Cũng thời niên thíếu, tôi rất yêu thích những bài hát của cố nhạc sĩ Vũ Thành như "Nhặt cánh sao rơi", "Nhớ bạn" . Tôi để ý thấy trong những bài hát của mình, ông Vũ Thành chả bao giờ dùng chữ "em" khi nói đến hình ảnh một người con gái. Chữ "em" hiếm hoi mà ông sử dụng thì lại để chỉ ... Hà Nội, trong bài "Giấc mơ hồi hương"! Có lần ngồi chuyện vãn với ông, tôi có nêu nhận xét ấy . Mẩu đối thọai như sau (ông nói trước):
- Cái bài "Nhặt cánh sao rơi " ấy mà
- Dạ!
- Ngày ấy tôi có cô em họ. Chiều chiều hai anh em thường theo nhau ra bờ sông, ngồi trên bãi cát ven sông. Có lần, lúc đêm đã xuống, có một ánh sao đổi ngôi, tôi chỉ về hướng ấy và nói: "Người bên phương Tây họ bảo là khi thấy sao đổi ngôi, mình ước gì thì đuợc nấy"! Cô em của tôi nghe có vẻ tin tưởng lắm, nói: "Lần sau thấy sao đổi ngôi thì em sẽ ước!" Tôi nói: "Ừ, mà ước nhanh nhanh một chút, bởi sao rơi thì nó nhanh lắm!" Mấy hôm sau, cũng một buổi chiều như thế, hai anh em lại ngồi trên bờ cát ở ven sông, và khi đêm vừa xuống thì chợt có ánh sao đổi ngôi! Cô em tôi lúc ấy thần hồn nát thần tính, buột miệng nói cái câu mà hàng ngày cô vẫn nói với ông bố: "Mời thầy xơi cơm!"
Kể xong thì cả ông lẫn tôi đều cười. Ông cười không giòn giã như tôi bởi đối với ông thì đấy là kỷ niệm cũ kỹ, và cười khẽ xong mấy tiếng thì vẻ mặt ông lại lắng xuống.
"..Tay trong tay, đôi lòng xao xuyến, ta cùng theo dõi ánh sao dời ngôi long lanh!.." Trong bài "Nhặt cánh sao rơi" có câu như thế! Và ở đọan kết: " Màn đêm xuống lạnh gió heo may về! Màn đêm xuống chạnh nhớ bao lời thề! Bạn còn lạc loài phương Bắc sống trong thương đau, đêm sao canh dài, mộng thấy nhau?"
Tác giả không có kỷ niệm như ông đã kể thì lấy đâu ra bài "Nhặt cánh sao rơi"? Mà ai có yêu thích những bài hát của Vũ Thành (ông viết chỉ dăm ba bài để lại với đời thôi), nhất là bài "Nhớ bạn", thì nếu để ý sẽ thấy ngay là bóng dáng người thiếu nữ ông gọi bằng "bạn" trong những bài đó chẳng ai khác hơn là cái cô "Mời thầy xơi cơm" nọ!
(Trích Đàng sau những bài hát - Thanh Trang)
Nhặt Cánh Sao Rơi (Vũ Thành) - Kim Tước ca
No comments:
Post a Comment