THƯ NGỎ

WELCOME TO TV6269

Các bạn thân mến,

Năm 1962 chúng mình bước vào Trưng Vương bằng những bước chân ngập ngừng của những cô bé lớp Đệ Thất ngây thơ. Rồi 7 năm học trôi qua những kỷ niệm với bạn bè, với Thầy Cô, với lớp học, với ngôi trường yêu dấu đã để lại trong ký ức của chúng mình tình bạn thân thiết và những kỷ niệm êm đềm, mơ mộng của một thời áo trắng TV.

Ngày nay tuy ở khắp mọi nơi, chúng mình đã tìm gặp lại nhau. Xin chào mừng tất cả các bạn và ước mong qua trang Blog Trưng vương 62-69 này sẽ là nơi gặp gỡ thân ái để TV6269 cùng ra chơi, vui đùa như ngày xưa trong sân trường yêu dấu.

TV6269







Tuesday, October 27, 2015

Bất ngờ với di chúc của nhà tỷ phú và bài học nhận được từ cô bé nghèo

Bất ngờ với di chúc của nhà tỷ phú và bài học nhận được từ cô bé nghèo
16/09/2015 08:06
Một cô bé nghèo đói, mồ côi cha mẹ nhưng lại khiến một nhà tỷ phú rút ra được bài học đáng quý.
30 năm trước, vào một đêm đông lạnh, người vợ của một doanh nhân trong lúc sơ ý đã làm rơi ví ở bệnh viện. Vị doanh nhân đó vô cùng lo lắng liền đi tìm ngay trong đêm, bởi trong ví không chỉ có 10 triệu đô la Mỹ mà còn có thông tin cơ mật về thị trường vô cùng quan trọng.
Lúc chạy đến bệnh viện, ông nhìn thấy một cô bé gầy gò ốm yếu run run ngồi dựa vào sát tường ngoài hành lang yên tĩnh và đang ôm chặt cái ví mà chính vợ ông đã đánh rơi.
Cô bé có tên là Linh Linh, cô đến đây để chăm sóc mẹ đang bị bệnh, nhà chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn: thứ gì cần bán thì đều đã bán hết, số tiền gom góp lại cũng chỉ đủ tiền thuốc trong một đêm. Ngày mai, nếu không có tiền điều trị, mẹ con họ sẽ bị đuổi ra khỏi bệnh viện.
Mỗi tối, cô bé đi đi lại lại ngoài hành lang cầu nguyện, luôn mong có vị thượng đế phái một người tốt nào đó xuống để cứu giúp mẹ.

                                       
 Đang đứng có một người phụ nữ đi qua hành lang và đánh rơi chiếc ví mà bà ấy không hề hay biết. Lúc đó, ngoài hành lang chỉ có một mình Linh Linh, cô bé vội vàng chạy lại nhặt chiếc ví rồi đuổi theo ra ngoài cổng nhưng không kịp, người phụ nữ đó đã lên xe và đi mất.
Cô bé quay về phòng mẹ, lúc cô mở chiếc ví ra, hai mẹ con đều kinh ngạc bởi những thứ có trong ví.
Cả hai mẹ con họ đều biết rằng với số tiền này có thể đủ thanh toán tiền viện phí cho mẹ cô bé nhưng người mẹ lại bảo cô bé mang chiếc ví quay lại hành lang rồi đợi người mất ví đến nhận.
Mẹ cô bảo rằng, người mất tiền nhất định đang rất lo lắng, việc nên làm ở đời người đó là giúp đỡ người khác, lo cho sự lo lắng của người khác; việc không nên làm đó chính là ham tiền của bất chính, nhìn thấy tiền mà quên tình nghĩa.
Mặc dù nhà tỷ phú đã cố gắng hết sức giúp đỡ nhưng mẹ cô bé vẫn không qua khỏi được. Hai mẹ con họ không chỉ giúp vị doanh nhân tìm lại 10 triệu Đô la Mỹ mà quan trọng hơn đó là tìm lại được thông tin thị trường quan trọng đó, giúp cho việc kinh doanh của ông ta thành công mỹ mãn, không lâu sau thì trở thành tỷ phú.
Sau đó, cô bé được ông nhận nuôi, cô hoàn thành chương trình học Đại học và quay về giúp đỡ ông xử lý việc kinh doanh.

                                         
 Mặc dù nhà tỷ phú không giao cho cô bất cứ trọng trách cụ thể nào nhưng trong thời gian học hỏi và rèn luyện, mọi kỹ năng kinh nghiệm cũng như trí tuệ của ông đã ảnh hưởng sâu sắc đến cô, giúp cô trở thành một nhân tài kinh doanh thành thục.
Lúc về già, làm bất cứ việc gì ông đều tham khảo ý kiến của cô.

                                           
 Trước lúc qua đời, ông có để lại một bức di chúc khiến mọi người đều kinh ngạc: “Trước khi quen hai mẹ con Linh Linh, tôi đã là một người có rất nhiều tiền. Nhưng khi gặp con bé và đứng trước giường bệnh của mẹ cô bé, tôi nhận ra rằng hai mẹ con họ là người giàu có nhất, bởi tấm lòng của họ đã đạt đến tiêu chuẩn làm người mà không ai với tới được, đó chính là cái mà người doanh nhân như tôi còn thiếu sót nhiều nhất. Họ giúp tôi tỉnh ngộ rằng tài sản lớn nhất của con người chính là nhân phẩm.
Tôi nhận nuôi Linh Linh không phải là để báo đáp ơn huệ, cũng không phải là tôi đồng cảm với họ mà là vì muốn mời một hình mẫu về cách làm người. Có nó bên cạnh, việc kinh doanh trên thị trường tôi có thể nắm bắt nhanh chóng, những việc gì nên làm, những việc gì không nên làm, tiền gì nên và tiền gì không nên kiếm.
Đó chính là nguyên nhân chủ chốt giúp sự nghiệp của tôi đạt đến sự hưng thịnh sau này, và tôi đã trở thành một nhà tỷ phú. Sau khi tôi đi, toàn bộ gia sản sẽ do Linh Linh kế thừa, như vậy, sự nghiệp của tôi sẽ tiếp tục hưng thịnh, ngày càng đạt đến đỉnh cao thành công. Tôi đặc biệt tin tưởng rằng, đứa con trai thông minh của tôi sẽ hiểu được nỗi lòng của bố nó”.
Khi con trai của ông từ nước ngoài trở về, anh ta liền đọc kỹ di chúc của bố rồi không một chút do dự liền ký tên vào tờ hiệp ước kế thừa tài sản: “Tôi đồng ý việc Linh Linh kế thừa toàn bộ gia sản của bố tôi, tôi chỉ có một yêu cầu là Linh Linh hãy làm vợ của tôi”.

                                         
 Sau khi nhìn thấy con trai của bố nuôi ký tên, cô cũng cầm bút ký: “Tôi tiếp nhận toàn bộ tài sản của bố nuôi để lại, bao gồm cả con trai của ông”.
Đọc xong câu chuyện, bạn rút ra được điều gì không? Nếu bạn lạnh nhạt với người khác, họ cũng sẽ lạnh nhạt với bạn như vậy; nếu bạn thường xuyên phê bình người khác, bạn cũng sẽ nhận được nhiều sự phê bình như thế; nếu bạn thường ra ngoài với bộ mặt cau mày, nhăn nhó thì đương nhiên, người khác cũng sẽ không tươi cười với bạn; tất cả đều có luật nhân quả.
Chỉ cần bạn luôn nỗ lực làm người tốt, bạn nhất định sẽ được báo đáp. Những việc bạn cố gắng làm cho người khác thì cũng chính là làm cho bản thân mình, vì thế, bạn luôn mong muốn bản thân có được, trước tiên bạn nên làm cho người xung quanh bạn có được.
Nếu bạn luôn mong muốn có được những người bạn tốt thì trước tiên bạn phải hết lòng với bạn bè. Nếu bạn mong mình luôn được vui vẻ thì trước tiên hãy mang niềm vui ban phát cho người khác
Giúp đỡ người khác chính là mở ra cho bản thân một con đường, cho bản thân thêm một cơ hội và cũng chính là cho người khác thêm một cơ hội. Sống trong đời nên bớt ích kỷ đi một chút, quan tâm đến người khác nhiều hơn, như vậy thế giới của chúng ta mới tràn đầy ánh sáng, tràn đầy niềm vui được.
Theo Thu Hương (MTG)
PHƯƠNG LAN hb
3:47 PM 10/02/2015

AI MUA ỔI XÁ LỊ KHÔNG...?

AI MUA ỔI XÁ LỊ KHÔNG...?

 Chiều nay lại ghé thăm bạn tôi, Hồng Lưu, nhà có hoa tường vy, có cây nhãn, có cây đu đủ ...Cùng nhau ăn cơm , trò chuyện..rồi rủ nhau ra hái ổi...Những trái ổi to ở tuốt trên cao , cây sào khều không tới....Một cái thang được khiêng ra, bạn tôi vịn, tôi trèo lên , vin cành và hái...Cảm giác tay chạm vào quả ổi chín cây , xoay nó vài vòng , rồi quả ổi nằm gọn trong bàn tay mình mới thú vị làm sao ! Mèn ơi, sao nhiều trái to , chín thế không biết. Cứ hái , cứ hái nhiều quá...mà mình lại không thích ăn ổi. Xui thiệt. có một quả ổi be bé, vàng vàng...cắt ăn thử...mềm mềm, ngòn ngọt, thơm thơm..rất hạp với tuổi cao niên của hai đứa chúng tôi.Và rồi ..có một bà lão ngồi rao hàng..ai mua ổi xá lị không?
Cám ơn bạn tôi . Một buổi chiều thật vui, thật ấm áp. Lại có nhiều hoa ngọc lan mang về . Thích thật'
Phương Lan HB
11:34PM 10/10/2015
 

 

NẤU XÔI BẮP BẰNG MICROWAVE

NẤU XÔI BẮP BẰNG MICROWAVE

Nấu xôi bắp bằng microwave chỉ có 9 phút , thêm nhiều phút để hầm bắp, nấu đậu xanh và phi hành.
Những ngày xa xưa trước năm 1975 , những ai yêu xôi bắp không thể nào quên được gánh xôi bắp ở một gốc cây đường Tạ Thu Thâu. Chỉ là một gánh xôi đơn sơ , giản dị nhưng biết bao nhiêu là khách đứng chờ.
Chỉ nhìn vào gánh xôi của bà thì đã cầm lòng không đậu. Tay bà thoăn thoắt , nhanh gọn, lấy một miếng báo, lót ít lá chuối rồi múc bắp, đậu xanh,
cho thêm ít hành phi. chan một ít dầu trong bát hành, một chút đường..rồi bà gói lại giao cho khách mua. Người mua hớn hở cầm gói xôi với niềm vui hiện trên nét mặt.
Tối qua , nấu xong xôi bắp, ăn thử thấy cũng không tệ. Từ nay sẽ khỏi phải mất công đi đâu xa, cứ ở nhà là có xôi bắp để ăn.
Và rồi hình ảnh của Mẹ tôi ngày nào lại hiện ra với nhiều kỷ niệm. Nhớ mẹ tôi dặn dò khi tôi đi mua xôi , nhớ nhé, ít bắp , nhiều đậu, nhiều hành, không lấy đường....Mẹ thân yêu ơi, bây giờ con biết nấu xôi rồi, lại không còn Mẹ nữa rồi...

Công thức nấu xôi bắp đây Bạch Tuyết Hồ và Nguyen Luu Phong Lam ơi., Công thức căn bản ở trong bài nấu xôi vò bằng microwave . 1 cup nếp ngâm qua đêm, 1 cup đậu xanh nấu cho mềm, xay ra hoặc nắm thành từng nắm nhỏ ( như nấu xôi vò) . 1 lon bắp nấu cho nhừ , nêm chút muối vào nếp hay bắp cho đậm đà.
Nấu gạo nếp trong 3 phút, sau đó trộn đều với bắp đã nấu mềm trong 3 phút nữa. Trộn nửa phần đậu xanh vào , nấu trong 3 phút nữa. Sau đó đem ra , đơm ra đĩa , cho phần đậu xanh còn lại, cho hành phi , một chút dầu, một chút đường rồi nhăm nhăm...Thử làm đi nhé các bạn và học trò của tôi ơi. Cảm giác tự nấu rồi tự thưởng thức thích thú lắm.

PHƯƠNG LAN hb
10"15 PM 10/01/2015
                               
                                              

CÀ RỐT, TRỨNG VÀ CÀ PHÊ

CÀ RỐT, TRỨNG VÀ CÀ PHÊ
Cô cháu gái tìm đến bà ngoại và thổ lộ với bà những tâm sự trong lòng mình. Cuộc sống dường như đang quay lưng lại với cô – người chồng cô tin tưởng bấy lâu đã bất ngờ phụ bạc khiến cô hoàn toàn tuyệt vọng. Không biết phải làm thế nào để đối mặt với sự thật phũ phàng này, cô chỉ muốn buông xuôi và từ bỏ tất cả…
Bà ngoại không trả lời mà chỉ dẫn cô vào bếp. Rồi bà đổ nước vào ba chiếc bình và đặt lên ngọn lửa. Chẳng mấy chốc, nước trong các bình sôi lên. Bà cho vào chiếc bình thứ nhất một củ cà rốt, chiếc bình thứ hai một quả trứng, và chiếc bình thứ ba là một nhúm hạt cà phê. Bà kiên nhẫn chờ nước sôi thêm lần nữa, trong khi vẫn không nói lời nào.
                              
Một lát sau, bà tắt lửa rồi vớ! t cà rốt, trứng, và các hạt cà phê ra ngoài.
Quay sang cô cháu gái, bà hỏi: “Nói cho bà biết, cháu đang thấy những gì?”
“Cà rốt, trứng, và cà phê bà ạ”, cô trả lời.
Bà đưa cô đến gần hơn và bảo cô hãy nếm thử củ cà rốt. Cô làm theo và nói rằng cà rốt rất mềm. Rồi đến lượt trứng, cô bóc vỏ và nhìn thấy bên trong lớp vỏ cứng, quả trứng đã cô đặc lại.
Cuối cùng, bà bảo cô thưởng thức các hạt cà phê. Bà chỉ mỉm cười khi cô cảm nhận hương vị nồng nàn của nó.
                           
Sau đó, cô hỏi bà: “Vậy những điều này nghĩa là gì hả bà?”
Bà ngoại nhẹ nhàng vuốt tóc cháu yêu và từ tốn nói: “Cháu thấy đó, cả cà rốt, trứng và cà phê đều đối mặt với cùng một nghịch cảnh như nhau, đó là nước sôi. Nhưng mỗi thứ trong số chúng lại có phản ứng hoàn toàn khác nhau. Cà rốt vốn cứng cỏi và mạnh mẽ, nhưng khi gặp nước sôi, nó lại trở nên mềm yếu. Trứng giòn và dễ vỡ, lớp vỏ bên ngoài quá mỏng manh, còn bên trong lại yếu mềm. Nhưng sau một thời gian ngâm trong nước sôi, bên trong quả trứng trở nên vững chắc”.
“Còn những hạt cà phê này lại phản ứng theo một cách khác, rất độc đáo
                          
Sau khi chịu thử thách trong nước sôi, nó đã làm nước phải biến đổi”.

“Vậy cháu muốn làm gì?” bà trìu mến hỏi cô cháu gái. “Khi khó khăn ập đến, cháu sẽ là củ cà rốt, quả trứng, hay hạt cà phê?”
Là cà rốt? Rất mạnh mẽ, vững chắc, nhưng lại dễ dàng bị khuất phục trước khó khăn hay nghịch cảnh…
Là quả trứng? Một trái tim mong manh dễ thương tổn, nhưng luôn biết học hỏi từ khó khăn. Tôi sẽ không bao giờ lùi bước trước những thăng trầm của cuộc sống, bởi từ sâu thẳm bên trong, khó khăn đang giúp tôi trở nên cứng cỏi và kiên cường hơn.
Hay là hạt cà phê? Thay vì để hoàn cảnh làm tôi thay đổi, tôi sẽ cải biến chính nghịch cảnh ấy. Cà phê tỏa hương thơm để dòng nước không còn là ‘nỗi đau’, mà mang một hương vị mới rất nồng nàn và đậm đà. Nếu bạn cũng giống như những hạt cà phê ấy, thì mỗi khi cuộc sống trở nên tồi tệ, bạn không chỉ trở nên mạnh mẽ hơn, mà còn biến đổi tất cả những gì ở quanh bạn. Khi thế giới hỗn độn, mọi thứ chao đảo, khó khăn lại chồng chất khó khăn, liệu bạn vẫn có thể tự tin đưa mình lên một bước tiến mới?
Vậy, bạn sẽ là cà rốt, trứng, hay cà phê?
Ai đó từng nói… người hạnh phúc nhất không phải là người có trong tay những điều tốt đẹp, mà là người có thể biến mọi thứ trong tay họ trở thành những điều tốt đẹp. Hiện tại và tương lai hoàn toàn tùy thuộc ở bạn!
Chúc bạn sẽ có đủ hạnh phúc để biết luôn ngọt ngào, có đủ khó khăn để biết mình mạnh mẽ, có đủ nỗi đau để biết cách yêu thương, và có đủ hy vọng để hiểu rằng phía trước luôn luôn là một chân trời tươi sáng.
Khi bạn sinh ra, chỉ riêng bạn là khóc còn những người xung quanh bạn đều mỉm cười. Vì vậy, hãy sống hết mình vì cuộc đời này, để đến giây phút cuối cùng, bạn là người duy nhất mỉm cười trong khi những người ở lại đều khóc trong thương tiếc.
Một người bạn chuyển trên trang web
Phương Lan
09/29/2015
9:29 PM

GIA ĐÌNH HỌP MẶT

GIA ĐÌNH HỌP MẶT

Đã hẹn nhau từ mấy ngày trước, mấy chị em họp mặt, ăn uống , kể lể tâm tình. Buổi trưa chủ nhật, trời không nóng lắm, tôi trực chỉ River Lane, nhà chị Oanh tôi. Thấy trước nhà chị, một cây toàn hoa màu hồng , đẹp quá, thế là chị tôi thành phó nhòm bất đắc dĩ , cho tôi mấy kiểu thật đẹp.

May quá, mới chụp xong thì chị Việt, cô Hải, cô Bé đến đón hại chị em tôi đi thăm chị Quyên , chị không được khỏe . Chiếc xe tiến về đường Broadway...Chị Quyên đang gọt lê để đãi chúng tôi, lại còn một đĩa bánh bía Mỹ Hiệp thật hấp dẫn. Thăm hỏi nhau, hết chuyện này sang chuyện khác , tình gia đình thật ấm áp. Ra về tay còn cầm mấy cành quỳnh hương , loại quỳnh tối nở sớm tàn nhưng màu trắng thanh khiết và hương thơm dìu dịu ,rất dễ thương. May ra sang năm có hoa sẽ trình làng. 

Năm chị em lại rong ruổi hướng về nhà hai cô Hải và Bé....Những bát bún thang mới hấp dẫn làm sao , lại có mùi cà cuống...Yummy, yummy... Một ly nước tắc muối với ít đá mới đã khát làm sao...Lại còn có bánh chưng nữa...
Ra ngoài vườn mới thật thích, những quả ổi xá lỵ trĩu cành, cây hồng dòn lùn là thế mà biết bao nhiêu là quả . Không bỏ lỡ dịp may , chị Việt ơi..cho em vài tấm nhé.

Lại ghé thăm nhà chị Việt. Chị bé nhỏ là thế mà sao chị trồng hay quá, cây nào cũng nhiều quả...nào hồng dòn, nào táo , nào ổi, nào thanh long, nào nhãn....Ngón tay chị đâu, cho em xem với có màu xanh nè....

Một ngày chủ nhật tươi hồng với tình chị em đầm ấm. Xin được cám ơn những tình thân gia đình. Cám ơn hai bác phó nhòm Việt và Oanh.

 PHƯƠNG LAN hb
9:51 PM 09/28/2015

THƯ GỬI BẠN TA

Thư Gửi Bạn Ta
Bùi Bảo Trúc
Bạn ta,
Phụ nữ Việt Nam mắc một món nợ lớn với ông Nguyễn Cát Tường. Có thể nói tất cả phụ nữ Việt đều thiếu ông một món nợ không biết đến bao giờ mới trả cho hết được.
Nhưng thực ra, người ta đang trả ông, cả vốn lẫn lời. Có thể nói phần lời là phần khá lớn. Bắt chước Winston Churchill khi nhắc đến các Phi Công của Hoàng Gia Anh hồi Đệ Nhị Thế Chiến và sửa sang lại chút ít, thì chưa bao giờ lại có quá nhiều người nợ một người là ông Nguyễn Cát Tường nhiều như thế.
Món nợ ấy vẫn cứ canh cánh bên lòng, mỗi lần họ xỏ tay vào chiếc áo mà ông vẽ kiểu cho họ.
Ông nối những chiếc vạt của chiếc áo tứ thân lại với nhau. Chạy một hàng cúc bấm ở bên cạnh, thay đổi những cái cổ một chút cho kín lại để chiếc yếm không còn được dùng nữa và thay thế bằng một món ‘’nội y’’ mới hơn.
Thân áo cũng do một loại hàng khác mà một nhà thơ, khi ngồi bên một bến sông nhìn về ánh đèn từ Hà Nội chiếu qua đã thầm mơ đến:
…Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có rạt rào…
(Thơ Quang Dũng)
Chính là chiếc áo ông vẽ cho phụ nữ Việt mới tạo ra được một niềm nhớ thắm thiết như thế. Trước đó, ngay cả chiếc áo của cô bé 15 tuổi trong chuyến đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp cũng không gây được cái hình ảnh thiết tha như chiếc áo Lemur.
Mà thật, đôi tà áo của kiểu áo mới đó lập tức tiến vào và ở lại với cái ‘’hôm nao’’ đó:
…áo trắng ngây thơ mộng trắng trong
Hôm nao em đến mắt như lòng…
(Thơ Huy Cận)
                                           
Những chiếc áo của phụ nữ trước đó không bao giờ mang cái mầu trắng trong đó. Nó có thể đẹp để đi cùng với sợi xà tích, chiếc thắt lưng, đôi dép cong, chiếc nón quai thao như trong nhũng bức ảnh chụp hồi đầu Thế Kỷ XX mà nhiều người còn giữ lại được.
Phải chờ đến đôi mắt chỉ nhìn thấy những cái đẹp và bàn tay của người họa sĩ, chiếc áo của phụ nữ Việt Nam mới hóa thân được để hai tà của nó có thể ‘’mở khép nghìn tâm sự’’ và tạo ra những nỗi nhớ như trong Đường Vào Tình Sử của Đinh Hùng:
Hoa nở cô đơn bóng động thềm
Vườn xưa còn thoảng chút hương em
Xót xa lá cỏ vương mùi tóc
Tà áo bay về nhớ suốt đêm…
(Thơ Đinh Hùng)
Cái khép mở của tà áo chở theo cái mát của mùa xuân giữa nắng hạ:
Em đem trời đẹp vào trong lớp
Ta thấy đang hè bỗng đã xuân…
(Thơ Bùi Bảo Trúc)
Nhất định là phải có những cái tà áo. Những cái tà áo ấy , tôi được nghe kể lại, đã là đầu mối của một mối tình giữa một người phụ nữ còn rất trẻ vấn tóc trần, chiếc áo trắng cổ thấp kiểu Lemur đứng ở cửa nhà mỗi sáng và một giáo sinh trường sư phạm ở Hà Nội ngày nào đi ngang trên đường đi học. Là một sản phẩm của mối tình với tà áo ấy, tôi cũng phải nhớ ơn ông Họa Sĩ Nguyễn Cát Tường.
                               
Kiểu áo của ông nổi trôi rất nhiều. Năm 1954, dáng kiều thơm của Hà Nội phải dẹp những chiếc áo tiểu tư sản đó chỉ sau ít ngày Hà Nội đổi chủ. Cũng như nhiều chiếc áo dài rất đẹp sau năm 1975 ở miền Nam. Người ta muốn cái đẹp khác. Đẹp là phải bưng biền, cách mạng, sắt máu, mặt mũi vêu vao, thô kệch như những người phụ nữ cầm AK lạc lõng ở những con đường Sài Gòn cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 1975.
Nhưng rồi cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó, vẻ đẹp bưng biền đó không có chỗ đứng, và những chiếc áo dài đã trở lại.
Luôn cả mấy người đàn bà nhà quê từng hô hào dẹp bỏ những chiếc áo dài ấy cũng lôi chúng ra mặc. Vợ của các lãnh tụ Hà Nội làm mặt trơ lấy những chiếc áo một thời chính bọn họ đòi dẹp bỏ ra mặc trong những chuyến xuất ngoai với chồng thay vì khoác trên người những chiếc áo đen nón tai bèo mà họ từng có thời hết lời ca ngợi.
Cái đẹp đã thắng.
Phụ nữ Việt Nam đã làm cho áo dài Lemur lại trở lại, làm sống trở lại cái đẹp Họa Sĩ Nguyễn Cát Tường vẽ cho họ.
                                          
Tuần vừa qua, đã có một buổi trình diễn các kiểu áo mà ông đã vẽ và đăng trên tờ Ngày Nay hồi thập niên 40. Những phụ nữ trong buổi trình diễn không ở trong hạng tuổi mười tám đôi mươi mà ở một số tuổi lớn hơn, trông hệt như mẹ tôi hồi ấy, hình ảnh mà tôi vẫn còn nhớ nhất của mẹ tôi.
Và vì thế, cả tôi nữa, tôi cũng mắc nợ rất nhiều với Họa Sĩ Nguyễn Cát Tường.
Cám ơn ông nhiều lắm.
Bùi Bảo Trúc
PHƯƠNG LAN hb
09/27/2015

TÔI KHÔNG MUỐN NHẬP VIỆN...

TÔI KHÔNG MUỐN NHẬP VIỆN...
Mẹ già bệnh nặng nhưng con nhất định xin bác sĩ cho thuốc về nhà uống để còn trông nhà,giữ cháu - Xót xa thay !
- Bác sỹ có thể cho thuốc về nhà uống được không? Tôi không muốn nhập viện, nhà tôi đơn chiếc lắm
- Con bà đâu? Bà đi khám bệnh một mình à?
- Tụi nó đi làm hết rồi.
- Bận rộn đến nỗi để mẹ già 75 tuổi bệnh nặng đi khám bệnh một mình sao?
Mình hỏi xong tự dưng thấy có lỗi với bà cụ, bởi câu hỏi đó chỉ làm bà tủi thân và xót xa. Người cần nghe thì không có mặt ở đây.
Bà cụ ngồi đối diện với mình dáng vẻ gầy guộc như cành khô, chỉ cần một cơn gió mạnh là có thể xuôi tay về đất. Đường huyết 480 mg%, Na+ 157, Creatinin 2,5mg%, ECG : rung nhĩ đáp ứng thất nhanh....
Vậy mà ...
Mình biết cho thuốc gì bây giờ? Insulin ư? Bà cụ có chích insulin được không? Nhìn đôi mắt ngân ngấn lệ mà se sắt trong lòng.
Ngỡ như mình đang "kiệt" nước.
- Bà ơi, bà nghe lời con nhập viện đi. Bệnh bà nặng lắm. Bà có thể vào hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu.
- Không được đâu. Bác sĩ cứ cho thuốc đi.
- Bà đọc số điện thoại con bà đi, con gọi cho. Bệnh của bà phải
nhập viện.
Bà cụ nhìn mình một hồi rồi mới lập cập giở tờ giấy lận lưng có ghi số điện thoại con mình.
- Alo, phải chị là con bà Nguyễn Thị A không?
- Đúng rồi.
- Mẹ chị bệnh nặng lắm, phải nhập viện.
- Cho thuốc về được không? Bả còn phải coi nhà và hai đứa nhỏ nữa. Vợ chồng tui chiều nay có cuộc họp quan trọng.
- Chị nói đùa hay sao vậy? Tôi là bác sĩ đang khám cho bà đây.
Mình gần như quát lên trong điện thoại.
- Vậy thôi, nhập thì nhập. Mà ở bệnh viện đó có dịch vụ thuê người nuôi bệnh không?
Bây giờ mình mới hiểu được tại sao bà cụ không muốn nhập viện. Ôi ... giá như mình đừng hiểu, đừng cố nhìn thật sâu vào lòng người ....
Nhiều khi chúng ta mê mải với cuộc mưu sinh, mà quên còn mẹ ở bên, bạn nhỉ? Hay do tình yêu và sự hy sinh của mẹ quá thầm lặng, đến nỗi chúng ta không cảm nhận được!
Mỗi đêm chúng ta đi làm về, vội lao vào chiếc tivi xem trận đá bóng ngoại hạng, xem cô ca sỹ hở hang bốc lửa hát... mà quên hỏi mẹ hôm nay có khỏe không, ăn có ngon miệng không,mùa mưa về khớp xương có nhức mỏi hơn không?
Có bao giờ chúng ta mua tặng mẹ một chiếc áo, một nhành hoa? Có bao giờ chúng ta chở mẹ lang thang phố, hay ghé vào một quán nào đó, ngồi lặng im bên mẹ và nhìn mẹ ăn?
Rồi một ngày không xa, chúng ta vội vàng đưa mẹ đến phòng cấp cứu trong cơn nguy kịch. Rồi một ngày bác sĩ nhìn chúng ta lắc đầu hỏi : Sao anh chị không đưa bà đến
đây sớm hơn?
Rồi chúng ta ngỡ ngàng hối tiếc ... Mẹ đã ra đi. Bây giờ bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu tiền của cũng không thể nhìn thấy thêm một lần nữa nụ cười hiền từ bao dung của mẹ.
----
Trở về sau cuộc cờ tàn.
Bàn chân con bước bao lần chông chênh.
Bao lần khó ngủ trong đêm.
Lời ru của mẹ biết tìm nơi đâu?
** Vô Thường **
PHƯƠNG LAN HB
 09/26/2015

TIẾNG RAO HÀNG RONG

TIẾNG RAO HÀNG RONG

Không cần phải nhìn đồng hồ, hễ nghe tiếng rao nào , là biết ngay khoảng mấy giờ ! Như khoảng 2 giờ trưa thì có thể nghe "Ai chè đậu nước dừa đường cát trắng hong .....???" là cô hàng bán chè đậu có nước dừa và đường cát trắng, rao sao bán vậy , đơn giản, dễ hiểu
Nhưng không phải lúc nào cũng vậy , có những tiếng rao một đường, mà bán một nẻo như bà bán cháo đậu: "Ai ché đậu ché xanh hong ...." Rõ ràng là chữ ché với dấu sắc, chữ không phải chữ cháo, và bà thì bán hai thứ cháo: cháo đạu đỏ để ăn với thịt kho cũ , cá kho cũ , và cháo đậu xanh để ăn chung với đường phèn , đường cục !
        
Đến khoảng 3 giờ chiều là tiếng rao "Ai bánh tráng kẹo hong .....?" dài thườn thượt. Kẹo ở đây là kẹo mạch nha, thứ kẹo được nấu bằng lúa non, vừa ngọt thanh, vừa dẻo quánh, ăn vào là dính răng , đường mạch nha dây vào tay chân, quần áo , ....
Nội cái nhìn ngắm 2 bàn tay của người bán hàng cũng là như xem biểu diễn nghệ thuật . Lấy một cái bánh tráng phồng lớn thiệt lớn ra để lên mâm, rồi hai tay của người bán hàng cứ như xoè ra như cánh bướm để trét mạch nha vào bánh phồng . Cánh bướm phía trên thì lớn, càng xuống dưới thì càng nhỏ dần , sau cùng người bán bẻ cái cụp , và ụp 2 mảnh của tấm bánh tráng lại với nhau để cầm cho khỏi dính tay ...

Càng về chiều , càng nhiều tiếng rao , nào là "Ai ăn hột vịt lộn , hột gà vữa hong ....?" Thường chữ cuối câu là chữ "hong" , được kéo dài lòng thòng lê thê ra để lôi kéo khách hàng , nhưng cũng có người tiết kiệm lời , chỉ rao duy nhất một chữ sắc gọn , cụt lủn: "Chiếu !" của ông bán chiếu ! Phải chi ông chơi một đoạn trong "Tình anh bán chiếu" thì không chừng ông bán được nhiều hơn:
"Chiếu Cà Mau đượm màu tươi tắn,
Công anh cực khổ mưa nắng dãi dầu,
Chiếu này anh chẳng bán đâu,
Tìm em không gặp ........ hò ơi ...................
..... tìm em không gặp , anh gối đầu mỗi đêm"

Có loại tiếng rao, mà chẳng dùng lời , là tiếng rao của những người bán mì gõ, còn được kêu là mì xực tắc , vì thường được rao bằng cách đập 2 ống tre vào nhau tạo ra âm thanh như chữ "xực tắc" ! Loại mì này được bán với giá vô cùng bình dân , mà được phục vụ dến tận nhà , không cần bước chân ra đường , chỉ cần ngoắc tay kêu em nhỏ đang gõ lại , là chừng 5 phút sau có một tô mì nóng hổi , khói bay thơm phức đem đến tận nhà !
Càng về đêm, càng có những món ngon , vật lạ . Nào là "chí mà phủ" , tức là chè mè đen, "mía hấp" , tức là mía nhưng được hấp nóng hổi , vừa thổi vừa ăn, rất hợp với đêm khuya trời hay lạnh , hoặc "cháo huyết" , "cháo lòng", chỉ là tô cháo bình thường , nhưng được ăn vào ban đêm , thì thấy ấm lòng và ngon hơn nhiều !
Còn nhiều , nhiều nữa , tạm thời chỉ nhớ bao nhiêu ...... ! 
HenryLe
Phương Lan 09/25/2015
               
                                       

NỖI NHỚ TRONG TIẾNG RAO ĐÊM

Lò mò đánh tên bạn mình, đọc được bài viết của tác giả Bảo Lâm viết về cuốn tạp bút " TIếng rao đêm" mà bạn mình vừa tặng cho mình và các bạn (gửi từ Việt Nam). 

NỖI NHỚ TRONG TIẾNG RAO ĐÊM

“Tiếng rao đêm” là cuốn tạp bút mới của tác giả Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân. Những hồi ức và cảm nhận về ẩm thực Việt đã được bà trải lòng qua từng trang sách.
Nổi lên xuyên suốt trong tập tạp bút này chính là nỗi nhớ. Chính nỗi nhớ sâu thẳm chất đầy trong tâm hồn đến một lúc không kìm nén được đã bật ra thành lời “Đúng là Hà Nội đã đọng lại trong tôi nhiều nỗi nhớ vô kể và một trong những nỗi nhớ ấy là các món ăn...”. Nhớ về các món ăn mang phong vị Bắc, tác giả đã nhắc đến cái thú của những lúc được nhâm nhi hạt lạc rang húng lìu bên cạnh Hồ Gươm, hay vị ngon của miếng cơm nắm nhỏ nhẹ chấm với muối vừng.
Cũng trong nỗi nhớ, bà dẫn người đọc thưởng thức từ bún đậu, cốm, bún ốc, mực rối... ở Hà Nội, đến món cháo có tên khá lạ “cháo vạt giường cá lóc” ở Quảng Trị rồi đến Hội An, Đà Nẵng với món cơm gà, mì Quảng, cao lầu... hay tới Bình Thuận ăn vịt thả dầm, bánh căn, lên Tây Nguyên ăn món lá é cá trích, xuống miền Tây Nam bộ cảm nhận món lía, ốc gạo... Và nhiều món khác cũng được kể đến như khô cá lóc, cá tra, khô mực, khô bò, khô nai... Tác giả cũng hồi tưởng về ẩm thực cùng cách sống của người Sài Gòn qua “Món ăn Sài Gòn xưa”, “Tiếng rao đêm”, “Tào phớ... không?”, “Trà đá Sài Gòn”, “Cà phê góc phố”, “Chè: món ăn vặt gợi nhớ”...
Các bài viết trong tập sách là cả một bầu trời ẩm thực Việt. Có những món ăn không cao sang nhưng làm mê hoặc lòng người. Tình yêu dành cho ẩm thực xứ sở đã khiến bà ghi lại những đoản văn như một kỷ niệm! Đọc sách của bà, người đọc nhận ra dẫu cuộc sống có thay đổi nhưng vẫn cần trân quý và nâng niu giá trị Việt. Không khỏi bồi hồi xao xuyến về nếp nhà hồn hậu, dung dị của người Việt trong “Phở Bưng Cầu”, “Khay mứt ngày tết của gia đình tôi”, “Hoài niệm về mâm cỗ tết xưa”... Và, thật xúc động trước tình cảm của bà dành cho những người kiếm sống giữa đêm khuya: “... Ngày cứ hết, đêm cứ rơi xuống chậm rãi và trôi đi theo nhịp thời gian, những tiếng rao vẫn hằng đêm rong ruổi trên mọi nẻo đường, tiếng rao của những mảnh đời cơ cực, lẫn chìm vào đêm, lẫn chìm vào bóng đèn đường vàng vọt... Dù cơ cực, dù chỉ có vào đêm, tôi vẫn thấy trân quý những mảnh đời vất vả ấy, vì dù sao họ cũng vẫn đang sống rất lương thiện, để nuôi gia đình, cho con cái nên người và nuôi chính bản thân mình. Họ là những đốm sáng trong bóng đêm của thời gian”.
Với 45 bài viết nhỏ trong hai chương, dường như tác giả đã “giải tỏa” được một phần “ước mơ là làm một cuộc hành trình trải dài từ Bắc vào Nam, và trong hành trình ấy, tôi được thấy, được nghe để rồi ghi lại những điều mình nghe và thấy bằng tất cả cảm xúc của trái tim mình...”. Vâng, chỉ một phần bởi theo bà “cho đến nay ước mơ ấy vẫn chưa thành hiện thực, nó chỉ dừng lại ở một vài nơi tôi đã được đi qua và dừng lại đôi ba ngày...”.
“Tiếng rao đêm” chính là tiếng lòng, nỗi nhớ của một nhà nữ công gia chánh dành cho món ăn, thức uống cùng nếp nhà của người dân Việt bình thường, trọng nghĩa khí!
(*) Đọc “Tiếng rao đêm”, tác giả Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân, NXB Hồng Đức và Công ty văn hóa Việt Thư ấn hành, 2015.
BẢO LÂM
                                     
PHƯƠNG LAN hb
09/24/2015

NGỠ NGÀNG VỚI CỤ BÀ 100 TUỔI VẪN LƯỚT WEB VÀ FACEBOOK

NGỠ NGÀNG VỚI CỤ BÀ 100 TUỔI VẪN LƯỚT WEB VÀ FACEBOOK

Thường thì ở độ tuổi này thì còn mấy ai đủ sức để ngồi trước máy tính để đọc thông tin trên internet, thậm chí còn tham gia diễn đàn khá nhiệt tình như cụ dưới đây.Mời các bạn cùng vietbf tìm hiểu thêm về cụ già hiện đang sống ở VN này. Gần 100 tuổi, nhưng một cụ bà Lê Thi vẫn có thể đọc vanh vách các bản tin trên các tờ báo mạng, vẫn tham gia “chém gió” nhiệt thành trên các diễn đàn mà cụ yêu thích.Sinh năm 1920, hiện trú ở Xa La – Hà Đông (Hà Nội), cụ Lê Thi được nhiều người biết đến với biệt danh là “bà còng Xa La” hay “cụ bà xì tin”. Hàng ngày, cụ đều dành thời gian vào mạng đọc tin tức và lướt qua các diễn đàn văn học. 94 tuổi, nhưng cụ Lê Thi vẫn có thể đọc vanh vách các bản tin trên các tờ báo mạng, vẫn tham gia “chém gió” nhiệt thành trên các diễn đàn mà cụ yêu thích. Thậm chí đến các vấn đề thời sự hàng ngày trong nước cũng như thế giới, đều được cụ quan tâm và theo dõi thường xuyên.
                                     
     
Còn cô con dâu Trương Thị Chức đã bước sang tuổi 70 nhưng chẳng biết đến internet, không dùng điện thoại cũng phải trầm trồ trước sự “hiện đại” của mẹ chồng.
“Trừ lúc cụ yếu lắm phải nằm nghỉ nếu không cụ cứ 1 mình 1 máy lên mạng nói chuyện với cháu bên Nga rồi lại bằng hữu hoặc các cháu khác” – bà Chức nói.
Nói về thói quen đặc biệt của mình, cụ Thi cười móm mém: “Tôi học máy tính từ năm 2000, ban đầu dự định chỉ để hoàn thành cuốn tiểu thuyết: “ Ngược dòng” nhưng sau đó tôi được các cháu dạy cho cách vào “gu lờ” (google – pv), rồi facebook và yahoo. Ban đầu, cũng ngượng ngịu, lóng ngóng nhưng sau dần thì cũng quen đi. Bây giờ sức khỏe yếu nên tôi không vào nhiều như trước nhưng hầu như ngày nào cũng phải dành ít thời gian vào mạng để đọc truyện hoặc tin tức”.
                                      
Mỗi tuần 2 lần, cụ Thi đều dành thời gian để “chat” facebook với cháu nội ở bên Nga. Cụ hóm hỉnh cho biết, “chỉ có thể gõ mổ cò” nên tốc độ đánh máy khá chậm. Vì thế chủ yếu cụ dành thời gian để nghe cháu tâm sự, chia sẻ về cuộc sống là chính. Bật mí về bí quyết “học công nghệ của mình”, cụ bảo: “Cái gì không biết thì phải học, mà học thì không giới hạn về độ tuổi. Tôi mất hai ngày để làm quen với bàn tính, sau đó thì ghi nhớ cách vào mạng, mở trang web hay đăng nhập tài khoản vào các diễn đàn”.Như để minh chứng về điều mình nói, cụ Thi nhanh chóng mở chiếc laptop ở đầu giường, thuần thục khởi động máy và gõ mật khẩu. Cụ hào hứng cho chúng tôi xem trang cá nhân facebook của mình với khá nhiều người theo dõi, kết bạn. Cụ hài hước kể, trước đây cũng có sử dụng yahoo để “giao lưu” bạn bè nhưng giờ có facebook nên cụ chuyển qua dùng để bắt kịp xu thế. Hầu hết, những người bạn trên mạng của cụ đều là những người có chung sở thích và đam mê hội họa, viết truyện.
Năm 2009, cụ Thi cho ra mắt cuốn tiểu thuyết: “Ngược dòng” dài gần 600 trang, do nhà xuất bản Văn học phụ trách in ấn và phát hành. Đây là cuốn truyện tự sự về chính cuộc đời mình, do cụ tự tay đánh máy trong hai năm. Hiện tại cụ Thi vẫn đang ấp ủ và viết dở một cuốn tiểu thuyết khác với tên gọi là “Vòng xoáy cuộc đời”. Văn của cụ Thi mộc mạc, giản dị và rất đời thường.
Cụ viết về mọi thứ trong cuộc sống, về triết lý, tình yêu và cả những bài học nhân sinh đầy ý nghĩa. Cụ Thi tâm sự, có ngày cụ đánh máy được gần 40 trang nhưng có ngày lại chỉ được vài dòng. Việc sáng tác của cụ chủ yếu phụ thuộc vào cảm xúc. Mấy năm trước, cụ có thể viết văn thâu đêm mà không biết mệt, giờ thì chỉ tranh thủ mỗi ngày vài ba tiếng là đã thấy mỏi mắt và đau lưng.
Cụ Thi cho biết, cuốn tiểu thuyết Ngược dòng chính là động lực giúp cụ đến với máy tính.
“Cuốn truyện là những đoạn hồi ức từ thưở thiếu thời. Mục đích tôi viết là ôn nhớ lại quãng đời của mình, phần nữa tôi cũng muốn gửi gắm tâm tình, kí ức tuổi trẻ, có những ham muốn mạnh mẽ và cũng có những sai lầm.
Mượn chuyện mình để nói chuyện người, cả 1 đời con người sinh ra và lớn lên rồi chống chọi lại những sai lầm đó” – cụ Thi trải lòng.
Rồi cụ đọc lời tựa của cuốn truyện mà tuyệt nhiên không cần sự hỗ trợ của kính. Cuốn tiểu thuyết Ngược dòng cũng chính là động lực để cụ Lê Thi tìm tới với máy tính.“Thói quen đánh máy và viết truyện trên máy tính của tôi bắt đầu từ năm 2007. Ngày còn đi công tác tôi cũng từng dùng máy đánh chữ nên đã quen với cách dùng bàn phím. Khi “làm bạn” với máy tính tôi không quá lạ lẫm để gõ được chữ kể cả chữ có dấu, trước chậm sau nhanh. Tôi lên mạng viết truyện, ghi chép những thứ cần thiết, 1 thời gian quen dần, không biết gì tôi lại hỏi các cháu. Cũng như học vẽ hay viết sách, gặp ai biết hơn phải hỏi", cụ Thức cho biết.
Ngoài viết truyện, cụ còn làm thơ và vẽ tranh. Hiện tại cụ đã vẽ khoảng 2000 bức tranh, chủ yếu là tranh phong cảnh làng quê, cụ Thi chia sẻ: “Tôi quan niệm, còn sống ngày nào là còn phải sống cho đúng nghĩa. Đã đam mê là phải đam mê đến cùng. Tôi làm việc rất chăm chỉ, thậm chí hôm nay đang vẽ dở một bức tranh mà đến khi đi ngủ vẫn còn mơ mình đang vẽ. Tôi cứ vẽ theo sở thích, vẽ những gì gần gũi, thân thuộc, cũng chẳng nghĩ sau này mình lại được nhiều người biết đến”.
                                         
                                               Cảnh đẹp làng quê Việt qua nét vẽ của cụ Thi
Tình yêu hội họa và tài năng hiếm có của cụ đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Năm 1997, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi đó là ông Nguyễn Khoa Điềm đã đích thân đến thăm, tặng bằng khen và tổ chức triển lãm tranh cho riêng cụ. Câu chuyện về cụ bà đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn say sưa sáng tạo nghệ thuật cũng không ngừng gây sửng sốt và bất ngờ cho không ít người.
Thậm chí, thời điểm đó rất nhiều người đã tìm đến nhà “đòi” gặp bằng được cụ Thi chỉ để tin rằng, câu chuyện về một bà lão lưng còng biết vẽ tranh, viết truyện là hoàn toàn có thật.
Cụ Thi cho biết, bản thân cụ không theo học bất cứ một trường đào tạo chuyên nghành nào về nghệ thuật nhưng ngay từ bé cụ đã có niềm yêu thích đặc biệt với lĩnh vực này. Cha cụ là một thầy giáo nên trong nhà có rất nhiều sách. Hồi ấy, mỗi lần tranh thủ bố đi vắng, cụ lại lén lấy sách đọc trộm. Những cuốn sách của các tác giả Nguyễn Công Hoan, Thế Lữ rồi nhóm Tự Lực Văn Đoàn… được cụ thuộc như nằm lòng. Đây cũng chính là nền tảng cho những sáng tác sau này của cụ.
Dù đã gần 100 tuổi nhưng cụ Thi tâm sự, sức khỏe của cụ vẫn khá tốt và đầu óc vẫn còn minh mẫn. Hàng ngày cụ vẫn dậy sớm tập thể dục, tự mình xâu kim, khâu vá quần áo của mình và gia đình. Thậm chí, cụ vẫn vào bếp làm bánh và nấu những món ăn truyền thống.
Còn minh mẫn và khỏe mạnh, cuộc sống “hiện đại” là thế, nhưng người “họa sỹ” ấy vẫn sợ… bệnh của người già.
“Tôi cũng nghĩ, mình mà mù thì sợ lắm nhưng có lẽ tôi cũng phải dần làm quen với tư tưởng… tuổi già.
Cách đây 5 năm tôi đã phải giằng xé với ý nghĩ về sự chia sẻ và gìn giữ những tác phẩm của mình. Sẽ chẳng có ai thay tôi làm việc đó.
Nhưng bây giờ tôi lại nghĩ khác, tôi nghĩ nhiều về chữ vô thường và hiểu rằng vạn vật luôn biến thiên.
Đã từng có người hỏi tôi: “Có khi nào cụ thấy cô đơn hay buồn?”. Tất nhiên là tôi có cô đơn, có buồn nhất là cách đây 5 – 7 năm khi con cháu mình bị những vòng xoáy cuộc đời cuốn vào mà bản thân tôi không muốn chúng nó sa đà vào vòng xoáy đó.
Cuộc sống với tôi là những chuỗi thăng trầm, thân tôi thì “ba chìm bảy nổi”. Tôi vẫn thường tự hỏi tại sao tôi có thể sống được qua những gian truân và đày đọa khi chồng mất sớm, ly tán, tai nạn…".
Phương Lan HB
09/04/2015                                 

Nấu Xôi Vò bằng Microwave


 

Nấu Xôi Vò bằng Microwave

Xôi Vò là món miền Bắc, đơn giản mà ngon, chỉ cần có nếp và đậu xanh, chút muối, chút dầu, chút nước. Cách làm thông thường là dùng xửng (chõ) để hấp (người Bắc gọi là đồ) nếp trộn với chút dầu và đậu xanh đã hấp chín giã (hay xay) nhuyễn. Hạt nếp được bọc trong lớp đậu thêm ít dầu nên sẽ mềm dẻo và tơi rời từng hạt. Nếu xôi không tơi rời mà bị dính lục cục thì không còn là Xôi Vò, mà thành Xôi Xéo.
Với cuộc sống hiện nay, thời gian rảnh rang không nhiều, thay vì nấu xôi theo cách thông thường phải mất công canh bếp và rửa xửng, chúng ta có thể dùng microwave để nấu những tô Xôi Vò thơm ngon mềm dẻo.
Cũng chỉ gồm nếp và đậu xanh, nhưng tùy theo cách nấu mà có thể thành nhiều loại xôi khác nhau. Tạm kể sơ qua một số món xôi gồm nếp và đậu xanh theo cách gọi tên của người miền Bắc nha:
Cơm Nếp: là tên gọi chung khi nấu nếp với nước trong nồi trên bếp (hay bây giờ người ta ưa nấu trong nồi cơm điện cho gọn lẹ).
Xôi: là tên gọi chung khi đồ (hấp) nếp trong chõ (xửng) trên bếp. Nếu đồ (hấp) chung nếp với các loại nguyên liệu khác (chẳng hạn như đậu xanh, đậu đen, lạc (đậu phụng), lạp xưởng, gấc, vv.. vv..) thì sẽ có những cách gọi tên khác nhau.
Xôi Hoa Cau: là nếp đồ (hấp) chung với đậu xanh đã đãi (cà) sạch vỏ. Những hạt đậu xanh điểm lấm tấm mầu vàng óng nổi bật trên mặt xôi trắng muốt.
Xôi Đậu Xanh: là nếp đồ (hấp) chung với đậu xanh còn nguyên vỏ.
Xôi Vị: là món xôi ngọt gồm có lớp đậu xanh nằm ép giữa hai lớp nếp, trên mặt có rắc vừng (mè) rang vàng. Nếp nấu với tai vị nêm chút đường. Đậu xanh hấp chín sên đường.
Xôi Vò: là nếp đồ (hấp) chung với đậu xanh (đã hấp chín giã nhuyễn vụn). Mỗi hạt xôi cần phải tơi rời mềm dẻo thơm. Người Bắc thường ăn Xôi Vò kèm với các loại giò chả (giò lụa, chả quế) hay kèm với chè (chè hoa cau, chè đậu đen). Người Nam thích ăn Xôi Vò kèm với Cơm Rượu
Xôi Xéo là xôi vò nấu vụng, hạt xôi bị vón cục. Tuy nhiên, có người lại thích ăn Xôi Xéo hơn vì theo họ hạt xôi dính chùm sẽ mềm dẻo dễ ăn hơn
Khi đồ (hấp) xôi trong chõ (xửng) nếu không quen hay không lưu ý đôi khi phần nếp ở đáy chõ dễ bị nát (vì quá nhiều hơi nước) còn phần nếp ở mặt chõ có khi bị khô (vì thiếu hơi nước). Do đó, thỉnh thoảng cần xới để nếp chín đều. Tuy nhiên nếu sơ ý, hạt xôi bị vón cục khiến món Xôi Vò bị thành Xôi Xéo ngoài ý muốn.
Trong bài viết nầy Tứ Diễm muốn chia sẻ một cách làm món Xôi Vò theo kiểu gọn lẹ khác với cách đồ (hấp) trong chõ (xửng) theo kiểu truyền thống. Với cách nấu trong microwave, nếu làm đúng kiểu, các hạt nếp sẽ chín đều dẻo ngon mà luôn tơi rời. Tứ Diễm thấy xôi nấu ngon và tiện hơn nhiều so với khi hấp trong xửng (đồ trong chõ).

Muốn nấu xôi bằng microwave chỉ cần lưu ý ở bốn điểm sau đây:
1.Nếp cần ngâm trước vài tiếng hay qua đêm
2.Cần đổ nước chỉ xâm xấp với mặt nếp, nhiều quá xôi sẽ nhão, ít quá xôi sẽ khô
3.Giữ thật kín hơi trong thời gian nấu trong microwave, hơi nước trong tô sẽ giúp hạt nếp chín mềm dẻo
4.Xới thật đều sau mỗi 3 phút nấu trong microwave

Vật dụng cần có:
1. Microwave
2. Một tô Corelle loại 1 quart (hay loại tương tự có thể nấu trong microwave )
3. Một đĩa Corelle đậy vừa miệng tô (hay dùng nắp, hay plastic wrap miễn sao giữ kín hơi)
4.Đũa hay muỗng để xới nếp
5.Rổ hay khay rộng để hong xôi vừa nấu xới đều để hạt xôi được tơi.
Hình ở trên là các bước Tứ Diễm đã làm khi nấu món Xôi Vò dùng microwave, chụp theo thứ tự từ trái qua phải theo chiều kim đồng hồ. Vì Tứ Diễm dùng tô 1 quart nên mỗi lần chỉ nấu 1 cup nếp là vừa. Nếu muốn làm nhiều hơn thì chia ra vài lần. Nếu cho quá nhiều nếp vào tô, sẽ khó nấu và trộn cho đều, xôi sẽ kém ngon.

Cho một cup nếp đã vo sạch và ngâm qua đêm vào tô Corelle, đổ nước xâm xấp như trong hình. Thêm ít muối và dầu trộn cho đều. Khi để tô nằm bằng phẳng sẽ thấy nếp nằm trên mặt nước xâm xấp, như vậy là lượng nước vừa phải.
Nấu nếp 3 phút trong microwave, rồi xới đều lênTrộn đều nếp với đậu xanh hấp chín xay nhuyễn, chuẩn bị nấu thêm 3 phút trong microwaveXôi đã nấu thêm 3 phút, mang ra xới lên cho thật đều và cho hạt nếp tơi rời ra. Nếu cần thì thêm ít đậu xanh vào trộn cho đều, chuẩn bị đem nấu thêm 3 phút trong microwave
Xôi đã nấu xong (tổng cộng 9 phút) trong microwave, xới đều rồi trộn thêm ít đường cho vừa khẩu vị.
Đổ xôi ra hong cho xôi nguội và hạt xôi được tơi. Thay vì dùng rổ, Tứ Diễm dùng vỉ nướng BBQ phía trên có lót miếng vải voan trắng mỏng để hong xôi (xem hình gần cuối). Vải voan không làm xôi bị bí hơi, không làm rơi rớt những hạt đậu đã xay nhuyễn mà cũng không bị dính nếp, dính đậu, dùng xong giặt rất mau sạch và mau khô.
Đơm xôi vò vào chén. Hạt xôi rất dẻo mềm mà tơi rời từng hạt. Không bị dính bết lại theo kiểu xôi xéo (nghĩa là xôi vò nhưng nấu vụng nên thành ra xôi xéo) .

***Mình theo cách nấu của cô Tứ Diễm ,1 cup nếp, 1 cup đậu xanh, nhưng vì nấu đâu chưa đủ mềm , lại không chịu xay đậu cho nhuyễn, cho nên xôi vò thành xôi xéo. Thêm chút đường, ít hành phi ăn cũng ngon ra phết. Lần sau sẽ thành xôi vò . Nấu cách này tiện lợi và nhanh. Mời xem hình mình chụp.
PHƯƠNG LAN HB
09/21/2015