Thư Gửi Bạn Ta
Bùi Bảo Trúc
Bùi Bảo Trúc
Bạn ta,
Phụ nữ Việt Nam
mắc một món nợ lớn với ông Nguyễn Cát Tường. Có thể nói tất cả phụ nữ
Việt đều thiếu ông một món nợ không biết đến bao giờ mới trả cho hết
được.
Nhưng thực ra, người ta đang trả ông, cả vốn lẫn lời. Có
thể nói phần lời là phần khá lớn. Bắt chước Winston Churchill khi nhắc
đến các Phi Công của Hoàng Gia Anh hồi Đệ Nhị Thế Chiến và sửa sang lại
chút ít, thì chưa bao giờ lại có quá nhiều người nợ một người là ông
Nguyễn Cát Tường nhiều như thế.
Món nợ ấy vẫn cứ canh cánh bên lòng, mỗi lần họ xỏ tay vào chiếc áo mà ông vẽ kiểu cho họ.
Ông nối những chiếc vạt của chiếc áo tứ thân lại với nhau. Chạy một
hàng cúc bấm ở bên cạnh, thay đổi những cái cổ một chút cho kín lại để
chiếc yếm không còn được dùng nữa và thay thế bằng một món ‘’nội y’’ mới
hơn.
Thân áo cũng do một loại hàng khác mà một nhà thơ, khi ngồi
bên một bến sông nhìn về ánh đèn từ Hà Nội chiếu qua đã thầm mơ đến:
…Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có rạt rào…
(Thơ Quang Dũng)
Dòng lệ thơ ngây có rạt rào…
(Thơ Quang Dũng)
Chính là chiếc áo ông vẽ cho phụ nữ Việt mới tạo ra được một niềm nhớ
thắm thiết như thế. Trước đó, ngay cả chiếc áo của cô bé 15 tuổi trong
chuyến đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp cũng không gây được cái hình
ảnh thiết tha như chiếc áo Lemur.
Mà thật, đôi tà áo của kiểu áo mới đó lập tức tiến vào và ở lại với cái ‘’hôm nao’’ đó:
…áo trắng ngây thơ mộng trắng trong
Hôm nao em đến mắt như lòng…
(Thơ Huy Cận)
Hôm nao em đến mắt như lòng…
(Thơ Huy Cận)
Những chiếc áo của phụ nữ trước đó không bao giờ mang cái mầu trắng
trong đó. Nó có thể đẹp để đi cùng với sợi xà tích, chiếc thắt lưng, đôi
dép cong, chiếc nón quai thao như trong nhũng bức ảnh chụp hồi đầu Thế
Kỷ XX mà nhiều người còn giữ lại được.
Phải chờ đến đôi mắt chỉ
nhìn thấy những cái đẹp và bàn tay của người họa sĩ, chiếc áo của phụ nữ
Việt Nam mới hóa thân được để hai tà của nó có thể ‘’mở khép nghìn tâm
sự’’ và tạo ra những nỗi nhớ như trong Đường Vào Tình Sử của Đinh Hùng:
Hoa nở cô đơn bóng động thềm
Vườn xưa còn thoảng chút hương em
Xót xa lá cỏ vương mùi tóc
Tà áo bay về nhớ suốt đêm…
(Thơ Đinh Hùng)
Vườn xưa còn thoảng chút hương em
Xót xa lá cỏ vương mùi tóc
Tà áo bay về nhớ suốt đêm…
(Thơ Đinh Hùng)
Cái khép mở của tà áo chở theo cái mát của mùa xuân giữa nắng hạ:
Em đem trời đẹp vào trong lớp
Ta thấy đang hè bỗng đã xuân…
(Thơ Bùi Bảo Trúc)
Ta thấy đang hè bỗng đã xuân…
(Thơ Bùi Bảo Trúc)
Nhất định là phải có những cái tà áo. Những cái tà áo ấy , tôi được
nghe kể lại, đã là đầu mối của một mối tình giữa một người phụ nữ còn
rất trẻ vấn tóc trần, chiếc áo trắng cổ thấp kiểu Lemur đứng ở cửa nhà
mỗi sáng và một giáo sinh trường sư phạm ở Hà Nội ngày nào đi ngang trên
đường đi học. Là một sản phẩm của mối tình với tà áo ấy, tôi cũng phải
nhớ ơn ông Họa Sĩ Nguyễn Cát Tường.
Kiểu áo của ông nổi trôi rất
nhiều. Năm 1954, dáng kiều thơm của Hà Nội phải dẹp những chiếc áo tiểu
tư sản đó chỉ sau ít ngày Hà Nội đổi chủ. Cũng như nhiều chiếc áo dài
rất đẹp sau năm 1975 ở miền Nam. Người ta muốn cái đẹp khác. Đẹp là phải
bưng biền, cách mạng, sắt máu, mặt mũi vêu vao, thô kệch như những
người phụ nữ cầm AK lạc lõng ở những con đường Sài Gòn cuối tháng 4, đầu
tháng 5 năm 1975.
Nhưng rồi cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó, vẻ đẹp bưng biền đó không có chỗ đứng, và những chiếc áo dài đã trở lại.
Luôn cả mấy người đàn bà nhà quê từng hô hào dẹp bỏ những chiếc áo dài
ấy cũng lôi chúng ra mặc. Vợ của các lãnh tụ Hà Nội làm mặt trơ lấy
những chiếc áo một thời chính bọn họ đòi dẹp bỏ ra mặc trong những
chuyến xuất ngoai với chồng thay vì khoác trên người những chiếc áo đen
nón tai bèo mà họ từng có thời hết lời ca ngợi.
Cái đẹp đã thắng.
Phụ nữ Việt Nam đã làm cho áo dài Lemur lại trở lại, làm sống trở lại cái đẹp Họa Sĩ Nguyễn Cát Tường vẽ cho họ.
Tuần vừa qua, đã có một buổi trình diễn các kiểu áo mà ông đã vẽ và
đăng trên tờ Ngày Nay hồi thập niên 40. Những phụ nữ trong buổi trình
diễn không ở trong hạng tuổi mười tám đôi mươi mà ở một số tuổi lớn hơn,
trông hệt như mẹ tôi hồi ấy, hình ảnh mà tôi vẫn còn nhớ nhất của mẹ
tôi.
Và vì thế, cả tôi nữa, tôi cũng mắc nợ rất nhiều với Họa Sĩ Nguyễn Cát Tường.
Cám ơn ông nhiều lắm.
Bùi Bảo Trúc
PHƯƠNG LAN hb
09/27/2015
No comments:
Post a Comment