THƯ NGỎ

WELCOME TO TV6269

Các bạn thân mến,

Năm 1962 chúng mình bước vào Trưng Vương bằng những bước chân ngập ngừng của những cô bé lớp Đệ Thất ngây thơ. Rồi 7 năm học trôi qua những kỷ niệm với bạn bè, với Thầy Cô, với lớp học, với ngôi trường yêu dấu đã để lại trong ký ức của chúng mình tình bạn thân thiết và những kỷ niệm êm đềm, mơ mộng của một thời áo trắng TV.

Ngày nay tuy ở khắp mọi nơi, chúng mình đã tìm gặp lại nhau. Xin chào mừng tất cả các bạn và ước mong qua trang Blog Trưng vương 62-69 này sẽ là nơi gặp gỡ thân ái để TV6269 cùng ra chơi, vui đùa như ngày xưa trong sân trường yêu dấu.

TV6269







Friday, May 8, 2015

ĐẮM SAY TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG QUA ĐÊM NHẠC " TIẾNG NƯỚC TÔI"

Đắm say tình yêu quê hương qua đêm nhạc "Tiếng Nước Tôi"
(VienDongDaily.Com - 02/05/2015)
Bài BĂNG HUYỀN
Tối 25-4-2015 tuần qua, đêm nhạc “Tiếng nước tôi” diễn ra tại hội trường VNCR đã đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả trong ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 4. Đêm nhạc là lần ra mắt đầu tiên của câu lạc bộ Tiếng Hát Việt (do nhạc sĩ Huy Cường sáng lập, anh cũng là người phụ trách âm nhạc chính trong đêm nhạc, cùng tiếng đàn guitare của Lê Thăng), và cũng là dịp để mọi người ngồi lại bên nhau cùng tưởng nhớ đến quê hương sau 40 năm phải bỏ nước ra đi. Đã 40 năm rồi, năm nào cũng vậy, tháng 4 mãi luôn là tháng những người tị nạn Việt Nam không thể nào quên. Nhiều người không khỏi bâng khuâng, ngậm ngùi khi nhớ đến Quê Hương, dường như những ngày tháng cũ chưa bao giờ có thể phai nhạt trong ký ức và trái tim của họ. Mặc dù họ đã phải tạm quên trong bao nhiêu năm tháng để mưu sinh, để chăm lo cho con cái, gia đình, và dẫu nỗi đau không còn nhức nhối, nỗi buồn không còn da diết như những năm đầu nơi đất khách, nhưng vết hằn vẫn còn đó trong trái tim những người Việt lưu vong.
Phần trình diễn mở màn của Nga Mi- Trần Lãng Minh qua liên khúc “Tình hoài hương- Tình ca” của Phạm Duy. (Băng Huyền/Viễn Đông)


Đêm nhạc là dịp để người hát chia sẻ với người nghe nỗi lòng, tâm tư của con người Việt Nam, thân phận Việt Nam qua các nhạc phẩm phản ánh từ những góc nhìn, những tình cảm của các nhạc sĩ dành cho quê hương qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Giúp người nghe vẽ lại trong ký ức mình những hình ảnh đẹp nhất của một quãng đời đã sống, về một Quê Hương tươi đẹp đã vĩnh viễn lìa xa. Cũng vì cái duyên ấy, vì cái lẽ ấy, nên rất đông khán giả đã đến dự đêm nhạc, người đến trễ không còn ghế ngồi, phải đứng chen chúc nhau dọc các lối đi, mà vẫn kiên nhẫn ở lại cho đến phút cuối chương trình, còn người đến trễ hơn, không thể len vào được bên trong, đành ngậm ngùi ra về.
 Khán giả trong đêm nhạc. (Băng Huyền/Viễn Đông)
 
Vẻ đẹp trong từng ca khúc và sự hoài nhớ về quê hương
24 ca khúc trong đêm nhạc “Tiếng nước tôi”, trừ 2 ca khúc “Ráng Chiều” của ca sĩ trẻ Thái Uy sáng tác và hát và “Sài Gòn ơi tôi sẽ về” của Trần Lãng Minh sáng tác và hát, còn lại đều là những ca khúc vốn rất quen thuộc với người nghe, nhưng chẳng bao giờ cũ, bởi tình cảm dành cho quê hương của những người Việt ly hương sẽ chẳng bao giờ phai tàn theo thời gian.
Màn kết thúc của đêm nhạc khi tất cả ca sĩ cùng hát vang câu hát “Tôi yêu tiếng nước tôi” trong ca khúc Tình Ca của Phạm Duy. (Băng Huyền/Viễn Đông)
 
Lần lượt từng ca khúc đã được các ca sĩ gửi đến khán giả, với liên khúc Tình ca và Tình Hoài Hương (Phạm Duy), Thuyền viễn xứ (Phạm Duy), Người di tản buồn (Nam Lộc), Lời kinh đêm (Việt Dzũng), Quê hương bỏ lại (Tô Huyền Vân), Tình khúc cho Sài Gòn (Vô Thường), Ráng Chiều (Thái Uy), Xin đời một nụ cười (Nam Lộc), Khóc một dòng sông (Đức Huy), Em đi rồi (Lam Phương), Hà Nội ngày tháng cũ (Song Ngọc), Trả lời thư em (Trần Quang Lộc), Đêm nhớ về Sài Gòn (Trầm Tử Thiêng), Tôi muốn mời em về (Việt Dzũng), Đôi mắt người Sơn Tây (Nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ từ thơ Quang Dũng), Chân trời tím (Trần Thiện Thanh), Áo anh sứt chỉ đường tà (Nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ của Hữu Loan), Đường xưa lối cũ (Hoàng Thi Thơ), Tiếng ru ngàn đời (Huỳnh Anh), Nhớ Sài Gòn (Quốc Hùng), “Biết bao giờ trở lại” (Ngô Thụy Miên), Một lần miên viễn xót xa (Nguyễn Đức Thành), Cõi buồn (Anh Bằng), Hương xưa (Cung Tiến).
24 ca khúc là những gợn sóng vỗ về tâm tưởng người nghe, là những hoài niệm về cố hương, gợi lên nỗi buồn sâu thẳm trong khắc khoải, bùi ngùi của một trang sử dân tộc quá nhiều đớn đau, đó không chỉ là nỗi đau hành trình tị nạn khi Sài Gòn đã mất, mà còn là những trải nghiệm đau buồn của người Việt xa xứ, là nỗi lòng của người ra đi gửi nhớ thương về quê nhà.
Ca sĩ Vân Khanh hát “Em đi rồi” (Lam Phương) . (Băng Huyền/Viễn Đông)

Sự đồng cảm luôn làm con người gần gũi nhau hơn. Đồng cảm trong sự mất mát chia li, đồng cảm trong niềm vui tương ngộ và trong nỗi buồn xa xứ. Hoàn cảnh xa quê mỗi người mỗi khác, thành bại của mỗi một đời người khác nhau nhưng nỗi lòng nhớ quê không có gì khác biệt. Những khán giả đến thưởng thức đêm nhạc và các ca sĩ trong chương trình đều đã tìm được sự đồng cảm bên nhau và cảm xúc ấy tiếp tục lưu giữ thật lâu trong tâm thức mỗi người mỗi khi hoài vọng về quê hương bên kia bờ đại dương.
Nhạc sĩ Huy Cường là người sáng lập câu lạc bộ Tiếng Hát Việt cùng bien tập chương trình đêm nhạc Tiếng Nước Tôi, ca sĩ Kim Yến gửi lời chào khán giả. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Những tiếng hát trong chương trình
Ngay từ giây phút đầu tiên, tiếng hát, tiếng đàn guitare của Trần Lãng Minh và Nga Mi cùng tiếng sáo của nghệ sĩ Ngọc Nôi, đàn keyboard của Huy Cường đã khiến người nghe không khỏi xao xuyến, bâng khuâng trước bức tranh quê được vẽ ra từ nỗi hoài hương, với những ca từ nhẹ nhàng, êm ái như xuyên thấu vào chỗ thẳm sâu nhất trong mỗi con tim người Việt. Khơi dậy những tình cảm sáng trong dành cho quê hương xứ sở; cho “tiếng nước tôi”, là thứ tiếng đẹp nhất, phong phú nhất, thiêng liêng nhất với mỗi người dân Việt; là âm thanh diễn đạt của hồn Việt, trở thành một gia tài vô giá với những người Việt ly hương, qua liên khúc “Tình hoài hương và Tình ca” của Phạm Duy. Những đoạn ngân dài tha thiết, những đoạn nhấn nhá, luyến láy trogn liên khúc này đều được Nga Mi thể hiện rất thành công. Mở đầu phần 2, Nga Mi và Trần Lãng Minh tiếp tục rung lên những sợi dây xúc cảm trong khán giả qua phần diễn ngâm bài thơ “Đôi Bờ” (thơ Quang Dũng) của Trần Lãng Minh kết hợp với phần hát của Nga Mi thật truyền cảm ca khúc “Đôi mắt người Sơn Tây” (Nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ từ thơ của Quang Dũng).
MC Bùi Đường. (Băng Huyền/Viễn Đông)
Tiếng hát của Trần Kim Yến dẫu luyến láy chưa thật điêu luyện, nhưng chị cũng đã chuyển tải được phần nào tình cảm như sóng trong lòng người thương nhớ quê hương, qua ca khúc “Thuyền Viễn Xứ” (Thơ Huyền Chi, nhạc Phạm Duy) và thật da diết, sâu lắng khi hát “Tiếng ru ngàn đời” (Huỳnh Anh).
Vũ Hiền đã không thành công khi hát “Người di tản buồn” (Nam Lộc), ca khúc không vui nhưng đôi chỗ chị lại mỉm cười với người quen bên dưới sân khấu, và còn tạo dáng để chụp hình. Chị đã không đặt hết tâm trạng và cảm xúc của mình vào ca khúc, nên tiếng hát của chị đã không lưu lại trong tim người nghe.
Kim Yến đầy tâm trạng, khắc khoải khi thể hiện “Lời kinh đêm” (Việt Dzũng), chỉ tiếc là giọng hát chắc khỏe đầy rung cảm của chị khi hát ca khúc này có đôi chỗ bị nghẹn lại ở những nốt trầm, nghe không rõ lời, giá như chị tiết chế được giọng hát đầy “lửa” của mình chút nữa thì cảm xúc người nghe sẽ tròn đầy hơn. Nhưng khi chị hát “Một lần miên viễn xót xa” (Nguyễn Đức Thành), chị đã chinh phục người nghe với tất cả sự da diết, trĩu nặng u hoài.
Ca sĩ Vân Khanh với giọng nữ trầm tuyệt đẹp đã chạm sâu vào trái tim người nghe đầy nặng trĩu về nỗi lòng của người con tha hương qua ca khúc “Khóc một dòng sông” (Đức Huy), và tiếng hát Vân Khanh cũng thật dìu dặt, tha thiết, dường như khó có gì khỏa lấp được cái bể buồn xa cách muôn trùng khi hát “Em đi rồi” (Lam Phương).
Giọng ca mộc mạc, nhẹ nhàng của Thương Uyển đã đào sâu niềm nhớ khôn nguôi cho người nghe về một Sài Gòn đã xa khi chị thể hiện “Tình khúc cho Sài Gòn” (Vô Thường), chị và La Thăng cùng song ca “Xin đời một nụ cười” (Nam Lộc) thật nhẹ nhàng chạm vào tim người nghe đầy thuyết phục.
Tiếng hát của Thái Uy đã trút nỗi lòng mình qua ca khúc “Ráng Chiều” do chính anh sáng tác. Hình như ai xa quê cũng mang nặng trong lòng những hình ảnh thân thuộc, một cánh cò trắng trên cánh đồng xanh, con đò trên dòng sông quê hương, câu ru ầu ơ của mẹ, con đường làng hiu hắt... mà “Ráng Chiều” của Thái Uy đã diễn tả. Tuy bài hát còn chút thô mộc về giai điệu và ca từ nhưng được chắt lọc từ trái tim chân thành của một kẻ tha hương lang bạt nơi xứ người, nên khán giả đã nhiệt tình cổ vũ Thái Uy sau màn trình diễn của anh.
Tiếng hát của Thương Uyển trong ca khúc “Tình Khúc Cho Sài Gòn” (Vô Thường) cùng phần đệm đàn guitare của Lê Thăng. (Băng Huyền/Viễn Đông)
 
Chất giọng khỏe khoắn, âm vực sâu, quãng rộng của Thương Linh đã chinh phục khán giả khi cô hát Chân Trời Tím (Trần Thiện Thanh) là một ca khúc du dương, êm ái, đậm chất Jazz, thường rất khó thể hiện vì khi hát phải nhấn nhá nhiều. Với bài hát này Thương Linh hát rất nhẹ nhàng, mềm mại, người nghe cảm được cái buồn ẩn chứa trong bài hát, trong tiếng hát của Thương Linh. Và với ca khúc “Hương Xưa” (Cung Tiến), một ca khúc rất kén chọn người hát cũng như người nghe, bởi nó đòi hỏi một trình độ nhạc lý và kỹ thuật trình diễn ở người ca sĩ, người hát phải vững về kỹ thuật thanh nhạc, vừa dày dặn và tinh tế trong cảm xúc khi chuyển tãi ca khúc này. Thương Linh đã thành công khi diễn tả “Hương xưa”, với cách nhả chữ tinh tế, mênh mang, dịu ngọt, đầy cảm xúc khi cô ngân nga.
Những tiếng hát còn lại trong đêm nhạc, Huy Hoàng thể hiện ca khúc Quê Hương bỏ lại (Tô Huyền Vân), Cõi buồn (Anh Bằng), Thái Hoàng hát Hà Nội ngày tháng cũ (Song Ngọc), Áo anh sứt chỉ đường tà (Thơ Hữu Loan, nhạc Phạm Duy), Andy Lê hát “Trả lời thư em” (Trần Quang Lộc), Đường xưa lối cũ (Hoàng Thi Thơ), Phạm Vân An hát Đêm nhớ về Sài Gòn (Trầm Tử Thiêng), Ngô Quang Minh với Biết bao giờ trở lại (Ngô Thụy Miên), Ngô Quang Minh và Vân Anh cùng song ca Nhớ Sài Gòn (Quốc Hùng) đã chinh phục người nghe với tiếng hát trầm ấm hay đằm thắm, ngọt ngào, giàu tính tự sự, thấm đẫm chân thật, nhẹ nhàng. Họ đã hát bằng tất cả trái tim thổn thức của mình, chuyển tãi đến người nghe tiếng lòng của người nhạc sĩ thật nhiều cảm xúc, đem lại cho người nghe sự giao cảm tuyệt vời.
Ca sĩ Thương Linh hát “Chân Trời Tím” (Trần Thiện Thanh). (Băng Huyền/Viễn Đông)

Tài dẫn chuyện của MC Bùi Đường
Nhưng có lẽ những ai có mặt trong đêm nhạc “Tiếng nước tôi” cũng đều đồng ý với nhà văn Bích Huyền (với vai trò là một diễn giả tham dự trong đêm nhạc), trong phần trình bày của bà đôi điều về tâm tình Việt Nam, nỗi niềm của những người Việt lưu vong khi tưởng nhớ về quê hương, nhà văn Bích Huyền đã khen tặng không tiếc lời tài dẫn chuyện tuyệt vời của MC Bùi Đường. Có thể nói MC Bùi Đường là điểm son tuyệt đẹp của đêm nhạc “Tiếng nước tôi”.
 Kết chương trình, với giai điệu mở đầu quen thuộc của bài “Tình ca”, ca sĩ Kim Yến lĩnh xướng đoạn đầu của ca khúc “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi ! Tiếng ru muôn đời”, và các ca sĩ, mỗi người cùng cất vang lên câu hát với nhiều cách bè khác nhau “Tôi yêu tiếng nước tôi”, đã lan tỏa cảm xúc lâng lâng trong trái tim khán giả. Nó như một lời khẳng định của những người Việt xa quê, dù sống nơi xứ người, nhưng vẫn không ngừng yêu “tiếng nước tôi”. Vì yêu “tiếng nước tôi” mà thêm yêu thương dân tộc mình, thêm yêu con người Việt Nam, luôn gìn giữ những bản sắc tốt đẹp của văn hóa Việt thông qua âm nhạc, góp phần tôn vinh cái đẹp của âm nhạc Việt Nam, là một cách để giữ gìn tiếng Việt và nền văn hóa cội nguồn cho thế hệ tiếp nối. Đây cũng là mục đích của câu lạc bộ Tiếng Hát Việt mở ra để mời gọi những em trẻ gốc Việt đam mê âm nhạc đến tham gia vào câu lạc bộ, được học nhạc, học hát tiếng Việt miễn phí. Muốn ghi danh làm thành viên câu lạc bộ Tiếng Hát Việt, xin liên lạc về địa chỉ email Clbtienghatviet@yahoo.com.
(B.H)

No comments:

Post a Comment