THƯ NGỎ

WELCOME TO TV6269

Các bạn thân mến,

Năm 1962 chúng mình bước vào Trưng Vương bằng những bước chân ngập ngừng của những cô bé lớp Đệ Thất ngây thơ. Rồi 7 năm học trôi qua những kỷ niệm với bạn bè, với Thầy Cô, với lớp học, với ngôi trường yêu dấu đã để lại trong ký ức của chúng mình tình bạn thân thiết và những kỷ niệm êm đềm, mơ mộng của một thời áo trắng TV.

Ngày nay tuy ở khắp mọi nơi, chúng mình đã tìm gặp lại nhau. Xin chào mừng tất cả các bạn và ước mong qua trang Blog Trưng vương 62-69 này sẽ là nơi gặp gỡ thân ái để TV6269 cùng ra chơi, vui đùa như ngày xưa trong sân trường yêu dấu.

TV6269







Saturday, November 24, 2012

Trang thơ nhạc cuối tuần- Còn một chút gì để nhớ

TRANG THƠ NHẠC CUỐI TUẦN- CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ



Có những bài thơ, những nhạc phẩm, gợi nên những lưu luyến nhớ nhung đến những thành phố thân yêu trên quê hương, mà nay đã nghìn trùng cách biệt. Những "Đêm Tàn Bến Ngự" của Dương Thiệu Tước, "Sầu Cố Đô" của Duy Khánh, "Ai Lên Xứ Hoa Đào" của Hoàng Nguyên, "Nha Trang Ngày Về" của Phạm Duy, "Sài Gòn" của Y Vân "Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội" của Phạm Đình Chương...  
Và “Còn Một Chút Gì Để Nhớ” đến Pleiku Cao Nguyên bụi mờ, thơ của Vũ Hữu Định, Phạm Duy phổ nhạc. Cũng từ nhạc phẩm này, Sĩ Phú đã yêu thích lấy tên cho CD mới nhất của anh, “Còn Chút Gì Để Nhớ”. Trong đêm họp mặt lần cuối với Sĩ Phú, anh chị em văn nghệ sĩ đã quây quần bên anh với những nụ cười, ánh mắt và những lời nói chân thành chia xẻ đã làm cho Sĩ Phú vô cùng cảm động và anh đã cố gắng hát lại một đoạn trong bài hát mà anh yêu thích từ nhiều năm qua... “Còn Một Chút Gì Để Nhớ”... và anh cũng kêu gọi mọi người nên giữ gìn sức khỏe và hãy yêu thương nhau... Vài ngày sau đó chúng tôi thật bàng hoàng xúc động khi nghe tin Việt Dzũng - Minh Phượng thông báo tin buồn là ca sĩ Sĩ Phú đã vĩnh biệt cõi trần vào lúc 0 giờ 55 phút sáng Thứ Tư ngày 19 tháng 7 năm 2000 tại bệnh viện UCI, thành phố quận Cam, California. Sĩ Phú có giọng hát trầm ấm tuyền cảm, trữ tình qua những nhạc phẩm tiền chiến.

 Nhà thơ Du Tử Lê đã viết về Sĩ Phú: “Nếu ta có thể hình dung mỗi tiếng hát tự thân là một nhan sắc, thì, sớm, muộn gì, nắng, mưa cũng mang đến cho ta một, hay nhiều phó bản. Với sức sống ngồn ngộn bình minh của những lên đường rói tươi, và, với kỹ thuật, đôi khi phó bản đã làm mờ, lu, thậm chí, đẩy lùi chính bản vào quên lãng. Nhưng, tiếng hát Sĩ Phú, trong cảm nhận của tôi, không chỉ là một nhan sắc có lấy cho nó một thời, rực rỡ, mà hàng hàng riêng lẻ. Hơn ba mươi năm kể từ ngày tiếng hát Sĩ Phú chợt cất lên, như một viễn du bốc đồng hạnh phúc và, khổ đau cùng lúc, đã trôi qua. Hơn ba mươi năm, tôi nghĩ, đủ cho nhận, biết, nắng mưa dường như bất lực, hay lú lẫn chối bỏ thói quen hăm hở tạo, sinh phó bản. Cũng có thể, tự căn bản, nắng mưa đã bẵng quên tạo sẵn mẫu mã, trước khi giữ vào tiếng hát Sĩ Phú, một nhan sắc... Nên tiếng hát kia, nhan sắc nọ, sẽ mãi còn, như một tình yêu đời đời đi tìm trái tim thất lạc, của chính nó...”
Và Bích Huyền - Uyển Diễm đã nhận định “...Tiếng hát ấy, mỗi lần nghe là mỗi lần bồi hồi, vì nó chứa đầy ấp những kỷ niệm và thấp thoáng những mảnh đời của chính mình, một không gian đầy thơ nhạc của thuở áo trắng sân trường, một bến sông vắng hay một lần đưa tiễn trên sân ga. Tiếng hát ấy, cũng có những đau thương, tan tác, của chính đời ta, nhưng cũng chính tiếng hát ấy đã dịu dàng gói ghém những mất mát đó lại, để cuối cùng cũng là kỷ niệm. Đó là tiếng hát Sĩ Phú, rất nồng nàn, lãng mạn và chan chứa thương yêu...”
 
Sĩ Phú là Cựu Thiếu Tá Không Quân QL.VNCH. Đã từng thụ huấn về phi công tại Hoa Kỳ trong thời gian từ 1963 đến 1965. Từ năm 1968, khán thính giả tân nhạc Việt Nam đã biết đến tên tuổi Sĩ Phú, khi anh xuất hiện trong chương trình văn nghệ đặc biệt do Đài Truyền Hình VNCH thực hiện nhân dịp kỷ niệm Ngày Thành Lập Quân Chủng Không Quân. (Theo tài liệu V.H.A.) Và từ đó Sĩ Phú trở nên một giọng ca nam được yêu thích qua những nhạc phẩm tiền chiến. Tại hải ngoại, Sĩ Phú thỉnh thoảng có tham gia vào sinh hoạt văn học nghệ thuật, nhưng vì biến cố đau buồn, đứa con gái duy nhất của anh bất ngờ ra đi, nên từ năm 1983, theo ca sĩ Kim Anh cho biết, Sĩ Phú không còn tha thiết đến chuyện ca hát nữa. Đến năm 1995, do sự thúc đẩy của một vài thân hữu trong gia đình văn nghệ tại Nam California, nên Sĩ Phú mới trở lại sân khấu, và cũng nhờ sự tiếp tay nồng nhiệt của anh em nên Sĩ Phú mới quyết định thực hiện cuốn CD cuối cùng với tựa đề “Còn Chút Gì Để Nhớ”.
Mời các bạn vào đọc một bài viết về Sĩ Phú (khá dài, có nhiều chương, nhớ bấm chỗ tiếp theo để đọc chương khác) của Ngọc Lan, người đàn bà bên cạnh của SP lúc cuối đời.    http://siphufoundation.com/chuong1.html

“Còn Một Chút Gì Để Nhớ” là tên một bài thơ của Vũ Hữu Định, viết về thành phố Pleiku, khi anh ghé đến thăm người em gái nhỏ dễ thương vào năm 1970. Bài thơ mang nội dung như sau:
 

Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương

Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Đi dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng

Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên mắt em ướt và tóc em ướt
Da em mềm như mây chiều trong

Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc bên đồi biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên
Vũ Hữu Định sinh năm Nhâm Ngọ, 1942, tại Huế, nhưng định cư tại Đà Nẵng lâu năm và thường xuyên tham gia trong nhóm sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật Quảng Đà. Trước 1975, với những tên tuổi Luân Hoán, Hà Nguyên Thạch, Trần Quang Lộc, Hoàng Lộc, Thành Tôn, Đinh Hoàng Sa...anh làm thơ rất nhiều, có thơ đăng trên các tạp chí Văn Học xuất bản tại Sài Gòn. Nhưng đợi đến khi Phạm Duy phổ nhạc bài thơ “Còn Một Chút Gì Để Nhớ” và qua tiếng hát vượt thời gian của Thái Thanh, mới thực sự chắp đôi cánh tuyệt vời cho ý thơ anh bay bổng, và chính tôi cũng yêu thích bài thơ của anh từ đó. Anh đã có công đưa thành phố núi cao đầy sương và bụi mù đó vào trong trái tim của mọi người... “Phố núi cao, phố núi trời gần. Phố xá không xa nên phố tình thân...” Tôi đã có dịp đến thăm một nhà thơ ở Pleiku, và tôi đã yêu phố núi cao đó qua lời thơ của Vũ Hữu Định. Thành phố có cái nắng hiu hắt thật buồn “...Anh khách lạ đi lên đi xuống. May mà có em đời còn dễ thương...”. Nếu không có em, lữ khách sẽ cảm thấy buồn vô tận, chính vì thế mà tôi phải vội vã rời Pleiku trước khi mặt trời khuất sau dãy núi xa thẳm.  Trước khi giã từ Đà Nẵng, tôi có gặp lại nhà thơ Vũ Hữu Định thêm một lần ở Café Chợ Cây Me. Anh vẫn thế, nghĩa là vẫn vô sản hơn những người vô sản sau những ngày giông bão tới.
Khi chúng tôi đến định cư ở Hoa Kỳ, được tin nhà thơ Luân Hoán cho biết, Vũ Hữu Định đã chết vì say rượu té từ căn gác xuống đất tại nhà một người bạn bên bờ sông Đà Nẵng vào một đêm trăng tháng Giêng tuyệt đẹp năm Tân Dậu 1981.
Thời gian như giòng sông cuồn cuộn trôi qua, những nhà nghệ sĩ tài hoa như Phạm Đình Chương, Lê Uyên Phương, Trầm Tử Thiêng, Hùng Cường, Văn Phụng, giờ chắc đã thong dong nơi miền Vĩnh Cửu, đã hết vướng bận những khổ lụy nơi trần thế. Bây giờ đến lượt Sĩ Phú đã ra đi, nhưng dư âm của giọng hát trầm ấm “Còn Một Chút Gì Để Nhớ” cho chúng ta gợi nhớ đến một buổi chiều trên phố núi đầy sương có chàng thi sĩ Vũ Hữu Định lang thang u hoài viết nên bài thơ để đời. Có biết hay chăng nơi phố núi Pleiku ngàn trùng thương nhớ đó, người đẹp năm xưa như một tiền kiếp đợi chờ, cả người thơ và nhà nghệ sĩ không gian có tiếng hát như ru em vào cõi mộng mơ miên viễn, bây giờ xa vắng hết chỉ còn rơi lại nỗi sầu muôn thuở như ánh nắng vàng bên triền núi thiên thu.



No comments:

Post a Comment