THƯ NGỎ

WELCOME TO TV6269

Các bạn thân mến,

Năm 1962 chúng mình bước vào Trưng Vương bằng những bước chân ngập ngừng của những cô bé lớp Đệ Thất ngây thơ. Rồi 7 năm học trôi qua những kỷ niệm với bạn bè, với Thầy Cô, với lớp học, với ngôi trường yêu dấu đã để lại trong ký ức của chúng mình tình bạn thân thiết và những kỷ niệm êm đềm, mơ mộng của một thời áo trắng TV.

Ngày nay tuy ở khắp mọi nơi, chúng mình đã tìm gặp lại nhau. Xin chào mừng tất cả các bạn và ước mong qua trang Blog Trưng vương 62-69 này sẽ là nơi gặp gỡ thân ái để TV6269 cùng ra chơi, vui đùa như ngày xưa trong sân trường yêu dấu.

TV6269







Saturday, May 23, 2015

Nỗi Buồn Hoa Phượng - Thanh Tuyền

NIỀM VUI

NIỀM VUI
Bài viết về cô giáo tôi đã gửi đến Cô của tôi. Ngày hôm sau thật vui, hạnh phúc khi nhận được hồi âm của Cô.

Phương-Lan thương ,
     Cô nhận được bài viết với đề tài thật đặc biệt của Lan, Cô vừa vui vừa........buồn cười . Cô nữ sinh bé bỏng của tôi đã mơ về dĩ vãng, một dĩ vãng xa lắc xa lơ, ở đó có con bé hay hờn dỗi mà cũng tinh nghịch đáo để, cùng lũ bạn cũng bé tý xíu mà cũng biết lập công với Cô giáo , chờ đón Cô từ cửa  để bưng ........tập vở cùng phấn bảng sang trường cho Cô.
       Mà cũng thật cảm động Phương-Lan ạ, cảm động về sự chung thủy và .........tài nhớ dai  của các em. Đã hơn nửa thế kỷ qua mà vẫn không quên Cô từ cử chỉ đến giọng nói cùng cách phục sức của Cô, nhớ thật rõ ràng......." Cô mặc áo dài hàng nội hóa, giọng nói của Cô  êm đềm, "  tao nhớ Cô giáo mình thật đẹp .......". Chao ơi, bà gìà 83 tuổi đọc đến mấy dòng này mới vui làm sao !
        Cô gửi lời cám ơn tác giả bài viết  cho một minh Cô, bài viết với cảm tình lai láng,  và lời thăm cô bạn ở VN hình như cũng không còn bé mà vẫn......lí lắc như ngày xưa.   
    Hiện Cô đang ở dưới này, tại nhà một Bà bạn thân để mai đi đám tang và thứ bảy đi chùa, Chủ nhật Cô mới về trên nhà. Cô không mang số điện thọai của Lan nên Email cho em . Lan gửi thư này cho Khánh-Hòa xem chung với nhé.
            Mong hai em luôn vui mạnh. 
                     Cô Châu-An.

Biết diễn tả thế nào đây để nói hết niềm vui và hạnh phúc của tôi. Niềm vui nhẹ nhàng lâng lâng suốt cả tuần.
Vài tuần sau , một giọng nói nhẹ nhàng , êm ái vẫn còn vang vọng đâu đây_ PLan đó hả, em có khỏe không?  Hỏi thăm sức khỏe của cô thì mới biết cô bị ngã ngoài vườn , Cô rất đau và phải chịu đau suốt 6 tháng., thế mà tôi không hề biết. Em xin lỗi Cô, Cô nhé . Học trò của Cô thiệt là tệ !!!

Cô muốn tôi gửi bài viết" Cô giáo tôi" để đăng vào Đặc san của trường Tiểu học Đa kao sẽ phát hành...Tôi lại nhận được thư mời họp mặt tiền Đại hội  "Trường cũ Thầy xưa" của cựu học sinh trường tiểu học Đa kao . Khi chuyển bài viết cho anh Đức , tôi cũng gửi cho Cô , để Cô đọc những  loi782 nhận xét của các bạn tôi, trong đó có bạn Khánh Hòa ở Việt Nam. Cô lại gọi cho tôi trong một giọng tràn đầy niềm vui và hạnh phúc _ Lan ơi, you make my day , ồ my night chứ_ Cô nói sẽ viết thư cho Khánh Hòa. Chúc Cô có một giấc ngủ ngon, Cô nhé.
Tôi gửi một bài viết mới của tôi về cuộc hội ngộ với các em học sinh tôi đã dạy từ năm 1976 , Cô cùng vui với niềm vui của tôi:

 Monday, July 14, 2014 5:56 PM, "tuduc48@verizon.net" <tuduc48@verizon.net> wrote:
   Phương - Lan  thân,
    Nhận được " Một thoáng hương xưa " của Phương-Lan, Cô gửi lời mừng và chung vui với Lan nhé.
Cũng là một cơ duyên đặc biệt, Cô và Lan, một già một trẻ mà hoàn cảnh giống nhau. Cô già hơn Lan nên nguồn vui của Cô cũng  già, anh chị nào cũng trên dưới 70 tuổi, cháu nội , cháu ngoại đầy đàn, Lan trẻ hơn Cô nên những...búp măng của Lan trẻ trung tươi đẹp quá. Mấy hôm nữa Lan đến họp với Cô, Lan sẽ phải hòa với đám...mạng già của Cô.
Cô dạy học từ 1950 tại Hà Nội, vào Nam năm 1954, đến 1975 thì sang Mỹ. Thấy Lan bắt đầu dạy học năm 75,76 mấy năm đó chắc Lan vất vả lắm, lại dạy xa, đi dạy bằng xe đạp, tội nghiệp. Cô giáo trẻ xinh đẹp quá. Bà giáo già xin gửi lời chia xẻ muộn màng tới nỗi mệt nhọc tinh thần và vật chất của...Cô giáo trẻ thời đó.
     Thôi nhé tạm biệt Lan, hẹn sẽ gặp ngày 20_7.
               Thân ái,
                   Cô.
Tham dự buổi họp mặt tiền Đại hội " Trường cũ Thầy xưa " là vì Cô, vì ngoài Cô ra , tôi chưa biết các anh chị học trò của Cô. Lớ ngớ tìm Cô , thấy Cô và thế là chen vào ngồi cạnh Cô của mình. Nhờ Cô gieo duyên tôi biết thêm nhiều người, nhưng đặc biệt nhất là hai cô em Chi và Diệp. Mới nói được vài câu với Cô thì các anh chị đã mời Cô ra chụp hình. Tôi cũng kịp ghi lại chút kỷ niệm với Cô của tôi.
                      T->P: Như Mai,Diệp, PLan, Chi, Cô Châu An, Hồng,?

Chia tay nhau trong lưu luyến, hẹn gặp lại nhau vào ngày hội ngộ 60 năm !954-2014 vào ngày 7 tháng 9 năm 2014 tại nhà hàng Grand Garden. Thật bất ngờ khi thấy nhiều người quá. Ban Tổ chức thật hay, thật trang trọng, chương trình được chuẩn bị thật chu đáo. Chờ hơn nửa giờ mới thấy Cô giáo tôi đến, chẳng là nhà Cô xa và Cô lại không được khỏe. Phút giây chào đón Cô tôi là giây phút cảm động nhất. Mốt số anh chị ra cửa đón Cô, trong đó có tôi. Tất cả những học trò cũ của Cô đều đứng lên chào Cô như những ngày nào còn trong lớp học, mọi ánh mắt hướng về Cô . Cô tôi chống gậy nhưng nét mặt tươi và sáng ngời niềm hạnh phúc khi nhìn học trò cũ của mình . Niềm vui của người đưa đò thật lớn, nụ cười luôn nở trên môi của Cô .


Chưa bao giờ lại thấy Cô  nói nhiều và hay như hôm nay, Cô nhớ lại những kỷ niệm với học trò, nhớ những ngày trước 75 nhờ anh Khải, học trò ruột và con nuôi của Cô chở Cô đến Tổng Y viện Cộng Hòa để thăm học sinh của mình ở đó. Cô tâm tình về những vui buồn trong cuộc sống...Cho đến bây giờ , giọng nói của Cô mãi còn trong tâm trí của tôi.


Niềm vui nối tiếp niềm vui , chúng tôi , nhũng học sinh của trường Tiểu học Đa Kao ngày nào bên nhau cùng hợp ca bài " Học sinh hành khúc". Lâu lắm rồi mới được hát bài hát này...Học sinh là người Tổ Quốc mong cho mai sau...

Thầy trò cùng bên nhau trong một tấm hình là một hạnh phúc mà không phải ai cũng có được may mắn đó.


Một món quà nhỏ lưu niệm như là một sự biết ơn và tri ân công lao dạy dỗ của Cô. Cô giáo của tôi mới vui làm sao!



Giờ quan trọng đã điểm. Cô Châu An, cô giáo tôi  cắt bánh mừng cuộc họp mặt lịch sử này. Không bỏ lỡ cơ hội hiếm có, tôi tò tò theo chân Cô , đứng bên cạnh Cô, khoác tay Cô để Cô cắt bánh. Chẳng là, nhờ bài viết về Cô mà các anh , các chị cũng mến và thương yêu tôi.

Tôi cứ kè kè theo Cô giáo của tôi, cứ như sợ ai dành mất Cô vậy, cứ làm như chỉ có mình mới là học trò của Cô.


Cũng nhờ Cô gieo duyên mà tôi được gặp lại các anh hàng xóm sau nhiều năm. Anh Khải, con nhạc sỹ Vũ Thành , tác giả Giấc mơ hồi hương, anh Tấn, con bác Vũ Khánh, mỗi lần đi ngang nhà anh( nhà anh số 9, nhà tôi số 13)lại thấy bác Khánh đứng trước gương kéo violon,anh Khiêm vui tính. Lại được gặp lại chị Bích Hà, con cô giáo Minh ở trước cửa nhà tôi( nhà chị số 16). Cám ơn Cô, Cô thân yêu của em.Nhờ Cô em gặp lại được bao nhiêu tình thân.

                                             PLan và chị Bích Hà

                                  Anh Khải, PLan, anh Khiêm, anh Tấn

Bao nhiêu chuyện được nghe, bao nhiêu chuyện được kể, niềm vui này nối tiếp niềm vui kia...Hạnh phúc lớn nhất của tôi là được gặp lại Cô giáo của tôi, được bên Cô trong nhiều tấm hình . Đó là những kỷ niệm ngọt ngào, không thể nào quên. Hạnh phúc nữa là được biết hai cô em Chi và Diệp. Đúng là duyên hạnh ngộ. Ba chị em chúng tôi cùng gặp lại Cô một ngày và từ đó tình thân của chúng tôi ngày càng đậm đà. Cám ơn hai cô em dễ thương nhé.


Thêm một hạnh phúc khi được cùng cô bạn học chung hai mái trường, Tiểu học và Trung học trong một tấm hình, đã vậy hai đứa chúng tôi lại còn được mừng sinh nhật chung nữa. 
Cám ơn bạn Phúc B nhiều nhiều.


Tuy hơi bị mờ, nhưng đây là tấm hình tôi rất thích, ba chị em chúng tôi bên Cô giáo thân yêu, người đã dạy chúng tôi bao nhiều điều  tốt đẹp trong cuộc sống này.

Xin được chân thành cám ơn tất cả các anh , các chị trong Ban Tổ chức đã cho chúng tôi có một ngày hội ngộ " Trường Đa Kao Di chuyển 1954-2014, 60 hội ngộ Trường cũ thầy xưa" thật có ý nghĩa và đậm đà tình thân của những học trò xưa cũ đối với Cô giáo thân yêu . Chúng con luôn nhớ đến Cô như người Mẹ thứ hai của chúng con. Cám ơn công lao dạy dỗ của Cô. Chúng con luôn yêu thương Cô.

 PHƯƠNG LAN HB
12:39 AM 05-22-2015

Thursday, May 14, 2015

THÁNG 5 VÀ NHỮNG HOÀI NIỆM

THÁNG 5 VÀ NHỮNG HOÀI NIỆM


Mỗi độ tháng 5 về, những giai điệu da diết, bình yên trong bài hát của Bee Gees lại gợi lên trong bao người nghe những ký ức về một miền quá khứ xa xôi.
Tháng 5 về, những giọt nắng đầu tiên nhuộm vàng khoảng sân tĩnh lặng, những con đường quen thuộc ngập tràn lá úa trong thời khắc chuyển giao sang mùa hạ. 
Tháng 5 về, những tà áo trắng học trò rong ruổi trên những chiếc xe đạp trong ngày chia tay
Tháng 5 về, thời gian cho những hoài niệm trở về trong một ngày bình yên. Trong ngày đầu tiên của mùa hè, bất chợt gặp lại những giai điệu xưa cũ như First of May của Bee Gees có thể khiến bất kỳ ai cũng phải bâng khuâng, xao xuyến
When I was small, and Christmas trees were tall,
we used to love while others used to play.
Don't ask me why, but time has passed us by,
some one else moved in from far away.


Now we are tall, and Christmas trees are small,
and you don't ask the time of day.
But you and I, our love will never die,
but guess who will cry come first of May.


The apple tree that grew for you and me,
I watched the apples falling one by one.
And I recall the moment of them all,
the day I kissed your cheek and you were gone.

When I was small, and Christmas trees were tall,
do do do do do do do do do...
Don't ask me why, but time has passed us by,
some one else moved in from far away.


Những câu hát của First of May đưa người nghe trở lại thời thơ bé tươi đẹp với những ký ức tình cảm trong sáng, hồn nhiên. Thưở còn bé, mọi thứ xung quanh ta đều thật to lớn. Tình yêu cũng là một thứ gì đó quá sức “vĩ đại”. Tuy nhiên, những đứa trẻ dường như rất tự tin khẳng định mình “đã biết yêu” khi có những rung động với cô bạn, cậu bạn ở nhà bên, cùng lớp hay đơn giản là mới gặp trong một ngày tình cờ.Thời gian trôi đi, những đứa trẻ rồi cũng lớn lên. Những hình bóng năm xưa đã rời đi xa và trở thành những kỷ niệm
Khi đã trưởng thành, ai cũng có những thay đổi lớn về mặt nhận thức với thế giới xung quanh. Mọi thứ đôi khi đều trở nên bé nhỏ trước một tầm nhìn rộng lớn. Tình yêu lúc này với mỗi người cũng đã khác. Có những người đã trải nghiệm đủ các dư vị ngọt đắng của tình yêu, có những người vẫn tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm nó. Cuộc sống tấp nập khiến ta quên đi tình yêu trẻ con năm xưa, cho tới ngày đầu tháng 5, những kỷ niệm ấy chợt ùa về trong những giai điệu thiết tha, gợi lại cả một miền quá khứ xa xôi.
Thời gian có thể làm thay đổi con người, làm rơi rớt những hoài niệm nhưng không thể làm mòn quá khứ, kỷ niệm. Ký ức về mối tình đầu sẽ là thứ chẳng bao giờ có thể xóa nhòa. 
Có những người ta gặp trong cuộc sống này, tưởng rằng người đó sẽ đi cùng ta tới cuối con đường nhưng đến một ngày, họ ra đi. Tình yêu có lẽ chẳng thể vĩnh cửu như người ta vẫn thường nói. Trong cả cuộc đời mình, con người vẫn luôn tìm kiếm tình yêu.. Bạn không thể biết được lúc nào tình yêu đến với mình, cũng như lúc đó rời đi. Tình yêu vốn không thể ràng buộc, nó giống như một sợi dây mong manh vờn trên đôi bàn tay, có thể dễ dàng nắm lấy nhưng cũng có thể đứt rời ngay lập tức.
Thời gian cứ thế trôi đi, con người không ngừng sống và yêu. Để đến một lúc nào đó, những ký ức thân thương của tuổi thanh xuân trở về trong một bản nhạc quen thuộc, vang lên đúng vào một thời điểm lãng đãng, giúp bạn thoát khỏi những phiền muộn của cuộc sống hiện tại để trở về với tuổi trẻ của mình trong phút chốc. 
Hãy  mỉm cười với quá khứ. Có những người đến và đi trong cuộc sống của chúng ta nhưng ký ức về họ thì luôn là mãi mãi. Một ngày tháng 5 đầy ắp hoài niệm, hãy thả tâm hồn mình vào giai điệu ngọt ngào của âm nhạc  và tìm lạị hình bóng năm ấy chúng ta cùng theo đuổi. 
Nguyên Minh


Monday, May 11, 2015

MẸ

MẸ



Thật đáng yêu và cảm động, mỗi năm tại Hoa kỳ, vào tháng 5 người ta lại rộn ràng chào đón ngày Mothers’Day
Đã có bao nhiêu thơ ca ca ngợi về người mẹ, từ ngàn xưa cho đến ngày nay và mãi mãi mai sau, viết về mẹ vẫn là vô cùng.
Cho dù ở đâu, bất cứ một xứ sở, xã hội nào, văn minh hay lạc hậu, người Mẹ cũng vẫn là thần tượng vĩ đại nhất của con người. Mẹ là người sáng tạo ra nhân loại, ban phát tình yêu, ân sủng cho con người.
Vâng, tình mẫu tử bao giờ cũng là thứ tình cao cả thiêng liêng nhất trên thế gian này. Như một câu danh ngôn của thế giới “ Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt hảo nhất vẫn là trái tim của người mẹ”
Chẳng ai thay thế được mẹ. Chẳng ai đẹp bằng mẹ. Nhất là chẳng có ai hy sinh cho con tuyệt vời hơn mẹ, hơn cha …
Mẹ bao giờ cũng nhận về mình những nỗi bất hạnh, sự đau khổ, điều oan nghiệt và bất công có khi do chính những người con của mẹ gây nên.
Thiên chức làm mẹ từ nghìn xưa là niềm tự hào cao cả, kiêu hãnh và vinh quang mà mẹ cảm thấy hạnh phúc. Niềm sung sướng hạnh phúc nhất của mẹ phải chăng là cái khoảnh khắc nghe thấy tiếng khóc đầu tiên của đứa con vừa chào đời, thấy gương mặt con với cái nhìn đầu tiên. Mẹ quên cả sự đau đớn thể xác chỉ còn biết đứa con yêu, một thiên thần bé bỏng…
Mẹ nuôi con không kể nhọc nhằn bao ngày tháng.
Mùa xuân đến với trần gian tươi đẹp nhưng mùa xuân mỗi lần đến với mẹ là mỗi lần tóc mẹ, mắt mẹ lại nhạt phai…
Con lớn lên rồi rời xa tay mẹ
Mẹ vẫn cười nghiêng theo bóng đời con
Khi vấp ngã con gọi “Mẹ ơi” rất khẽ
Đỡ con lên, mẹ hỏi “có đau không?”
(Khuyết danh)
Bây giờ xin gửi đến quý bạn, quý em, các con cháu của tôi một câu chuyện cảm động và đầy ý nghĩa , đọc và sẽ ...muốn khóc!
Câu chuyện mang một ý nghĩa rất cao cả.
Có những điều tưởng như nhỏ bé thôi nhưng nếu ta vô tình không để ý đến thì ta sẽ không nhận ra rằng hạnh phúc không ở đâu xa mà chính chỉ là những điều giản dị thôi.
Chỉ một câu nói rất hồn nhiên và quá đơn giản :
"Thưa chú, đây là nhà của mẹ cháu!" đã làm cho đau đớn biết bao trái tim của những người đang và đã sống."
Sau đây là nội dung câu chuyện ấy:
Hoa hồng tặng Mẹ
Anh dừng lại tiệm bán hoa để gửi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện. Mẹ anh sống cách chỗ anh ở khoảng 300km. Khi bước ra khỏi xe, anh thấy một bé gái đang khóc trên vỉa hè. Anh đến và hỏi : tại sao em lại khóc?
Cô bé nức nở trả lời:
- Cháu muốn mua một bông hồng để tặng mẹ cháu, nhưng cháu chỉ có 75 xu trong khi một bông hồng giá đến 2 đô la.
Anh mỉm cười và nói với nó:
- Đến đây, chú sẽ mua cho cháu
Anh liền mua hoa cho cô bé và đặt một bó hồng để gửi cho mẹ anh. Xong xuôi, anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không. Nó vui mừng nhìn anh trả lời: -
Dạ, chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu.
Rồi nó chỉ đường cho anh đến một nghĩa trang, nơi có phần mộ vừa mới đắp. Nó chỉ ngôi mộ và nói:
- Đây là nhà của mẹ cháu.
Nói xong nó ân cần đặt nhánh hoa hồng lên mộ.
Lặng người chứng kiến cảnh cảm động đó, lập tức anh quay lại tiệm bán hoa, hủy bỏ dịch vụ gửi hoa vừa rồi và mua một bó hoa hồng thật đẹp. Suốt đêm đó, anh đã lái một mạch 300km về nhà mẹ anh để trao tận tay bà bó hoa đó.
(Bích Huyền)
***
"Hãy hành động và bày tỏ những tình cảm, yêu thương khi ta còn có thể và khi người nhận còn có thể cảm nhận được"

Sunday, May 10, 2015

THƯƠNG NHỚ MẸ TÔI

THƯƠNG NHỚ MẸ TÔI



Mẹ thương yêu của chúng con,

Chúng con , Tú ,Vân , Lan ,Hà, Hòa, Hợp, Trâm , Vũ và Thảo, con dâu của Mẹ xin được thắp một nén nhang tưởng nhớ đến Mẹ. Chúng con nhớ Mẹ nhiều lắm. Xin Mẹ tha lỗi cho chúng con. Nhiều lúc chúng con không ngoan, làm phiền lòng Mẹ, nhưng chưa bao giờ Mẹ trách mắng hay la rầy chúng con. Bao giờ Mẹ cũng dịu dàng, thương yêu , lo lắng cho chúng con.Mẹ là một người Mẹ tuyệt vời của chúng con. Mẹ không đọc kinh Phật, Mẹ ít đến chùa nhưng tâm của Mẹ từ bi , lòng của Mẹ bao la rộng lớn . Mẹ là tất cả của chúng con. Chúng con yêu Mẹ lắm, chúng con thương nhớ Mẹ nhiều , Mẹ có biết hay không?

Mẹ thương yêu ơi, 9 lần Mẹ mang nặng đẻ đau , chị Liên con đã rời xa Mẹ từ nhỏ, còn lại 8 chị em, Mẹ chăm sóc lo lắng từng đứa, từng đứa một. Ba đi làm , công việc nhà một tay Mẹ lo toan, con cái, giặt giũ, bếp núc Mẹ đều chu toàn. 

Mẹ không hay nói, chỉ lặng lẽ làm. Sống ở Sài Gòn nhiều năm là thế, mà ngay cả chợ Bến Thành Mẹ cũng chưa hề đặt chân đến. Đường Mẹ đi là từ nhà ra chợ Đa kao rồi lại trở về căn nhà số 13 quen thuộc. Chỉ có ngày Tết  là Mẹ cùng gia đình đến nhà bà ngoại chúc tết. Khi có giỗ Bà ngoại của Mẹ, hai mẹ con cùng ngồi xích lô đến nhà bà Vân ăn giỗ. Mẹ bảo hạnh phúc gia đình ở đây , ngay trong nhà mình con ạ.  Mẹ ơi, chúng con nhớ Mẹ
Cả nhà ai cũng thích ăn bún thang , nhưng không ai dám cắt cổ gà, chỉ có mẹ. Mẹ còn nhớ không, Mẹ cầm cổ, con cầm hai cánh và hai chân con gà để Mẹ làm. Con cũng sợ lắm nhưng con thương Mẹ. Ai cũng sợ tội, chỉ có Mẹ vì gia đình.  Mẹ ơi , hình ảnh Mẹ ngồi giã cua để nấu canh rau muống, hình ảnh Mẹ ngồi trên chiếc ghế nhỏ rang duốc mãi còn ghi khắc trong lòng chúng con. Chúng con nhớ Mẹ.

Mẹ thương yêu của chúng con, ngay cả việc học hành của chúng con cũng một tay Mẹ lo liệu. Con nhớ Mẹ nắm tay con dẫn con đi học ở trường Tiểu học Đa kao. Con nhớ khi thi vào Đệ Thất trường Trưng Vương , Mẹ là người dạy con từng bài Toán, Mẹ ngồi dò bài cho con, thế mà con vẫn bị rớt năm ấy, để năm sau mới vào được trường Trưng Vương như ước mơ của Mẹ muốn con được học ở một ngôi trường mang tên hai vị nữ lưu của dân tộc. Chúng con cám ơn Mẹ.

Mẹ ơi, xin Mẹ hãy tha lỗi cho chúng con, Mẹ nhé. Khi tuổi già, làm việc vất vả, Mẹ mỏi mệt , nhờ chúng con đấm lưng, bóp tay chân cho Mẹ, chỉ mới được ít cái thì chúng con đã than là mỏi, Mẹ chỉ nhẹ nhàng  , mới có mấy cái mà đã mỏi, không giận hờn, không la mắng chúng con. Chúng con xin lỗi Mẹ. Bây giờ, chúng con muốn được đấm lưng , xoa bóp tay chân cho mẹ thì Mẹ đã rời xa chúng con rồi, Mẹ ơi.

Rồi lịch sử sang trang, cả nước gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Mẹ vẫn lặng lẽ nhặt từng hạt cỏ may trong gạo, Mẹ âm thầm vo từng viên than đá để nấu cơm, Mẹ xoắn từng vắt mì phơi khô để dành cho ngày mai.Con vẫn nhớ hình ảnh Mẹ cặm cụi ngồi băm thành sợi một chậu thạch to .Mẹ luôn dành phần chia thịt, ướp thịt cho những ngày cuối năm gói bánh chưng. Những việc khó khăn , nhọc nhằn nhất Mẹ dành phần, để chúng con có thể đến trường. Chúng con đã khôn lớn, có gia đình riêng , Mẹ vẫn thương yêu , chăm sóc. Những lúc mải vui với bạn, về muộn , đã thấy bóng Mẹ ngồi chờ chúng  con ở bậc thềm. Mẹ chỉ biết cho mà không cần nhận lại. Chúng con biết ơn Mẹ. Chúng con yêu và nhớ Mẹ lắm , Mẹ ơi.


Con nhớ về Mẹ và viết những dòng này trong nước mắt. Chúng con có được ngày hôm nay tất cả phần lớn là vì có Mẹ, Mẹ thương yêu của chúng con. Những ngày sống xa nhà, bận bịu với cuộc sống, chúng con cũng chỉ biết hỏi thăm Mẹ qua điện thoại. Lúc nào Mẹ cũng ân cần hỏi han về cuộc sống của chúng con. Không nghĩ về mình, chỉ nghĩ đến con là Mẹ, Mẹ yêu quý của chúng con.
Về thăm Mẹ năm 2005 khi Mẹ đã yếu, thân Mẹ gầy gò như cánh cò lặn lội bờ sông. Buồn, xót xa vì thương Mẹ. Mẹ vẫn là một người Mẹ tuyệt vời của chúng con. Chúng con yêu Mẹ. Hình như ít khi thấy Mẹ cười dòn vang, nụ cười của Mẹ cũng nhẹ nhàng , thể hiện niềm vui qua khóe miệng. 


Lại về thăm Mẹ với người bạn đời năm 2007 khi tin Mẹ bệnh nặng. Mẹ vẫn gầy gò thân hạc nhưng tâm Mẹ luôn bình an. Ngày xưa Mẹ đã ít nói, bây giờ lại càng không muốn nói, con chỉ biết cầm tay Mẹ vuốt ve bàn tay gầy guộc. Các em con đã kề cận Mẹ ngày đêm chăm sóc Mẹ. Các em con thật vất vả vì vẫn phải đi làm. Cám ơn các em Hòa, Hợp, Trâm, Thảo Vũ và chị Tú. Cứ mãi hỏi Mẹ về tên các con , các cháu. Cứ mãi hỏi Mẹ về Bà ngoại, tên các cô , các chú., Mẹ nhớ từng người một, không thiếu một ai. Hỏi nữa Mẹ phàn nàn, hỏi gì mà hỏi lắm thế . Rồi Mẹ được nghe giọng nói của cô Định, cô Vinh từ Hà nội. Chúng con thấy Mẹ vui, niềm vui cuối cùng của Mẹ. Và Mẹ đã ra đi , bỏ lại chúng con bơ vơ. Mẹ ơi , Mẹ kính yêu ơi. Chúng con yêu thương Mẹ . Chúng con nhớ Mẹ nhiều. .Chín chị em chúng con đã bên nhau trong mái nhà thân yêu, nhưng không còn Mẹ nữa rồi.


 Còn có Mẹ, tôi còn tất cả
Mẹ đi rồi, tất cả cũng đi theo.
Mẹ kính yêu ơi, chúng con yêu Mẹ, chúng con nhớ Mẹ nhiều.

PHƯƠNG LAN HB
May 10, 2015 ,11:24PM  Mother's day


Saturday, May 9, 2015

CHÚT DUYÊN HỘI NGỘ

CHÚT DUYÊN HỘI NGỘ

Sáng thứ bảy, Cali không có nắng ấm chan hòa, bầu trời xam xám, không trong xanh, gió chỉ hiu hiu cho vừa thương nhớ.

Sáng thứ bảy, niềm vui đến bất chợt khi được nghe giọng nói của những thân tình bè bạn , kể lể , tâm tình, hẹn hò gặp gỡ. Một cô em học chung trường Tiểu học ,Trung học và Đại học, một cô bạn ở xa chưa gặp lại từ ngày rời xa mái trường Trưng Vương , một cô bạn cùng chung Đại học , tiếng nói quen quen. Ba giọng nói, một tình thân. Hạnh phúc đôi khi thật giản dị.

Brodard là nơi chốn hẹn hò của nhóm bạn chúng tôi, cùng chung mái trường Đại học Sư Phạm Sài gòn, không cùng tuổi tác, không cùng môn học, nhưng tình thân ái ngày càng đậm đà, nồng thắm.
Gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, kỷ niệm xưa được gợi lại, có vui , có buồn. Nga, cô em út của lớp Việt Hán 1 năm nào đây, vẫn tiếng cười, giọng nói đó, vẫn nước da ngăm ngăm duyên dáng. Chào mừng Nga trong ngày hội ngộ. Nguyễn Xuân Sương , lớp Việt Hán 3 năm nào, khóa 13 của Việt Hán , khóa cuối cùng được mũ áo xênh xang ra trường trước 1975. Anh vẫn đạo mạo, vẫn còn giữ phong cách của ngày nào , thời gian cũng dừng lại đâu đó nơi anh. Chào mừng anh gia nhập nhóm chúng tôi. Vẫn là những khuôn mặt quen thuộc có mặt trên từng cây số , Châu Hà, Tuấn , Tuy, Minh Hải, Xuyến, Oanh ,Thu Thủy, anh Nam , Mai , một thân hữu và tôi . Còn gặp nhau thì hãy cứ vui. Và chúng tôi đã vui , cười, nói, ăn uống suốt nhiều giờ. Người nói, người nghe , có khi không biết nghe ai, chỉ biết là trên khuôn mặt của chúng tôi rạng ngời hạnh phúc.

Gia đình ĐHSP Sài gòn .



Đứng T->P:Tuấn,Xuyến,Tuy,Nga,Sương,M.Hải
Ngồi T->P: PLan,Thu Thủy,Châu Hà,Oanh

Biết bao chuyện được kể, biết bao chuyện được nghe, cho nên chẳng cần đi một ngày đàng, cứ gặp nhau là mang được về nhiều sàng khôn. Gặp nhau mà không có hình thì là một thiếu sót vô kể. Thức ăn có thể không ngon lắm , nhưng hình ảnh ghi lại vẫn là điều cần thiết. Mỗi tấm hình là một kỷ niệm, mỗi tấm hình là một niềm vui. 



Cám ơn các phó nhòm đã cho chúng tôi nhiều tấm hình đẹp. Thương lắm cho bác phó nhòm, mới chớp được một kiểu thì âm thanh lại vang lên - còn máy này nữa - . Hình chưa đẹp là lại yêu sách chụp lại. Thế cơ chứ!  Các bác phó nhòm ơi, chúng tôi luôn biết ơn công sức của các bác.



Giàn hoa ti gôn hồng thắm đã níu bước chân của chúng tôi. Ôi giàn ti gôn mới đẹp làm sao . Chúng tôi thả hồn về những ngày hoa mộng  với bài thơ " Hai sắc hoa ti gôn"của T.T.KH.  Lúc này thì nỗi buồn vu vơ đó đã chìm vào quá khứ, chỉ còn lại những nàng thiếu nữ không còn trẻ xúm xít, cười vui bên nhau cạnh giàn hoa với nụ cười như trẻ thơ. Vui kể gì!

 Chỉ thương và tội nghiệp cho giàn hoa, đẹp là thế mà 10 đứa chúng tôi lại che mất , may mà đâu đó vẫn còn thấy em, ti gôn ạ.


 Tuy ơi, Nga ơi , sao lại nhắm mắt thế kia...Nhắm mắt để thấy một chân trời hạnh phúc của cuộc hội ngộ hôm nay sau gần 40 năm của lớp Việt Hán 1, phải không hai bạn? Mắt nhắm để tận hưởng niềm vui.Tuấn, chàng trai nước Việt cũng vui không kém. Hạnh phúc là đây, ngay phút giây này.Chúc mừng các bạn.

 Tôi cũng không bỏ lỡ dịp may hiếm có , phải ghi lại kỷ niệm với cô em Việt Hán 1. Hai trưởng lớp năm nào bên nhau thật thân ái.


Trà sữa ở quán 85C bên cạnh thật là ngon. Lại xúm xít bên nhau nghe Thu Thủy nói về chương trình họp mặt tháng 7 sắp đến với Cường Mai và Hồng Nhung từ Houston đến. Cùng bàn, cùng nói, cùng vui. Niềm vui đang chờ đợi chúng tôi ở phía trước. Lại tìm niềm vui qua chụp selfie...Giơ máy ảnh ra xa để chụp cho cả nhóm thì quý nhân xuất hiện, một cô nàng hân hoan xung phong chụp cho bọn tôi một tấm hình. 1,2,3 say cheese..nhiều cheese quá trong tấm hình này.


Lại muốn chụp thêm hình kỷ niệm , tôi để tự động nhưng không được, bỗng đạp trúng cái chân của Tuấn, ủa cái chân của máy chụp hình của chàng Tuấn chứ,Tuấn ta bèn xung phong chụp và đây là tài nghệ của chàng.

Bảy nụ cười tươi tắn, hai nửa  nụ cười của Oanh và Xuyến, và tôi bỗng được tàng hình, may nhờ Oanh níu tay áo  nên còn chút màu hồng. Thế cơ chứ! PLan tôi bèn trổ chút tài mọn để không mất chỗ trong tấm hình.

Ấm áp bên nhau
Cám ơn Hải đã đọc được ý nghĩ của tôi và cám ơn Tuấn đã cho tôi một tấm hình thật đẹp, thật tươi tắn bên giàn hoa ti gôn. Chúng ta cám ơn nhau cho buổi hội ngộ này. Lời cám ơn cuối dành cho Nga là nhân vật chính của cuộc họp mặt này. Thân ái chúc Nga về nhà bình an .

PHƯƠNG LAN hb
7:39 PM 05/09/2015



Friday, May 8, 2015

ĐẮM SAY TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG QUA ĐÊM NHẠC " TIẾNG NƯỚC TÔI"

Đắm say tình yêu quê hương qua đêm nhạc "Tiếng Nước Tôi"
(VienDongDaily.Com - 02/05/2015)
Bài BĂNG HUYỀN
Tối 25-4-2015 tuần qua, đêm nhạc “Tiếng nước tôi” diễn ra tại hội trường VNCR đã đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả trong ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 4. Đêm nhạc là lần ra mắt đầu tiên của câu lạc bộ Tiếng Hát Việt (do nhạc sĩ Huy Cường sáng lập, anh cũng là người phụ trách âm nhạc chính trong đêm nhạc, cùng tiếng đàn guitare của Lê Thăng), và cũng là dịp để mọi người ngồi lại bên nhau cùng tưởng nhớ đến quê hương sau 40 năm phải bỏ nước ra đi. Đã 40 năm rồi, năm nào cũng vậy, tháng 4 mãi luôn là tháng những người tị nạn Việt Nam không thể nào quên. Nhiều người không khỏi bâng khuâng, ngậm ngùi khi nhớ đến Quê Hương, dường như những ngày tháng cũ chưa bao giờ có thể phai nhạt trong ký ức và trái tim của họ. Mặc dù họ đã phải tạm quên trong bao nhiêu năm tháng để mưu sinh, để chăm lo cho con cái, gia đình, và dẫu nỗi đau không còn nhức nhối, nỗi buồn không còn da diết như những năm đầu nơi đất khách, nhưng vết hằn vẫn còn đó trong trái tim những người Việt lưu vong.
Phần trình diễn mở màn của Nga Mi- Trần Lãng Minh qua liên khúc “Tình hoài hương- Tình ca” của Phạm Duy. (Băng Huyền/Viễn Đông)


Đêm nhạc là dịp để người hát chia sẻ với người nghe nỗi lòng, tâm tư của con người Việt Nam, thân phận Việt Nam qua các nhạc phẩm phản ánh từ những góc nhìn, những tình cảm của các nhạc sĩ dành cho quê hương qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Giúp người nghe vẽ lại trong ký ức mình những hình ảnh đẹp nhất của một quãng đời đã sống, về một Quê Hương tươi đẹp đã vĩnh viễn lìa xa. Cũng vì cái duyên ấy, vì cái lẽ ấy, nên rất đông khán giả đã đến dự đêm nhạc, người đến trễ không còn ghế ngồi, phải đứng chen chúc nhau dọc các lối đi, mà vẫn kiên nhẫn ở lại cho đến phút cuối chương trình, còn người đến trễ hơn, không thể len vào được bên trong, đành ngậm ngùi ra về.
 Khán giả trong đêm nhạc. (Băng Huyền/Viễn Đông)
 
Vẻ đẹp trong từng ca khúc và sự hoài nhớ về quê hương
24 ca khúc trong đêm nhạc “Tiếng nước tôi”, trừ 2 ca khúc “Ráng Chiều” của ca sĩ trẻ Thái Uy sáng tác và hát và “Sài Gòn ơi tôi sẽ về” của Trần Lãng Minh sáng tác và hát, còn lại đều là những ca khúc vốn rất quen thuộc với người nghe, nhưng chẳng bao giờ cũ, bởi tình cảm dành cho quê hương của những người Việt ly hương sẽ chẳng bao giờ phai tàn theo thời gian.
Màn kết thúc của đêm nhạc khi tất cả ca sĩ cùng hát vang câu hát “Tôi yêu tiếng nước tôi” trong ca khúc Tình Ca của Phạm Duy. (Băng Huyền/Viễn Đông)
 
Lần lượt từng ca khúc đã được các ca sĩ gửi đến khán giả, với liên khúc Tình ca và Tình Hoài Hương (Phạm Duy), Thuyền viễn xứ (Phạm Duy), Người di tản buồn (Nam Lộc), Lời kinh đêm (Việt Dzũng), Quê hương bỏ lại (Tô Huyền Vân), Tình khúc cho Sài Gòn (Vô Thường), Ráng Chiều (Thái Uy), Xin đời một nụ cười (Nam Lộc), Khóc một dòng sông (Đức Huy), Em đi rồi (Lam Phương), Hà Nội ngày tháng cũ (Song Ngọc), Trả lời thư em (Trần Quang Lộc), Đêm nhớ về Sài Gòn (Trầm Tử Thiêng), Tôi muốn mời em về (Việt Dzũng), Đôi mắt người Sơn Tây (Nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ từ thơ Quang Dũng), Chân trời tím (Trần Thiện Thanh), Áo anh sứt chỉ đường tà (Nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ của Hữu Loan), Đường xưa lối cũ (Hoàng Thi Thơ), Tiếng ru ngàn đời (Huỳnh Anh), Nhớ Sài Gòn (Quốc Hùng), “Biết bao giờ trở lại” (Ngô Thụy Miên), Một lần miên viễn xót xa (Nguyễn Đức Thành), Cõi buồn (Anh Bằng), Hương xưa (Cung Tiến).
24 ca khúc là những gợn sóng vỗ về tâm tưởng người nghe, là những hoài niệm về cố hương, gợi lên nỗi buồn sâu thẳm trong khắc khoải, bùi ngùi của một trang sử dân tộc quá nhiều đớn đau, đó không chỉ là nỗi đau hành trình tị nạn khi Sài Gòn đã mất, mà còn là những trải nghiệm đau buồn của người Việt xa xứ, là nỗi lòng của người ra đi gửi nhớ thương về quê nhà.
Ca sĩ Vân Khanh hát “Em đi rồi” (Lam Phương) . (Băng Huyền/Viễn Đông)

Sự đồng cảm luôn làm con người gần gũi nhau hơn. Đồng cảm trong sự mất mát chia li, đồng cảm trong niềm vui tương ngộ và trong nỗi buồn xa xứ. Hoàn cảnh xa quê mỗi người mỗi khác, thành bại của mỗi một đời người khác nhau nhưng nỗi lòng nhớ quê không có gì khác biệt. Những khán giả đến thưởng thức đêm nhạc và các ca sĩ trong chương trình đều đã tìm được sự đồng cảm bên nhau và cảm xúc ấy tiếp tục lưu giữ thật lâu trong tâm thức mỗi người mỗi khi hoài vọng về quê hương bên kia bờ đại dương.
Nhạc sĩ Huy Cường là người sáng lập câu lạc bộ Tiếng Hát Việt cùng bien tập chương trình đêm nhạc Tiếng Nước Tôi, ca sĩ Kim Yến gửi lời chào khán giả. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Những tiếng hát trong chương trình
Ngay từ giây phút đầu tiên, tiếng hát, tiếng đàn guitare của Trần Lãng Minh và Nga Mi cùng tiếng sáo của nghệ sĩ Ngọc Nôi, đàn keyboard của Huy Cường đã khiến người nghe không khỏi xao xuyến, bâng khuâng trước bức tranh quê được vẽ ra từ nỗi hoài hương, với những ca từ nhẹ nhàng, êm ái như xuyên thấu vào chỗ thẳm sâu nhất trong mỗi con tim người Việt. Khơi dậy những tình cảm sáng trong dành cho quê hương xứ sở; cho “tiếng nước tôi”, là thứ tiếng đẹp nhất, phong phú nhất, thiêng liêng nhất với mỗi người dân Việt; là âm thanh diễn đạt của hồn Việt, trở thành một gia tài vô giá với những người Việt ly hương, qua liên khúc “Tình hoài hương và Tình ca” của Phạm Duy. Những đoạn ngân dài tha thiết, những đoạn nhấn nhá, luyến láy trogn liên khúc này đều được Nga Mi thể hiện rất thành công. Mở đầu phần 2, Nga Mi và Trần Lãng Minh tiếp tục rung lên những sợi dây xúc cảm trong khán giả qua phần diễn ngâm bài thơ “Đôi Bờ” (thơ Quang Dũng) của Trần Lãng Minh kết hợp với phần hát của Nga Mi thật truyền cảm ca khúc “Đôi mắt người Sơn Tây” (Nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ từ thơ của Quang Dũng).
MC Bùi Đường. (Băng Huyền/Viễn Đông)
Tiếng hát của Trần Kim Yến dẫu luyến láy chưa thật điêu luyện, nhưng chị cũng đã chuyển tải được phần nào tình cảm như sóng trong lòng người thương nhớ quê hương, qua ca khúc “Thuyền Viễn Xứ” (Thơ Huyền Chi, nhạc Phạm Duy) và thật da diết, sâu lắng khi hát “Tiếng ru ngàn đời” (Huỳnh Anh).
Vũ Hiền đã không thành công khi hát “Người di tản buồn” (Nam Lộc), ca khúc không vui nhưng đôi chỗ chị lại mỉm cười với người quen bên dưới sân khấu, và còn tạo dáng để chụp hình. Chị đã không đặt hết tâm trạng và cảm xúc của mình vào ca khúc, nên tiếng hát của chị đã không lưu lại trong tim người nghe.
Kim Yến đầy tâm trạng, khắc khoải khi thể hiện “Lời kinh đêm” (Việt Dzũng), chỉ tiếc là giọng hát chắc khỏe đầy rung cảm của chị khi hát ca khúc này có đôi chỗ bị nghẹn lại ở những nốt trầm, nghe không rõ lời, giá như chị tiết chế được giọng hát đầy “lửa” của mình chút nữa thì cảm xúc người nghe sẽ tròn đầy hơn. Nhưng khi chị hát “Một lần miên viễn xót xa” (Nguyễn Đức Thành), chị đã chinh phục người nghe với tất cả sự da diết, trĩu nặng u hoài.
Ca sĩ Vân Khanh với giọng nữ trầm tuyệt đẹp đã chạm sâu vào trái tim người nghe đầy nặng trĩu về nỗi lòng của người con tha hương qua ca khúc “Khóc một dòng sông” (Đức Huy), và tiếng hát Vân Khanh cũng thật dìu dặt, tha thiết, dường như khó có gì khỏa lấp được cái bể buồn xa cách muôn trùng khi hát “Em đi rồi” (Lam Phương).
Giọng ca mộc mạc, nhẹ nhàng của Thương Uyển đã đào sâu niềm nhớ khôn nguôi cho người nghe về một Sài Gòn đã xa khi chị thể hiện “Tình khúc cho Sài Gòn” (Vô Thường), chị và La Thăng cùng song ca “Xin đời một nụ cười” (Nam Lộc) thật nhẹ nhàng chạm vào tim người nghe đầy thuyết phục.
Tiếng hát của Thái Uy đã trút nỗi lòng mình qua ca khúc “Ráng Chiều” do chính anh sáng tác. Hình như ai xa quê cũng mang nặng trong lòng những hình ảnh thân thuộc, một cánh cò trắng trên cánh đồng xanh, con đò trên dòng sông quê hương, câu ru ầu ơ của mẹ, con đường làng hiu hắt... mà “Ráng Chiều” của Thái Uy đã diễn tả. Tuy bài hát còn chút thô mộc về giai điệu và ca từ nhưng được chắt lọc từ trái tim chân thành của một kẻ tha hương lang bạt nơi xứ người, nên khán giả đã nhiệt tình cổ vũ Thái Uy sau màn trình diễn của anh.
Tiếng hát của Thương Uyển trong ca khúc “Tình Khúc Cho Sài Gòn” (Vô Thường) cùng phần đệm đàn guitare của Lê Thăng. (Băng Huyền/Viễn Đông)
 
Chất giọng khỏe khoắn, âm vực sâu, quãng rộng của Thương Linh đã chinh phục khán giả khi cô hát Chân Trời Tím (Trần Thiện Thanh) là một ca khúc du dương, êm ái, đậm chất Jazz, thường rất khó thể hiện vì khi hát phải nhấn nhá nhiều. Với bài hát này Thương Linh hát rất nhẹ nhàng, mềm mại, người nghe cảm được cái buồn ẩn chứa trong bài hát, trong tiếng hát của Thương Linh. Và với ca khúc “Hương Xưa” (Cung Tiến), một ca khúc rất kén chọn người hát cũng như người nghe, bởi nó đòi hỏi một trình độ nhạc lý và kỹ thuật trình diễn ở người ca sĩ, người hát phải vững về kỹ thuật thanh nhạc, vừa dày dặn và tinh tế trong cảm xúc khi chuyển tãi ca khúc này. Thương Linh đã thành công khi diễn tả “Hương xưa”, với cách nhả chữ tinh tế, mênh mang, dịu ngọt, đầy cảm xúc khi cô ngân nga.
Những tiếng hát còn lại trong đêm nhạc, Huy Hoàng thể hiện ca khúc Quê Hương bỏ lại (Tô Huyền Vân), Cõi buồn (Anh Bằng), Thái Hoàng hát Hà Nội ngày tháng cũ (Song Ngọc), Áo anh sứt chỉ đường tà (Thơ Hữu Loan, nhạc Phạm Duy), Andy Lê hát “Trả lời thư em” (Trần Quang Lộc), Đường xưa lối cũ (Hoàng Thi Thơ), Phạm Vân An hát Đêm nhớ về Sài Gòn (Trầm Tử Thiêng), Ngô Quang Minh với Biết bao giờ trở lại (Ngô Thụy Miên), Ngô Quang Minh và Vân Anh cùng song ca Nhớ Sài Gòn (Quốc Hùng) đã chinh phục người nghe với tiếng hát trầm ấm hay đằm thắm, ngọt ngào, giàu tính tự sự, thấm đẫm chân thật, nhẹ nhàng. Họ đã hát bằng tất cả trái tim thổn thức của mình, chuyển tãi đến người nghe tiếng lòng của người nhạc sĩ thật nhiều cảm xúc, đem lại cho người nghe sự giao cảm tuyệt vời.
Ca sĩ Thương Linh hát “Chân Trời Tím” (Trần Thiện Thanh). (Băng Huyền/Viễn Đông)

Tài dẫn chuyện của MC Bùi Đường
Nhưng có lẽ những ai có mặt trong đêm nhạc “Tiếng nước tôi” cũng đều đồng ý với nhà văn Bích Huyền (với vai trò là một diễn giả tham dự trong đêm nhạc), trong phần trình bày của bà đôi điều về tâm tình Việt Nam, nỗi niềm của những người Việt lưu vong khi tưởng nhớ về quê hương, nhà văn Bích Huyền đã khen tặng không tiếc lời tài dẫn chuyện tuyệt vời của MC Bùi Đường. Có thể nói MC Bùi Đường là điểm son tuyệt đẹp của đêm nhạc “Tiếng nước tôi”.
 Kết chương trình, với giai điệu mở đầu quen thuộc của bài “Tình ca”, ca sĩ Kim Yến lĩnh xướng đoạn đầu của ca khúc “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi ! Tiếng ru muôn đời”, và các ca sĩ, mỗi người cùng cất vang lên câu hát với nhiều cách bè khác nhau “Tôi yêu tiếng nước tôi”, đã lan tỏa cảm xúc lâng lâng trong trái tim khán giả. Nó như một lời khẳng định của những người Việt xa quê, dù sống nơi xứ người, nhưng vẫn không ngừng yêu “tiếng nước tôi”. Vì yêu “tiếng nước tôi” mà thêm yêu thương dân tộc mình, thêm yêu con người Việt Nam, luôn gìn giữ những bản sắc tốt đẹp của văn hóa Việt thông qua âm nhạc, góp phần tôn vinh cái đẹp của âm nhạc Việt Nam, là một cách để giữ gìn tiếng Việt và nền văn hóa cội nguồn cho thế hệ tiếp nối. Đây cũng là mục đích của câu lạc bộ Tiếng Hát Việt mở ra để mời gọi những em trẻ gốc Việt đam mê âm nhạc đến tham gia vào câu lạc bộ, được học nhạc, học hát tiếng Việt miễn phí. Muốn ghi danh làm thành viên câu lạc bộ Tiếng Hát Việt, xin liên lạc về địa chỉ email Clbtienghatviet@yahoo.com.
(B.H)