THƯ NGỎ

WELCOME TO TV6269

Các bạn thân mến,

Năm 1962 chúng mình bước vào Trưng Vương bằng những bước chân ngập ngừng của những cô bé lớp Đệ Thất ngây thơ. Rồi 7 năm học trôi qua những kỷ niệm với bạn bè, với Thầy Cô, với lớp học, với ngôi trường yêu dấu đã để lại trong ký ức của chúng mình tình bạn thân thiết và những kỷ niệm êm đềm, mơ mộng của một thời áo trắng TV.

Ngày nay tuy ở khắp mọi nơi, chúng mình đã tìm gặp lại nhau. Xin chào mừng tất cả các bạn và ước mong qua trang Blog Trưng vương 62-69 này sẽ là nơi gặp gỡ thân ái để TV6269 cùng ra chơi, vui đùa như ngày xưa trong sân trường yêu dấu.

TV6269







Sunday, December 16, 2012

TRANG THƠ NHẠC CUỐI TUẦN

TRANH THƠ NHẠC CUỐI TUẦN
Những bóng hồng trong thơ nhạc.

Trang thơ nhạc tuần này, thân mời các bạn nghe lại một vài ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Y Vân. Những ca khúc này ít nhiều có liên quan đến một người ca sĩ mà trong thập niên 60 tiếng hát của cô đã được các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ , nghệ sĩ xưng tụng là tiếng hát liêu trai, tiếng hát khói sương.

Những bóng hồng trong thơ nhạc - Ca sĩ Thanh Thúy

 HÀ ĐÌNH NGUYÊN

Trong gia tài sáng tác khá đồ sộ của nhạc sĩ Y Vân, có một bản nhạc đặc biệt: Thúy đã đi rồi... Bản nhạc này rất thịnh hành vào thập niên 60 thế kỷ trước. Tuy nhiên, đằng sau bản nhạc là một bí mật ít người biết tới.

Nghệ sĩ vốn đa tình, cho nên chuyện trăng hoa, ong bướm âu cũng là nghiệp chướng. Nhưng trường hợp của nhạc sĩ Y Vân lại khác, bởi bà Minh Lâm - vợ ông, từng khẳng định với người viết là ông rất đứng đắn, nghiêm túc trong chuyện tình cảm và không giấu bà điều gì. Ngay cả bút danh Y Vân bà cũng biết, đó là cuộc tình thời trai trẻ của ông và thiếu nữ mang tên Tường Vân. Cuộc tình không thành nhưng để lại dấu ấn trong cái tên ký dưới mỗi bản nhạc do ông sáng tác: Y Vân (nghĩa là “Yêu Vân”). Cả chuyện cô gái chủ quán bi-da mà ông hay đến chơi, thường nhìn ông với ánh mắt “bất thường” để ông có cảm xúc viết thành ca khúc Khi em nhìn anh ông cũng kể hết với bà. Vậy, sao lại có bản Thúy đã đi rồi, gọi đích danh tên một người con gái với những ca từ mang tâm trạng của một kẻ đắm đuối trong bể tình:
“Thúy đã đi rồi. Những ngày băng giá không tiếng cười. Thúy đã đi rồi. Biết làm sao cho nhớ thương nguôi. Đời em về đâu? Cho gió trăng sầu. Tìm em ở đâu? Đường mây tìm dấu… Thúy quá vô tình. Ví dù em có hay dỗi hờn. Cũng vẫn hơn là bến tình anh lê gót cô đơn...”.


Do nhạc sĩ Y Vân đã mất (năm 1992), nên tôi đem điều này hỏi người em ruột của ông là nhạc sĩ Y Vũ. Ông tiết lộ: “Tôi nói rõ sự thật nhé, anh Y Vân đã viết ca khúc này thay cho tâm sự của một người bạn rất thân, đó là tài tử điện ảnh kiêm kịch sĩ Nguyễn Long (còn gọi là Long Đất). Vào đầu thập niên 60 thế kỷ trước, Nguyễn Long yêu say đắm ca sĩ Thanh Thúy nhưng cô ca sĩ tài danh này không chút mảy may động lòng. Nguyễn Long âm thầm sống trong đau khổ, cay đắng một mình. Rồi một hôm, nhạc sĩ Y Vân bắt gặp anh chàng thất tình này trong quán cà phê với bộ dạng “ngó phát chán”, Y Vân hỏi han và Long Đất đã thổ lộ mối tình sâu kín.Thanh Thúy cũng là “người yêu trong mộng” của rất nhiều người. Trịnh Công Sơn viết bản nhạc đầu tay Ướt mi dành tặng Thanh Thúy. Tôn Thất Lập viết Tiếng hát về khuya vì Thanh Thúy. Thi sĩ Hoàng Trúc Ly “tán”:

“Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay vời âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan thành hư vô”.

Họa sĩ Vũ Hối buông cọ để làm thơ:

“Liêu trai tiếng hát khói sương
Nghẹn ngào nhung nhớ dòng Hương quê mình
 
Nghiên sầu từng nét lung linh
Giọng vàng xứ Huế ấm tình quê hương”...Nhà văn Mai Thảo gọi cô là “Tiếng hát lúc 0 giờ”, giáo sư triết học Nguyễn Văn Trung thì cho là “Tiếng hát liêu trai”, nhạc sĩ Tuấn Huy gọi là “Tiếng sầu ru khuya”...

Thương cảm mối tình đơn phương của người bạn thân, Y Vân đã viết Thúy đã đi rồi. Bài này trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng của dòng nhạc blue thời bấy giờ. Bài hát được khá nhiều ca sĩ trình bày, trong đó có cả ca sĩ Thanh Thúy. Hát thì cứ hát, nhưng con tim của nàng chẳng chút lay động, cho dù hằng đêm anh chàng Nguyễn Long vẫn bám theo nàng “trên từng cây số”, qua những phòng trà mà cô đến biểu diễn. Người đẹp vẫn đó, vẫn đùa vui trước đôi mắt ngây dại của gã si tình mà chẳng hề quan tâm”.

Đến đây, người viết xin được mở ngoặc để nói về tài sắc của nữ ca sĩ Thanh Thúy. Chị sinh năm 1943 tại Huế. Đi hát từ năm 16 tuổi (1959) và sở hữu một giọng hát hết sức đặc biệt: khàn đặc như có pha rượu, nghẹn ngào, nức nở với dáng dấp mảnh mai, mái tóc dài buông lơi trên đôi vai gầy… Giọng hát ấy, dáng dấp ấy như có ma lực khiến ai “lỡ nghe” rồi là say như điếu đổ... Chẳng thế mà hầu hết văn nghệ sĩ cùng thời đã “nghiện” tiếng hát mà họ ví von với rất nhiều hình ảnh: lơ lửng với khói sương, nhấp nhô cùng sóng nước, đam mê theo cung bậc, thì thầm với kẻ tình si, du dương trong tĩnh lặng, vỗ về với yêu thương.

Năm 1962, Thanh Thúy được bầu chọn là Hoa hậu Nghệ sĩ, đồng thời là “Nữ ca sĩ ăn khách nhất” suốt 3 năm liền.

Tháng 11.1961, Nguyễn Long thực hiện cuốn phim Thúy đã đi rồi, theo ca khúc của nhạc sĩ Y Vân và nhạc phim do ca sĩ Hùng Cường hát. Nữ ca sĩ Minh Hiếu đóng vai Thanh Thúy. Ngoài bộ phim này, hình ảnh Thanh Thúy còn xuất hiện trên kịch sân khấu, kịch truyền hình. Các nghệ sĩ Kim Cương, Bích Thủy, Xuân Dung... đều đã đóng vai Thanh Thúy. Thanh Thúy thật sự là một con người tài sắc nổi trội khiến cánh đàn ông hồi đó có đủ “lý do chính đáng” để mê mệt cô như một thần tượng.

Trở lại với chàng tình si Nguyễn Long - dù đã nặng tình đeo đuổi, thậm chí đã làm phim về nàng nhưng không sao lọt vào mắt xanh của nàng. Mang tâm trạng u uất, Nguyễn Long đã trải lòng qua bài thơ tự sáng tác Thôi. Bài thơ này cũng được Y Vân phổ thành tình khúc mà cho đến nay vẫn còn ghi dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ:
“Thôi, em đừng khóc nữa làm gì! Kỷ niệm sầu ân tình cũ xa xưa. Thôi em đừng khóc, em đừng khóc, đừng khóc nữa giọt lệ sầu làm sao xóa hết tâm tư... Ôi cuộc đời đầy phong ba giữa lòng người. Lệ sầu chia ly buồn tê tái. Ly rượu này đầy thương đau tấm hình hài. Thu man mác buồn, mùa thu ơi!...”
.
Nguyễn Long khi ấy mới khoảng 30 tuổi, nghe nói phải hơn mười năm sau ông mới lập gia đình, còn ca sĩ Thanh Thúy đã lấy chồng trước đó (năm 1964).

07/06/2011

Hà Đình Nguyên

Nguồn: thanhnien.com

Không chỉ riêng chàng tài tử Long đất với mối tình đơn phương, nhạc sĩ họ Trịnh trong một đêm đi nghe nhạc ở phòng trà Mỹ Cảnh, tiếng hát và những giọt nước mắt của Thanh Thúy khi hát nhạc phẩm Giọt Mưa Thu đã ám ảnh và thôi thúc nhạc sĩ
họ Trịnh viết lên ca khúc Ướt mi
Bài hát đầu tiên của TCS- Ướt mi

                                                                                                                                         Sâm Thương

Năm 1958, Sơn sáng tác ca khúc Ứớt Mi được Nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sàigòn năm 1959. Thật ra, theo như lời Sơn kể lại thì trước đó Sơn cũng đã sáng tác một số bài như Sương Đêm, Chơi Vơi “Rất nhiều bài hát đã được viết trước bài ‘‘ Ướt Mi” nhưng riêng bài Ướt Mi thì tồn tại như một số phận của nó và của tôi”(1), do đó có thể coi Ướt Mi là tác phẩm đầu tay của Trịnh Công Sơn chính thức được công bố.
Trong một tối, Trịnh Công Sơn đã cùng một vài người bạn đến Mỹ Cảnh, một phòng trà nổi tiếng của Sàigòn thời ấy để uống rượu và nghe nhạc. Tình cờ Sơn được nghe tiếng hát của một ca sĩ chỉ mới 15 tuổi, người Huế : Thanh Thúy, người mà Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã dành một chương trong trong tác phẩm Nhận Định IV (2) mang tên Ảo Ảnh Thanh Thúy để viết về cô:

“ (…) Thường một ca sĩ ra hát, bao giờ cũng cố gắng làm sao cho người khác để ý đến mình, không những chỉ bằng sự hiện diện trước mặt họ mà còn bằng những cử động, những cái nhìn, nụ cười chiếu thẳng vào khán giả mong làm hài lòng khán giả như mời gọi, quyến rũ. Đứng trước máy vi âm, ca sĩ chú ý đến khán giả mong làm hài lòng khán giả bằng sự phô trương tất cả con người của mình.
Trái lại Thanh Thúy ra hát, dĩ nhiên cũng là hát cho khán giả, nhưng làm ra vẻ không chú ý đến khán giả, không tự giới thiệu, đi đến với khán giả bằng cử chỉ nụ cười, cái nhìn Thanh Thúy e lệ, kín đáo, bước ra rụt rè như con cò, tiến đến gần máy vi âm, mà không đưa mắt nhìn vào khán giả. Lúc hát không làm một cử động nào, hai tay luôn luôn nắm lấy cây sắt của máy vi âm, mắt nhìn xuống đất hoặc nhìn ngang, thỉnh thoảng mới nhìn lên lướt qua rất nhanh khán giả mà không cố ý nhìn một ai. Thanh Thúy không nhìn ai, để trở thành vật được nhìn của tất cả. Hình như đôi lúc Thanh Thúy lại nhắm mắt hay chỉ mở lim dim…
(…) Đứng trướcThanh Thúy, nghe Thanh Thúy hát những bài buồn buồn bằng một giọng trầm, với những nét mặt xa vắng, khán giả như thấy bị lôi kéo về một dĩ vãng xa xôi nhưng cũng rất gần gũi quen thuộc, một dĩ vãng dệt một hình ảnh rung động, cảm nghĩ gắn liền với lịch sử đất nước, với thôn quê , đồng ruộng , với sông Hương , núi Ngự, tiêu biểu cho những gì là dân tộc, cá tính địa phương về mặt tiêu cực: một nỗi buồn man mác, cô tịch, trầm lặng, vô định…Thanh Thúy là hiện thân của nỗi buồn đó.

Giọng ca trầm buồn và phong cách trình diễn của Thanh Thúy đã gây cho Sơn một ấn tượng đặc biệt. Ngay trong đêm nhạc đó, Sơn đã viết một mảnh giấy nhỏ đề nghị Thanh Thúy hát bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong. Thanh Thúy nhỏ nhẹ cám ơn, rồi cất tiếng hát. Khi hát do có tâm sự riêng, nghe đâu cha cô vừa mất trước đó vài tháng và mẹ cô bị lao phổi đang trong tình trạng trầm trọng. Cô đã không kiềm chế được cảm xúc, cứ để cho tình cảm tràn đầy, cô vừa hát vừa khóc.
Sau khi quay về Huế, có lẽ vào một đêm mưa, cơn mưa của Huế, Sơn đã nhớ lại những giòng nước mắt lăn dài trên má của cô ca sĩ trẻ với số phận bất hạnh, “những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng manh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ.
Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống thành hình. Tôi e cũng đã từng nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia (3).
Những giọt nước mắt đó đã trở thành một ám ảnh, một thôi thúc làm bùng lên ngọn lửa sáng tạo đang âm ỉ cháy trong Sơn. Và, Sơn đã viết ra như không kiềm giữ được:
Buồn ơi trong đêm thâu
Ôm ấp giùm ta nhé
Người em thương mưa ngâu
Hay khóc sầu nhân thế
Tình ta đêm về có ấm
từng cơn mưa em chưa (…)
Ướt Mi (4)

Bài hát Ướt Mi ra đời trong một hoàn cảnh như thế, và nó đã được giới trẻ miền Nam đón nhận nồng nhiệt vào những năm 1959-1960, đặc biệt khán giả Nhật Bản cũng rất thích bản nhạc này, một phần do dàn nhạc giao hưởng của Nhật đã thu và trình diễn. Với âm điệu đó, ngôn từ đó hình như anh đã nói thay họ những gì trong cái góc riêng tư, sâu kín nhất nhưng lại như có vẻ giản dị, dễ cảm thông mà họ không thể nói được.
 Theo lời thuật của nhạc sĩ: "...“Khi hoàn thành, tôi nắn nót chép lại thật kỹ càng và luôn mang theo bên mình chờ có dịp tặng nàng. Với sự nhút nhát của tuổi trẻ, tôi không dám đưa tặng ngay mà phải chờ khá lâu mới có cơ hội. Một hôm tôi đánh bạo, tìm một chỗ sát sân khấu, dự định khi nàng vừa dứt tiếng hát là tôi sẽ đứng lên đưa luôn. Đã mấy lần định làm vẫn không kịp. Nàng vừa cúi đầu chào khán giả là đã có người chực sẵn rước đi ngay. Cái đêm định mệnh mà tôi quyết tâm an bài đã thành công. Khi cầm bản nhạc trong tay, nghe mấy lời lí nhí của tôi, nàng chỉ thoáng nhìn tôi một chút rồi quay vào hậu trường. Đêm đó, tôi nôn nao không ngủ được... Mãi đến hai tuần sau, khi tôi sắp tuyệt vọng vì mỏi mòn chờ đợi thì một đêm kia, khi bước lên bục diễn, dàn nhạc dạo khúc mở đầu thì nàng ra dấu cho dàn nhạc tạm im tiếng để nàng nói vài lời: “Thưa quý vị ! Đêm nay Thúy sẽ trình bày một tác phẩm rất mới của một nhạc sĩ rất lạ tặng cho Thúy. Đó là nhạc phẩm Ướt mi của tác giả Trịnh Công Sơn. Hy vọng đêm nay sẽ có sự hiện diện của tác giả để Thúy được nói vài lời cám ơn”. Nói xong, nàng quay sang ban nhạc, đưa bản nhạc của tôi cho họ dạo nhạc bắt đầu. Nàng cất tiếng hát...."[1]


Tiền bản quyền của ca khúc Ướt Mi mà Nhà xuất bản An Phú đã trả cho Sơn là 5.000 đồng (5), một số tiền quá lớn. Anh đã bất ngờ với số tiền mà mình nhận được. “Dạo ấy, trong đầu hoàn toàn chưa có một khái niệm nào về tiền tác quyền. Ở tuổi hai mươi, trong tâm trí đang còn phơi phới những ý đồ hiệp sĩ. Số tiền năm ngàn hồi ấy quá lớn đã được dùng một phần tặng người ca sĩ và phần còn lại chia đều cho các bạn cùng ở trọ. Mỗi tháng tiền ăn ở cho một học sinh, sinh viên chỉ có năm sáu trăm đồng.
Nguồn cảm hứng đầu tiên ấy đã làm cơ sở cho một loạt những cảm xúc khác thành hình. Như một khu rừng mùa thu yên tĩnh được một cơn gió thổi bùng lên đánh thức lớp lá vàng dậy, tâm hồn tôi đã bắt đầu biết xôn xao theo những tín hiệu, dù nhỏ nhất của cuộc sống. Tôi không còn nhìn ngắm cuộc sống một cách lơ đãng như trước nữa mà càng lúc càng thấy mình bị cuốn về phía những tình cảm phức tạp của con người. Những trái cây đầu mùa ấy còn vụng về, chưa có vóc dáng riêng, nhưng nó mang đến niềm thích thú để từ đó sẵn lòng làm một cuộc hành trình dài lâu đi vào cái bề sâu của âm thanh và ngôn ngữ.” (6)

Mời các bạn nghe Ướt Mi qua tiếng hát Khánh Ly
Một năm sau, năm 1959, một lần nữa, Sơn viết một bài khác, cũng để tặng người đã hát bài hát đầu tiên của mình. Bóng dáng người nữ ca sĩ nhỏ nhắn đêm đêm sau xuất hát hấp tấp bước vào ngõ tối trên đường Cao Thắng trở về nhà với mẹ. Đó là ca khúc Thương Một Người như để chia sẻ trên đôi vai cô ca sĩ trẻ sớm gánh chịu nỗi nhọc nhằn.

Thương ai về ngõ tối
Sương rơi ướt đôi môi
Thương ai buồn kiếp đời
lạnh lùng ánh sao rơi.
(...)
Thương ai về xóm vắng
Đêm nay thiếu ánh trăng
Đôi vai gầy ướt mềm
người lạnh lắm hay không.
Thương một người (7)

Với Thanh Thúy, tình cảm mà Trịnh Công Sơn đã dành cho cô không biết có phải là tình yêu hay nỗi niềm cảm thông trước số phận nghiệt ngã của người đồng điệu? Hình như chính Sơn cũng không phân định được.

(1) Trịnh Công Sơn, Trịnh Công Sơn, Người hát rong qua nhiều thế hệ, Nhà Xuất Bản Trẻ, 2003, tr.16.
(2) Nguyễn Văn Trung, Nhận Định IV , Nam Sơn xuất bản, 1966, tr. 148-150.
(3) Trịnh Công Sơn, Sđd, Nhà Xuất Bản Trẻ, 2003, tr16.
(4) Trịnh Công Sơn, Ướt Mi, Nhà Xuất bản An Phú,1959.
(5) Theo thời giá năm 1956, một lượng vàng khoảng hơn 1.000 đồng .
(6) Trịnh Công Sơn, Trái Đầu Mùa, Bản thảo viết tay.
(7) Trịnh Công Sơn, Thương một người, Nhà xuất bản An Phú, 1960.


P.H sưu tầm.

No comments:

Post a Comment