Ca sĩ MAI HƯƠNG nhớ về
nhạc sĩ TRỌNG KHƯƠNG | |
Ca sĩ Mai Hương và nhạc phẩm Đôi Guốc Mới của nhạc sĩ Trọng Khương cách nay 60 năm Trần Quốc Bảo Dù rất bận, mỗi thứ sáu trong tuần, ca sĩ Mai Hương đều nhờ chồng trên đường từ sở làm về luôn ghé tiệm mua một tờ Viet Tide để xem nhiều trang tin tức rất hay, trong số đó, có 3, 4 trang văn nghệ thường nhắc về những khuôn mặt âm nhạc Sàigòn ngày cũ. Hai tuần trước, trái tim Mai Hương bồi hồi đập mạnh, khi nhìn thấy một bản tin viết về sự ra đi trong hiu quạnh của nhạc sĩ Trọng Khương, tác giả của những ca khúc Bánh Xe Lãng Tử, Ghen, Đường Vào Tình Sử, Đường Về Nhà Tôi, Nhớ Rừng, Một Lần Cuối, Về Miền Nam.. và đôi mắt chị như rưng lệ khi nhìn thấy trên trang báo in bìa nhạc Đôi Guốc Mới được phát hành năm 1953 của Trọng Khương. Mai Hương cho biết: “Chị rất xúc động vì không ngờ B. còn giữ bài nhạc này. Chị cũng còn giữ một bản gốc với chữ ký của tác giả gửi tặng ngày 12 tháng 1 năm 1953, lúc đó chị mới có 12 tuổi. Lý do Ông ký tặng, vì chị là người đã thu bài hát Đôi Guốc Mới này cho Ban Nhi Đồng của Đài Phát Thanh Quốc Gia lúc ấy do Bác Minh Trang phụ trách. Ban Nhi Đồng tụi chị năm 1953 chỉ có mấy người gồm chị, Đào Nguyệt Ánh, Bửu Minh.. Sau đó, vì Bác Minh Trang vì quá giỏi và rất bận.. Bác Minh Trang vừa là công chức Đài Quốc Gia, vừa là xướng ngôn viên giỏi tiếng Pháp.. nên đã giao lại chương trình phát thanh này cho Mẹ chị là nghệ sĩ Kiều Hạnh chăm sóc. Từ đó, Ban Nhi Đồng sau năm 1953, có thêm một số giọng hát con nít tham gia mà về sau có nhiều người rất nổi tiếng như Bích Chiêu, Tuấn Ngọc, Mai Hân, Quỳnh Giao, Quốc Thắng, Kim Chi.. Trở lại chuyện nhạc sĩ Trọng Khương, ngay từ lúc Mai Hương 12 tuổi (năm 1953), chị đã ghi danh tuyển lựa Giải Ca Sĩ do Đài Phát Thanh Pháp Á (giám đốc Đài này lúc đó là Ông Hoàng Cao Tăng). Từ đó, chị được mời vào Ban Nhi Đồng và thường xuyên được vào Đài thu tiếng hát. Tính từ năm 1953 cho đến biến cố 1975, thì Mai Hương đã có tổng cộng 22 năm kỷ niệm làm việc với Đài Phát Thanh Sàigòn. Mai Hương kể lại: “Đài Phát Thanh Sàigòn là một nơi làm việc rất nghiêm túc và quy củ với những Trưởng phòng uy tín thời đó như các nhạc sĩ Võ Đức Tuyết, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Hiền, Nguyễn Đình Toàn, Thái Thủy (lo mục Tao Đàn và Thi Nhạc Giao Duyên sau khi thi sĩ Đinh Hùng mất). Trong Đài Phát Thanh có nhiều Ban. Ban lo dịch thuật, Ban viết tin tức, Ban lo phát thanh đọc tin, Ban viết bình luận.. riêng Nhạc sĩ Trọng Khương là một nhạc sĩ giỏi, Ông được mời làm việc trong Ban kiểm soát kỹ thuật. Nhiệm vụ của Ông là ngồi nghe, từng nốt nhạc, từng lời ca.. chỗ nào không đúng, Ông bắt ban nhạc hoặc ca sĩ phải dừng lại sửa chữa.. Ngay từ những lần gặp ban đầu đó, Ông đã giao cho Bác Kiều Hạnh bài hát Đôi Guốc Mới và nói “Sẽ rất hạp với giọng ca của bé Mai Hương”. Và Mai Hương đã thu âm ca khúc này vào khoảng đầu năm 1953..” Nghe chị nói đến đây, tôi vội xin lỗi chị để cắt ngang vì sợ quên một điều quan trọng: “Vậy là ca khúc Đôi Guốc Mới đã được ra đời tròn 60 năm. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, chị còn nhớ lời và nhạc của bài hát con nít ngày xưa không.. Hôm đó, giọng chị húng hắng nhiều cơn ho có lẽ vì đau nhưng chị nhận lời ngay.. “Để xem nào..”, và giọng chị cất lên những lời trong Đôi Guốc Mới mà NS Trọng Khương đã viết từ 60 năm trước.. Bài hát như sau: “Em tôi bé tí tì ti Có đôi guốc đẹp, nó thì đem khoe Khoe cùng cô bác chú dì Này chị ơi, bé có cái này xinh lắm cơ Ba vừa đi phố mua về, dặn rằng Đến Tết hãy đi Này chị ơi Bé không muốn để dành đâu, Có rồi, vội mang đi khắp đó đây Khoe cùng bạn bè. Lon ton lon ton Em tôi đi ngay Cũng chẳng cần đợi gì Tết Và đây đó đều vang tiếng Em tôi hát cười.. Em bé tôi mừng Chỉ vì một đôi guốc thôi.. Em bé tôi ơi Ca hát vang lừng Chỉ vì một đôi guốc thôi” Tôi hỏi chị, cái hình nghệ sĩ ngoài bìa Đôi Guốc Mới là ai, đâu phải hình của nhạc sĩ Trọng Khương.. Chị Mai Hương cho biết, thời đó muốn in hình ai là do quyền của Nhà Xuất Bản chứ không phải của tác giả. Đó là ảnh của kịch sĩ Hoàng Hải, người em trai ruột của đại tá Lưu Kim Cương. Ca sĩ A.T có một thời gian lập gia đình với kịch sĩ Hoàng Hải, hình như lúc ấy cô A.T ở Hà Nội về. Tôi nghe Mai Hương hát mà rung cảm trong lòng vô ngần. Tiếng hát chị, hôm nay thật nhí nhảnh vui tươi, hồn nhiên với kỷ niệm của 60 năm trước, cái thuở đi hát dưới cái tên là Bé Mai Hương. Tôi xin một cái hẹn để được phỏng vấn chị trên Đài Truyền Hình VHN trong chương trình 1001 Khuôn Mặt Thương Yêu, cũng như dự tính làm một số báo để tưởng niệm Kịch Sĩ Kiều Hạnh, thân mẫu của chị và cũng là người sáng lập ra Ban Tuổi Xanh, người đã làm tuổi thơ VN chúng tôi say mê từ những ngày còn rất bé ở quê nhà. Dù ở khá xa khu Bolsa, nhưng chị đồng ý để xuống gặp gỡ người viết, hầu có dịp những người yêu quý Kịch Sĩ Kiều Hạnh có dịp được thắp lên những nén nhang thương tưởng đến Bác, dù rất muộn. Cám ơn chị Mai Hương rất nhiều. Những tấm ảnh xa xưa của một thời ca sĩ Mai Hương và Ban Tuổi Xanh xa xưa |
THƯ NGỎ
WELCOME TO TV6269
Các bạn thân mến,
Năm 1962 chúng mình bước vào Trưng Vương bằng những bước chân ngập ngừng của những cô bé lớp Đệ Thất ngây thơ. Rồi 7 năm học trôi qua những kỷ niệm với bạn bè, với Thầy Cô, với lớp học, với ngôi trường yêu dấu đã để lại trong ký ức của chúng mình tình bạn thân thiết và những kỷ niệm êm đềm, mơ mộng của một thời áo trắng TV.
Ngày nay tuy ở khắp mọi nơi, chúng mình đã tìm gặp lại nhau. Xin chào mừng tất cả các bạn và ước mong qua trang Blog Trưng vương 62-69 này sẽ là nơi gặp gỡ thân ái để TV6269 cùng ra chơi, vui đùa như ngày xưa trong sân trường yêu dấu.
TV6269
Các bạn thân mến,
Năm 1962 chúng mình bước vào Trưng Vương bằng những bước chân ngập ngừng của những cô bé lớp Đệ Thất ngây thơ. Rồi 7 năm học trôi qua những kỷ niệm với bạn bè, với Thầy Cô, với lớp học, với ngôi trường yêu dấu đã để lại trong ký ức của chúng mình tình bạn thân thiết và những kỷ niệm êm đềm, mơ mộng của một thời áo trắng TV.
Ngày nay tuy ở khắp mọi nơi, chúng mình đã tìm gặp lại nhau. Xin chào mừng tất cả các bạn và ước mong qua trang Blog Trưng vương 62-69 này sẽ là nơi gặp gỡ thân ái để TV6269 cùng ra chơi, vui đùa như ngày xưa trong sân trường yêu dấu.
TV6269
Wednesday, August 7, 2013
CCA SĨ MAI HƯƠNG và NHỮNG KỶ NIỆM về CỐ NHẠC SĨ TRỌNG KHƯƠNG
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment