sự hướng dẫn chuyên môn của các “Intructor” chúng tôi có thể dùng tâm trí để sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật “tuyệt vời.” Trong lễ bế giảng khi nhìn những tác phẩm được triển lãm do tự tay mình làm ra, chính chúng tôi cũng không ngờ tới tuổi này rồi mà sao sức sáng tạo vẫn còn tràn đầy trong óc trong tim. Những điều này khiến chúng tôi rất vui và thấy cuộc sống mình đâu phải là “vô dụng” mà vẫn còn rất có ý nghĩa! Thật thấm thía với câu “Enjoy your life while you can” ( Hãy thưởng thức cuộc sống khi bạn còn có thể).

Ðặc biệt là hôm tham dự buổi triển lãm ở Bowers Museum, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi biết rằng toàn bộ những tác phẩm được triển lãm đều là những “công trình sáng tạo nghệ thuật” của giới cao niên thuộc Orange County (trong đó giới cao niên Việt Nam chiếm đa số). Từ những bức tranh vẽ chân dung, tranh phong cảnh, tranh tĩnh vật, tranh cắt dán, tới những tác phẩm tạo hình (Mix Media) bằng những vật liệu khác nhau... Mỗi tác phẩm đều mang một vẻ đẹp riêng, một ý nghĩa và một tâm nguyện khác nhau của tác giả. Tôi thật thích thú khi nhìn ngắm những chiếc nón lá duyên dáng Việt Nam, đã được bàn tay sáng tạo của các chị phủ lên trên chúng những bức tranh đầy màu sắc: từ những vườn hoa Xuân miền Nam với những cành mai vàng nở rộ, tới những đóa hoa Pensse tím một trời thương nhớ Ðà Lạt năm nao, rồi những hình thể đủ sắc màu gợi nhớ những hình ảnh đẹp đẽ ngày xưa nơi quê nhà... Thật là tuyệt diệu và xúc động khiến một anh bạn đã “tức cảnh sinh tình” làm ngay một bài thơ về nón lá để hồi tưởng lại một thời tuổi trẻ thanh xuân:

“Vành tròn, chóp nhọn, trắng như ngà
Ðội nghiêng nghiêng chút: Dáng kiêu sa
Ôm ngang trước ngực: Trông e ấp
Cầm thả lơi lơi: Ðẹp thướt tha”

Cuộc triển lãm này là một trong những hoạt động của Bowers Museum dành cho giới cao niên. Họ gửi chuyên viên xuống các cộng đồng mở những lớp học nghệ thuật (Art). Lớp học được cung cấp đầy đủ các phương tiện và vật dụng để học viên có thể thực hành ngay tại lớp. Tất cả đều free! Ðúng là xứ Mỹ có khác, không phải chỉ có trẻ con mới được chăm sóc chu đáo, mà giới cao niên cũng được quan tâm đầy đủ từ y tế tới tiền già và ngay cả những nhu cầu tinh thần cũng được chăm lo đầy đủ. Tất cả nhằm tạo cho giới cao niên luôn có cuộc sống vui khỏe, yêu đời lạc quan! Quả thật nước Mỹ là “Thiên Ðàng hạ giới,” mà là thiên đàng thật chứ không phải như “thiên đàng bánh vẽ” của cộng sản. Tôi đau lòng khi nhớ tới cảnh các cụ già ở “thiên đàng XHCNVN” hàng ngày vẫn phải còng lưng lê gót trên các hè phố kiếm từng xu để lo kế sinh nhai vì không hề được nhà nước quan tâm! Miếng ăn còn chưa có, nói chi đến nhu cầu tinh thần...! Trong khi ở Mỹ, một số vị cao niên mới qua, ghi danh học ESL ở College vừa học tiếng Anh để mở mang kiến thức hội nhập nước Mỹ, vừa có tiền (khoảng hơn 3000$ cho một mùa học, chừng 4 tháng) Một chị kể: “Bây giờ mình già rồi, chịu khó đi học ESL cho tiếng Anh mau tiến bộ, quan trọng là được tiền, có thể giúp đỡ chút ít cho con cháu bên Việt Nam, chứ bên đó đi làm kiếm đồng tiền khó khăn lắm! Lúc này college lại mở một số lớp tiếng Việt, nên cũng dễ dàng hơn! Tui thấy qua Mỹ sướng thiệt, vừa được đi học, vừa có tiền, vô quốc tịch rồi có tiền già, có medical đủ thứ... khỏe re, khỏi lo lắng gì hết!”

Ngoài ra, đối với giới cao niên “sức khỏe là vàng,” là ưu tiên hàng đầu, nên trong cộng đồng phong trào thể dục thể thao nở rộ với nhiều hình thức khác nhau, giới cao niên tha hồ lựa chọn cái nào thích hợp với mình. Từ những lớp Càn Khôn Thập Linh của nhóm Thầy Hằng Trường, tới các lớp Tài Chi Khí Công ở võ đường Hapkido, những lớp Dancing Exercises ở các TT Cao niên, Horizons, rồi lớp Gậy Dưỡng Sinh ở T.T. Công Giáo, lớp Hoàn Nhiên Khí Công ở Phước Lộc Thọ... Lớp Thiền của nhóm Mắt Thương Nhìn Ðời. Thật không thể nhớ hết có bao nhiêu lớp học miễn phí đã mở ra để giúp giới cao niên sống vui, sống khỏe, sống với tâm bình an. Nhiều chị mê tập thể dục nên chạy từ lớp này qua lớp khác như “ca sĩ chạy show,” vì mỗi lớp có cái hay và lợi ích riêng! Gặp nhau thường xuyên ở các lớp tạo thành một nhóm bạn chia sẻ buồn vui, tin tức bổ ích cho sức khỏe, cho tâm linh... Bên cạnh đó ai mê ca hát thì ghi danh học những lớp thanh nhạc rồi lâu lâu tổ chức những buổi “hát cho nhau nghe” thành thử “đời vẫn đẹp sao!”

Không chỉ biết Nhận, giới cao niên cũng biết Cho, nên một trong những niềm vui của giới cao niên là đi làm volunteer và từ thiện. Tôi thường bắt gặp rất nhiều anh chị sau khi về hưu tham gia các công tác volunteer như nấu và phát thức ăn cho người homeless, thăm các nhà dưỡng lão, thăm các trẻ em trong các trại giáo huấn. Các bạn đã dùng thời gian của mình cho có ích, để hưởng được “niềm vui cho đi” vì “hạnh phúc không phải là thứ có sẵn, nó đến từ chính hành động của bạn” (Ðức ÐLLMa).

Ngoài ra tham gia công tác từ thiện cũng là niềm đam mê của một số anh chị, nhất là giúp đỡ những người bệnh tật (cùi, mù lòa...) những trẻ em côi cút, những người già neo đơn, những mảnh đời khốn khó bất hạnh ở quê nhà như Hội Bạn Người Cùi, Hội Bạn Người Nghèo... điển hình như chú Phan, đã gần 80 tuổi nhưng vẫn hăng hái hoạt động cho HBNN, có khi một năm, chú ngược xuôi về Việt Nam đôi ba lần để giúp đỡ những cảnh đời bi thương, có lẽ chú cảm thấy quỹ thời gian của mình không còn nhiều nữa nên “vội vàng thêm những lúc yêu người,” chú đã lấy việc giúp người làm niềm vui lúc tuổi xế chiều. Thật đáng trân quý thay!

Bên cạnh đó với thời đại @ ngày nay, nhiều lớp học vi tính được mở ra để hướng dẫn quý vị cao niên có thể lên mạng mỗi ngày đọc tin tức khắp nơi trên thế giới, nghe nhạc, nghe kinh, gửi email cho bạn bè, con cháu nơi xa xôi hay ở quê nhà, gửi hình ảnh, chuyển tiếp những bài viết hay, những điều bổ ích cho sức khỏe, cho tâm linh... Tiên phong trong lãnh vực này là nhóm thầy Kevin, rồi đến hội Ái Hữu Chu Văn An, Trung Tâm Công Giáo... Ngày xưa người ta đi làm công tác xóa nạn mù chữ, ngày nay chúng tôi đi làm công tác xóa mù vi tính. Trong một lớp vi tính căn bản, thật vui khi nghe một vị cao niên cười rạng rỡ thích thú nói:

“Ôi! đúng là một chân trời mới được mở ra, bao nhiêu là tin tức thế giới, bao nhiêu là cái hay, cái đẹp, mình đều có thể tiếp cận được qua chiếc computer nhỏ bé này! Mình có thể email liên lạc được với bạn bè người thân khắp nơi, thế giới như thu nhỏ lại! Cuộc sống thật tuyệt vời!

Nhìn ánh mắt nụ cười đó, với mái tóc bạc phơ, tôi thấy “đời bỗng dưng vui” vì đúng là:

“Từng giọt, từng giọt thiện
Thức dậy những niềm vui”

Từ nay người cao niên sẽ không còn lo lắng “Sáng mai thức giấc, nhìn quanh một mình,” vì chỉ cần bật nút computer lên là cả thế giới tươi vui đang cùng chào đón một ngày mới với bạn.

Bên cạnh đó, nếu các bạn muốn hướng về đời sống tâm linh nhiều hơn, sống tĩnh lặng và buông xả hơn thì trong vùng Orange county có rất nhiều nhà thờ Việt Nam, chùa Việt Nam, hãy đến đó tham dự các khóa tĩnh tâm hay các lớp Thiền để sống tâm bình an hơn.

Xin tạ ơn đời, xin cám ơn nước Mỹ, quê hương thứ hai này đã cho lứa “tuổi thu phai” chúng tôi có môi trường sống vui, khỏe và an nhiên tự tại, khi tuổi đã bắt đầu đi về phía bên kia chân đồi. Vì “khi tâm bạn an nhiên, bạn đang ở trong mùa đẹp nhất đời người.”

Mùa Thu California 2013



No comments:

Post a Comment