THƯ NGỎ

WELCOME TO TV6269

Các bạn thân mến,

Năm 1962 chúng mình bước vào Trưng Vương bằng những bước chân ngập ngừng của những cô bé lớp Đệ Thất ngây thơ. Rồi 7 năm học trôi qua những kỷ niệm với bạn bè, với Thầy Cô, với lớp học, với ngôi trường yêu dấu đã để lại trong ký ức của chúng mình tình bạn thân thiết và những kỷ niệm êm đềm, mơ mộng của một thời áo trắng TV.

Ngày nay tuy ở khắp mọi nơi, chúng mình đã tìm gặp lại nhau. Xin chào mừng tất cả các bạn và ước mong qua trang Blog Trưng vương 62-69 này sẽ là nơi gặp gỡ thân ái để TV6269 cùng ra chơi, vui đùa như ngày xưa trong sân trường yêu dấu.

TV6269







Sunday, January 18, 2015

MÙA XUÂN VỚI NHỮNG QUẢ DƯA DÂN TỘC

MÙA XUÂN VỚI NHỮNG QUẢ DƯA DÂN TỘC


 
 
 
 
 
Nhìn quả dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng, tôi sực nhớ đó là Quả Dưa Dân Tộc, vì quả dưa hấu này gắn bó với lịch sử và dòng giống Lạc Việt, từ thuở khai bang lập quốc.   Nhìn quả dưa đỏ chúng ta liên tưởng tới miền Nam nước Việt, cứ mỗi độ Xuân về, chúng ta nhìn thấy những núi dưa hấu chồng chất dọc đường, ở bến xe, bến đò và chung quanh các chợ, xen lẫn với những cành mai mảnh khảnh, đầy cả nụ xanh hoa vàng. Đó là hai phẩm vật quí mà hằng năm Trời Đất ban cho nhân dân miền Nam để trang trí bàn thờ tổ tiên và làm cho tươi thắm đời sống gia đình trong lúc Xuân về trên khắp núi sông.
 

Đối với nhân dân miền Nam quả dưa hấu tượng trưng cho thanh xuân (vỏ xanh), xinh đẹp (ruột đỏ như má hồng và môi son của thiếu nữ đang xuân độ), duyên dáng (hạt huyền như răng của phụ nữ thời xưa), hiền hòa (ngon ngọt và mát dịu) và viên mãn (hình thể tròn láng không bị côn trùng làm hư hao).
 

Ngoài dưa hấu ra, miền Nam còn có lắm dưa khác như dưa gang, dưa leo, dưa bở, đưa chuột,v.v. thứ nào tánh nấy, thảy đều có công dụng thiết thực trong đời sống hằng ngày của nhân dân ta, đồng thời cũng là đề tài phong phú cho nền thi ca đồng ruộng.

Nhắc tới thi ca đồng ruộng, chúng tôi hồi tưởng một thời xa xưa khi được mẹ hiền nuôi nuôi dưỡng với cơm mớm, cá bống, được ru ngủ với nhiều câu hò bài hát âm điệu nhịp nhàng đù đưa như cái nôi chiếc võng. Lớn lên tôi nghĩ rằng cả một dân tộc đã được mẹ hiền đưa vào thế giới thi ca và âm nhạc từ khi mới lọt lòng.

Tôi cũng nghĩ rằng thể thơ lục bát với nhịp hai thì (2 temps) phát xuất từ cái nôi chiếc  võng, cũng như những câu hò giã gạo với nhịp ba thì phát xuất từ việc chày cối va chạm làm cho gạo trắng dưới trăng thanh, và cũng như thể thơ song thất lục bát với ba thì trưóc, bốn thì sau, đã phát xuất từ mái chèo rẽ song vướng tơ duyên đưa chiếc thuyền nan nhẹ nhàng ghé vào mười hai bến nước…

Trong số những câu hò điệu hát đã vọng từ thuở xa xưa đó, tôi đã ghi trong ký ức những câu hò sau đây, có nhắc tới những thứ dưa đã từng nuôi dưỡng dân tộc ta qua nhiều thế hệ:
 


Ước gì em hóa ra dưa,
Để anh đem rửa nước mưa chậu đồng;
Ước gì em hóa dưa hồng,
Để cho anh bế anh bồng trên tay.

Cá nục nấu với dưa hồng,
Lơ lơ có kẻ mất chồng như chơi.

Tiếc công đan giỏ bỏ dưa,
Giỏ thưa dưa lọt công đà uổng công.

Trái dưa gang sọc đen sọc trắng,
Ngọn rau đắng trong trắng ngoài xanh;
Chim quyên uốn lưỡi trên cành,
Bởi em ở bạc ông Trời đành bỏ em!
Qua những câu hò kể trên. chúng ta nhận thấy trái dưa thực sự gắn liền một cách mật thiết với đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân  dân ta. Từ trái dưa chuột nhỏ bé cho tới quả dưa đỏ to lớn, qua các thứ dưa leo, dưa gang, dưa hồng, dưa bở, tất cả đều cùng lăn lộn với ta trên đường đời, kể từ thuở khai bang lập quốc.
 
 
Mai An Tiêm 


Quả dưa và triết lý nhân sinh của dân tộc Lạc-Việt
Những hạt dưa, hạt bí, hạt bầu gieo rắc bởi những giống chim mạo hiểm, có thể gọi là lạc điểu hay Việt điểu, luôn luôn xây tổ trên cành Nam (Việt điểu sào Nam chi), trải qua không gian và thời gian, đã giúp cho dân ta có phương tiện mà sinh sống tự túc theo phương châm:
 Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc?
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn?
              (Nguyễn Công Trứ)
Nghĩa là: 
Biết đủ tự cho là đủ, chờ đủ biết bao giờ mới đủ?
Biết nhàn tự cho là nhàn, đợi nhàn biết bao giờ mới nhàn?
Hay là:Biết đủ dù không chi cũng đủ
Nên lùi đã có dịp thời lui.
              (Ưng Trình)

Cái nếp sống đó, dân ta đã quen sống tự ngàn xưa. Ngay như Tản Đà, người đã từng ngao du khắp ba kỳ và đã nếm đủ sơn hào hải vị như:
 Hà tươi cửa biển Tư Văn (Tourane), 
Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà.

Sơn dương, sò huyết Hòn Gay,
Đồng Sành cá đối, Giáp Lai lợn rừng.
                                (Thú ăn chơi)
mà đến khi về nhà cũng phải bằng lòng với “cái dưa thời khú, cái cà thòi thâm”: 
Muốn ăn rau sắn chùa Hương,
Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa.
Người đi ta ở lại nhà,
Cái dưa thời khú, cái cà thời thâm.
Nhờ câu phong thi này đã được đăng trên mặt báo mà nữ sĩ Đỗ Song Khê khi đi cbùa Hương về tới Phủ Lý, động lòng lập tức gởi môt gói rau sắn choTản Đà tiên sinh, với bốn câu thơ họa lại như sau:
Kính dâng rau sắn chùa Hương,
Đỡ ai tiền tốn, con đường đỡ xa.
Không đi thì gởi lại nhà,
Thay cho dưa khú cùng là cà thâm.

Cho nên, dù là dưa khú, dưa chua, dưa trường, dưa cải…tất cả đều được thi vị hóa trong đời sống bình dị, hoặc lam lũ, của nhân dân ta, từ động Tam Thanh (1) tới Cây Dừa Ba Ngọn (2), trải qua xứ Quảng cần cù và tiết kiệm:
 Nói cho lắm cũng nước mắm dưa cải,
Nói cho phải cũng dưa cải nước mắm.
 
Tuy thế, dân ta cũng biết rằng, dù cho cuộc sống hằng ngày buộc phải nhờ vả rau dưa khoai sắn, ta vẫn cố gắng giữ gìn cái phong độ, đặc biệt của dòng giống Lạc Hồng, không “đá thúng đụng nia, lăn dưa đá cá”.

Và ngày nay, tuy dân ta khai khẩn được một dãy đất phì nhiêu sung mãn,ta vẫn không quênthức khuya dậy sớm, cuốc bẩm cày sâu, để khỏi mang tiếng là giống người “qua thục đế lạc” (chỉ trông chờ “dưa chín là cuống rụng”) cũng như “chờ cho sung rụng nằm dài gốc cây”. 

Lại nữa, dân ta cũng không quên lời nhắn nhủ của tiền nhân khuyên ta nên thận trọng:
Qua điền bất nạp lũ,
Lý hạ bất chỉnh quan.

Nghĩa là: Khi ở nơi ruộng dưa thì đừng cúi xuống sửa dép (sợ người ta nghi mình ăn cắp dưa) và khi đi dưới cây mận thì đừng sửa mũ (sợ người ta nghi mình với tay hái mận). Tự mình biết giữ gìn như vậy, vừa thận trọng vừa tự trọng, dân ta đã đưa quả dưa từ đám ruộng phì nhiêu lên bàn thờ tổ tiên để hoài niệm người xưa đã tự lực cánh sinh nơi hoang đảo (3) và truyền lại cho dân ta một nếp sống hào hùng và những hạt dưa mầu nhiệm. 


Hương GiangThái Văn Kiểm

(Nguyên Đán Giáp Tuất 1994)
Trích “Việt Nam Gấm Hoa”
Làng Văn xuất  bản

Chú thích:
(1)
 Lạng Sơn (Bắc Việt)
(2)
 Hà Tiên (Nam Việt)
(3)
 Tác giả muốn nhắc đến sự tích An Tiêm và Quả Dưa Đỏ

No comments:

Post a Comment