THƯ NGỎ

WELCOME TO TV6269

Các bạn thân mến,

Năm 1962 chúng mình bước vào Trưng Vương bằng những bước chân ngập ngừng của những cô bé lớp Đệ Thất ngây thơ. Rồi 7 năm học trôi qua những kỷ niệm với bạn bè, với Thầy Cô, với lớp học, với ngôi trường yêu dấu đã để lại trong ký ức của chúng mình tình bạn thân thiết và những kỷ niệm êm đềm, mơ mộng của một thời áo trắng TV.

Ngày nay tuy ở khắp mọi nơi, chúng mình đã tìm gặp lại nhau. Xin chào mừng tất cả các bạn và ước mong qua trang Blog Trưng vương 62-69 này sẽ là nơi gặp gỡ thân ái để TV6269 cùng ra chơi, vui đùa như ngày xưa trong sân trường yêu dấu.

TV6269







Wednesday, June 29, 2016

MUỘN



 
Mẹ gọi điện cho dì, hắt vào máy điện thoại những tiếng gắt gỏng: “Để bà ở bên ấy thêm một tuần nữa thì đã sao? Rồi thì tôi trông bà bù hai tuần. Liền hai tuần được chưa? Tôi có việc nếu không tôi chẳng phải tốn hơi nhờ dì…”
Dì chắc chắn có gắt gỏng lại. Tính dì nóng nảy hơn mẹ nhiều. Từ trước đến nay dì chưa thua mẹ miếng nào. Kể từ khi bà bước sang tuổi 90, không tự chăm sóc bản thân được nữa, dì và mẹ thỏa thuận với nhau mỗi người trông nom bà một tuần. Cũng kể từ đó bà như quả bóng bị đá từ đầu sân này sang đầu sân kia và ngược lại. Mẹ và dì nói nhau trong điện thoại suốt nửa tiếng đồng hồ. Mặt mẹ đỏ phừng phừng, hai hàng lông mày của mẹ rướn lên hết cỡ. Mẹ nhắc lại một số lỗi lầm điển hình của dì. Rồi mẹ kết luận: “Mày chỉ được cái bộ mồm!”
Bố theo dõi cuộc trò chuyện của hai chị em mẹ, lẩm bẩm “chị em mà như chó với mèo!” Mẹ chưa rảnh tay để hục hặc với bố ngay lúc ấy. Kết thúc cuộc điện thoại mẹ quay sang bố dằn từng tiếng: “Việc của chị em tôi không bận gì đến ông!” Bố im lặng. Bố im lặng nghĩa là bố thây kệ, mọi chuyện muốn ra sao thì ra. Dù có biết điều gì đó nên nói bố cũng chẳng thèm hé răng. Một tuần trôi qua. Việc bận của mẹ là việc đi chùa theo kiểu đi “tua”. Đi mười bảy chùa trong một tuần. Ăn chay toàn diện. Thành tâm cúng lễ. Tối chủ nhật mẹ mới về nhà. Không ăn uống, chỉ tắm rửa qua quýt mẹ lăn ra ngủ. Bố thây kệ.
Bố không nói với mẹ rằng sáng thứ hai, sau khi mẹ đã lên xe đi cùng đoàn hành hương, dì gọi điện tới, cáu gắt, nói rằng mẹ nhất định phải sang đón bà, vì dì cũng bận. Và vì tuần đó là phiên mẹ trông bà. Dì không đời nào chịu bị buộc chân ở nhà trong khi mẹ cố tình trốn tránh trách nhiệm. Mẹ ích kỷ, còn dì không phải là người dễ nhân nhượng trước sự ích kỷ. Đấy là tất cả những gì bố biết được qua cú điện thoại bố buộc phải nghe trong lúc mẹ vắng nhà. Bố vẫn nhớ những lời dì nói trong điện thoại. Nhưng bố kệ, không nói lại cho mẹ biết. 
 Ngày thứ hai của tuần tiếp theo bắt đầu. Ngày thứ hai bắt đầu phiên mẹ trông bà, và mẹ sẽ trông bà hai tuần liền để bù cho cả tuần trước mẹ đi chùa. Đến tận tối vẫn chưa thấy dì đưa bà sang nhà mẹ. Mẹ vẫn tức dì, không gọi điện sang nhà dì hỏi tại sao lại như vậy. Cũng có khi mẹ nghĩ cứ để dì trông bà được bao lâu thì trông, khi nào dì đưa bà sang thì khi ấy đến lượt mẹ, việc gì phải lăn tăn.
Một tháng rưỡi trôi qua. Bà chưa được đưa sang nhà mẹ. Mẹ và dì vẫn giận nhau, không ai gọi điện cho ai. Thế rồi một hôm trước cổng nhà mẹ xuất hiện cậu con cả của dì. Cậu ta sinh sống ở nước ngoài, lần này đưa vợ chưa cưới về ra mắt gia đình. “Chào bác, cháu đưa một nửa của cháu sang chào bà và hai bác đây ạ”. Cậu ta vừa cười vừa nói với mẹ trong lúc mẹ mở cổng. Mẹ gật đầu chào, hơi hé miệng cười lấy lệ. “Bà đâu hả bác?” Mẹ cười thành tiếng. “Thằng này, đi Tây về biết hỏi nỡm nhỉ!” “Bà ở trên gác ạ? Không phải gọi bà xuống đâu ạ. Chúng cháu lên chào bà”. Cậu ta nói, cầm tay vợ chưa cưới kéo lên cầu thang.
Mẹ đứng khựng lại như người bị sét đánh. “Bà vẫn ở bên ấy mà? Bên nhà cháu chứ đâu”. “Hì hì, bác cứ đùa!”. “Không, bà vẫn ở bên ấy mà”. Mẹ đứng ở chân cầu thang, nhìn quanh ngơ ngác như người mất trí. Thế rồi bốn cái máy di động cùng hoạt động một lúc. Tiếng bấm máy tít tít. Mẹ kêu trời bằng giọng thất thanh. Cậu con cả nhà dì dắt bạn gái lao ra cổng. Chuông điện thoại reo. Tiếng dì kêu khóc ở đầu dây bên kia nghe váng cả óc. Dì kêu: “Ôi giời ơi là giời. Mẹ tôi đi đâu hả giời. Sáng thứ hai đó, mẹ xách túi quần áo đi ra ngõ, bảo “Mẹ về bên kia đây. Chị cả mày đón mẹ ở ngoài ngõ kia rồi”. Tôi đang bận trông chảo cá rán, chẳng ngó ra được. Cứ ngỡ mẹ được đón sang bên ấy rồi. Ai ngờ! Ối mẹ ơi, giờ này mẹ ở đâu, mẹ ơi!”
Suốt nửa năm trời người của hai nhà chúng tôi đi tìm bà khắp nơi. Chúng tôi đăng tin tìm bà trên nhiều tờ báo giấy, báo điện tử, đăng tin cả trên truyền hình. Chẳng ai biết bà đang ở đâu. Cách đây hai tuần, bỗng nhiên có một người đàn ông tìm đến nhà tôi gặp mẹ. Ông ấy đưa cho mẹ xem một tờ báo có đăng tin bà tôi mất tích. Rồi ông ấy lấy từ trong chiếc ba lô đã cũ ra một chiếc túi vải. Mẹ tôi trông thấy chiếc túi vải, bật khóc nức nở. Chiếc túi vải đó là túi đựng quần áo của bà. Chính tay người đàn ông đó đã đặt bà vào chiếc quan tài mà ông tự bỏ tiền ra mua sau khi phát hiện bà tôi nằm còng queo trước cổng nhà ông, không động cựa và không còn thở. Chiều muộn hôm
đó, tại một nghĩa trang cách nhà chúng tôi gần 60km, mẹ tôi và dì, hai đứa con gái của bà tôi, khóc ngất trước nấm mộ phủ đầy cỏ xanh rì. Một người đi xe máy trên đường, dừng lại bên rìa nghĩa trang nhìn cảnh dì và mẹ tôi khóc vật vã, bùi ngùi nói: “Thương quá! Mồ mẹ cỏ đã xanh nhường kia mà các con vẫn khóc ngất. Thương quá!”.
NGUYỄN BÍCH LAN
Copy từ fb Đinh Lê Vũ

1 comment:

  1. Tôi viết tiếp truyện ..CUỘC ĐỜI CỦA BÀ
    Cô .. lớn lên và đi làm cấp dưỡng cho 1 nhà máy cơ khí ô tô. Tại đây cô đã kết hôn với một công nhân cùng cơ quan. Họ đã có nhau 1 đứa con gái. Tuy 2 người đều làm cơ quan nhà nước nhưng vẫn rất khó khăn tối đến chồng cô phải đi sửa xe đạp ở gần rạp hát. Một tối, công an đến nhà cô báo tin chồng cô bị 1 ô tô vì tránh 1 cháu bé chạy qua đường nên đã đâm phải chồng cô đang sửa xe trên vỉa hè
    Rồi cô được chuyển sang làm tạp vụ cho văn phòng. Với nét đẹp mặn mòi của gái 1 con cùng nụ cười duyên xởi lởi, cô được giám đốc để ý. Cô được chuyển sang việc giao nhận văn thư.
    Giám đốc là người đàn ông 50 tuổi lúc nào ăn nói nhẹ nhàng như quyết đoán. Làm việc gần ông cô thấy mình mở rộng tầm mắt .
    Rồi tiếng sét ái tình đã đến. Họ vụng trộm một thời gian. Vợ giám đốc đã gặp riêng cô đề nghị nghỉ việc cho êm chuyện. Lúc này, cô phát hiện mình có thai..
    Để tránh tai tiếng cho giám đốc, cô xin nghỉ việc (Cùng cái thai bất đắc dĩ).
    Cô đã vật lộn cuộc sống với việc bán 1 mẹt đồ ăn vặt cùng việc phe vé xem phim trước rạp chiếu bóng. Do có đang có bầu và 1 đứa con nhỏ 3 tuổi nên công an khu vực nhiều lần bỏ qua.
    Cuộc sống cứ thế trôi qua cô phải nương nhờ bố mẹ đẻ (vì bố mẹ chồng đã mất từ lâu). Khi đưa thứ 2 của cô 5 tuổi, cô cùng vài người bạn đi buôn vài cân chè khô, mấy tút thuốc lá.. (Cô thuộc thành phần phe phẩy gây rối loại xã hội và không có sổ gạo).
    Dù xã hội khó khăn như vậy, kinh tế của cô khá lên do đi buôn..
    Thời gian thoi đưa, tuy 2 đứa con gái cô đều ngoan và học giỏi, nhưng chúng mỗi đứa một nết. Các con của cô cũng học xong đại học. Cô cũng mua được căn nhà nhỏ. Bố mẹ cô cũng về cõi vĩnh hằng..
    Thời kỳ bao cấp đã hết cô chuyển sang chỉ trỏ mua bán nhà cô kiếm khá tốt. Cô đã bán nhà nhỏ để chuyển tới 1 ngôi nhà lớn ở trung tâm.
    Khi bà 75 thì 2 cô con lớn đã có gia đình con cái đầy đủ. Rồi 1 tai họa nữa ập đến, bà bị lừa khá nhiều tiền. Chỉ còn duy nhất ngôi nhà. Bà phải leo lắt sống qua ngày với tiền cho thuê nhà.
    Vài năm sau, hai cô con bà bàn với bà nên bán căn nhà đi rồi bà sẽ về ở nhà mỗi đứa 6 tháng (Lúc này bà đã 85). Bà chia hết tiền cho bán nhà cho 2 con và chỉ giữ cho mình 1 tiền gửi tiết kiệm để lấy ít lãi làm tiền tiêu vặt.
    Lúc đầu, khi về nhà mỗi cô con gái rất vui và niềm nở. Sau dần bà là gánh nặng cho họ vì bà mắt kém và tê thấp. Thỏa thuận 2 chỉ em luân phiên nuôi dưỡng bà giảm dần và tạm kết thúc với 1 tuần mỗi người.
    Họ thường tỏ khó chịu ra mặt. Bà biết nhưng bà chỉ khóc thầm vì bà 90 tuổi biết làm gì khi mắt yếu chân chậm.
    Bà đã nghe chị em họ cãi nhau nhiều về vấn đề chăm sóc bà. Đến 1 ngày, cô chị đến phiên do bận gì đó, cô em không chịu. Họ cãi nhau rất căng thẳng qua điện thoại.
    Bà đã nói với con út là mình tự đi xe ôm sang nhà con cả
    Bà đã ra đi và không đến nhà ai cả..

    ReplyDelete