Nguyễn Mạnh Trinh
Năm 1997 là một thời điểm quan trọng của văn chương người Mỹ gốc Việt
khi nhà xuất bản Viking cho in và phát hành tác phẩm thứ nhất của nhà
văn Lan Cao – The Monkey Bridge (Cầu Khỉ). Tiểu thuyết này viết về sự
phân nhánh của chiến tranh Việt Nam và đời sống của một cộng đồng lưu
vong, được tạo dựng với nhiều tỉnh thức đầy nỗ lực với dư luận Hoa Kỳ.
Ðây cũng là một tác phẩm đầu tiên được xuất bản được báo chí của dòng
chính nhắc đến về những người cầm bút người Mỹ gốc Việt. Tuy nhiên với
báo chí xuất bản Việt ngữ thì tác phẩm và tên tuổi của cô còn hơi xa lạ.
The Monkey Bridge được báo chí dòng chính khen tặng nhiệt liệt. Thí dụ
như trong bài điểm sách của Michiko Kakutani trên New York Times đã viết
tác phẩm này gây thật nhiều ấn tượng cho độc giả có thể so sánh được
với những tác phẩm thời danh nổi tiếng của Salman Sushdie và Bharati
Mukherjee…
Năm nay, nhà xuất bản Vikings lại cho trình diện tác phẩm thứ hai của
Lan Cao “The Lotus and The Storm”, một câu chuyện của một gia đình đã
sinh sống ở một nơi chốn không thể rời bỏ với nhiều chuyển biến từ những
sự kiện bi thảm sau khi chế độ Miền Nam ở Sài Gòn bị sụp đổ. Ðầy tính
sử thi trong mục đích diễn tả một chân dung người lính chiến oai hùng
của quân lực Miền Nam thuở xa xưa nay thành một ông già yếu đuối ốm yếu
nằm trên giường trong căn nhà nhỏ của mình mà hồi tưởng thời còn xông
xáo chiến trường. Tác giả làm nổi bật được những trái ngược của cuộc
đời, giữa lòng trung tín và sự phản bội, giữa lòng yêu thương và sự nuối
tiếc, giữa chuyện muốn quên và điều phải nhớ…
Một nửa thế kỷ sau khi bắt đầu, chiến tranh Việt Nam đã được lưu dấu
vết không nhòa trong tâm thức những người Hoa Kỳ. Lan Cao với một tiểu
thuyết đầu tay có chất cổ điển đã được biết đến rộng rãi “bởi vì đã nối
liền được hai thực thể đối nghịch nhau nhưng lại phải quan hệ với nhau
là Hoa Kỳ và Việt Nam” (như nhận định của Isabel Allende). Với tác phẩm
thứ hai và cũng là tiểu thuyết mới nhất, tác giả mang độc giả trở lại
một cuộc chiến và làm nổi bật những dữ kiện mà lịch sử ở thế kỷ hai mươi
chú tâm đến. Ðời sống của một gia đình người Mỹ gốc Việt qua bao nhiêu
biến chuyển đã được kể lại và mô tả một cách gián tiếp những hậu quả của
chiến tranh một cách đầy nhân bản và hướng thượng.
Chân dung của người cha, một sĩ quan tư lệnh lữ đoàn nhảy dù của quân
đội Miền Nam đã phải rời bỏ quê cha đất tổ. Người con gái tên Mai cũng
chia sẻ thân phận lưu lạc với cha. Trong thời kỳ chiến tranh trong đời
sống họ có những quan hệ thân tình với hai chiến binh Hoa Kỳ. Một là
James một sĩ quan và một Cliff là cố vấn quân sự. Bốn chục năm sau, hai
cha con Minh và Mai sinh sống ở vùng ngoại ô Virginia với thân phận của
người tị nạn. Mai đã tự mình tìm kiếm ra một loạt những sự thật đau xót
về những gì đã xảy ra cho gia đình cô trong những năm qua. Còn Minh thì
đã phản ánh cuộc đời lính trận của mình với đầy đủ những tính chất của
tình yêu thương và trò bội phản đã nặng chĩu trong tâm kể từ khi mất
nước năm 1975.
Nhà văn Lan Cao
Lan Cao sinh trưởng ở thành phố Sài Gòn và cư ngụ trong một biệt thự
kín cổng cao tường của vùng Chợ lớn. Cô là con gái của đại tướng Cao Văn
Viên, tổng tham mưu trưởng QLVNCH. Có lẽ, chân dung những nhân vật
chính của cô có nhiều nét giống với vóc dáng của vị tướng này. Khi quân
Cộng sản sắp chiếm được Miền Nam, cô rời khỏi Việt Nam và đến cư ngụ tại
Avon, tiểu bang Connecticut với một người bạn thân tín của gia đình là
một đại tá quân đội Hoa Ky sau thăng cấp lên trung tướng. Sau khi cha mẹ
cô sang định cư ở Hoa Kỳ thì đoàn tụ lại cả gia đình. Lan Cao tốt
nghiệp cử nhân ngành chính trị học từ Mount Holyoke College năm 1983 và
sau đó tốt nghiệp tiến sĩ luật tại Yale Law School và làm việc với công
việc của một luật sư tại các tổ hợp luật nổi tiếng tại New York như
Paul, Weiss, Rifkin, Wharton & Garrison. Cô cũng làm việc với thẩm
phán liên bang, Judge Constance Baker Motley của Southern District of
New York, là người phụ nữ da màu đầu tiên đã tranh luận về một vụ án
trước Tòa Thượng Thẩm Liên Bang ( trong Meredith vs Fiar, nơi mà bà đã
thắng trong việc James Meredith cố gắng trở thành một sinh viên da màu
đầu tiên của trường University of Mississipi năm 1962). Lan Cao là một
luật gia chuyên ngành về luật quốc tế, luật giao dịch, và phát triển
kinh tế. Hiện là giáo sư tại Chapman Law School và hiện sinh sống và cư
ngụ tại Nam California.
The Lotus and The Storm là một cuốn tiểu thuyết chiến tranh và mô tả
những vết thương gây ra từ cuộc chiến. Ở một tầm nhìn căn bản, là một
cuốn biên niên sử ghi chép lại một cuộc sụp đổ của một xứ sở với những
âm mưu chính trị và sự tàn phá của chém giết mà sự điều khiển và chỉ đạo
chiến tranh chủ động từ nước ngoài. Nhưng ở một tầm vóc nhân bản khác,
là một câu chuyện thân thương sâu sắc giữa tình yêu và niềm khát khao
mong đợi, giữa dối trá và phản bội, giữa đau buồn và cuồng dại. Nhưng, ở
tổng quan tất cả, là sự mất mát to lớn của cả một đất nước với dấu vết
sâu xa đã hằn dấu lên cuộc sống của những đứa trẻ, trong những nhắc nhở
thì thầm trải qua những không gian và thời gian hiện hữu trong đời.
Tiểu thuyết này kể lại chuyện của một gia đình đã sống trong những
quan hệ không thể tách rời với nỗi bi thảm khi thành phố Sài Gòn thất
thủ. Một người là chiến binh lừng lẫy hào quang nay yếu đuối tàn tạ
trong căn nhà của mình ở ngoại ô Virginia của thủ đô Washington DC với
đứa con gái tên Mai đã lớn lên từ một phố nhỏ ở Chợ lớn thuộc thành phố
Sài Gòn.
Tác phẩm mở đầu từ năm 1963 từ một khu vực buôn bán tấp nập ở vùng
Chợ Lớn. Việt Nam đang ở trong một thời điểm lịch sử xoay chuyển. Dưới
sự chăm sóc tận tình của người vú trung thành người Trung hoa, cô bé Mai
sống yên ổn và ngây thơ với tuổi trẻ trong trắng không bị ảnh hưởng từ
những yếu tố của thế giới bên ngoài. Cô có những cảm nghiệm hiện thực từ
cuộc sống với chị em trong gia đình, với những người thân yêu và những
bạn hữu trung thực. Rụt rè nhút nhát và ngại ngùng trước sự phiêu lưu,
Mai đã tự mình tạo ra sự hiếu kỳ từ những gợi ý và thúc đẩy của người
thân thuộc lớn tuổi hơn. Chị cô và cô tò mò suy nghĩ về thế giới bí ẩn
và tìm kiếm những cấm điều mông lung của những ngã đường quanh co của
những con phố Trung hoa lân cận. Các cô cũng kết thân với người lính Hoa
Kỳ cùng ưa thích và say mê điệu nhạc “rock and roll” quyến rũ. Có những
buổi tối đặc biệt, bà mẹ cô đọc chuyện Ả Rập ngàn lẻ một đêm hoặc những
truyện khác để đọc sách cho trẻ thơ trước khi vào giấc ngủ. Ðôi khi,
người cậu em của mẹ cô, là một Việt Cộng, đến thăm và gia đình lại phải
tranh luận tuy rất nhân bản nhưng quyết liệt về chủ trương bài ngoại của
Việt Cộng, đặc biệt là chống Mỹ và chống lại những người Trung Hoa Quốc
Dân Ðảng. Bất kể cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt và sự phân cách
trong gia tộc, mọi người vẫn sống bình thường cho đến lúc những sự kiện
nổ bùng và làm tan nát cả gia đình và đất nước.
Câu chuyện của cha cô bé Mai, một chiến binh của QLVNCH, bắt đầu từ
năm 2006 khi nước Mỹ đang ở trong sự mạo hiểm của một cuộc chinh chiến
lâu dài khác. Từ giường ngủ, ông hồi tưởng lại những trận đánh mà ông
tham dự ở Sài Gòn, Cambodia, Huế, như đã bật TV để xem những cảnh tượng
chiến tranh ở Baghdad và Basra. Nỗi đau xưa cũ trở lại. Và ông như bị
trôi đi trong ký ức đột nhiên nhớ lại về một thời gian đã qua với niềm
thương nhớ người vợ yêu dấu và với một đất nước quốc gia của mình. Ngày
lại ngày ông lần theo mối chỉ của cuộc đời ông theo những khoảng thời
gian từ cuộc binh biến thảm sát hai anh em Tổng Thống Ngô Ðình Diệm năm
1963, rồi những sự kiện xảy ra ở Vịnh Bắc Bộ năm 1964 để dẫn đến cuộc
tham dự chính thức vào cuộc chiến đổ quân Mỹ vào Việt Nam vào năm 1965.
Rồi biến cố tết Mậu Thân năm 1968, rồi hòa ước Paris năm 1973 đến biến
động bi thảm của chế độ chính phủ Miền Nam sụp đổ năm 1975. Chưa hết,
những hậu quả sau cuộc chiến với sự chiến thắng của Cộng Sản đã tạo
thành làn sóng người vượt biển thử thách với nguy hiểm thoát ra nước
ngoài tiếp theo sau cuộc rút lui của quân đội Hoa Kỳ. Mỗi sự kiện được
ngắt quãng bằng những mất mát cá nhân không thể đền bù được. Những điều
ấy là câu chuyện của mất mát ngây thơ, của sự thất hứa tồi tệ, của những
bất ngờ xoay đổi giữa tình yêu và cuộc chiến.
Ký ức của người cha kể luôn cả những ngày hiện tại ở Virginia rồi trở
lại quãng thời gian của ông ở Việt Nam. Mai, mà cuộc đời bắt đầu từ
thập niên 1960 ở Việt Nam, đi tới khoảng thời gian mà cô sống tại Hoa Kỳ
sau khi Miền Nam đã bị Cộng sản Bắc Việt xâm chiếm. Cả hai người, cha
và con cùng sống những ngày hiện tại của năm 2006 tại Virginia và vùng
phụ cận Little Sài Gòn. Tại nơi đây cả hai cha con tiếp tục hàng ngày
chiến đấu với nỗi đau thương cũ và cố gắng bắt đầu cuộc sống mới trong
im lặng và chịu đựng. Cả hai ngậm ngùi với sự tan vỡ bằng hai phương
cách khác nhau. Một người không thể quay trở lại quá khứ nhưng ở cuối
cuộc đời bằng cách nào đó tìm kiếm được sự tha thứ – tự mình làm tốt cho
mình như cho những người khác. Một người khác cố gắng đến những mảnh
vụn quá khứ để chạy thẳng tới phía trước với một nửa cuộc đời dường như
phản ánh giấc mơ Hoa Kỳ. Trong kết luận The Lotus and The Storm là câu
chuyện của những người đã tái xây dựng lại cuộc đời của họ trong hậu quả
của chiến tranh và sự phản bội thất hứa. Bất kể nỗi đau và sự mất mát,
họ tìm trong nội tâm sức mạnh chất chứa những sinh lực để tha thứ, yêu
thương và sống thực.
The Lotus and The Storm có ý thức tiến về tương lai phía trước với bố
cục tràn đầy những hành động nhưng cũng chan chứa những phản ánh để thế
nào mỗi một người có thể tìm được một con đường đi tới vượt qua những
bất ưng của đời sống. Ðó là kiếm tìm một tổ ấm của mái nhà yên bình.
Bài phỏng vấn của Eric Nguyễn với tác giả Lan Cao đã cho độc giả
nhiều chi tiết lý thú, cũng như những cảm nhận độc đáo từ thân phận của
người tị nạn. Thí dụ như câu hỏi:
“Cô đã được huấn luyện để thành luật sư. Và là giáo sư giảng dạy tại
Dale E. Fowler School tại Chapman University. Cô luôn luôn muốn làm
người viết văn không? Hay chỉ đam mê công việc cầm bút sau này?”
Và câu trả lời: “Tôi thích đọc sách từ thuở còn là một cô bé nhỏ xíu.
Ở Việt Nam, tôi đã bị lôi cuốn vào truyện Ả Rập Ngàn Lẻ Một Ðêm và
những bộ truyện kiếm hiệp của nhà văn kim Dung như Anh Hùng Xạ Ðiêu, Cô
Gái Ðồ Long, Thần Ðiêu Ðại Hiệp. Tất cả với bố cục và tình tiết hấp dẫn
đã làm tôi thích thú với những nhận xét thí dụ như trong truyện Ngàn Lẻ
Một Ðêm nhờ năng lực lôi cuốn người nghe mà có thể cứu sống được sinh
mạng của người kể chuyện. Tôi cũng đã được giới thiệu những tiểu thuyết
Anh ngữ trong chương trình dạy những lớp AP English của tôi. Tôi yêu
thích James Joyce với A Portrait of the Artist as a Young Man, bởi vì
tác phẩm này đã làm tôi khám phá được tiến trình của đời người với một
truyền thống văn hóa không cưỡng chế lại nội dung cuốn sách. Như thế tôi
yêu thích viết văn từ tôi yêu thích đọc sách.
Ở đại học, tôi chọn học những lớp mà sinh viên được khuyến khích đi
sâu vào nội dung, để tự mình khám phá ra được những ẩn tàng của thế giới
bên trong cùng một lúc với sự quan sát bức tranh phác họa chiều rộng
bên ngoài của chính trị, kinh tế, lịch sử, xã hội. Giáo sư khuyến khích
chúng tôi viết nhật ký hàng ngày và viết để ghi chép lại những tác dụng
hỗ tương giữa hai thế giới bên trong và bên ngoài. Bà giới thiệu với
chúng tôi tác phẩm The Bluest Eye của Toni Morrison. Tôi yêu quí sách
vở. Chúng tôi cũng đọc Jung và thơ của Adrienne Rich để đào xới trên
những hoang tàn đổ nát cũng y hệt như lao vào thế giới của bóng tối chập
chùng những điều chưa hiểu để làm nổi bật lên một nhân dáng nhiều sáng
tạo và hiểu biết. Viết đối với tôi là bắt đầu học hỏi cách sống và cách
yêu thương trong hình bóng chính mình. Sự bất toàn ở đây có thể nhìn
thấy và viết về điều ấy. Viết là phong thái tự nhiên là một phần của bản
ngã chính tôi và thật là cần thiết cho đời sống.
Tôi cũng yêu viết sách về luật và tôi thích gộp chung cách viết tiểu
thuyết vào trong những công trình giáo dục khoa bảng khi dạy học và cầm
bút. Khi tôi làm việc về luật ở New York sau khi tốt nghiệp tiến sĩ
luật, vấn đề Việt Nam và kinh tế chỉ huy được chuyển đổi thành kinh tế
thị trường đã làm tôi quan tâm. Sự kiện ấy xảy ra sau khi Liên Bang Nga
Xô Viết tan rã và Bức Tường Bá Linh bị sụp đổ. Tôi nhìn thấy hiệu quả
của luật pháp trong công việc tái tạo nền móng xã hội, biểu dương tự do
cá nhân và khuyến khích phát triển kinh tế và chính trị trên căn bản hòa
hợp quốc tế và giao dịch. Ðó là chủ tâm khảo cứu về lợi ích trong đời
sống giáo dục khoa bảng chính thức của tôi.”
Trả lời câu hỏi khác của Eric Nguyễn: “Viết tiểu thuyết và viết sách
luật, theo tôi thì ít nhất cũng là hai công việc khác nhau, đặc biệt là
lãnh vực và mục đích của kinh tế và phát triển chính trị. Còn trong lãnh
vực sáng tác, nhiều đề tài đã qua đi trong đầu. Cô đã là một luật sư
giống như là một người viết văn như thế nào? Khi là luật sư và với kiến
thức khoa bảng đã dạy cô điều gì khi viết văn?
Câu trả lời của Lan Cao: “Vâng, đó là hai lãnh vực khác nhau. Viết
sách về luật, viết những nhận định duyệt xét trong sách giáo khoa, rất
khác biệt với viết tiểu thuyết sáng tác. Viết về luật, phần đông là
nghiên cứu, thật nhiều nghiên cứu để tìm kiếm và rồi chuyển đổi những
điều ấy thành những bài luận thuyết. Mà nghiên cứu là ở từ những điều ở
ngoại tại như sách vở, những đề muc, những cuộc phỏng vấn. Và tiến trình
nghiên cứu thì chồng chất những dữ kiện phải lựa chọn để xác định được
những mảnh nhỏ của dữ kiện dư thừa vượt quá giới hạn của chân lý. Với
cách viết tiểu thuyết, tôi khởi đi từ hình bóng nội tại của chính mình
và những mảnh vụn của chính tôi rồi tôi nói với phong cách hiếm họa liên
quan tới nghiên cứu. Tôi không thường xuyên viết về Việt Nam, tuy nhiên
có khi trong lúc thay đổi đề mục tôi không thấy cách viết của mình dính
dáng nhiều đến sự tìm tòi khảo cứu (bởi vì tôi đã làm công việc khảo
cứu khi viết sách luật). Với tiểu thuyết tôi đã dàn dựng bố cục đi xa
ngoài nguồn gốc của trải nghiệm và quan sát của tôi.
Dĩ nhiên, khi dạy học tôi áp dụng lối viết rất khác biệt với phương
cách viết tiểu thuyết. Quan hệ giữa thầy giáo / học trò đều ở trong tiến
trình ảnh hưởng lẫn nhau trong khi cầm bút viết văn trên căn bản là
cách thế cô đơn, Rồi tôi thích thay đổi những đòi hỏi nhiều ảnh hưởng
với nhau và nhiều dữ kiện ngoại tại bên ngoài. Kết qủa tức thì, bạn dạy
học trong lớp, bạn truyền đạt nội dung tư tưởng, bạn đẩy học trò đặt câu
hỏi về những giả thuyết, bạn ca tụng sự phê bình lý luận. Và khi rời
khỏi lớp học về nhà, bạn cảm thấy hài lòng với những điều đã áp dụng.
Còn viết để sáng tác, thì cô đơn và nhiều mơ hồ trong chủ đích. Có khi,
viết mà chẳng biết mình sẽ đi về đâu, cho hôm nay hay ngày mai…
Eric hỏi: “Cô nói cầm bút viết là hòa hợp giữa những điều tự hiểu
biết và cái bóng của chính mình. Trong The Monkey Bridge tính chất ấy
được xử dụng rất nhiều. Thực vậy từ tính chất của bà mẹ tên Thanh đã
dùng văn chương để ghi lại từng thời kỳ theo lối biên niên của cá nhân
bà để nói với cô con gái về sự thật trong lịch sử đời riêng. Cô có nghĩ
rằng viết và kể lại chuyện đời là rất quan trọng đối với những sắc dân
thiểu số như người tị nạn Mỹ gốc Việt? Nơi chốn nào cô nghĩ việc cầm bút
thích họp để tạo thành sự đồng nhất của cộng đồng?
Lan Cao trả lời: “Tôi nghĩ viết và kể lại những câu chuyện rất quan
trọng cho tất cả những ai cần thiết tới (thí dụ như một người suy nghĩ
về Thoreau với Walden hay May Sarton với Journal of a Solitude) Người
viết có thể viết với chính hành trình của họ. Nhưng tôi nghĩ viết và kể
chuyện quan trọng với người di dân ở những cách thế khác biệt nhau (mặc
dù tất nhiên người cầm bút viết cho họ và cho những hành trình của họ).
Với người di dân, viết có thể với mục đích để xây dựng một cộng đồng và
sáng tạo ra một dàn hợp xướng với những âm vọng quan yếu để cộng đồng
này hiểu biết cộng đồng khác và cho thế giới bên ngoài hiểu được họ chân
thực. Với bề ngoài là hình thức của một nhà văn di dân, tôi viết với
tâm cảm của một người đã trải nghiệm qua những biến cố của cuộc sống mặc
dù tôi nghĩ một phần tôi tin tưởng rằng tất cả những người cầm bút viết
về cuộc hành trình của người di dân với sự trân trọng cách riêng.
Với nhà văn Mỹ gốc Việt ở một thế hệ lớn lên ở xứ sở này, Việt Nam và
cuộc chiến tranh đã liên tục là một phần tử của đời sống chúng tôi. Ðó
là đất nước (earth and water) và không thể tránh khỏi được phạm trù ấy.
Và khi có một người nhìn thấy Việt Nam và cuộc chiến tranh được đề cập
đến trong phương cách loại trừ ra khỏi chính cá nhân chúng tôi và những
trải nghiệm của chúng tôi. Thì việc cầm bút đã ở trong nhiều kích thước
khác nhau. Ðó là cách viết của nội tâm và cách viết của ngoại tại. Hay
là cách viết cho mình và cách viết cho người khác. Ðó là cả hai viết và
chuyển dịch. Khi mà yếu tố viết cho người khác quá nhiều thì sự cân bằng
sẽ không còn và công việc ấy không còn tác dụng. Như thế, cần phải cân
bằng trong khi viết.
Tất cả những câu chuyện (cũng như lịch sử) đều phải có tiêu điểm để
nhìn ngắm và quan sát. Người viết văn Mỹ gốc Việt cũng ở trong trường
hợp ấy…
Nguyễn Mạnh Trinh