THƯ NGỎ

WELCOME TO TV6269

Các bạn thân mến,

Năm 1962 chúng mình bước vào Trưng Vương bằng những bước chân ngập ngừng của những cô bé lớp Đệ Thất ngây thơ. Rồi 7 năm học trôi qua những kỷ niệm với bạn bè, với Thầy Cô, với lớp học, với ngôi trường yêu dấu đã để lại trong ký ức của chúng mình tình bạn thân thiết và những kỷ niệm êm đềm, mơ mộng của một thời áo trắng TV.

Ngày nay tuy ở khắp mọi nơi, chúng mình đã tìm gặp lại nhau. Xin chào mừng tất cả các bạn và ước mong qua trang Blog Trưng vương 62-69 này sẽ là nơi gặp gỡ thân ái để TV6269 cùng ra chơi, vui đùa như ngày xưa trong sân trường yêu dấu.

TV6269







Thursday, November 24, 2016

GẶP LẠI SÀI GÒN

GẶP LẠI SÀI GÒN
-------------------------
thuyvi
Sài Gòn đối với tôi là giấc mơ đẹp. Ở đâu, đi đâu tôi cũng nhớ Sài Gòn, mặc dù nhớ gì không biết, không làm sao giải thích. Nỗi nhớ có khi chỉ là nỗi nôn nao nghĩ tới những con đường. Những hàng cây lất phất lá bay. Những tiếng còi xe reo vui lảnh lót. Những người qua lại. Những phố phường tấp nập. Những cửa hàng sáng rỡ. Những bông hoa. Những khuôn mặt dịu dàng của một mùa xuân quá khứ. Nhớ cái nắng . Cái nắng hanh hao của Sài Gòn. Nhớ những cây mưa. Cây mưa của Sài Gòn hình như không nơi nào giống. Sau những tuần nắng nóng ngột ngạt oi bức khó chịu. Trời chuyển tối sầm, sấm vang, chớp giựt đùng đùng, loang loáng, đất trời Sài Gòn chuyển động, nháng lửa, gió lớn, cây lá vặn mình, những đường dây điện Sài Gòn đong đưa, cả thành phố nín thở chờ đợi, bầu trời vỡ bung, nước đổ xuống sầm sập. Mưa..! Mưa..! Không khí nhẹ đi. Mát rượi. Người Sài Gòn thở ra khoan khoái. Ôi.. phải được sống ở Sài Gòn mới có cái thống khoái chờ, và thấy, và hưởng cái khoái lạc khi cơn mưa đầu mùa đổ xuống trên mái nhà, mưa tuôn xuống ầm ĩ một giòng thác lũ.
Tôi nhớ những con đường cụt có hai hàng cây phủ um bóng mát Tôi nhớ những góc phố xưa. Tôi hy vọng người ta chưa xử tệ nó. Những con đường ngắn đủ để đi bộ. Những con đường ngắn châu đầu nhau nơi góc nhà thờ như câu thơ Haiku. Đẹp. Vài chữ đã xuống dòng. Những con đường ngắn. Khi chân vừa mỏi, kịp để dừng lại trước bức tượng Đức Bà bằng cẩm thạch trắng do nhà điêu khắc lừng danh G. Ciocchetti tạc tại Ý. Đứng hồi lâu cho trái tim đập chậm lại vì nỗi choáng váng của một cơn vui bất ngờ. Tôi tiếp tục bước. Bước thật chậm. Bước một vòng. Cơn vui như càng huyên náo khi thấy từng viên gạch trần đỏ au của ngôi thánh đường còn y nguyên. Thèm được ngồi xuống nơi bậc tam cấp nơi toà Bưu điện. Có khi ngồi đó nhìn người Sài Gòn loang loáng trước mắt. Hoặc để hy vọng bắt gặp lại mùi thơm của từng khuôn Pâté Chaud vàng ngậy năm nào nơi góc đường. Có khi chỉ ngồi là để ngồi. Có khi là để đợi. Đợi một buổi chiều đi qua. Đợi mặt trời nồng nàn đi qua, những vách tường màu gạch tôm cao ngất của khu Thánh đường sáng lên bỡ ngỡ. Và trời, trời như một ngày nào trẻ thơ cao vút mênh mông trên đầu tôi – như trang trải của mộng mơ và tình tự.
Tôi đứng lên. Lách qua dòng xe, ngoái đầu kịp nhìn chiếc đồng hồ trước vòm mái còn nằm trên bệ gạch giữa hai tháp chuông. Tôi không biết nó còn chạy không. Tôi không hy vọng nó chạy đúng giờ, nhưng tôi mong cái đồng hồ được làm từ năm 1877 chưa bị thay đổi. Xin đừng thay đổi. Hãy để đó. Xin hãy giữ một chút Sài Gòn quá khứ của tôi. Tôi rưng rưng nấn níu nhìn khối kiến trúc đồ sộ như sợ nó biến mất, rồi nép mình dọc theo hè phố. Tôi như bị vây bọc bởi những âm thanh điên cuồng chói tai trên đường phố, nơi có từng đàn xe khổng lồ, người người tay chân mặt mũi bị bịt kín chỉ còn chừa đôi mắt đổ tới, lao nhanh tủa ra các hướng với đủ kiểu. Không ai cần quan tâm chú ý gì tới các bảng hiệu đi đường, đèn tín hiệu, hay thậm chí một chút ít trật tự trong một khung cảnh hỗn loạn ồn ào. Chung quanh tôi nhộn nhạo xe cộ, người, bụi, khói và tiếng ồn. Tôi phải trông chừng khi có vài chiếc xe gắn máy vọt lên vỉa hè, lanh lẹ né tránh những đám người đi bộ và biến tuyến vỉa hè của thành phố này thành một làn đường nhỏ cho xe qua lại. Nổi lên trong dòng người xe chuyển động rùng rùng.
Về Sài Gòn, tôi bỗng nhớ khôn nguôi mặt vỉa hè ngày trước kẻ ô vuông nhỏ và hai hàng gốc me già xanh ngắt, trên đầu lá rơi lắc rắc mát rượi khắp lối đi. Mỗi buổi sáng vỉa hè được những người phu quét đường gom sạch lá me rụng, các nút chai, giấy vụn gom thành đống nhỏ. Tôi đi một hồi chợt thấy như mình lạc lối. Lâu quá rồi có thể lạc lối không? Có thể lạc mất lối rồi. Tôi lộn tới lộn lui. Khu công viên như một vườn treo đâu. Không, và đúng là tôi đã dừng chân lưng chừng một con dốc khu vườn xưa đây mà. Ngay sau lưng là ngôi thánh đường. Góc phải bên kia là quán Cái Chùa ngày xưa tôi thường ghé vừa thưởng thức tách trà thơm lừng mùi chanh vừa để tôi nhìn say mê những cội cây cổ thụ trong công viên còn giữ nguyên vẻ đẹp còn hoang sơ ngay trước mắt. Tôi sẽ nhớ, mãi mãi, cái cảm giác của tôi lúc này là một nhói buốt kinh hoàng ở ngực. Cái nhói buốt như thất vọng, như giận dữ vì lần đầu tiên tôi nhìn thấy một bằng chứng cụ thể về sức tàn phá hủy hoại tàn nhẫn ghê gớm khủng khiếp lẫn ngu si của cái mà người ta vẫn gọi là trùng tu. Qua bao nhiêu năm, tôi vẫn hình dung ra được chỗ này, nhớ được ngay tức khắc dù cảnh cũ đã đổi thay.Tôi còn nhớ ở gần một bậc thang, lối lên công viên, nơi bờ tường ốp đá tảng theo kiểu tổ ong, có một tấm bảng bằng gang khắc dòng chữ kỷ niệm ngày khánh thành công viên này. Đó là năm 1924. Do một nghệ sĩ người Pháp thiết kế. Miếng gang đó bây giờ người ta quăng nó đâu rồi?
Tôi đứng thật lâu nơi lớp gạch nguội lạnh. Những mảng cỏ dưới chân tôi. Tôi cảm thấy từng tấc đất đá, từng bụi cây, từng mảng cỏ đang nhìn lên. Cái nhìn thăm thẳm chăm chú lại như con mắt to đen ngỡ ngàng của tôi nhìn vào sự tàn lụi, phá nát. Chúng nói gì? Chúng muốn nói gì với tôi? Nhà văn Pháp đã từng nói cảnh vật thiên nhiên an ủi được mọi thứ. Cảnh vật thiên nhiên mà ông nói đó đã thay đổi rồi. Thay đổi thật dễ sợ. Những cây đa cổ thụ buông thỏng những chùm rễ sắc lục một màu xanh thẫm của dân Sài Gòn đã bị đốn vụn hay móc gốc mang về làm của riêng của ai rồi. Những thân cây phong da mốc thếch, cao vút tàn lá xum xuê đong đưa mát rượi một khoảng trời đâu rồi. Chim chóc giờ im lìm, chỉ nghe tiếng tôi vọng nghe rên xiết thật thê lương. Phút này, cái phút này, tôi như bị gió bủa vây, người chập choạng lao đao. Tại sao người ta làm vậy? Tại sao họ lật nhào cả một cụm rừng công viên nghệ thuật hiếm hoi giữa một Sài Gòn chật chội để cắm trên đó một toà nhà diêm dúa xanh xanh đỏ đỏ. Tôi tin người Sài Gòn phẫn nộ. Người Sài Gòn xót xa như tôi. Tôi bỗng tức tối. Tại sao tôi đứng đây? Tôi về đây?
Lòng tràn đầy những ý tưởng thất vọng do trở về muộn màng không kịp nhìn những nơi chốn thân yêu. Tôi cảm thấy mệt, thấy chán nản như vừa trãi qua một cuộc hành trình không vui vẻ. Lòng lại tràn ngập nỗi thất vọng trước những cảnh cũ không còn. Những quán càphê của một thời SàiGòn không còn như La Pagode, quán cà phê Cái Chùa nằm trên góc chỗ ngả tư Lê Thánh Tôn và Tự Do. Nhớ Givral từng được đem vào tác phẩm văn học của Graham Greene – Givral cũng được xuất hiện trong trường đoạn của cuốn phim Người Mỹ Trầm Lặng cũng bị phá bỏ rồi. Nhớ Brodard bây giờ thay kiểu, đổi màu mất tên. Những nơi này đã ghi dấu nhiều nghệ sĩ lẫy lừng trong văn học, thi ca, họa sĩ, phim kịch, nghệ thuật cùng những nhân vật tai mắt trong chính trường, xã hội của Sài Gòn một dạo - Những nơi này lẽ ra phải được giữ gìn. Như Paris giữ gìn Les Deux Margots nơi các văn nhân, triết gia Jean Paul Sartre một thời hay đến. Mặc dù tôi cũng biết Hoàng Gia. Quán Gió. Chiều Tím. Quán Văn. Thằng Bờm biến mất. Passage Eden có rạp ciné Eden 2 tầng lầu xưa nhất Sàigòn đang hấp hối, hay tan tành trong đống gạch vụn. Building Tax. Crystal Palace. Rex đã được tô phết. Trùng tu – Tôi không có cảm tình với hai chữ này - Với tôi, trong xã hội này nó vừa đồng nghĩa với hủy diệt, với xa lạ, với xót xa. Tất cả không còn là những mắt nhìn thân quen của tôi xưa. Của một thuở Trà Hoa Nữ lãng mạn do Greta Garbo và Robert Taylor đóng. Love Story với Ali Mc Graw đóng… Tôi nhớ tha thiết Thanh Bạch. Nước mía Viễn Đông. Hẻm bún chả Casino. Nhà sách Khai Trí. Nhà sách Xuân Thu tức Albert Portail cũ… Tôi buồn rầu khêu dậy trong lòng mình những dấu vết thấp thoáng tàn phai của một thời đại mà cái hồn nhiên đã thành kỷ niệm. Tôi nghĩ đến khoảng thời gian không cùng ấy với sự đổi thay rộng lớn của cuộc đời và của con người. Tôi nghĩ đến những tầng lớp của biến chuyển tàn nhẫn, đảo lộn ghê gớm, đến cái độ tan biến hoàn toàn những dấu vết cũ. Con đường cũ. Và kỷ niệm phải chăng chỉ là một hình ảnh trừu tượng.

Tôi bước tới dòng sông lồng lộng gió, Dòng sông mơ màng. Hình ảnh cơn gió làm sóng nước lăn tăn khiến những người một thời ra cầu tàu hóng gió không bao giờ nhạt nhoà trong trí. Dòng sông có những con tàu đang chờ dời bến ra khơi. Bên kia đường là toà nhà cao nhiều tầng phô mầu xám trên những mặt phẳng đứng gồ dẹp xen giữa những khung cửa rộng sau bao lơn phơi những mảnh quần áo đầy màu sắc như những lá cờ đỏ rần rần khắp các lối đi. Một vài khung cửa mở thấy hiện khoảng trống mờ của phòng ở trên cao. Những khuôn mặt đàn ông thanh niên lô xô đứng ngoài bao lơn hút thuốc lá ngắm phố. Tôi không muốn trở lui con đường cũ. Tôi đi thêm một quảng đường mê man như người say nắng. Đẩy cửa kính của một nhà hàng ăn uống giải khát. Bước vào ngẩn ngơ. Ngồi xuống một chiếc ghế gần cửa kính. Tôi thấy những bông hoa bằng vải bám xỉn bụi đặt trên bàn. Quay sang thấy tôi trong khung kiếng cửa sổ. Cái thoáng hình ảnh tôi thấy tôi lạc lõng như cơn gió lạnh đến giữa mùa Hè. Cuộc đời mênh mông kệch cỡm dàn trải bên ngoài sao quá xa lạ với tôi. Dĩ vãng như những ước hẹn mông lung, những đợi chờ vô vọng, những dang dở ngậm ngùi. Nơi này, sự sống hoa bướm cũ thật không còn nữa. Tôi nghĩ đến những người bỏ đi. Đến những người ở lại. Đến những người mới đến. Đến tự do của con người. Đến tất cả chúng tôi. Xúc cảm dâng lên làm tôi nghẹn ngào muốn khóc.
Trong nhiều ngày, tôi sẽ bị cầm chân ở đây, sẽ phải chạm mặt với những kẻ không mấy ưa thích. Sài Gòn của tôi là một miền kỷ niệm. Một giai đoạn quá khứ. Tôi buồn rầu khi nghĩ Sài Gòn bây giờ chẳng còn lưu một chút gì của mùi hương quá khứ.
Sài Gòn của tôi chỉ trong mộng tưởng. Thế thôi !
Lê Hùng.

No comments:

Post a Comment