Vào cái tách
Hắn đổ sữa
Vào tách cà phê
Hắn bỏ đường
Vào tách cà phê sữa
Với cái muỗng nhỏ
Hắn quậy tách cà phê sữa
Hắn uống tách cà phê sữa
Hắn đặt cái tách xuống
Không nói với tôi một lời...
Il a mis le café dans la tasse. Il a mis le lait dans la tasse de café. Il a mis le sucre dans le café au lait. Avec la petite cuillière, il a tourné. Il a bu le café au lait. Et il a reposé la tasse, sans me parler...
Hắn đốt
Một điếu thuốc
Thở những vòng tròn
Bằng khói thuốc
Hắn gạt tàn thuốc
Vào cái gạt tàn thuốc
Không nói gì với tôi
Cũng không ngó tôi
Il a allumé une cigarette. Il a fait des ronds avec la fumée. Il a mis les cendres dans le cendrier, sans me parler, sans me regarder...
Hắn đứng dậy
Hắn đội
Cái mũ lên đầu
Hắn khoác lên người chiếc áo mưa
Vì trời đang mưa
Hắn bước đi
Dưới cơn mưa
Không một lời
Cũng chẳng ngó tôi
Tôi ôm lấy đầu
Trong tay
Và khóc
Il s'est levé. Il a mis son chapeau sur la tête. Il a mis son manteau de pluie parce qu'il pleuvait. Et il est parti sous la pluie. Sans une parole. Sans me regarder. Et moi j'ai pris ma tête dans ma main. Et j'ai pleuré.
Ðó là bài Déjeuner du matin của Jacques Prévert, bài thơ theo tôi mãi, ngay từ lần đầu tiên khi một người bạn đọc cho nghe từ thời còn học ở trung học. Cứ mỗi lần ngồi uống ly cà phê buổi sáng, một mình, hay ở một quán ăn, ở Việt Nam, hay ở những nơi ngoài Việt Nam. Suốt mấy chục năm qua. Những buổi sáng lạnh buốt mùa Ðông Canada, miền Ðông Bắc Mỹ hay những năm còn ở Nam Bán Cầu... những câu thơ ấy cứ trở lại với tôi hoài hoài. Hình ảnh người đàn ông bỏ đường vào tách cà phê, lặng lẽ uống một mình, rồi im lặng khoác chiếc áo mưa lên người bước ra ngoài trời mưa, không một lời, cũng không ngó sang người ngồi gần đó, cũng uống tách cà phê buổi sáng.
Người đàn ông uống xong tách cà phê sữa bỏ đi dưới cơn mưa vẫn không một lời. Bài thơ của Prévert vẽ ra một hình ảnh cô đơn đến tội nghiệp. Tôi rất thích bài thơ chính vì cái hình ảnh cô đơn tội nghiệp của người đàn ông đó.
Nhưng gần đây, hình như tôi không còn thấy người đàn ông ấy ở quán cà phê trong bài thơ Prévert nữa thì phải. Người đàn ông lặng lẽ uống ly cà phê không một lời với tôi, rồi bỏ đi dưới cơn mưa nặng hạt. Tôi thấy đã lâu không gặp ông trong những lần ngồi quán nữa. Tôi nhớ ông, nhớ cách ngồi uống tách cà phê, lặng lẽ, không nói gì, cũng không ngó những người ngồi trong quán. Uống xong tách cà phê thì mặc áo, đội mũ ra đi.
Chao ôi là nhớ ông. Nhớ ông và nhớ tách cà phê buổi sáng bình yên của tôi. Nhớ ông không một lời trong suốt những phút ông một mình lặng lẽ với tách cà phê.
Trong khi đó, nhiều người đàn ông, và luôn cả những người đàn bà ở đây thì lại không uống cà phê như ông. Họ cũng đổ sữa vào cà phê, và cũng bỏ đường vào cà phê. Họ cũng uống những tách cà phê của họ. Nhưng họ vặn thật lớn những cái amplifier gắn trong cổ họng của họ lên. Họ giành giật chiếm bằng được diễn đàn để nói lớn điều họ muốn nói trong khi những gì họ gào lên và làm phiền những người không may ngồi trong phạm vi thẩm âm của những cái amplifier của họ thì cũng chẳng đáng để phải nghe bao nhiêu. Mà những người đàn ông, đàn bà có những cái amplifier với công suất mạnh đó thì lại rất đông đảo. Ðầu đường, xó chợ, thiên nhai, hải giác, hàng quán, chợ búa... đâu cũng thấy đông đảo những cái amplifier đó. Những cái lừ mắt, những cái nhìn dirty nhất của tôi cũng không ăn thua gì. Hai hôm trước, bữa ăn sáng của tôi tại một tiệm ăn quen hoàn toàn bị hỏng bởi những cái amplifier đó. Những cái amplifier ở bàn bên cạnh cứ hồn nhiên tranh nhau kể những chuyện không thể nào có những chuyện nào khác vô duyên hơn. Giọng đàn ông xen lẫn giọng đàn bà hồn nhiên đầy cả quán. Cuối cùng thì tôi chịu thua, bỏ dở bữa ăn sáng.
...nói cho vừa mình anh nghe thôi...
Hai người bạn tác giả câu hát trong bài Bên Kia Sông là Nguyễn Ðức Quang và Nguyễn Ngọc Thạch đều đã khuất còn bản Hiến Pháp Mỹ chỉ qui định quyền nói lên những ý nghĩ của người dân mà quên không hạn chế cái volume của những cái amplifier nên những người dân vô tội mới trở thành những nạn nhân khốn khổ như thế này.
Nhớ người đàn ông trong thơ Prévert vô cùng.
Hạnh Quan sưu tầm.
No comments:
Post a Comment